Lạy Chúa, đừng để họ dọa nạt con.

Lạy Chúa, đừng để họ dọa nạt con.

Sợ… hay sợ hãi, đó là cảm xúc tự nhiên của con người. Khi nói tới sự sợ hãi, có thể nói rằng: đó là vị khách không mời cũng đến. Nó đến, khi ta rơi vào trạng thái không yên lòng vì nghĩ rằng có sự xuất hiện một điều gì đó nguy hiểm hoặc một mối đe dọa có thể gây tổn hại cho ta.

Có mối sợ hãi khiến ta thẫn thờ, bất động. Ví dụ như sợ ma chẳng hạn. Có mối sợ hãi làm cho ta hoảng loạn. Ví dụ như chiến tranh, thiên tai v.v.

Có mối sợ hãi khiến ta “không dám suy nghĩ và hành động đúng theo niềm xác tín Công Giáo của mình.” Đây là mối sợ hãi đặc biệt thường do từ sự đe dọa. Sự đe dọa bởi một ai đó, bởi một thể chế nào đó, bởi một thế lực nào đó v.v…

Đức Giê-su rất quan tâm đến mối sợ hãi này. Trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài và Nhóm Mười Hai vẫn thường phải đối diện với nhiều sự đe dọa. Những sự đe dọa này, thường xuất phát từ giới thần quyền Do Thái. Đó là quý ông Phariseu, kinh sư, biệt phái.

Với Đức Giê-su, Ngài chưa một lần tỏ ra sợ hãi. Nhưng, với Nhóm Mười Hai… Có, có vấn đề! Thế nên, Đức Giê-su đã có những lời giáo huấn thiết thực, hầu đem lại cho các ông niềm xác tín vững mạnh vào sứ vụ trong một tương lai mà các ông sẽ thực hiện. Những lời giáo huấn này, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**

Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, thì: Sau khi Đức Giê-su tiên báo những cuộc bách hại sẽ xảy ra, Ngài đã có những lời giáo huấn với các môn đệ của mình, rằng: “Anh em đừng sợ người ta.”

Người ta là ai! Thưa, tất nhiên là những kẻ “bách hại” mà Đức Giê-su đã nói trước đó. Và vào thời đó, những kẻ bách hại không ai khác ngoài thế lực thần quyền là nhóm Phariseu, kinh sư, biệt phái.

Tại sao Đức Giê-su lại bảo là đừng sợ? Đừng sợ là đừng sợ thế nào! Thưa đừng sợ là bởi, quý vị đó chỉ là phàm nhân, và Đức Giê-su đã nói rằng: họ chỉ là “những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”.

Nếu có sợ…Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su nói: “Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

“Đấng có thể tiêu diệt” là ai! Thưa, đó chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn trí, toàn năng.

Hôm ấy, minh chứng về một Thiên Chúa toàn trí, Đức Giê-su nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” Minh chứng về một Thiên Chúa toàn năng, Đức Giê-su nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”. (x.Mt 10, 29-30)

Kết thúc cho những lời giáo huấn, Đức Giê-su đưa ra một lời khuyên: “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

***

Chúng ta vừa nghe lại những lời giáo huấn của Đức Giê-su. Rất ngắn gọn, nhưng cũng đủ để nói về một Thiên Chúa, một “Đức Chúa hằng ở bên (chúng ta)”(x.Gr 20, 11)

Vâng, Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta. Và chính Đức Giê-su cũng có lời phán hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Thế nên, chúng ta phải hiểu rằng, khi Đức Giê-su nói về Đấng-có-thể-tiêu-diệt, Ngài không nhằm mục đích “dọa dẫm” chúng ta. Trái lại, đó chính là lời nhắc nhở chúng ta rằng: “không có Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta mất tất cả.”

Ngôn sứ Giê-rê-mi, được mênh danh là “Người của Thiên Chúa” cũng đã có lời khuyên rằng: “Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.” (x.Gr 20, 11)

Khi có ĐỨC CHÚA hằng ở bên, ngôn sứ Giê-rê-mi đã không còn sợ hãi trước những lời nhạo báng ông, hoặc những lời “sỉ nhục và chế giễu (ông) suốt ngày”. Giê-rê-mi đã “nói ra giữa ban ngày” sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Chuyện được kể lại rằng: “Giê-rê-mi bị những kẻ chống lại ông buộc phải lên đường trốn sang Ai Cập. Theo truyền thuyết, ông bị một số đồng bào của mình giết hại tại đó.”

Lm Charles E.Miller có lời chia sẻ về vụ thảm sát của ông, rằng: “Những con người độc ác (những kẻ giết ông) không được ai nhắc nhở, nhưng với Giê-rê-mi thì ngược lại. Ông vẫn tồn tại không chỉ trong các trang Sách Thánh, mà còn trên Thiên Đàng với Chúa Giê-su, Đấng Mesia mà ông chưa từng biết tới trên cõi đời này, nhưng luôn giữ một lòng trung tín với Người tuy không hề nhận biết.”

****

Hôm ấy, Đức Giê-su không chỉ nói tới quyền tối thượng của Thiên Chúa. Ngài còn khẳng định vai trò của mình bên cạnh “Cha Ngài.” Đó là, Ngài có quyền “định đoạt số phận đời đời của chúng ta.”

Về điều này, tông đồ Phao-lô xác tín mạnh mẽ, rằng: “Nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su, Chúa chúng ta” (x.Rm 5, 21)

Vâng, “nhờ Đức Giê-su, Chúa chúng ta” Do vậy, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta đừng sợ hãi chối bỏ đức tin của mình trước mặt thiên hạ. Về điều này, một dịch giả Kinh Thánh, trong nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, có lời khuyên rằng: “Chúng ta không nên hổ thẹn mà hành động và ăn nói với tư cách là người có đức tin, khi cần còn phải tuyên bố những xác tín của chúng ta cách công khai nữa.”

Đúng vậy, đừng hổ thẹn. Vì như lời Đức Giê-su truyền dạy: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy , Đấng ngự trên trời.”

Còn không tuyên bố thì sao nhỉ! Thưa, Đức Giê-su nói: “Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

“Giả bộ” không tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ, đại loại như không ghi tôn giáo trong phần khai sơ yếu lịch lý vào những năm tháng trước đây, có được không? Tôi, người viết, không có câu trả lời. Thế nhưng, Đức Giê-su có câu trả lời. Ngài nói: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.”

Đã là một Ki-tô hữu, hãy thực hiện lời Đức Giê-su tuyên phán: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.”

Như các môn đệ xưa, hôm nay chúng ta cũng đã và đang bị đe dọa bởi Satan thông qua “những trào lưu nguy hiểm” đầy dẫy trong xã hội. Chúng ta sẽ bị “chụp cho một cái mũ vi phạm nữ quyền” khi quá nhấn mạnh “phá thai là một tội ác không sao tả xiết”.

Những người tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân” sẽ nhìn chúng ta bằng cặp mắt hình “viên đạn đồng đen” khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc” v.v…

Rất, rất nhiều lời chế diễu, nhạo báng chúng ta, khi chúng ta “lên mái nhà”, à không! phải nói là “lên mạng xã hội” rao giảng những lời giáo huấn mà Đức Giê-su Ki-tô đã truyền dạy, năm xưa.

Đừng sợ! Anh-em-đừng-sợ-người-ta. Xưa, Đức Giê-su đã có lời nhắn nhủ như thế. Còn hôm nay, Ngài sẽ nói gì với chúng ta!

Vâng, Lm.Charles E. Miller, qua một bài chia sẻ được đăng trong tác phẩm “Sunday Preaching”, viết: “Chúa Giê-su nói với chúng ta đang tụ họp nơi đây trong tinh thần phụng tự (rằng): Thầy thấy các con đến nhà thờ với tư cách là dân Chúa. Thầy sẽ tiếp tục nhận các con trước mặt Cha Thầy trên trời, bao lâu các con tiếp tục tuân hành các giáo huấn của Thầy, chứ không nhận kẻ chống đối Phúc Âm. Đừng để họ dọa nạt các con.”

Lm.Charles E. Miller cho rằng Đức Giê-su sẽ nói như thế. Thế nên, chúng ta “cũng nên” mượn lời ngài Charles, làm lời cầu nguyện cho chúng ta. Vâng, mỗi khi chúng ta phải đối diện mối sợ hãi nào, hãy cầu nguyện với Chúa Giê-su, nguyện rằng: “Lạy Chúa, đừng để họ dọa nạt con.”

Petrus.tran