Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng :
Thưa ông, ông còn vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”
Cụ già thản nhiên trả lời: Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người thanh niên xấc xược trả lời: Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời: Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi :”Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Bạn thân mến, đây là câu chuyện tôi đã từng được nghe khá nhiều lần trong tập đĩa “Lẽ Sống” mà bố tôi vẫn thường mở khi tôi còn là một học sinh cắp sách đến trường. Và có lẽ đó cũng là câu chuyện không mấy xa lạ với rất nhiều người trong các bạn. Thực ra ngày đó, khi còn đang ở cái tuổi mới lớn, tôi đâu có thích nghe mấy cái thứ như vậy. Nhưng vì bố tôi cứ mở đi mở lại suốt ngày nên tự nhiên câu chuyện đó thành như quen với tôi.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, mỗi khi đi đọc kinh tối ở nhà thờ. Cứ đến giờ lần hạt là bọn chúng tôi tự nhiên không thấy đứa nào hí hoáy nói chuyện nữa. Thì ra những lời kinh: Kính mừng …Thánh Maria… cứ lặp đi lặp lại đã đưa chúng tôi đi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Và nhất là trong các giờ kinh sáng ở nhà, sau khi nhận được một cái cốc đau chết điếng từ mẹ tôi vì cái tội ngủ gật, tôi đã từng nảy ra thắc mắc: Tại sao không phải là năm kinh ‘Kính mừng’ mà cứ phải là mười kinh mới “Sáng danh”? Tuy nhiên, bạn biết đó chỉ là suy nghĩ của một đứa trẻ ham ngủ.
Sau này, khi lớn lên tôi đã được học hỏi thêm chút về mầu nhiệm tràng chuỗi Mân Côi nhưng tôi lại thường không biết làm gì mỗi khi đến giờ lần hạt ngoài việc đọc theo mọi người như một cái máy và tay vẫn nhấp từng hột một như mấy thầy tu đạo đức. Cho đến khi tôi đọc được một bài chia sẻ, bài viết đó nói rằng: Khi lần hạt, ngoài việc suy niệm theo các mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi, chúng ta có thể cầu nguyện với một ý chỉ nào đó trong mỗi một chục. Hãy lần hạt ở mọi nơi mọi lúc: trên đường đi học hay đi làm; lúc chờ xe bus hoặc khi đợi một ai đó;… chúng ta sẽ nhận thấy được giá trị của những lời kinh tẻ nhạt đó. Tôi như bị thu hút bởi sự mới lạ này và bắt đầu tập làm theo. Và quả thật, ơn ích mà những lời kinh tưởng chừng như tẻ nhạt ấy mang lại thật không nhỏ.
Thế nhưng, những năm gần đây, mỗi khi đến tháng 10, bài hát của cố nhạc sĩ Thông Vi Vu (Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống) lại cứ văng vẳng bên tai tôi. Bài hát khá ấn tượng bởi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một câu hỏi: Sao em không lần chuỗi? Tôi đã tự hỏi tại sao ngài lại đặt câu hỏi như vậy? Phải chăng ngài đã thấy được điều gì đó?
Và thực tế, nếu dừng lại một chút và quan sát cuộc sống chúng ta sẽ thấy rằng, con người ngày nay không còn coi trọng việc lẫn chuỗi nữa, nhất là những người trẻ. Họ viện ra đủ mọi lí do để quên lãng việc lần chuỗi Mân Côi. Họ cho rằng, việc lần hạt là chuyện ‘xưa như trái đất’, thời nay mấy ai còn ngồi lần chuỗi nữa. Đấy chỉ là việc rảnh rỗi của mấy ông bà già nhà quê hay của mấy ông thầy bà sơ mà thôi. Bên cạnh đó, cuộc sống ngày hôm nay quá là bận rộn. Người lớn thì lo cơm áo gạo tiền. Người trẻ thì bù đầu chuyện học hành. Tất cả làm cho con người ta quá mệt mỏi khiến họ không còn hứng thú với những việc đạo đức nữa.
Nguy hiểm hơn cả là sự lôi kéo của công nghệ truyền thông. Viện cớ cuộc sống quá áp lực và căng thẳng, con người cần phải được giải trí nên rảnh một cái là xem tivi, lướt web, facebook, chơi game,…Những hình thức giải trí này giống như một thứ ma lực lôi cuốn con người ta một cách ghê gớm, và hậu quả là họ không còn lấy một khoảng trống nào dành cho Chúa và Mẹ hay cho những việc đạo đức. Vì cầm điện thoại thích hơn cầm cuốn Kinh Thánh; lướt web hấp dẫn hơn việc lần hạt và chuyện chát chít vui hơn nhiều chuyện đọc kinh. Chính những điều này đã dẫn những người trẻ rơi vào một cuộc đại khủng hoảng về đời sống đạo đức, xa hơn sẽ là thảm họa về đời sống thiêng liêng.
Con người cho rằng, những tiến bộ về khoa học hiện nay chỉ cần nhấn một cái là sẽ nhanh chóng giải quyết được mọi thứ chứ lần hạt làm gì cho mất thời gian như suy nghĩ của chàng sinh viên trong câu chuyện trên. Nhưng điều anh không ngờ là tác giả của rất nhiều những cuốn sách khoa học mà anh luôn say mê tìm hiểu và khâm phục đó lại luôn cầm trên tay một tràng chuỗi Mân Côi.
Nhìn bên ngoài, chuỗi Mân côi có vẻ rất bình thường với những lời kinh được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Thế nhưng, Louis Pasteur – một trong những nhà khoa học vĩ đại trong câu chuyện trên đã cho ta thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về chuỗi Mân Côi mà Mẹ Ma-ri-a đã trao tặng cho con cái mình. Lời kinh ấy chính là cuốn Phúc Âm rút gọn về cuộc đời Con của Mẹ và qua lời kinh ấy Mẹ muốn chúng ta hãy biết đến với Mẹ cách đơn sơ, khiêm tốn để cùng với Mẹ, ta có thể đến với Chúa cách dễ dàng hơn.
Tháng Mân Côi đã đến! Tôi và bạn, chúng ta đã làm gì để tỏ lòng yêu mến Mẹ? Theo lời mời gọi của ĐTC Phan-xi-cô, chúng ta hãy quyết tâm sống theo lời Mẹ nhắn nhủ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fa-ti-ma “hãy siêng năng lần hạt”. Nhất là giữa một xã hội đầy vội vã và biến động, chúng ta được mời gọi hãy thì thầm những lời kinh Mân Côi để tìm được sự bình an trong tâm hồn.
Hay nói như Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II “Hãy cầm lấy lại chuỗi Mân Côi với niềm tin tưởng. Hãy tái khám phá lại kho tàng chuỗi Mân Côi và cùng với Giáo hội cầu nguyện cho thế giới”. (Tông thư Kinh Mân Côi, số 43) Và chắc hẳn đó cũng là phương cách ta làm vui lòng Mẹ. Bởi “ai yêu mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán”. (Đường Hy vọng số 947)
Hãy bắt đầu từ hôm nay bạn nhé!
Tê-rê-xa nhỏ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org