Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Gợi ý suy niệm
Qua trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Marcô đã thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đã chữa lành cho một bệnh nhân vừa ngọng vừa điếc. Câu chuyện kể lại mang đậm nét “tình Chúa, tình người”.
Trước hết là “tình người”: dân chúng biết tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, có lẽ anh ta đã vô phương cứu chữa nên chấp nhận với thân phận bệnh tật của mình. Thấy tình cảnh thương tâm như vậy, những người xung quanh muốn giới thiệu cho anh biết một vị lương y đó chính là Đức Giêsu, và họ nghĩ là vị lương y này có thể chữa lành bệnh cho người vừa ngọng vừa câm. Thế là họ đã dẫn bệnh nhân đến với Đức Giêsu và xin Chúa cứu chữa cho anh.
Tin mừng thuật lại như sau: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh”.
Tình người là ở chỗ khi thấy người anh em của mình gặp khó khăn, cho dù người đó như thế nào, cho dù người đó cùng niềm tin với mình hay không, thì mình vẫn ra tay tìm cách giúp đỡ họ. Điều này rất cần được chúng ta thể hiện trong tình cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn ra hết sức nguy hiểm, khi những anh chị em đang rơi vào hoàn cảnh bi đát như: khủng hoảng vì bị nhiễm bệnh COVID-19; khủng hoảng vì thiếu lương thực… Họ cầu cứu chúng ta, hoặc chúng ta biết họ đang gặp khó khăn, chúng ta đừng ngại ngùng chia sẻ cho họ tình thương để họ được an ủi. Tình người được thể hiện qua các cử chỉ hành động như: lời hỏi thăm, lời động viên, chia ít nắm gạo, ít thức ăn… đó là chúng ta đang thể hiện tình người.
Là những Kitô hữu, khi “tình người” được hướng lên Thiên Chúa, thì chúng ta đang biểu lộ tình thương của mình dành cho Chúa nữa chứ không chỉ dành cho những anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Điều này được chính Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25,31-46).
Thứ hai là “tình Chúa”: Khi những người khác đem bệnh nhân đến để nhờ Chúa cứu chữa, Chúa liền đón nhận họ và ra tay cứu chữa họ ngay lập tức. Tin mừng kể lại như sau: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.
Khi dân chúng dẫn người bệnh đến để xin Chúa cứu chữa, Chúa không hỏi bệnh nhân là anh có đạo không? Chúa không nói với bệnh nhân là sau khi ta cứu chữa anh, anh phải tin vào Ta… nhưng Chúa chỉ dặn dò anh ta và đám đông là không được kể lại chuyện này với ai.
Thiên Chúa là tình yêu.
Người luôn yêu thương chúng ta, vì yêu thương chúng ta nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh.
Người mãi mãi yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta như thế nào thì Chúa vẫn luôn yêu thương chúng ta.
Quan trọng là chúng ta có biết đáp lại tình thương của Chúa và đón nhận sự giúp đỡ của người khác dành cho chúng ta hay không! Amen.