Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ? Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.
Gợi ý suy niệm
Hôm nay, nhóm Sađốc đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giêsu.
Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.
Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi.
Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.
Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
Để trả lời cho họ, Đức Giêsu trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Maisen đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.
Đức Giêsu luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sađốc đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn trả lời thêm cho biết trật tự, cách tổ chức, cách thế hiện hữu của cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này, để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải cưới vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước trời như các thiên thần, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.
Nói chung, trên mọi bình diện, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ vì sự thật có sự sống lại, nhưng Chúa không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi như thế nào và vào lúc nào là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Đức Giêsu đã không giải thích, không mặc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô Phục sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Đức Giêsu đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau.
Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần.
Tất cả cuộc sống chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu và sự sống mai hậu.
Tất cả những nỗ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người và đã có những mối giây thân tình của loài người: tình gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình quê hương…
Những dịu ngọt của tình yêu thế trần là điều tốt đẹp. Tuy thế, Chúa cũng đã thấy giới hạn của nó: đã có những người đồng hương đòi ném đá Chúa, đã có Giuđa bán Chúa ba mươi đồng bạc. Chúa muốn thăng hoa những mối tình loài người để con người đạt tới niềm vui trọn vẹn. Chúa dạy con cách mặc cho tình yêu nhân loại một chiếc áo siêu nhiên: đó là mến thương nhau vì Chúa.
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mở ra cho con niềm hy vọng cuộc sống mai sau. Hôm nay, con đang vui với bao tình cảm trên đời để có được một hạnh phúc tương đối, nhưng mai sau nơi Thiên quốc, con sẽ đạt tới hạnh phúc vững bền trọn vẹn trong mối tình thiêng liêng trường cửu. Nơi cuộc sống mai sau, các giới hạn cha con, vợ chồng, bạn bè thân thích… đều được phá vỡ để con được thưởng nếm tình yêu Chúa và tình bác ái đại đồng.
Lạy Chúa, trong cuộc sống hôm nay, xin Chúa giúp con vì Chúa mà thương cha mẹ, vì Chúa mà thương con cái, vì Chúa mà vợ chồng thương nhau, vì Chúa mà thương cả người xa lạ, thậm chí vì Chúa mà thương cả kẻ thù. Con cố gắng sống như vậy để tập sống cảnh thiên đàng trong tình yêu thương chan hòa. Amen.