Trưa Chúa nhật, ngày 15 tháng Mười vừa qua, một Tông huấn mới của Đức Thánh cha Phanxicô đã được công bố, với tựa đề “C’est la Confiance”, Chính niềm tín thác, về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, trong năm Kỷ niệm 150 năm sinh nhật thánh nữ.
Văn kiện giáo huấn này được dịch ra bảy thứ tiếng. Ấn bản tiếng Pháp dài 27 trang, chia làm 4 chương và 53 đoạn, trong đó Đức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu rằng con đường thơ ấu của thánh nữ Têrêsa nhắn nhủ chúng ta hãy tin tưởng nơi tình thương vô biên của Thiên Chúa và sống cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong sự cởi mở với tha nhân. Thánh nữ qua đời lúc mới 24 tuổi và được tôn làm bổn mạng các xứ truyền giáo và đã từng viết: “Trong con tim của Giáo hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình thương!”
Tựa đề Tông huấn mới của Đức Thánh cha rút từ câu thánh Têrêsa viết hồi tháng Chín năm 1896, rằng: “Chính lòng tín thác, và không có gì khác ngoài lòng tín thác, phải dẫn đưa chúng ta đến Đấng là Tình Thương”.
Trong Tông huấn, Đức Thánh cha nhắc lại những giai đoạn trong tiến trình nhìn nhận giá trị đặc biệt chứng tá của thánh nữ Têrêsa, qua các quyết định của các vị Giáo hoàng: bắt đầu từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã cho phép thiếu nữ Têrêsa 15 tuổi được vào dòng kín, rồi đến Đức Giáo hoàng Piô XI tôn phong Têrêsa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh, năm 1925, và hai năm sau, tôn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo. Sau cùng, năm 1997, thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng tôn thánh nữ là Tiến sĩ Hội thánh.
Lòng yêu mến Chúa Giêsu là linh hồn truyền giáo
Đức Thánh cha nhận xét rằng trong căn phòng nhỏ bé ở Đan viện, thánh nữ Têrêsa đã viết: “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi” (8). Khi phân tích kinh nghiệm thiêng liêng của thánh nữ, Đức Thánh cha đưa ra nhận định rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “kêu gọi thánh nữ đón nhận sứ mạng truyền giáo”, đến độ không thể quan niệm “sự thánh hiến của Têrêsa cho Thiên Chúa mà không có sự tìm kiếm thiện ích của các anh chị em”. Thực vậy, thánh nữ gia nhập dòng kín Camêlô là “để cứu vớt các linh hồn” (9).
Con đường tín thác và yêu thương
Đức Thánh cha Phanxicô đi vào trọng tâm linh đạo của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, đó là con đường thơ ấu. Đối với thánh nữ, điều đáng kể là hoạt động của Thiên Chúa, ơn thánh, chứ không phải công trạng riêng, vì chính Chúa là Đấng thánh hóa. “Vì thế, thái độ thích hợp nhất là tái đặt lòng tín thác ở ngoài bản thân chúng ta: đặt nơi lòng thương xót vô biên của một Thiên Chúa yêu thương vô cùng và đã ban mọi sự trong Thập giá Chúa Giêsu” (20).
Phó thác trong tay Cha
Đức Thánh cha nhận xét rằng trong cuộc sống chúng ta, “nhiều khi chúng ta bị tràn ngập sợ hãi, ước muốn an ninh phàm nhân, nhu cầu kiểm soát được mọi sự” (23), lòng tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa mà thánh nữ cổ võ, có sức “giải thoát chúng ta khỏi những tính toán ám ảnh, khỏi bận tâm liên lỷ tới tương lai, những lo sợ làm ta mất an bình. (..). Nếu chúng ta ở trong tay một Người Cha yêu thương chúng ta vô biên, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể tiến bước dù bất kỳ điều gì xảy ra (24).
Thử thách chống đức tin và tín thác nơi lòng thương xót
Đời sống thiêng liêng của nữ đan sĩ Cát Minh không phải là thiếu những thử thách ngược với đức tin. Thời đó, chủ thuyết vô thần tân thời lan tràn mạnh và Têrêsa cảm thấy mình là “chị em của những người vô thần” (26), cầu nguyện và dâng cuộc sống cho họ, lập lại lòng tin tưởng. Thánh nữ tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả trong Thiên Chúa đều là tình thương và cả đức Công Chính. “Đây là một trong những khám phá quan trọng nhất của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, một trong những đóng góp lớn nhất cho toàn Dân Chúa. Đặc biệt, thánh nữ đã đi vào chiều sâu của lòng Chúa thương xót và từ đó đã kín múc ánh sáng cho niềm hy vọng vô biên của mình” (27).
Trong con tim Giáo hội, là Mẹ tôi, tôi sẽ là Tình thương
Tông huấn nhận xét rằng từ thánh nữ Têrêsa Avila, Têrêsa Hài Đồng đã thừa hưởng “một tình yêu đậm đà đối với Giáo hội, và có thể đạt tới chiều sâu của mầu nhiệm Giáo hội”. Trong cuốn “Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ viết: “Tôi đã hiểu rằng Giáo hội có một con tim, và con tim này nồng cháy tình yêu… và trong con tim Giáo hội, là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu!” (39). Đức Giáo hoàng Phanxicô bình luận rằng: “Đó không phải là con tim của một Giáo hội háo thắng, nhưng là con tim của một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và thương xót. (…). Khám phá ấy về con tim của Giáo hội cũng là một ánh sáng lớn đối với cả chúng ta ngày nay, để không lấy làm gương mù vì những giới hạn và yếu đuối của tổ chức Giáo hội, mang vết tích của tối tăm và tội lỗi”. (41)
Sau cùng, chỉ có tình yêu là đáng kể
Trong chương cuối cùng, Đức Giáo hoàng giải thích rằng Tông huấn này giúp ngài nhắc nhớ, như ta đọc trong “Evangelii gaudium”, Niềm vui Tin mừng, trong một Giáo hội thừa sai, “việc loan báo tập trung vào điều thiết yếu, về điều đẹp nhất, lớn nhất, thu hút nhất và đồng thời cần thiết nhất” (47). “Sau cùng, chỉ có tình yêu là đáng kể” và ngài ngỏ lời với các nhà thần học và luân lý. Ngài viết: “Các nhà thần học, luân lý, các nhà tư tưởng về linh đạo, cũng như các mục tử và mỗi tín hữu trong môi trường của mình, chúng ta còn phải đón nhận thiên tài trực giác này của Têrêsa và rút ra những hệ luận lý thuyết cũng như thực hành, về mặt đạo lý cũng như mục vụ, cá nhân và cộng đoàn. Cần có sự táo bạo và tự do nội tâm để có thể làm điều đó”. (50)
Thời sự của Con đường thơ ấu
Trong phần kết luận, Đức Thánh cha nhắc nhớ những khía cạnh chính của “con đường thơ ấu” và tính cách thời sự của con đường này. Ngài kết thúc Tông huấn với một kinh nguyện ngắn, trong đó ngài khẩn cầu rằng: “Lạy thánh nữ Têrêsa quý mến, xin giúp chúng con luôn có lòng tín thác, như thánh nữ, nơi tình thương bao la của Thiên Chúa đối với chúng con, để chúng con có thể hằng ngày noi theo con đường thơ ấu của thánh nữ để nên thánh” (53).
(Vatican News 15-10-2023)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA