Ngày 10.09.2023: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”

Ngày 10.09.2023: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó"

Ngày 10-09-2023

Chúa nhật Tuần 23 Mùa Thường niên, Năm A 

Lời Chúa: Mt 18, 15-20

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

++++++++++++

Twenty-third Sunday in Ordinary Time, Year A

Gospel: Mt 18:15-20

Jesus said to his disciples: “If your brother sins against you, go and tell him his fault between you and him alone. If he listens to you, you have won over your brother. If he does not listen, take one or two others along with you, so that ‘every fact may be established on the testimony of two or three witnesses.’ If he refuses to listen to them, tell the church.  If he refuses to listen even to the church, then treat him as you would a Gentile or a tax collector.

Amen, I say to you, whatever you bind on earth shall be bound in heaven, and whatever you loose on earth shall be loosed in heaven.

Again, amen, I say to you, if two of you agree on earth about anything for which they are to pray, it shall be granted to them by my heavenly Father.  For where two or three are gathered together in my name, there am I in the midst of them.”

++++++++++++

Ngày 10.09.2023: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó"

Gợi ý suy niệm

Có ai trong chúng ta dám cho mình là người thập toàn không? Những người có lương tri chắc không ai dám khẳng định như thế, vì đặc tính này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Ý thức về thân phận thực tế của con người, Elbert Hubbard đã phát biểu rất xác đáng: “Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong năm phút mỗi ngày. Bậc thánh hiền là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt qua thời hạn ấy”. Như vậy, sai lỗi và lầm lỗi là một thực trạng của con người trong xã hội, trong cộng đoàn. Và nếu đã sai lỗi thì cần phải được sửa lỗi để trở nên tốt hơn.

Thực ra, sửa lỗi cho nhau là một trách nhiệm của mỗi người trong cộng đoàn, chứ không phải là một công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền. Bởi vì lỗi lầm của cá nhân ảnh hưởng tai hại đến đời sống chung và gây sứt mẻ tình đoàn kết giữa các thành phần. Hơn nữa, một cộng đoàn không bao giờ gồm toàn những người tốt lành thánh thiện cả, trái lại, vẫn còn những phần tử bất hảo, cố chấp, lầm lạc. Vậy phải đối xử thế nào đối với những người có lỗi?

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói lên nhu cầu phải sửa lỗi cho nhau theo ba bước: từ sửa lỗi giữa hai người, tới việc cần có 2, 3 người làm chứng, và sau cùng đưa người ấy ra trước mặt Hội thánh. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta phải giữ tinh thần bác ái huynh đệ, mục đích giúp người có lỗi ý thức về sai lầm của mình mà sửa đổi. Thái độ trong khi sửa lỗi là luôn phải yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ.

Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến mối tương quan giữa mọi người trong cộng đoàn. Một trong những mối tương quan đó là sửa lỗi cho nhau. Khi một người phạm lỗi thì đều liên quan đến cộng đoàn. Vì vậy, với tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải sửa lỗi cho họ trong tinh thần yêu thương và kính trọng. Diễn tiến việc sửa lỗi này là tiệm tiến, phải đi từ kín đáo đến công khai:

  – Riêng ngươi với nó: giữa hai người.

  – Đem theo một hay hai người làm chứng.

  – Kể nó như người ngoại hay thu thuế.

    Tuy nhiên, thánh Mátthêu ghi tiếp sau đoạn này (Mt 18,21-35) là có lỗi giữa hai cá nhân với nhau. Trong trường hợp này thì giải pháp hay nhất là tha thứ.

Mục đích của việc sửa lỗi này không phải nhằm lên án người có tội mà là thức tỉnh họ, giúp họ trở về với cộng đoàn. Cả hai trường hợp cần có sự cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, nhất là việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn.

Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng: sửa lỗi anh em là hành vi tích cực của đức bác ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên, thì sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là bổn phận nữa.

Theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn việc sửa lỗi anh em phải trở thành một cuộc vận động tiệm tiến gồm có ba bước:

* Bước 1: Giữa ngươi với nó (Mt 18,15). Bước một là nói chuyện riêng, kín đáo giữa một người anh em với một người anh em, mà anh có quyền mong đợi sự giúp đỡ ngược lại trong trường hợp chính anh ta lầm lỗi. Đó không phải là hạ nhục người tội lỗi, nhưng là giúp anh nhìn ra lỗi lầm.

    Một cuộc hòa giải thực sự luôn luôn đòi có một tiếp xúc cá nhân bằng cách nào đó. Giáo hội luôn ý thức về tầm quan trọng của tiếp xúc này. Chính vì thế, ở mọi thời, dù phép cáo giải có mặc hình thức nào đi nữa, vẫn luôn luôn dành chỗ cho một đối thoại cá nhân.

 * Bước 2: Nếu bước 1 không đem lại kết quả mong đợi, sẽ sang bước 2. Trong bước 2 này sẽ có 2 hoặc 3 nhân chứng, theo đề nghị của sách Đệ nhị luật (St 19,1) như đã được thực hành, dưới sự chứng giám của Phaolô, trong cộng đoàn tín hữu tại Côrintô (2Cr 13,1).

    Sự hiện diện của các nhân chứng bảo đảm cho tính khách quan, đồng thời đưa vào đó một yếu tố cộng đoàn, dù luôn luôn kín đáo.

 * Bước 3: Nếu vẫn không có kết quả, ta còn một phương thế cuối cùng: đưa ra trước Giáo hội: trình bầy sự việc trước cộng đoàn Giáo hội.

    Nếu tội nhân từ chối nghe Giáo hội, thì, theo như bài Tin mừng, “Ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế”. Một công thức dứt khoát không phải là một khinh miệt hoặc kết án: Đức Giêsu đã trở nên “bạn bè với những người thu thuế” kia mà. Công thức ấy chỉ tuyên bố rằng: người tội lỗi tự loại mình ra khỏi cộng đoàn và Giáo hội chỉ chứng nhận sự tách lìa này, và sẵn sàng đón nhận lại người mà một ngày nào đó, hy vọng thế, sẽ được ơn thánh thay đổi, giải phóng.

Chúa dạy những người trong cộng đoàn phải “hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế những lúc cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết bao dung với anh chị em khi họ có lỗi với chúng con.

Xin cho chúng con biết dùng tình thương để cảm hóa. trong ý thức: mỗi người chúng con đều là tội nhân, xin cho chúng con biết cảm thông và yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con, để giúp anh chị em chúng con sống tốt hơn.

Còn khi chúng con trót lỗi lầm, xin cho chúng con can đảm chạy đến với Chúa, đến với anh em để xin ơn tha thứ.

Amen.