Ngày 06-05-2024, Thứ Hai Tuần VI – Mùa Phục Sinh

 

Ngày 06-05-2024, Thứ Hai Tuần VI - Mùa Phục Sinh

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 15,26 – 16,4a)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

Gợi ý suy niệm

Do thái giáo coi Đức Giêsu là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Kitô hữu là những người phản bội Do thái giáo. Do đó họ giết Đức Giêsu, bắt bớ các Kitô hữu. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”.

Nhưng đồng thời Đức Giêsu trấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ và Chúa Thánh Thần là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Parakletos chữ Hy lạp, chỉ một nhân vật có thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá này đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều.

Có Đấng Parakletos (Đấng phù trợ) đứng bên cạnh thì môn đệ của Chúa không còn phải bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ nữa. Đấng phù trợ sẽ:

Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn, an ủi trong những lúc đau buồn, che chở họ những khi họ bị nguy hiểm, vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ, dạy cho họ biết cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ, và cuối cùng, là đích thân bảo vệ họ.

Đức Giêsu hứa sẽ gửi Đấng phù trợ đến. Nhưng công việc của Đấng phù trợ sẽ không là gì khác ngoài việc làm chứng về Đức Giêsu. Để rồi một khi lòng tin vào Đức Giêsu được vững mạnh, các Tông đồ sẽ là nhân chứng của Thầy. Họ sẽ làm chứng không những về các hành động của Đức Giêsu mà còn cả ý nghĩa các việc làm của Ngài nữa. Đấng phù trợ là Thần chân lý đến từ Cha, sẽ cho họ thấy công việc phải làm và con đường phải đi. Chắc chắn họ sẽ không tránh khỏi sự bách hại.

Đức Giêsu biết trước điều này, Ngài không ra tay ngăn cản, nhưng chỉ tiên báo cho họ biết, bởi vì có Đấng phù trợ ở với họ và sự bách hại sẽ là lời chứng hùng hồn nhất. Trong bách hại, người môn đệ sẽ tỏ lòng trung thành đối với Thầy. Nhờ bách hại, họ sẽ trở nên giống Thầy, Đấng đã bị bắt bớ và bị giết trên Thập giá.

Chúng ta thấy, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện xuống, cuộc đời của các Tông đồ đã thay đổi toàn diện, từ những người chậm hiểu, hèn nhát, hám danh, ham sống sợ chết, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian nguy, không thể làm thinh không nói những điều đã nghe, đã biết. Mọi gian khổ, đe doạ, tù ngục, không làm cho các ông thoái lui; trái lại, hết mọi Tông đồ đều lấy máu đào làm chứng cho lời các ông truyền giảng và sẵn sàng chết, để tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô. Như vậy, muốn làm chứng về Đức Giêsu, phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và dựa vào quyền năng của Thánh Thần.

Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi sai Con Một Ngài là Đức Giêsu loan báo cho nhân loại biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3, 36).

Để chứng thực cho sứ mạng của mình, Đức Giêsu nói Ngài có Thánh Thần làm chứng. Quả thật, Chúa Thánh Thần, Đấng bảo trợ, làm chứng bằng cách tác động bên trong con người giúp họ hiểu biết và đón nhận Tin mừng cứu độ của Chúa Cha được Đức Giêsu loan truyền. Hạnh phúc cho Hội thánh khi được Thiên Chúa không chỉ cứu độ nhưng còn tuyển chọn, để tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới có khả năng thực hiện sứ mạng ấy.

Tóm lại, làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng, nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Đức Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Đức Giêsu. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Đức Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài, để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa bị bắt và bị đóng đinh, các môn đệ yêu dấu đã bỏ trốn. Các ngài không có đủ can đảm theo Chúa để biện hộ cho Chúa, các ngài đã trở về nhà tìm nơi an thân ẩn náu. Và ngay cả khi Chúa sống lại, hiện ra và cùng ăn uống với các ngài, các ngài vẫn chưa vững vàng tin vào Chúa và làm chứng cho niềm tin ấy.

Mãi cho tới lúc Chúa ban Thánh Thần xuống, các ngài mới mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Từ lúc đó, cái chết cũng không thể ngăn cản bước chân rao giảng của các ngài.

Lạy Chúa, Chúa cũng thương cho con được tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa như các tông đồ xưa. Xin cho con luôn xác tín rằng con là một ánh đèn chiếu sáng, một sứ giả loan truyền tình thương, một nhân chứng Tin Mừng của Chúa.

Vậy lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì đã bao lần con sống bê tha, tội lỗi, không những không làm chứng cho Chúa, mà lại làm người khác mất niềm tin vào Chúa. Xin ban cho con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để cho dù con bé nhỏ, nghèo hèn yếu đuối, con vẫn cố gắng sống thánh thiện hơn, biết quảng đại yêu thương, biết cho đi cách vô vị lợi. Xin giữ con đừng bao giờ kiêu căng cậy vào tài sức của mình, nhưng luôn tin tưởng vào quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Amen.