Những trải nghiệm, bài học tôi học được ở tuổi 20

Những trải nghiệm, bài học tôi học được ở tuổi 20

Tuổi 20 có thể coi là độ tuổi quan trọng để hình thành nhân cách, khi bạn rời xa trường Đại học và bắt đầu đặt chân vào cuộc đời và tự mình trải nghiệm. Những sự kiện ở tuổi 20 luôn luôn là bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác, khoảnh khắc vừa rồi bạn mới ăn mừng một khởi đầu mới thì ngay lúc sau thôi là thử thách dường như vô tận.

Nhưng khi bước sang ngưỡng tuổi 30, những sai lầm ngớ ngẩn, thất bại và khó khăn, có vẻ ghê gớm lắm ở tuổi 20 bỗng chốc trở nên tầm thường. Tuổi 20 luôn là nền tảng để tuổi 30 tiếp tục đối diện với khó khăn, và những gì tôi đã học được chính là:

Độc lập một cách không sợ hãi

Đối với tôi độc lập không sợ hãi có nghĩa là tôi chịu trách nhiệm với tất cả mọi thứ xảy ra với mình. Điều này cho tôi một cảm xúc tự do nhưng cũng là ý thức trách nhiệm với chính bản thân mình. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải tin vào bản năng của mình, ra khỏi vùng thoải mái, phát triển các kỹ năng mới và thậm chí trở nên lanh lỏi một chút. Nhưng điều tốt nhất ở thái độ độc lập không sợ hãi là học cách không đổ lỗi cho ngoại cảnh.

Vì vậy, hãy ngừng ngồi im một chỗ và chờ đợi mọi thứ xảy đến với mình, bởi vì nếu chẳng may chúng không đến, bạn sẽ không chỉ cảm thấy thất vọng (điều mà rồi bạn cũng sẽ vượt qua thôi) mà còn cản trở bước tiến của bạn trong cuộc sống.

Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu

Tuổi đôi mươi chính là một chuyến tàu lượn văn hóa khi bạn có thể thỏa sức khám phá và trải nghiệm. Tôi đã chuyển đến 3 quốc gia trong vòng một thập kỷ, điều đó đồng nghĩa với những thay đổi rất lớn về cả thể chất và tâm lý. Việc này đôi khi có thể khá khó khăn nhưng thay vì cảm thấy cô đơn còm cõi, tôi đã luôn phấn khích mong chờ.

Bạn có thể đến những nơi mới, kết thêm những người bạn và làm thử những nghề khác nhau. Nó không những cho bạn cảm giác hào hứng với cuộc sống mà còn giúp hình thành nên một kho dữ liệu sống khổng lồ về thế giới đa dạng xung quanh. Và thực ra dù ở tuổi 20 hay 50 thì nó cũng là điều đáng giá cả.

Chấp nhận một vài rủi ro

Tôi luôn là một người thích mạo hiểm. Trong khi người khác ngần ngại thì tôi lại thường lao vào ngay vì nhìn thấy cơ hội le lói. Và mặc dù cũng có lần này lần khác nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc tôi đã thất bại nhiều lần. Đó chính là khoảnh khắc của những bài học vô giá.

Chắc chắn khi chấp nhận rủi ro là bạn đã tự đặt mình vào những rắc rối nhưng đừng cho phép nỗi sợ này ngăn cản bạn làm điều gì đó mới mẻ, vượt ra ngoài vùng thoải mái và thể hiện bản thân bởi đây là những trải nghiệm vô cùng quan trọng. Nó giúp bạn học cách điều chỉnh, sắp xếp lại và đứng dậy và thử lại.

Chấp nhận một vài hy sinh

Giấc ngủ có lẽ là sự hy sinh lớn nhất mà tôi đã thực hiện ở tuổi đôi mươi. Có nhiều ngày, đặc biệt là ở tuổi đôi mươi, khi tôi chỉ ngủ được khoảng 2 giờ. Vừa phải đi học, vừa đi làm thêm rồi còn các công việc tự nguyện nữa. Điều quan trọng là với bất cứ việc gì tôi cũng đều yêu thích và đặt chúng làm ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mình. Tôi đã rất hào hứng với cuộc sống và giấc ngủ là sự hy sinh mà tôi đã làm vì tôi biết tất cả sẽ được đền đáp.

Lợi ích lâu dài thường đòi hỏi nhiều hy sinh ngắn hạn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải từ bỏ những thứ mang lại cho chúng ta sự thoải mái, dễ dàng hoặc những thú vui ngắn hạn. Cho dù đó là từ bỏ một công việc với mức lương kha khá cùng nhiều cơ hội thăng tiến để khởi động một dự án cá nhân, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để hy sinh vì không có chiến thắng nào dễ dàng.

Làm việc chăm chỉ và chơi hết mình

Tôi đã học được giá trị của sự chăm chỉ và kỷ luật ở độ tuổi rất trẻ khi lớn lên trong một gia đình châu Á. Những thói quen này đi cùng tôi khi lên Đại học, lại gặp phải những hấp dẫn của thế giới mới như bất kỳ sinh viên Đại học nào, tôi đã phải tự mình học cách cân bằng giữa công việc và vui chơi. Nó dạy tôi cần nghiêm túc khi làm bất cứ điều gì nhưng vẫn phải biết thư giãn khi cần.

“Giả vờ” cho đến khi bạn làm được mục tiêu

Mặc dù luôn thích thú khi tiếp xúc với những cái mới, đến những vùng đất mới nhưng không thể phủ nhận vẫn có những lúc tôi cảm thấy lo sợ và không chắc chắn. Điều này là bình thường ở tuổi 20 và tôi đã lựa chọn việc giả vờ dũng cảm để đối diện với nó.

Việc giả vờ này không những để che giấu nỗi sợ hãi và sự bất an của bạn khỏi người khác mà còn che giấu nó khỏi chính bạn trong một thời gian, cho bạn đủ thời gian để chứng minh với bản thân rằng bạn có thể làm được. Hay nói một cách khác, đó là việc giả vờ tự tin cho đến khi bạn tự tin thật sự.

Học hỏi từ mọi kinh nghiệm

Đây là bài học quan trọng nhất ở tuổi 20 của tôi. Cuộc sống thì luôn đem đến những niềm vui và nỗi buồn, những điều thú vị và những việc khó chịu… Bạn dễ bị phân tâm bởi những điều nhỏ nhặt mà quên mất bức tranh lớn và cơ hội học hỏi từ chúng. Học hỏi từ những kinh nghiệm cũng là một cách để nhìn cuộc sống tích cực hơn và sẵn sàng đón nhận những điều có thể xảy đến.

Vì vậy, hãy luôn coi mọi tình huống xảy đến là một cơ hội để học hỏi. Vì những khó khăn hay vất vả sẽ chẳng là gì trong 10 năm tới đâu, chỉ có những bài học là ở lại mãi mãi thôi.

*Chia sẻ của Sheranga Senanayake – Một chuyên gia thương mại điện tử, Trưởng nhóm Truyền thông doanh nghiệp tại LAUGFS Holdings Limited. Cô thường xuyên viết về chủ đề phát triển bản thân, kinh nghiệm sống cho giới trẻ.

Hà Lê

Nguồn: https://cafef.vn/