Mẹ Maria hoạt động như một dấu chỉ và dụng cụ, dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, Đấng là Đường và là nguồn mạch của mọi lời cầu nguyện.
Nếu ta thấy mình gặp khó khăn trong việc cầu nguyện, một cách để định hướng lại cuộc sống của chúng ta là kêu cầu sự trợ giúp từ người mẹ thân thương của chúng ta là Đức Maria.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích rằng: những lời cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi của chúng ta cũng nối kết ta với Đức Maria:
“Trong lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần hiệp nhất chúng ta với Chúa Con – trong nhân tính vinh hiển của Người, qua đó và trong đó, lời cầu nguyện con thảo của chúng ta hiệp nhất chúng ta trong Giáo hội với Mẹ Chúa Giêsu.” (CCC 2673)
Đức Maria không bao giờ là mục đích cuối cùng của những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng là một kênh dẫn, một dấu chỉ, đưa chúng ta đến với Con của Mẹ là Chúa Giêsu:
Mẹ Maria luôn thưa “xin vâng” từ lúc thiên thần truyền tin cho đến khi đứng dưới chân thập giá. Kể từ đó, vai trò làm mẹ của Đức Maria đã mở rộng đến các anh chị em của Con Mẹ “là những người vẫn đang trong hành trình trên trần gian, bị phủ vây với bao nguy hiểm và khó khăn”.
Đức Giêsu, Đấng trung gian duy nhất, là đường lối cầu nguyện của chúng ta. Còn Đức Maria, Mẹ của Ngài và của chúng ta, hoàn toàn trong suốt đối với Ngài: Theo biểu tượng truyền thống của cả phương Đông và phương Tây, Mẹ là người “chỉ đường” (hodigitria), và là “dấu chỉ” của con đường. (CCC 2674)
Như nhiều vị thánh đã nhận xét, bạn càng đến gần Mẹ Maria bao nhiêu thì bạn càng đến gần Chúa Giêsu bấy nhiêu.
Mẹ có thể bao bọc chúng ta bằng tình mẫu tử của Mẹ, nhưng không làm chúng ta xa cách Thiên Chúa. Thay vào đó, Mẹ liên tục kéo chúng ta lại gần Chúa hơn.
Lần tới khi bạn cảm thấy khô khan lúc cầu nguyện, hãy thử hướng về Mẹ Maria và để Mẹ chỉ đường đến với Chúa Giêsu.
Trung Biên chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: tgpsaigon.net