Hãy đến thôi!

Hãy đến thôi!

Sau khi “được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan”, Đức Giê-su bắt đầu ra đi “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Và, để cho sứ mạng rao giảng được loan báo “khắp tứ phương thiên hạ”, Ngài đã tuyển chọn một số người làm môn đệ, để sau này tiếp nối sứ mạng của mình.

Nói về cuộc tuyển chọn của Đức Giê-su, qua sự ghi chép lại của các thánh sử, chúng ta được biết rằng: có người được chính Ngài đến gặp và mời gọi “Hãy theo ta”. Ông Mát-thêu như một điển hình. Chuyện được kể lại rằng: Một hôm, “Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông đứng dậy đi theo Người.” (x.Mt 9, 9)

Có người qua sự giới thiệu của bạn bè, họ đã đến gặp Đức Giê-su, và rồi họ cũng đi theo Người. Đó là trường hợp ông Na-tha-na-en. Một ngày nọ, ông Phi-lip-phê nói với ông Na-tha-na-en rằng: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?”

Ông Phi-líp-phê đáp lời, rằng: “Cứ đến mà xem” Na-tha-na-en tìm đến. Và rồi qua một vài lời đối đáp với Đức Giê-su, ông ta đã phải nhìn nhận Đức Giê-su “Là Con Thiên Chúa… là Vua Israel” (x.Ga 1, 43-51)

Còn… còn một trường hợp khác, rất đặc biệt, đó là hai người trong nhóm  môn đệ của ông Gio-an (Tẩy Giả). Một ngày nọ,  khi nghe ông Gio-an nói  Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”. Hai ông này liền đi theo Người.

Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an với tiêu đề “Các môn đệ đầu  tiên “(Ga 1, 35-42)

**    

Chuyện được kể lại rằng: Hôm ấy, “ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu” (x.Ga 1, 37).

Tại sao chỉ là một lời giới thiệu ngắn ngủi như thế, hai người môn đệ này liền-đi-theo? Thưa, bởi vì hai ông là người Do Thái, mà người Do Thái nào cũng vậy,  khi nghe nói đến “chiên”, không một ai lại không nhớ đó là con vật gắn liền với đời sống tôn giáo của họ.

Chiên ư! Làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Nhớ, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Đối với người Do Thái, “Chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”. Bởi vậy, khi nghe thầy Gio-an nói Đức Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời”, hai người môn đệ này không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giê-su cũng như sứ mạng của Ngài.

Là môn đệ của ông Gio-an tẩy giả, có lẽ nào hai người môn đệ này lại không được nghe thầy mình nói nhiều về một nhân vật “đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”! Lẽ nào họ lại không được nghe thầy mình nói về một Đấng “xóa bỏ tội trần gian”!

Hành động “liền đi theo Đức Giê-su” nói lên rằng, hai môn đệ rất muốn biết rõ Ngài có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” như lời thầy Gio-an đã tuyên bố hay không!

Thế là, như đã nói ở trên, họ liền đi. Trong lúc hai ông từng bước từng bước đi theo sau Đức Giê-su, thì “Ngài quay lại , thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: Các anh tìm gì thế?”

Đức Giê-su “hỏi”, nhưng hai ông lại đáp  bằng một câu “chào hỏi”, một câu chào hỏi rất tôn kính “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

“Thầy ở đâu?”. Vâng, có thể nói, câu chào hỏi này tỏ rõ ước muốn “tìm để biết”, biết sự thật về Đức Giê-su, của hai người môn đệ. Hôm đó, để đáp lại ước muốn của hai người môn đệ, Đức Giê-su đã nói với họ rằng “Đến mà xem”.

Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”.

***

Chuyện gì đã xảy ra khi hai ông ở lại với Đức Giê-su “ngày hôm ấy”! Thưa, thánh sử Gio-an không đề cập đến. Tuy nhiên,  có một chuyện, chúng ta có thể đoan chắc rằng, ông An-rê, “anh ông Si-mon Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su”, đã cảm nhận rằng, Đức Giê-su đúng là “Chiên Thiên Chúa”.

Vâng, chính vì cảm nhận ra Đức Giê-su là ai, nên khi về đến nhà, điều ông An-rê làm ngay lập tức, đó là “ông gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô)’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”.

Rồi, khi ông Si-mon gặp Đức Giê-su, Ngài nhìn ông và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

(Không hiểu sao, theo Tin Mừng Mát-thêu ghi, thì Đức Giê-su lại nói: “Này anh Si-môn con ông Giô-na” (x.Mt 16, 16)) Gio-an và Giô-na cùng chung một ý nghĩa chăng! Vâng, sự việc này các nhà chú giải Kinh Thánh chắc hẳn có câu trả lời.)

Điều quan trọng ở đây mà chúng ta cần biết,  đó là: việc Thiên Chúa đổi tên một ai đó có một ý nghĩa rất đặc biệt. Khi Thiên Chúa đổi tên và ban cho một người một cái tên mới, có nghĩa là “người ấy được định sẵn cho một sứ mệnh mới trong đời. Tên mới là một cách tiết lộ kế hoạch thiêng liêng và cũng để bảo đảm với họ rằng kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành qua họ. (nguồn: internet)

Xưa, Thiên Chúa đổi tên của Áp-ram, nghĩa là “cha cao cả” thành “Áp-ra-ham” nghĩa là “Cha của nhiều dân tộc”. Đồng thời, Thiên Chúa đổi tên vợ của Áp-ra-ham từ “Sa-rai” nghĩa là “công chúa của tôi” thành “Sa-ra” nghĩa là “Mẹ của các dân tộc” (x.St 17, 15). Và, kế hoạch của Thiên Chúa chúng ta biết rồi: hai ông bà sẽ là ông tổ dân riêng của Thiên Chúa. 

Nay, Đức Giê-su đổi tên ông Si-môn, một cái tên có nghĩa là “Đức Chúa Trời đã nghe,” thành “Kê-pha”. Và, kế hoạch mà Đức Giê-su trao cho Si-môn, đã được Ngài công bố, rằng: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-20)

Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a, có nói: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm-kiếm ta hết lòng.” (Gr 29, 13)

Hai người trong nhóm môn đệ của ông Gio-an, đã tìm-kiếm Đức Giê-su hết lòng. Các ông đã gặp được Ngài. Và rồi, các ông đã “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.

****

Hôm nay, “Giáo Hội tiếp tục vai trò của Gio-an Tẩy Giả” Lm.Charles E.Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, đã có lời chia sẻ như thế.

Vâng, chắc chắn là vậy. Giáo Hội, qua việc cử hành Thánh Lễ, vẫn tuyên bố Đức Giê-su là  “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Và, hơn thế nữa, Giáo Hội còn có lời loan báo thiết tha, rằng: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Qua việc cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội giúp chúng ta gặp Đức Giê-su Ki-tô, và cùng đồng bàn với Ngài nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, một bữa tiệc “thiêng liêng gồm Mình và Máu Thánh của Người.”

Chưa hết, trong Thánh Lễ chúng ta còn được nghe lời Đức Giê-su nói, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Nếu xưa kia, Đức Giê-su nói với hai môn đệ: “Đến mà xem”, thì ngày nay, Ngài sẽ nói với chúng ta, rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dường.” (x.Mt 11, 28)

Vâng, Đức Giê-su vẫn đang ở trong ngôi nhà của Ngài, một ngôi nhà mà hôm nay chúng ta quen gọi  là  “ngôi nhà tạm”, chờ đợi chúng ta. Mỗi ngày và mỗi tuần, Đức Giê-su vẫn chờ đợi chúng ta “đến mà xem”.

Đừng lảng tránh không đến thăm “ngôi nhà tạm”, thưa quý vị!  Khi chúng ta đến thăm ngôi nhà này, và  cùng đồng bàn với Đức Giê-su nơi Bàn Tiệc Thánh… Vâng, rất hạnh phúc,  đó là chúng ta được “Ở lại trong (Chúa) và (Chúa) ở lại trong ta”(x.Ga 6, 56).   Ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta chẳng phải là ta đã “ở lại với Người” đó sao!

Hồi ấy, hai người trong nhóm môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả, chưa phải là môn đệ của Đức Giê-su, thế mà họ đã “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người.”

Hôm nay, chúng ta đã là một Ki-tô hữu, lẽ nào chúng ta lại không “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người.”, như các môn đệ xưa!

Vâng, hãy đến thôi!

Petrus.tran