Hơn bao giờ hết xã hội hôm nay đang nỗ lực đề cao vai trò phụ nữ, và đang cố gắng xóa bỏ những hố cách biệt giữa người nam và người nữ trong các sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên không dựa vào những nỗ lực đó của các tổ chức chính trị trần thế mà Giáo hội công giáo mới bàn đến vai trò của người phụ nữ trong đời sống Giáo hội. Thực ra phẩm giá ngang nhau giữa người nam và người nữ đã được trình bày trong Thánh Kinh, ngay trong cuốn sách Sáng Thế, chúng ta đã tìm thầy phẩm giá ngang nhau đó trong tường thuật tạo dựng con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27), “….Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi … cả hai trở thành một xương một thịt” (St 2, 23 – 24). Qua hình ảnh tạo dựng về con người, sách khôn ngoan cổ Do Thái đã nói: Thiên Chúa đã không tạo dựng người đàn bà từ khúc xương đầu của của người đàn ông, bởi vì như thế bà ta sẽ cai trị chồng; Thiên Chúa cũng không tạo dựng người đàn bà bởi khúc xương ngón chân của người đàn ông, vì như thế bà sẽ trở nên nô lệ của chồng; nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng nên bà từ khúc xương sườn, điều đó có nghĩa là hai người cùng có một phẩm giá ngang nhau. Mặc dầu lịch sử cứu độ được khởi sự từ một dân tộc, mà vai trò của người phụ nữ không chiếm một vị trí đáng kể nào trong đời sống chính trị xã hội, nhưng trong lịch sử đó Thiên Chúa đã thể hiện sự trung tín với công trình tạo dựng của mình, có nghĩa là người phụ nữ không bị đặt ra ngoài, nhưng trái lại họ đóng góp một cách đáng kể vào chương trình đó.
1- Lịch sử cứu độ với sự đóng góp của những người nữ “thấp hèn”
- a) Tường thuật gia phả Chúa Giêsu nơi Matthêu
Thánh sử Matthêu khởi sự cuốn Phúc âm của ngài với bài tường thuật về gia phả của Chúa Giêsu, và thánh sử đã xếp tên 5 người phụ nữ: Thamar, Rachab, Ruth , bà Batseba vợ ông Urias và Đức Maria nằm trong gia phả kế bên các tổ phụ. Đây là một điểm đáng quan tâm, vì theo tập tục của Israel thời đó, trong gia phả chỉ có tên người đàn ông được viết vào như là “người bảo tồn nòi giống”. Thế mà Matthêu đã đi ra ngoài luật lệ khi viết tên 5 người phụ nữ vào trong gia phả Chúa Giêsu. Như vậy rõ ràng, Matthêu muốn trình bày chủ đích cuốn Phúc Âm của ngài. Ngài không có ý định viết về tiểu sử con người Đức Kitô, nhưng ngài muốn trình bày về lịch sử cứu độ được cụ thể hóa nơi con người của Đức Kitô, cho nên, gia phả của Chúa Giêsu mà Matthêu trình bày, không là gia phả của một hệ tộc, nhưng là gia phả của lịch sử cứu độ. Qua đó Matthêu cho thấy trong lịch sử này Thiên Chúa hoàn toàn tự do hành động theo ý muốn của Ngài, một hành động không bị chi phối bởi những qui ước của con người. Và trong lịch sử này, không ai có thể tìm thấy một thái độ kỳ thị phụ nữ nào của Thiên Chúa, Ngài tôn trọng người nữ lẫn người nam, vì cả hai được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa mời gọi người nam lẫn người nữ cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Thánh sử Matthêu đã trình bày ý định đó của Thiên Chúa qua 5 khuôn mặt của những người nữ tiêu biểu, được coi là “thấp bé” trong dân Israel:
– Thamar, con dâu ông Giuda, mang tiếng là sát chồng, bị trả về nhà. Rồi giả làm điếm để ngủ với cha chồng, dĩ nhiên, nàng không làm vì để trả thù ba chồng đã không chịu cho nàng làm vợ Sêla, em của E, chồng nàng, theo như lời đã hứa. (St 38)
– Rachab là một cô gái điếm thuộc thành Giêricô, cô không thuộc về dân Israel, được coi như người ngoại, nhưng nhờ cô giúp đỡ mà Giôsuê đã chiếm được thành Giêricô (Gs 2, 8-21). Sau nầy bà được Salmon thuộc chi tộc Giuđa cưới làm vợ và là mẹ của Booz.
– Ruth: là con dâu của bà Naomi. Bà Ruth thuộc người Môáp. Bà góa chồng khi còn trẻ và chưa một lần sinh nở. Bà sống với mẹ chồng trong hoàn cảnh nghèo túng, chỉ đi mót lúa mà sống, nhưng bà được tiếng là dâu thảo, trung thành với mẹ chồng. Bà được ông Booz, một trong nhữn người ”bảo tồn dòng dõi” của gia đình bà Naomi, cưới làm vợ, và sau này là bà cố của vua Davit.(R 2 – 3)
– Batseba, vợ Urias, người phụ nữ phạm tội ngoại tình với vua Davit, bà là mẹ của vua Salomon (2 Sm 11)
– Đức trinh nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, người thôn nữ miền Galia, gọi là Nadaret (Lc 1, 26). Mẹ Maria không chỉ là mẹ Chúa Giêsu lịch sử, mà Mẹ còn được Giáo Hội ban tặng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, để khẳng định vai trò lớn lao không thể thay thế của Mẹ trong lịch sử cứu độ.
Năm khuôn mặt phụ nữ mang 5 dấu ấn khác nhau trong đời sống xã hội: Một bà Thamar bị gia đình khinh chê, Rachab bị xã hội loại trừ, bà Ruth không được dự phầnn vào các sinh hoạt của Israel, vỉ bà không thuộc thành phần của Dân được Chúa chọn, bà Batseba được coi là người bất chính vì ngoại tình và đồng lõa trong việc giết chồng, Đức Maria một thiếu nữ thấp hèn thuộc miền đất mà xã hội thời đó đánh giá thấp: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được” (Ga 1, 46). Năm khuôn mặt phụ nữ “tầm thường” thế đấy, nhưng Thiên Chúa đã giao cho họ nhiệm vụ cộng tác vào lịch sử cứu chuộc, đặc biệt đối với Mẹ Maria.
- b) Bà Maria Madalena
Một tên gọi được các thánh sử nhắc đến trong Phúc Âm mang một tầm vóc quan trọng đặc biệt.
Luca 7, 36 – 49 tường thuật về một người phụ nữ như là một cô gái điếm đã xức thuốc thơm vào chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau chân Người tại nhà ông Simon. Người phụ nữ ấy có tên bà Maria Madalêna, người đã xức thuốc thơm tẩm liệm thân xác Chúa trước khi chôn cất vào trong mồ (Mt 27, 59 -61; Mc 15, 47), và là người đầu tiên được diễm phúc nhìn thấy Chúa Phục sinh và là người đầu tiên nhận lãnh sứ vụ mang Tin Mừng Phục sinh đến cho anh em (Ga 20, 11 -18; Mt 28, 9 -10; Mc 16, 9- 11). Luca cũng nói đến Maria Madalena được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỉ (Lc 8, 2), có thể đó cũng là bà Maria em của Matta tại làng Bêtania mà thánh sử Luca và Gioan nói đến (Lc 10, 38 – 41; 11, 1 -44).
Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm Maria Madalena xức dầu, Maria Madalena được trừ khỏi bảy quỉ và Maria Madalena em của Matta là một, thế nhưng Giáo hội Tây Phương từ thế kỷ thứ VI đã thống nhất ba khuôn mặt là một. Việc thống nhất đó được suy tư trong một cái nhìn thông suốt. Maria Madalena, con người tội lỗi được diễn tả bằng việc bị bảy quỉ dữ chiếm ngự, con người tội lỗi đó chính là một cô gái điếm khét tiếng, sau khi được Chúa chữa trị, bà đã cất bước theo Chúa, bà đã biến đổi tình yêu nhục thể thành tình yêu trao tặng, phục vụ. Bà đã đã trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Như vậy rõ ràng trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã trao cho phụ nữ những trọng trách đáng kể, mà nếu như không có sự cộng tác của họ chắc chắn Lịch sử cứu độ sẽ gặp vấn đề. Hành động của Chúa thật lạ lùng, Chúa chọn những kẻ thấp hèn để cộng tác vào trong lịch sử cứu độ của Chúa. Chúa tôn trọng hết mọi người, nam cũng như nữ, vì tất cả là công trình tạo dựng của Chúa. Trước mặt Chúa mọi người đều mang lấy dáng dấp hình ảnh của Chúa, mọi người đều có phẩm giá như nhau. Như vậy trong lịch sử cứu độ không có một sự kỳ thị nam – nữ, không loại trừ vai trò của người phụ nữ ra khỏi những trang sử của việc Thiên Chúa cứu chuộc con người.
2- Phụ nữ trong Giáo huấn của Giáo hội
Giáo hội luôn đề cao phẩm giá người phụ nữ, và đấu tranh chống lại mợi đối xử bất công hay miệt thị phụ nữ. Chúng ta có thể tìm thấy những nỗ lực đó trong các Giáo huấn của Giáo hội
2.1 Theo Công đồng Vat. II.
Tại Công đồng Vat. II, vấn đề về giá trị và vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội Công giáo được đề cập tới như là nhu cầu thúc bách cần phải làm sáng tỏ. Mặc dầu các nghị phụ đã không dành riêng cho vấn đề này trong một chủ đề riêng biệt tại các buổi nghị trình, nhưng trong các bản văn của Công đồng chúng ta có thể tìm được câu trả lời về vai trò và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Công đồng đã nhấn mạnh trong hiến Chế “Vui mừng và Hy vọng” (GS) số 9, số 29, và trong Hiến chế “Giáo hội” (LG) số 32 về sự bình đẳng của mọi người trong xã hội và Giáo hội, mặc dầu “mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ và tinh thần như nhau”, nhưng “phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ thị vì phái tính…, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa” (GS 29).
Công đồng cũng quan tâm đến vai trò tích cực của người phụ nữ trong việc dạy dỗ con cái, tuy nhiên “vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội” (GS 52). Vì thế, Công đồng khuyến khích người phụ nữ tham gia vào đời sống văn hóa: “bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa” (GS 60). Trong phạm vi thuộc về đời sống Giáo hội, Công đồng cũng khuyến khích nên để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào trong những lãnh vực tông đồ của Giáo hội (AA 9). Công đồng cũng chỉ ra rằng, người phụ nữ không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong phạm vi gia đình, nhưng trong các hoạt động xã hội họ cũng đóng một vai trò quan trọng, và ủng hộ việc công nhận cũng như hiện thực yêu cầu chính đáng của phụ nữ về quyền thụ hưởng văn hóa (GS 60). Công đồng cũng đã nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong tương quan vợ chồng và ủng hộ việc giải phóng phụ nữ (x. M. Wagner, Hình ảnh mới về người nữ mới hay hình ảnh cũ về người nữ đối trong hình thức bạo lực mới? – (Neues Frauenbild oder altec Frauenbild im neuen Gewand?)- , trong: StZ, 212 (1995) 777).
Trong thông điệp gởi cho phụ nữ vào ngày 8.12.1965, các nghị phụ Công đồng đã bày tỏ rõ ràng về chính kiến của mình đối với phụ nữ: “Đã đến giờ, và trong giờ đó, ơn gọi của phụ nữ được thực hiện cách trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ tạo được ảnh hưởng, sự phát triển và sức mạnh trong xã hội, điều mà cho đến bây giờ họ chưa có được. Vì thế nhờ bởi tinh thần Phúc âm người phụ nữ có thể cộng tác cộng tác vào nhiều lãnh vực với ý thức về một sự thay đổi sâu rộng, hầu giúp nhân lọai đạt tới cùng đích của mình”.
Nhưng chỗ trong Giáo hội phụ nữ có chỗ đứng nào? Mặc dầu Công đồng không đưa ra một chỉ dẫn cụ thể riêng dành cho phụ nữ, nhưng câu trả lời vẫn có thể tìm thấy trong những bản văn của Công đồng về một sự bình đẳng trong Giáo hội: “Trong Chúa Kitô và trong Giáo hội không có một sự bất bình đẳng vì nguồn gốc và dân tộc, vì địa vị xã hội hay giới tính” (LG 32). Tuy nhiên không có một đoạn văn nào nói về vị trí ngang hàng của người nữ với người nam như là cơ chế với một cấu trúc xã hội rõ ràng. Đức Phaolô VI đã khước từ sự tham dự của người nữ vào một số nhiệm vụ trong Giáo hội với lý do: Chúa Giêsu đã thiết định như thế, Người đã tô điểm Giáo hội với qui chế nền tảng và với nhân học mang tính thần học của Giáo hội (X. Đức Phaolô VI. Diễn văn về “Vai trò của phụ nữ trong chương trình cứu chuộc”, ngày 30.1.1977). Giữa những người đã lãnh nhận Phép Rửa có một sự bình đẳng đích thật, thế nhưng “sự bình đẳng không là đồng nhất như nhau, thật vậy Giáo hội là một thân thể đa dạng, trong thân thể này mỗi một chi thể có một nhiệm vụ riêng biệt. Các nhiệm vụ riêng biệt và không thể trộn lẫn với nhau” (Giải thích của Thánh bộ Đức Tin về việc chuẩn y cho phụ nữ tiến tới chức linh mục, ngày 15.10.1976). Tuy nhiên người ta cũng công nhận rằng, ngày nay vị trí của người phụ nữ trong Giáo hội có sự phát triển tích cực. Nhiều phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong công tác tông đồ, một số được bổ nhiệm là thành viên hội đồng mục vụ giáo phận, giáo xứ. Ngày nay cũng một số chị em phụ nữ được Đức giáo Hoàng bổ nhiệm vào một số chức vụ trong Tòa Thánh.
2.2 Theo Giáo luật CIC/ 1983
“Bình đẳng giữa mọi người với nhau”, và quyền căn bản của mọi người, tất cả không có sự phân biệt về giới tính hay nguồn gốc (GS 29) có nguồn gốc trong luật tự nhiên Kitô giáo . Công đồng Vat. II cũng đã nỗ lực cụ thể hóa sự bình đẳng của mọi Kitô hữu trong Giáo hội qua việc công bố bộ luật mới CIC /1983 . So với bộ luật CIC/ 1917, bộ luật mới có nhiều điều tích cực dành cho người phụ nữ. Bộ luật CIC / 1917 không cho phép người phụ nữ bước lên gian cung thánh. Bộ lậu CIC / 1983 đã thay đổi quan niệm cũ, cho phép người phụ nữ tham dự tích cực vào công việc phuc vụ Phụng vụ. Người phụ nữ được nhận nhiệm vụ đọc sách, chú giải hay ca trưởng hoặc các công tác khác (c. 230 § 2).Người phụ nữ cũng có thể hướng dẫn giờ kinh Phụng vụ, trao ban Bí tích Thánh Tẩy và trao ban Thánh Thể như thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường (c. 230 § 3). Có thể được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép chứng hôn khi nhu cầu cần (c. 1112) và có thể ban một số Á bí tích (1168). Nếu thiếu linh mục, người phụ nữ cũng có thể được phép đảm nhiệm một số công tác mục vụ (c 517 § 2).Ngoài ra người phụ nữ cón có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán trong các Tòa án Giáo hội (c. 1421 § 2) hoặc là làm phụ thẩm hay dự thẩm (cc. 1424, 1428).
Việc phong chức linh mục cho phụ nữ thì tuyệt đối hoàn toàn bị cấm. Lý do từ chối phong chức linh mục cho phụ nữ đã được Thánh bộ Đức tin giải thích vào ngày 15.10.1976: “Giáo hội luôn trung thành tuân thủ những việc làm của Chúa như là mẫu mực trong việc không cho phép phu nữ lãnh nhận chức linh mục”. Đây không là hành vi kỳ thị nhưng là hành động tuân thủ ý định của Đấng là tác giả quyền tự do và bình đẳng của con người.”
Bà Jennifer Ferrara một mục sư Tin Lành sau khi trở lại đạo công giáo đã chia sẻ: “linh mục hành động thay mặt Chúa Kitô”. Chúa Kitô chính là vị hôn phu, và Giáo Hội chính là vị hiền thê của Ngài. Mầu nhiệm lễ cưới này đã được công bố qua các sách Cựu và Tân Ước. Theo hiểu biết về đời sống linh mục trong Giáo Hội Công Giáo, thì linh mục chính là hiện thân của Chúa Kitô, là chủ thể vạn vật, là vị hôn phu và là đầu của Giáo Hội. Điều này thật sự đúng đặc biệt là trong trường hợp của Phép Thánh Thể, khi Chúa Kitô thực hiện công cuộc cứu rỗi của Ngài. Ai đó phải chắc là hoàn toàn xem thường tầm quan trọng của mầu nhiệm lể cưới vì công cuộc cứu rỗi để cố mà biện minh cho vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ. Nếu Giáo Hội truyền chức cho phụ nữ, thì toàn bộ sự hiểu biết về tầm quan trọng của nữ tính và nam tính qua công cuộc cứu rỗi sẽ bị mất đi”.
Như vậy giữa bộ luật CIC/ 1917 và CIC / 1983 có sự thay đổi rõ rệt về vai trò của phu nữ trong đời sống Giáo hội. Họ không là những thành phần thụ động, nhưng như mọi thành viên khác trong Giáo hội, họ được mời gọi cộng tác tích cực trong việc xây dựng Giáo hội như là thân thể Đức Kitô, để thân thể này càng ngày càng lớn mạnh. Việc cộng tác của họ không chỉ dừng lại nơi gia đình trong việc giáo dục Đức tin cho con cái, hay nơi môi trường xã hội trong việc làm chứng cho Đức Kitô, nhưng họ còn là những cộng sự viên của hàng linh mục trong các công việc mục vụ.
3- Vai trò người nữ trong gia đình qua vai trò người mẹ
3.1 Mẹ sức sống của con cái
Ca dao Việt Nam đã ví von:
“Con không cha như nhà không nóc
Con không mẹ như nọc nòng đứt đuôi.”
Nhà không nóc còn có thể giữ được cuộc sống, còn nòng nọc đứt đuôi có nghĩa là cái chết gần kề, vì không đuôi nòng nọc làm sao có thể bơi đi kiếm ăn được. Như thế, cuộc sống của ngừơi mẹ chính là cuộc sống của ngừơi con.
Hay là:
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ”
Như thế, rõ ràng vắng bóng mẹ trong gia đình qủa là một điều bất hạnh lớn lao cho con cái. Điều đó cũng khẳng định vai trò quan trọng của người mẹ trong gia đình, như hòang đế Napoléon đệ nhất đã qủa quyết: “tương lai của đứa con là công trình của người mẹ”. Điều quan trọng nhất chính người mẹ trao ban cho người con phẩm hạnh của một con người. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con. Thánh Alphônsô Ligouri, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng quyết: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”. Người ta có thể nói rằng, tính nết của người con được hình thành từ nơi ngừơi mẹ. Từ trong dạ mẹ, đứa bé đã biết cười khi mẹ nó vui, đã biết buồn khi mẹ tơi giọt lệ, đã biết giận dỗi khi ngừơi mẹ không quan tâm đến. Các nhà khoa học đã chứng minh: Từ trong bụng mẹ các cơ quan cảm nhận của đứa bé đã sớm phát triển và chúng có thể nhận biết thế giới bên ngoài qua các giác quan khi được 5-6 tháng. Trước khi sinh ra, bé đã nghe được tiếng động, rất nhạy cảm với mùi, vị, và có cả xúc giác nữa. Cùng với sự tăng trưởng và việc “tự thu xếp” cho mình khi ở trong bụng mẹ, bé còn phát triển những khả năng cảm nhận không thể ngờ được. Thai nhi có thể nghe và rất nhạy cảm về vị giác, thính giác .
Từ khi lọt lòng đứa bé gắn kết với mẹ qua dòng sữa mẹ. Đó không chỉ là chất dinh dưỡng qúi báu làm phát triển thí thông minh đứa bé, và tạo ra sức miễn dịch ngăn ngừa nhiễm bệnh ở đứa bé, nhưng đó còn là những giọt sữa tình yêu của ngừơi mẹ trao cho con. Những giọt sữa tạo nên một mối tương quan rất đặc thù giữa đứa bé và ngừơi mẹ. Mối tương quan này chỉ có được trong thiên chức làm mẹ. Từ mối tương quan nấy ngừơi mẹ nhận ra tiến ho của ngừơi con giữa muôn vàn tiếng động, nhận tiếng cựa mình của bé nằm trong nôi ngay khi ngừơi mẹ ngủ say.
Người mẹ còn là thầy dạy đầu tiên cho của ngừơi con qua những tiếng ầu ơ ru con. Những lời ru của em êm đềm đưa con vào giấc ngủ cũng là lúc ngừơi mẹ gieo vào lòng con những lời yêu thương dành cho con, những kỳ vọng ngừơi mẹ đặt vào con, dạy con biết về lòng chung thủy vợ chồng, yêu quê hương:
Hò ơi…Bên ngoài gió thổi nam non
Con đà say giấc…
Con đà say giấc… hò ơi…
Con đà say giấc Mẹ còn hát ru
Đêm về gió ru hời…nghe lời hát ru
Xưa Mẹ hát ru rằng
Những khổ đau cưu mang Mẹ gánh
Nên lời hát ru buồn
Như tiếng buồn nước non
Nay con đã lớn khôn
Những lời ru thấm sâu vào lòng.
Chính ngừơi mẹ đã hứơng dẫn con bứơc vào đời, thế nhưng thời đại hôm nay, trong cơn lốc xoáy của chủ nghĩa đề cao tự do, cá nhân chủ nghĩa, nam nữ bình quyền hầu như đang làm mất đi vai trò “ngừơi mẹ” trong gia đình. Với chủ trương giải phóng phụ nữ, đưa ngừơi phụ nữ ra khỏi gia đình, tham gia vào các lãnh vực chính trị kinh tế, xã hội như nam giới. Ngừơi ta lấy làm hài lòng với con số phụ nữ ngày càng tăng trong các lãnh vực. Các chính trị gia hoan hỷ khi Liên đòan lưỡng quốc hội có trụ sở đạt tại Geneve vào ngày 27.02.2006 công bố: hiện thời có hơn 30% phụ nữ tham chánh tại 20 Thương viện, trong số này có 10 quốc gia tại Châu Âu và 5 tại Châu phi, và 5 tại Châu Mỹ La Tinh. Ngày 08.03.2006 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho biết hiện nay có 11 nguyên thủ quốc gia là nữ giới. Và càng ngày người ta càng có khuynh hướng chọn phụ nữ vào chức vụ tổng thống hay thủ tứơng. Các công ty cũng đang đua nhau cắt cử phụ nữ vào trong hội đồng quản trị. Một tin vui cho phụ nữ!
Trong khi người ta nỗ lực đưa phụ nữ vào giữ những chức vụ cao cấp trong chánh quyền hay trong các công ty kêu gọi phụ nữ tham gia vào các họat động xã hội để đáp ứng lại với trào lưu nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ khỏi chuyện bếp núc, giặt giũ, quét dọn, nói chung là “nội trợ”, người ta vô tình đang “chôn cất” thiên chức làm mẹ, một ơn gọi không ai có thể thay thế được. Hậu qủa là gì? Xã hội đang ngày càng có thêm nhiều tội phạm là thanh thiếu niên. Gia đình không còn là mái ấm, nhưng chỉ còn là quán trọ. Người con thiếu vắng sự chăm lo dạy dỗ đúng mực của ngừơi mẹ. Đứa bé không còn lớn lên trong những lời ru chất chứa yêu thương, nhưng là lớn lên trong sự canh chừng của người giữ trẻ. Lời yêu thương của mẹ nắn đúc nên những đức tính làm người của con không còn nữa, thay vào đó là những lới cảnh cáo, hù dọa của ngừơi giữ trẻ. Đứa trẻ lơn lên trong sợ hãi, tránh né, từ nó nẩy sinh sự lừa dối. Thật đau lòng khi đứa trẻ 14 bị bắt vì phạm pháp đã trả lời trước tòa: con mồ côi không cha không mẹ, mặc dầu cha mẹ đang ngồi trong phòng xử án, họ là những ngừơi đang giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty. Em khẳng định em không có cha mẹ, vì em lớn lên trong sự coi sóc của ngừơi giúp việc. Ngừơi giúp việc làm tất cả những công việc thuộc bổn phận của ngừơi cha ngừơi mẹ. Nứơc mắt ràn rụa em kể khi cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên họp, thì ngừơi giúp việc đi thế cho ba má. Em phạm tôi vì em không có vóng tay ôm ấp của mẹ, lời yêu thương của cha.
3.2 Mẹ : nhà truyền giáo không thể thay thế trong gia đình
Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 14-2-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói :Anh chị em thân mến, vào cuối lộ trình tìm hiểu các chứng nhân thời Kitô giáo khai sinh, chúng ta hãy dừng lại nơi vài gương mặt nữ giới đã nắm giữ một vai trò quý báu trong việc loan báo Tin Mừng. Nhiều người đã hoạt động trong khung cảnh sứ mệnh của Chúa Giêsu. Trước hết và một cách đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, nhưng cũng có nhiều phụ nữ khác theo Chúa Giêsu như các bà Giovanna, Suzanna, Marta và Maria là chị và em gái của Ladarô, và Maria Madalena là người có một thế đứng đặc biệt, vì là nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh. Bà được thánh Toma thành Aquino gọi là ”tông đồ của các Tông Đồ”. Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: lịch sử Kitô giáo đã kết thúc một cách khác nếu đã không có nhiều chị em phụ nữ quảng đại góp phần. Vì thế như Đức Gioan Phaolo II vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã viết trong tông thư Phẩm giá phụ nữ: ”Giáo Hội cảm tạ Chúa vì tất cả các phụ nữ và vì từng người một… Giáo Hội cám ơn vì tất cả những biểu lộ của ”thiên tài nữ giới” xuất hiện trong dòng lịch sử, giữa tất cả mọi dân tộc và quốc gia; Giáo Hội cám ơn vì tất cả các đặc sủng Chúa Thánh Thần rộng ban cho các chị em phụ nữ trong lịch sử Dân Chúa, vì tất cả những chiến thắng mà Giáo Hội có được nhờ lòng tin lòng cậy và lòng mến của nữ giới; Giáo Hội cám ơn vì tất cả mọi hoa trái thánh thiện của nữ giới” (s. 31). Như chúng ta thấy lời ca tụng liên quan tới các phụ nữ trong dòng lịch sử Giáo Hội và được nói lên nhân danh toàn Giáo Hội. Chúng ta cũng kết hiệp với lời qúy trọng ấy và cảm tạ Chúa vì Người hướng dẫn Giáo Hội từ đời này sang đời nọ, bằng cách sử dụng các người nam nữ không phân biệt ai, những người biết sinh hoa trái lòng tin và bí tich rửa tội cho thiện ích của toàn thân mình Giáo Hội để cho danh Chúa được cả sáng hơn.
Từ góc cạnh đó, một mặt Giáo hội luôn nhấn mạnh đến phẩm giá ngang nhau giữa người nam và ngừơi nữ (x. Familiaris consortio, số 22), cả hai đều được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; đàng khác Giáo hội đặc biệt quan tâm đến vai trò người vợ và người mẹ trong gia đình của người nữ. Giáo hội luôn khẳng định đến tầm quan trọng của thiên chức làm me, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi cao qúi không thể thay thế (x. Mulieris dignitatem, số 18). Giáo hội mời gọi các ngừơi mẹ Kitô hữu ý thức được vai trò thánh thiêng của người mẹ: “chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc làm rất quan trọng của các người phụ nữ, những người mẹ trong lòng gia đình… Lòng mong ước hợp lý đóng góp bằng những khả năng của mình chi thiện ích chung, và chính bối cảnh xã hội, kinh tế thường đưa người phụ nữ đến một họat động nghề nghiệp. Tuy nhiên cần tránh cho gia đình và nhân loại phải chịu một sự mất mát và nghèo nàn hơn, bởi vì người phụ nữ không thể thay thế trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vậy, các chính quyền cần phải đưa ra những luật lệ thuận lợi cho việc thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ và đồng thời bảo vệ cho ơn gọi làm mẹ và làm nhà giáo dục của họ” (Gioan Phaolô II, huấn từ ngày 19.03.1994, số 3).
Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ được giao phó trọng trách loan báo Tin Mừng cách đặc biệt qua việc giáo dục con cái. Thật vậy “trong việc giáo dục con cái, ngừơi mẹ có một vai trò ưu việt nhất. Vì mối tương quan đặc biệt nối kết nàng với đứa con, nhất là trong những năm đầu đời…mối tương quan nguyên thủy giữa mẹ và con này còn có một gía trị giáo dục đặc biệt trên lãnh vực tôn giáo, bởi vì nó giúp hướng trí lòng con cái về Thiên Chúa rất sớm, cả trứơc khi chính thức bắt đầu việc giáo dục con cái” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần XXVIII. – 01.01.1995).
Viêc loan báo Tin Mừng trước tiên chính là chuyển giáo đức tin và giáo dục đức tin cho con cái. “những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa. Ðặc biệt, các ngài có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin kitô” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).
Việc chuyển giao đức tin không chỉ đơn thuần là xin con cái được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng còn trao ban cho con cái mẫu gương sống đạo của ngừơi mẹ. Người mẹ định hình đời sống đức tin cho con cái qua đời sống đức tin của chính mình. Vì vậy người mẹ luôn nỗ lực tự hòan thiện chính mình đễ thực sự trở thành khuôn mẫu hòan hảo nắn đúc đời sống đạo đức cho con cái. Trên hết mọi sự người mẹ phải là người mang lại nụ cười hạnh phúc trong gia đình. Đời sống đức tin không chỉ đóng khung trong những thói quen đạo đức như đọc kinh đi lễ, nhưng đức tin cần phải là nguồn mạch tuôn chảy niềm vui trong gia đình. Vì vậy trong việc sống đức tin, người mẹ cần vượt thắng những khó khăn trong đời để nụ cười luôn nở trên môi. Đối diện với những âu lo buồn bực trên khuôn mặt người mẹ vẫn thể hiện nét tươi sáng. Nụ cười của ngừơi mẹ là nụ cười của sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Đó là bài học đầu tiên cho con cái về đức tin. “Nếu con cái nhìn thấy rằng cha mẹ của mình – và cách chung những người lớn xunh quanh – sống cuộc đời cách vui tươi và hăng say, cả khi gặp những khó khăn, thì con cái sẽ dễ dàng tăng triển niềm vui sống sâu xa; và niềm vui sống này sẽ giúp cho con cái thành công vượt qua được những trở ngại có thể và vượt qua được những nghịch cảnh của đời sống con người” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006). Một người mẹ tâm sự: “Tần tảo sớm hôm lo miếng ăn, vừa phải giữ con, thu xếp công việc nhà trong một ngày qủa là qúa sức nhưng tôi quyết không kêu than, vì biết mình là trụ cột chính phải đứng vững cho chồng con yên lòng”, và qủa thật với nụ cười trên môi bà đã giáo dục 10 đứa con thành công, các ngừơi con của bà hiện nay là bác sĩ, hiệu trưởng, kỹ sư… (Kiều Chinh, Gánh Ve Chai Nuôi Con Thành Tài, báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 35, ngảy.9.2006, tr. 4).
Niềm vui tín thác của người mẹ dìu dắt người con hiểu được tầm quan trọng của ơn Chúa trong cuộc đời. Chính ngừơi mẹ sẽ dạy cho con cái hiểu mọi khả năng trong cuộc sống đều là ân huệ của Thiên Chúa, không có ơn Chúa con ngừơi không làm được gì. Từ bài học này người con sẽ thể hiện được đời sống khiêm nhường biết tôn trọng người khác, không khinh chê hoặc tỏ thái độ cao ngạo với những người chung quanh.
Việc chuyển giao đức tin cho con cái con được người mẹ thực hiện qua những câu chuyện kể về Kinh Thánh. Việc kể chuyện có thể được thực hiện trong những lúc mẹ con nằm bên nhau. Những mẫu chuyện “ngày xửa ngày xưa, có cô công chúa…” được thay thế bằng những câu chuyện trong Cựu ứơc như việc tạo dựng, lụt đại hồng thủy…, hay trong Tân ước, như chuyện về người Samaritanô nhân từ… Những câu chuyện Thánh Kinh là những bài học dạy về đức tin, về luân lý và đức ái Kitô giáo. Qua những mẫu chuyện Kinh Thánh người mẹ gieo vào mảnh đất đơn sơ của trẻ nhỏ những tâm tình tôn giáo. Không cần những kiến thức thần học cao sâu, nhưng chỉ cần nghe những lời êm ái dịu dàng của mẹ trong lúc kể chuyện, chắc chắn nội dung câu chuyện sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm ngừơi con.
Những giờ kinh tối trong gia đình chính là phương thế hữu hiệu cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Thế nhưng phương thế này đang bị các gia đình công giáo lãng quên và thay thế vào đó bằng những phương thế giải trí:phim ành, truyền hình, computer… Bởi đó để củng cố đức tin cho con cái cần phải tái lập lại những giờ kinh tối trong gia đình, và chính ngừơi mẹ đóng vai trò quyết định cho vấn đề nẩy. Dầu sao đi nữa cũng phải nhìn thấy tiếng nói quan trọng của ngừơi mẹ trong đời sống gia đình Việt Nam. Do đó ngừơi mẹ công giáo Việt Nam nên tận dụng lợi thế này trong công việc giáo dục đức tin cho con cái. Những lời kinh đơn sơ cùng đọc với cha với mẹ, người con cảm nhận được sự hiệp thông trong mái ấm gia đình. Chính trong giây phút này các thành viên trong gia đình sẽ khám phá ra gia đình là mái ấm chứ không là quán trọ. Và điều quan trọng hơn hết, qua việc qui tụ này sự hiện diện của Chúa như là bảo chứng cho sự hiệp nhất trong gia đình. Chính Chúa đã hứa điều đó, ở đâu co hai ba ngừơi họp nhau lại nâhn danh Chúa, thì Chúa sẽ hiện diện giữa họ. Sự hiện diện của Chúa cũng có nghĩa sự hiện của an bình và hạnh phúc, của yêu thương và hòa thuận, của thứ tha và cảm thông. Những giờ kinh tối trong gia đình là những lời tuyên xưng đức tin, và như Đức Bênêđictô XVI. đã xác quyết “ngôn ngữ của đức tin được học thuộc trong mái ấm gia đình nơi mà đức tin này được lớn lên và được củng cố nhờ qua lời cầu nguyện và việc thực hành đạo” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).
Một gia đình trẻ đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao đức tin cho con cái qua những giờ kính tối trong gia đình:
Chúng tôi là cha mẹ trẻ tuổi của một gia đình Công Giáo Pháp. Ngay từ khi lấy nhau, cả hai đều thâm tín rằng, trong vấn đề giáo dục con cái, việc thông truyền Đức Tin là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên chúng tôi không đề ra nguyên tắc hay quy luật nào phải theo. Chúng tôi muốn tránh lối giáo dục khắt-khe cứng-nhắc mà chúng tôi từng kinh nghiệm lúc tuổi còn thơ. Với thời gian, lần lượt 4 đứa con chào đời, chúng tôi bắt đầu khám phá ra việc đọc kinh chung trong gia đình là phương thức tuyệt hảo để thức tỉnh và xây dựng Đức Tin.
Biến cố quan trọng xảy đến cho gia đình: đứa con trai đầu lòng lên 8 tuổi chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu. Dịp tốt thúc đẩy chúng tôi quyết định đọc kinh tối chung trước khi đi ngủ. Từ đó chúng tôi thấy rằng, buổi đọc kinh tối chung trong gia đình trở thành giây phút hạnh phúc. Chúng tôi đặt trọn gia đình dưới cái nhìn yêu thương của THIÊN CHÚA. Tuy nhiên chúng tôi không ép buộc con cái. Đứa nào không muốn thì thôi. Nhưng tất cả đều chấp thuận tham dự. Chúng tôi đọc kinh chung trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Chúng tôi dọn chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt bức ảnh Đức Mẹ MARIA bồng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, một bình hoa và bốn cây nến trắng. Bốn đứa con theo lượt thắp và thổi tắt bốn cây nến này. Tất cả vợ chồng và 4 đứa con ngồi trên giường. Chúng tôi bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, rồi mỗi đứa con nói: “Con xin chào Đức Chúa GIÊSU. Con xin dâng cho Chúa lòng con. Con cám ơn Chúa vì một ngày tốt đẹp trải qua”.
Mỗi người sau đó có thể kể ra một việc cụ thể, hoặc một niềm vui nào đó, để cám ơn Chúa. Chẳng hạn như học hành chăm chỉ nơi trường học, ăn bữa trưa ngon, ăn bánh ngọt nơi nhà ông bà v.v. Rồi chúng tôi cùng đọc hoặc cùng hát kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng. Và chúng tôi kết thúc buổi đọc kinh bằng dấu Thánh Giá. Buổi cầu nguyện đọc kinh tối chung với các con trong gia đình khơi dậy trong tôi niềm khao khát cầu nguyện. Trước đó tôi từng tham gia nhiều hoạt động tông đồ trong giáo xứ, nhưng không chú ý nhiều đến việc cầu nguyện.
Kể từ khi tôi bắt đầu nghiêm chỉnh chú ý đến đời sống đạo đức của con cái, tôi cũng ý thức sâu xa rằng, tôi cùng tiến bước với các con và cùng các con khám phá ra con đường thiêng liêng phải theo. Tôi cũng ý thức sâu xa rằng, cầu nguyện không phải chỉ dành ra một thời gian cho THIÊN CHÚA, nhưng còn phải cố gắng sống Phúc Âm nhiều hơn. Ngoài ra mỗi giây phút trong ngày, cũng còn phải hướng lòng về với Chúa, nghĩ đến Tình Yêu và lòng trìu mến Ngài dành cho mỗi người.Con cái giúp tôi tìm gặp lại cái gì là thiết yếu nhất. Chúng cũng dạy tôi biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, dù bất cứ điều gì xảy ra; biết yêu thương người khác và biết cám ơn Chúa về tất cả niềm vui Chúa ban cho chúng ta. (Trích trong”PRIER”, 1+2/1984, trang 23-14. Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt chuyển dịch)
“Phúc đức tại Mẫu” là một quan niệm đựơc hình thành trong nền văn hóa Việt Nam nói lên tầm quan trọng của ngừơi mẹ trong gia đình. Và như thế cũng có thể khẳng định đời sống đức tin của con cái lệ thuộc vào ngừơi mẹ rất nhiều. Nhìn vào lịch sử của Giáo hội, có biết bao vị thánh, bao vị Giáo hòang và Giám mục thánh thiện đều nhờ đến công lao giáo dục của các bà mẹ; những tấm lòng quảng đại dấn thân phục vụ cho Giáo hội trong ơn gọi linh mục, tu sĩ đều nhờ đến lòng đạo đức, sự giáo dục và khích lệ của các bà mẹ. Do đó Giáo hội luôn cậy nhờ đến sự dấn thân của các bà mẹ trong việc chuyển giao đức tin và giáo dục đức tin cho con cái, nhất là trong thời đại hôm nay, nhằm xây dựng một nhân loại yêu thương và hòa bình, một nhân loại không hận thù và biết tôn trọng sự sống, một nhân loại biết nhìn nhận chủ quyền tối cao của Đấng Tạo Hóa và biết tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay thẳng. Đó là sứ mệnh quan trọng mà Chúa ủy thác cho các bà mẹ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khích lệ các bà mẹ: “sứ mạng này hối thúc chúng con trở nên những người đóng vai chính trong việc nhân bản hóa những sức sinh động đa diện đang chất vấn hoặc quấy nhiễu nhân lọai của thời đại chúng ta. Chúng con được mời gọi để trở nên những người xây dựng niềm hy vọng thật sự, một niềm hy vọng được trở nên vững chắc đối với những tín hữu nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và nâng đỡ những kẻ khó nhọc để xây dựng một nền văn minh và một lịch sử luôn được cảm hứng theo các gía trị Tin mừng công lý và tình yêu” (Huấn từ tại Hội Nghị tòan quốc do Trung tâm Phụ Nữ Ý tổ chức, ngày 6.12.1997).
Lm Hà văn Minh (Gp. Phú Cường)
UBMV. Gia Đình / HĐGMVN
Nguồn: giaophanmytho.net