1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Inhaxiô Loyola qua đời tại Roma ngày 31 tháng Bảy năm 1556 và được phong thánh năm 1622. Ngài đã sống trong một thời kỳ nổi bật chủ nghĩa lạc quan nhân bản và chủ trương sức mạnh cá nhân vốn là đặc trưng của phong trào baroque.
Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491, là con thứ mười một trong một gia đình hiệp sĩ nổi tiếng vùng Basque, Tây Ban Nha. Sau một thời gian sống tại triều đình ở Castille và một thời thanh xuân không mấy đáng khích lệ, Inigo gia nhập quân ngũ. Bị thương nặng trong cuộc vây hãm Pampelune (1521) do François IV tấn công, Inigo đành phải chịu đựng một giai đoạn dưỡng thương dài tại lâu đài gia đình. Trong thời gian dưỡng thương bắt buộc, cậu mê say đọc các tiểu thuyết hiệp sĩ và cả một số tác phẩm về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh. Được Ơn Chúa thúc đẩy, Inigo de Loyola trở lại vào chính năm Luther bị khủng hoảng, rút lui về lâu đài Wartburg ở Đức. Từ đây cuộc đời Inigo bước qua nhiều chặng đường khác nhau. Trước tiên là Catalogne, tại đây Inigo dừng chân trong một buổi canh thức theo tập tục người hiệp sĩ, trước tượng Đức Mẹ ở Montserrat. Tiếp đến, tại Manrèse, trong một hang đá, ngài bắt đầu ghi những điểm đầu tiên trong cuốn Linh thao sẽ là cơ bản cho linh đạo của Dòng Tên. Năm 1523, ngài hành hương sang Jérusalem. Từ 1524 đến 1527, theo học ở Tây Ban Nha, buổi đầu ở Barcelone, về sau ở Salamanque. Tại Barcelone, bị coi là “người ảo tưởng”, Inigo bị bỏ tù, cũng như sau này ở Salamanque bị tố cáo là “tâm thần”.
Năm 1528, Inigo đến Paris, ở đó đến 1535, ban đầu là sinh viên, về sau là “tiến sĩ nghệ thuật” (maýtre ès arts) (dạy triết học). Chính tại Paris năm 1534, Thánh Inhaxiô thâu nhận các người bạn đầu tiên, trong đó có Thánh Phanxicô Xavie, để chia sẻ lý tưởng với mình. Tại Montmartre, trong nhà nguyện các thánh tử đạo, các ngài tuyên khấn ba lời khấn dòng thông thường, ngoài ra còn thêm lời khấn đi truyền giáo cho lương dân tại Đất Thánh và nếu dự tính không thể thực hiện thì sẵn sàng tuân theo ý Đức Giáo Hoàng. Năm 1537, sau khi thụ phong linh mục, Thánh Inhaxiô cùng các bạn sang Roma, nhưng không thể sang Palestine vì đang có chiến tranh giữa Venise với quốc vương Hồi Giáo, Đức Phaolô III sai các ngài đến các điểm truyền giáo ở Italia, và năm 1540, Đức Giáo Hoàng phê chuẩn luật Dòng Chúa Giêsu. Thánh Inhaxiô Loyola là bề trên tổng quyền đầu tiên của dòng. Hiến pháp cố định của dòng được phê chuẩn năm 1550.
Thánh Inhaxiô qua đời tại Roma, thọ 65 tuổi, sau thời gian làm bề trên tổng quyền mười lăm năm.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày lấy tư tưởng từ bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ (1 Co 10, 31), nhắc lại châm ngôn lừng danh của Dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam – AMDG – Để Chúa được vinh danh hơn”: “Lạy Chúa, để danh Chúa được tôn vinh hơn, Ngài đã cho xuất hiện trong Giáo Hội Thánh Inhaxiô Loyola…”. Vị bề trên tổng quyền dòng tu này đã “sẵn sàng cho những công việc phục vụ ánh sáng” và “cho việc loan báo cứu rỗi trên khắp thế giới” (Ca vãn trong Phụng vụ Bài đọc). Để đạt mục tiêu trong cuộc chiến đấu vì Phúc Âm này, cần có kỷ luật, và việc thực tập nó được thực hiện là nhờ các bài đọc trong cuốn Linh thao, lấy theo tinh thần của bài Phúc Âm trong Thánh Lễ (Lc 14, 25-33) là: triệt để bước theo Đức Kitô bằng cách từ bỏ tất cả, sau khi đã nghiên cứu vấn đề một cách chính chắn trước; suy nghĩ về mục đích của con người, về tội lỗi, suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô, kiếm tìm và nhìn thấy Chúa trong mọi sự, trở thành những nhà chiêm niệm trong khi vẫn hoạt động và tập phân biệt các loại tinh thần khác nhau…”
Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta cũng được “thánh hóa trong sự thật”, nhờ Thánh Thể là “nguồn mạch mọi sự thánh thiện”. Trong cuốn Nhật ký tinh thần, Thánh Inhaxiô trình bày Đức Kitô của Phúc Âm trong cái chết cũng như phục sinh, là mẫu gương cho cuộc sống tu đức Kitô Giáo. Việc bắt chước Chúa trước tiên phải được thực hiện bằng vâng phục vốn là nhân đức căn bản, sau đó bằng khó nghèo và sau hết bằng khiêm tốn, là điều kiện của đời sống thánh thiện đích thực.
Trong lời nguyện tạ lễ, chúng ta xin Chúa dẫn chúng ta tới chốn “ca tụng vinh quang Chúa không ngừng”. Thánh Inhaxiô từng là một con người chiêm niệm đồng thời là một con người hoạt động. Quả thế, ở Roma, Ngài đã không ngừng truyền giáo, giảng dạy, cứu giúp người nghèo khổ, kẻ mồ côi, thậm chí còn lập một trường dự tòng cho người Do thái Giáo và Hồi Giáo cải đạo và một nhà cho các phụ nữ hoàn lương …
Vậy nên Thánh Inhaxiô Loyola vẫn mãi mãi là gương mẫu diệu kỳ để bắt chước bởi tình yêu của Ngài đối với Đức Kitô, bởi sự quân bình trong đời sống và tư tưởng của Ngài, bởi tình yêu say đắm đối với Giáo Hội, bởi tình gắn bó của Ngài với Đức Giáo Hoàng. Dòng Tên do Ngài sáng lập qua bao thế kỷ sẽ là một hoạt động do sự quan phòng của Chúa trong việc Phục hưng công giáo, huấn luyện giới trẻ và phát triển Giáo Hội Chúa sang vùng truyền giáo.
Enzo Lodi