Cứ để cả hai cùng lớn…
Thánh Gio-an tông đồ có nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thật vậy, suốt chiều dài lịch sử con người, Thiên Chúa luôn là một Chúa của tình yêu, và tình yêu của Người luôn được thể hiện bằng một trong nhiều phương cách khiến cho mọi con tim phải rung động, phương cách đó chính là lòng nhẫn nại.
Vâng, Thiên Chúa là Đấng rất nhẫn nại. Tác giả sách Thánh Vịnh đã mô tả sự nhẫn nại của Thiên Chúa như sau: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”
Với tác giả sách Khôn ngoan, chúng ta được biết: “Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.”
Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã nói đến sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với con người. Để diễn tả lòng nhẫn nại của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn với những hình ảnh rất đời thường. Phải nhìn nhận rằng, sau khi nghe dụ ngôn này, không ai có thể phủ nhận, đây là một tuyệt tác nói về lòng nhẫn nại của Thiên Chúa.
Vâng, dụ ngôn này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, với tiêu đề “dụ ngôn cỏ lùng” (x.Mt 13, 24-43)
**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hôm ấy, “Đức Giê-su đã trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn” Dụ ngôn được kể rằng: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.”
Vâng, gieo-giống-tốt-trong-ruộng-
Đáng tiếc thay! dụ ngôn được kể tiếp rằng: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất”.
Bình luận cho sự việc này, có lẽ chúng ta sẽ thốt lên rằng: “Quân đểu giả, ném đá giấu tay”. Vậy là xong, phải không, thưa quý vị!
Thế nhưng, với Lm. Nguyễn Tầm Thường, ngài có một cái nhìn sâu xa hơn. Trong tác phẩm “Nhổ Cỏ”, ngài Lm. có đôi lời suy tư rằng: “Có thể kẻ thù bỏ đi vì biết chắc chắn cỏ sẽ mọc, nó đã biết trước thành công. Nếu đấy là chuyện linh hồn ta, ta không có năng lực nào chống lại hay sao? Như vậy quá buồn.
Có thể kẻ thù vội bỏ đi, sợ chủ vườn nhận diện được nó. Nếu vậy, sự vắng mặt của kẻ thù là nguyên nhân thành công. Vắng mặt nguy hiểm hơn có mặt. Hình ảnh này cũng quá thực và quá thường trong cuộc sống.
Nhiều hoàn cảnh thấy như êm đềm nhưng thật sự không phải thế. Nhiều gia đình nhìn bề ngoài không bóng dáng sóng gió, thật sự không phải thế. Không nhận diện được bóng kẻ thù, bất chợt một ngày thấy cỏ lên cao, lúc ấy quá muộn cho một chuyện buồn rồi”.
Quá buồn! Quá thực! Quá muộn cho một chuyện buồn! Vâng, đó cũng là thực trạng cho mảnh ruộng Hội thánh của chúng ta hôm nay.
“Có cỏ lùng trong mảnh ruộng Hội Thánh” Lm.Charles E.Miller buồn bã nói như thế. Buồn, nhưng ngài Lm. có lời khuyên, rằng: “(Đừng) nản lòng khi nghe nói tới các vụ tai tiếng này, (bởi vì) ngay trong Nhóm Mười Hai do chính Đức Giê-su tuyển chọn , cũng từng có kẻ bán Chúa. Lẽ ra đã có thể khai trừ Giu-đa trong lúc hành vi phản bội còn là một tư tưởng đen tối trong đầu y, Đức Giê-su vẫn chưa vội gom cỏ lùng là Giu-đa từ giữa đám lúa là các Tông Đồ khác.”
Vâng, lời chia sẻ của ngài Charles có làm cho chúng ta càng ngày càng phải nhẫn nại không nhỉ!
Trở lại câu chuyện “dụ ngôn cỏ lùng”. Đúng, đúng là “quá muộn cho một chuyện buồn” đối với người chủ ruộng. Chuyện buồn đó được dụ ngôn mô tả, rằng, “khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.
Đối với một nông gia, quả thật, đây là một điều hết sức phiền toái. Thật vậy, sự phiền toái đó biểu lộ qua thái độ của người đầy tớ trong dụ ngôn, khi anh ta đến gặp ông chủ của mình và nói: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
Ở-đâu-mà-ra! “Kẻ thù đã làm đó! – Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? – Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.” Ông chủ ruộng và người đầy tớ đã có những lời đối đáp như thế.
Đó, đó có là cách ứng xử khôn ngoan của ông chủ ruộng? Thưa đúng vậy. Theo sách vở ghi lại, cỏ lùng là một loại cỏ ở vùng Trung Đông, hình dáng rất giống cây lúa mì đến nỗi người địa phương gọi cây cỏ lùng nầy là cây lúa mì hoang. Gom chúng lại ư! Làm sao nhận diện! Ngộ nhỡ nhận lầm thì sao đây! Chính vì thế, ông ta đã đưa ra một quyết định rất đúng, đó là: “Đừng…”
***
Vâng, ông chủ ruộng nói “đừng”. Và, Thiên Chúa nói sao nhỉ! Thưa, qua môi miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.
Bây giờ, chúng ta hãy nghe Đức Giê-su giải nghĩa dụ ngôn. Hôm đó, Ngài đã giải nghĩa dụ ngôn như thế này: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần”.
Sau đó, Ngài nói tiếp: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào hồ lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.”
Cho nên, đừng ngạc nhiên khi hôm nay Thiên Chúa chưa “diệt trừ khỏi xã hội (nơi chúng ta đang sống) những kẻ cổ vũ cho tệ nạn phá thai, xâm phạm tình dục trẻ em, những kẻ buôn ma túy, những kẻ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ vì lợi ích cá nhân của mình v.v…”
Đừng để mình lung lạc niềm tin khi thấy “con cái Ác Thần” làm mọi điều gian ác, làm gương mù gương xấu, thế mà vẫn chưa bị “nhổ bỏ”, vẫn chưa bị “quăng vào lò lửa”. Vì: “Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,…16). Và rằng, Thiên Chúa nếu có muốn “trừng phạt” thì “Ngài trừng phạt chúng từ từ cho chúng có cơ may hối cải” (Kn 12,10).
Kinh Thánh có chép rằng: “Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ, phường gian ác có đua nở khoe tươi, cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn” (Tv 92,8).
Thế nên, hãy có lòng nhẫn nại như Thiên Chúa đã thể hiện lòng nhẫn nại. Và, đừng quên, kết thúc phần giải thích dụ ngôn, Đức Giê-su, thêm một lần nữa, nhấn mạnh rằng: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13, …43)
Chúng ta “có tai”, và chúng ta đã nghe Đức Giê-su giải nghĩa dụ ngôn. Do vậy, chúng ta đã biết lòng nhẫn nại của Thiên Chúa như thế nào. Thế nên, hãy nhẫn nại chờ đến “mùa gặt cách chung”, bởi vì trước mùa-gặt-cách-chung, biết đâu “người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất thành kẻ tội lỗi.” (trích nguồn: 5 phút cho Lời Chúa)
Tác giả sách “5 phút cho Lời Chúa” có lời chia sẻ: “Bạn muốn Chúa đối xử với bạn ra sao thì bạn cũng hãy đối xử với người khác như vậy. Lòng bao dung nhẫn nại của bạn phản ánh khuôn mặt của Chúa trong đời bạn.”
Chúng ta có muốn khuôn mặt của mình phản-ánh-khuôn-mặt-của-Chúa? Tại sao lại không, nhỉ! Vâng, nếu muốn, hãy chấp nhận “cứ để cả hai cùng lớn…”
Petrus.tran