Đừng sống giả hình

Đừng sống giả hình

Giả hình (hay đạo đức giả) là gì? Thưa, trong một bài viết được đăng trên trang mạng Công Giáo và Dân Tộc, Lm. Phạm Quốc Túy – Giáo phận Phú Cường, đã có lời giải thích, rằng: “Giả hình là việc phô trương bên ngoài nhằm che dấu thực tại bên trong.”

Với TGM Giu-se Vũ Văn Thiên, qua một bài giảng, ngài có lời chia sẻ rằng: “Giả hình là hình thức dối trá, giả vờ có các nhân đức hoặc lòng đạo đức mà thực ra bên trong không có”.

Thánh Kinh lên án sự giả hình. Vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa, qua ngôn sứ I-sai-a, đã nghiêm khắc lên án thói giả hình qua lời tuyên phán rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Is 29,13).

Còn Đức Giê-su thì sao! Thưa, thói giả hình cũng bị Đức Giê-su lên án. Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả.” (x.Lc 12, …1).

Tại sao Đức Giê-su lại nói với các môn đệ “phải coi chừng men Phariseu?” Thưa, là vì các ông kinh sư và Pha-ri-sêu nói thì rất hay, nhưng thực tế thì lại không bao giờ thực hiện lời mình nói.

Hồi ấy, để cho dân chúng cũng như các môn đệ thấu hiểu lời truyền dạy của mình, Đức Giê-su đã liệt kê những gì quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu đã làm, như một cách để vạch trần sự giả hình của họ. “Bản liệt kê”, có thể nói như thế, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 23. 1-12).

** 
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hồi ấy, “Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (x.Mt 23, 1-3).

Đừng, đừng ngạc nhiên khi Đức Giê-su có lời khuyên dạy như thế. Thì đây, chúng ta thử tìm hiểu xem “những gì họ nói là nói những gì!” Vâng, theo lời TGM Giu-se Vũ Văn Thiên diễn giải, thì những lời giảng dạy của quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu thời đó tập trung vào việc: “Chuyển tải phúc lành của Chúa cho dân và để thay mặt dân dâng lời thỉnh cầu lên Chúa.” Thế nên, việc Đức Giê-su nói: “hãy làm, hãy giữ” là điều phải đạo.

Còn “Những việc họ làm là làm những gì!” Thưa, Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (x.Mt 23, 4). Do đó, việc “đừng có làm theo” cũng là điều phải đạo.

Chưa hết, còn một điều nữa, và có vẻ như đó là “cố tật” của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu. Đó là, sự kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, thích “ăn trên ngồi trốc”.

Vâng, hồi ấy, Đức Giê-su đã liệt kê những cố tật của họ như sau: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ráp-bi.”

***
Sau khi liệt kê những việc làm và cố tật của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su có lời truyền dạy rằng: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em của nhau.”

“Sốc hơn nữa” khi Đức Giê-su phán truyền: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.”

Đức Giê-su còn có một tuyên bố nữa, đó là: “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô”.

Đừng, đừng để bị “sốc” về những lời phán truyền (nêu trên) của Đức Giê-su.

Tại sao! Thưa, là bởi: “Các giáo huấn này không nên hiểu theo từng lời từng chữ. Nhưng qua những lệnh truyền có phần ‘đanh thép’ như vậy, Đức Giê-su muốn dạy ta một bài học quan trọng, đó là: Người muốn chúng ta không được nhường cho ai cái chỗ thuộc về Thiên Chúa trong đời sống của mình.”

Vâng, Lm. Charles E.Miller đã có lời chia sẻ như thế. Và, như để mọi người thấu hiểu hơn lời truyền dạy của Đức Giê-su, ngài Lm. có lời tiếp rằng: “Chúng ta đều là con cái của cha mẹ mình. Một số trong chúng ta được phúc có cha mẹ, và phần nào xót xa mà nói, một số khác thì không (có). Tuy nhiên, chúng ta rốt cuộc phải hướng lên trời để tìm thấy một người ‘CHA’ toàn bích, một nhân vật tuyệt vời ngoài mọi sức tưởng tượng, là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và cũng đã là Cha chúng ta. Anh chị em đừng để ai chiếm chỗ của Thiên Chúa trong đời mình.”

Tiếp lời chia sẻ của Lm. Charles, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ cho chúng ta hiểu thêm về lời giáo huấn của Đức Giê-su như sau: “Chúa Giê-su nói về hình thức quyền hành: ‘Đừng để ai gọi mình là ráp-bi (hay) là cha’. Đừng gọi là ‘ráp-bi’ tức là người có hiểu biết thường làm cho người ta câm miệng, cũng đừng gọi là ‘cha’, người làm cho ai nấy tôn kính và học theo, đến nỗi sẽ quên nhìn lên Đấng duy nhất tốt lành.

Trong Giáo Hội không ai được che khuất hình bóng của ‘Cha trên trời, Đấng chỉ có một’. Đức tin tinh tuyền, cái làm cho người ta chỉ phục tùng một mình Thiên Chúa, luôn bị tổn thương bởi việc ‘tôn sùng cá nhân’. Giáo Hội phải là một cộng đoàn những người tự do, thành thật với nhau trong lời ăn tiếng nói.”

Đúng vậy. Việc tôn-sùng-cá-nhân, hay tự đề cao mình chính là tác nhân gây ra sự “ly giáo”. Do vậy, đừng quên, Đức Giê-su còn có lời khuyến cáo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (x.Mt 23, 11-12).

****  
Đức Giê-su lên án thói giả hình. Và, những lời truyền dạy của Ngài là điều chúng ta phải “suy niệm nghiêm túc”. TGM Giu-se Vũ Văn Thiên đã có lời khuyên như thế.

Vâng, chúng ta hãy “nghiêm túc” tự hỏi mình, rằng: tôi có là một người Công Giáo thật sự, hay tôi chỉ là một người Công Giáo trên danh nghĩa! Nếu chỉ là trên danh nghĩa… thì… thì sao! Thưa, chúng ta chỉ là người Công Giáo giả hình.

Trong thực tế, có không ít người nói tin Chúa, nhưng thật ra, họ chỉ là gia nhập vào một tổ chức tôn giáo. Có không ít người được cha mẹ đặt cho tên thánh, nhưng cuộc sống của họ lại là một cuộc sống hai mặt. Hai mặt là giả hình rồi!

Vào nhà thờ thì nghiêm trang, đọc kinh sốt sắng. Ra nhà thờ thì “tiếng Đức, tiếng Đan Mạch” không thua ai. Đó là sự thật. Một sự thật mà chúng ta có thể chứng kiến tại những giáo xứ vùng ngã ba Ông Tạ, hoặc vùng Hố Nai, Gia Kiệm, v.v…

Về hội đoàn thì cũng tham gia hội này hội kia, nhưng thật ra chỉ là hữu danh vô thực. Hữu danh vô thực cũng là giả hình rồi!

Vậy thì sao, nếu chúng ta rơi vào một trong những trường hợp nêu trên! Thưa, hãy nghe lời thánh Gia-cô-bê truyền dạy: “Anh em thân yêu của tôi, anh em đừng có lầm lẫn”. (Gc 1, 16).  Đừng lm lẫn giữa giả và thật.

Kinh Thánh Cựu Ước có ghi lại một câu chuyện chống lại thói giả hình. Đó là câu chuyện cụ Elada, người được yêu cầu “Giả vờ ăn thịt cúng, như vua đã truyền. Vì làm như vậy ông mới thoát chết”. Nhưng vì kính sợ “Luật thánh do chính Chúa lập ra. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ. Ông nói: Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elada đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già” (2 Mac 6, 24-25).

Ông Elada không đi theo con đường giả hình. Quả là một câu chuyện đáng để chúng ta suy niệm hầu tránh xa thói giả hình.

Thế nên, hãy ghi khắc trong con tim mình lời ĐTC Phanxicô truyền dạy: “Đừng giả hình; có nói có, không nói không. Hãy sống theo sự thật mới có thể yêu thương; ngược lại, giả hình thì không biết yêu thương và còn nguy hiểm cho sự hiệp nhất trong Giáo hội.”

ĐTC Phanxicô còn có lời khuyên, rằng: “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về điều thánh Phaolô lên án: thói giả hình; và Chúa Giêsu kết án: thói đạo đức giả. Và chúng ta đừng sợ là những người trung thực, nói sự thật, nghe sự thật, sống theo sự thật. Như thế, chúng ta sẽ có thể yêu. Một kẻ giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện”.

Phải vậy. Đã là một người Công Giáo: “Đừng sống giả hình”.

Petrus.tran