Khi đường phố Sài Gòn vẫn còn chưa tỉnh giấc, chúng tôi đã khởi hành tại nhà thờ thánh Đa Minh – Ba Chuông, sáng sớm ngày thứ Sáu, 13.10.2023 để về bên Đức Mẹ Sông Xoài. Dường như sự hồi hộp, mong ngóng đã làm nhiều người trong anh chị em chúng tôi trằn trọc mất ngủ cả đêm trước. Ra khỏi Sài Gòn, những dãy nhà cao tầng đã dần nhường chỗ cho con đường xanh mướt cây cỏ, đồng ruộng, sông, cầu. Con đường không mấy bằng phẳng dẫn vào nhà thờ Sông Xoài, Long An đã kín xe chở khách hành hương ngay từ 7g sáng.
Ngôi nhà thờ ở giữa nhà dân, một mặt hướng ra sông Vàm Cỏ Tây. Bà con ở đó nói: chiều hôm trước, mưa hai trận rất to, nhưng nghi thức rước kiệu Đức Mẹ vẫn diễn ra. Gió sông hôm nay không lồng lộng nổi, bởi người hành hương đã rợp kín trong và quanh nhà thờ. Các sạp bán đồ ăn uống của người dân rải quanh, mặc dù bán cho khách lạ nhưng giá vẫn rất mềm: café 12-15 ngàn/ly, hủ tiếu, bánh canh… 25 ngàn/tô. Có 3-4 gian hàng bán quần áo, giỏ xách, ngay hông nhà thờ; nghe rằng chủ gian hàng sẽ trích doanh thu để ủng hộ nhà thờ xây dựng.
Trước giờ lễ, bà con giáo dân đã quy tụ về bờ sông và các ghe để đọc kinh, cung nghinh Đức Mẹ trên sông. Đức Mẹ Sông Xoài với các câu chuyện lịch sử về sự linh thiêng, chở che đoàn con không phân biệt lương giáo từ giai đoạn còn bom rơi đạn nổ, đã khiến nhiều người gọi Mẹ Maria là Đức Mẹ Hòa Bình. Mọi người truyền tai nhau câu chuyện vui vui, ở Sông Xoài có hai tượng Đức Mẹ, mà Đức Mẹ trên sông thì linh hơn.
Thuộc giáo phận Mỹ Tho, giáo xứ Sông Xoài (ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa, Thuận Hóa, Long An) với khoảng 700 giáo dân, do linh mục Phêrô Ký Ngọc Tuấn làm chánh xứ. Nhìn cha sở tất tả lo toan mọi việc tới 2g chiều vẫn chưa được nghỉ ngơi, mặt ngài tái nhợt vẫn vui vẻ nhẹ nhàng quán xuyến công việc, nên có nhiều điều muốn hỏi thăm ngài mà chúng tôi không nỡ làm phiền. Nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Bổn mạng và ngày 13.10 là kỷ niệm hơn 100 năm Đức Maria hiện ra tại Fatima, nên Sông Xoài ngày này như quá tải về sức chứa, công việc, nhân sự. Mặc dù vậy, Thánh lễ vẫn diễn ra long trọng và tốt đẹp với sự đồng tế của 12 linh mục.
Trước sự quy tụ của hơn 3000 giáo dân, ngay từ đầu Thánh lễ, cha chủ tế đã bộc lộ tâm tình: “Ở đâu có Mẹ là ở đó con cái hướng về”. Ngài đã chia sẻ sâu hơn: “Mẹ đi đến đâu Mẹ cũng ban ơn phúc lành và ơn Đức Mẹ ban nhiều cách… Ơn Đức Mẹ không phải để giải quyết vài vấn đề như mua vé số mong trúng số, Mẹ muốn ban ơn cho chúng ta để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa thương xót chúng ta thế nào. Chúng ta biết Đức Mẹ có mặt để đem đến cho chúng ta sự bình an và niềm vui. Hãy chạy đến với Mẹ. Mẹ có mặt để chúng ta biết đường ngay nẻo chính, để thờ phượng và yêu mến Chúa và nhận ra lòng xót thương của Chúa. Mẹ có mặt để giải gỡ cho chúng ta biết bao nhiêu khó khăn và Mẹ có mặt để giúp chúng ta cầu nguyện cho thế giới, cầu nguyện cho tất cả những tình trạng tội lỗi. Hôm nay chúng ta quy tụ về đây trong bầu khí của những người con muốn bày tỏ lòng yêu mến và muốn chạy đến xin Mẹ thương, thì xin Mẹ thương cho thế giới ngày hôm nay được bình an, khi mà chiến tranh đây đó vẫn đang càng ngày càng khốc liệt”.
Hành trình về Sông Xoài của chúng tôi được kết nối bởi ca đoàn Giới Trẻ của giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông, nên khi hát từ gác đàn, chúng tôi có thể nhìn sâu xuống lòng nhà thờ. Ngôi nhà thờ chưa hoàn tất vẫn còn dang dở. Các bậc thang lên cung Thánh vẫn còn gạch vôi vữa loang lổ. Sau trận mưa đêm trước, có lẽ nước đã tạt vào gác đàn. Nước lênh láng trên sàn. Ca trưởng đứng trên bục điều khiển được xếp từ các cục gạch. Mirco không dây được trưng dụng tạm thời cho ca đoàn. Hệ thống điện, âm thanh đương nhiên chưa hoàn chỉnh. Mọi thứ vẫn đang còn trong tình trạng khá thô sơ. Từ sau lễ đặt viên đá đầu tiên vào giữa năm 2016 đến nay thì tiến trình hoàn thành ngôi nhà thờ vẫn chưa có ngày hoàn công vì còn phụ thuộc vào tiến trình góp gạch, xi măng… của quý ân nhân xa gần. Từ một giáo xứ nghèo, đến nay diện mạo của giáo xứ ít nhiều đã đổi thay, nhưng để trở thành một Trung tâm hành hương chỉnh chu như nhiều người mong ước hẳn sẽ còn là 1 hành trình dài…
Duy Thủy