Trong cuôc sống hằng ngày , cứ sự thường, khi một ai đó xử sự xấu với ta, ta không ngần ngại xử sự xấu lại với họ. Khi một ai đó làm cho ta thất điên bát đảo, ta sẽ tìm cơ hội gây tổn thất lại cho người ấy.
Vâng, những hành động đó, thường được gọi nôm na là trả đũa, trả thù. Và, nói không sợ sai, nó như là căn bệnh trầm kha trong xã hội loài người.
Về việc trả đũa, điều chúng ta dễ nhìn thấy nhất, đó là, hễ có ai đó phun vào mặt ta vài câu “tiếng Đức”, ta sẽ trả đũa lại bằng một loạt tiếng “Đan Mạch”. Hễ có ai đó xúc phạm, gây tổn thương, hoặc có cử chỉ khiếm nhã, khiến ta nổi giận, 99% ta sẽ tìm cách để trả đũa, trả thù. Đúng không, thưa quý vị!
Con người, trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, đã chứng kiến biết bao cuộc trả thù. Xưa, các vị vua chúa thường trả thù bằng cách tru di tam tộc, hay tru di cửu tộc. Còn ngày nay, nhẹ nhưng đau, đó là truy xét “lý lịch”, truy xét tận ba đời v.v…
Sự trả thù còn ngấm sâu vào đời sống tôn giáo. Với Nho giáo, thì, “quân tử mười năm trả thù chưa muộn”. Với Do Thái giáo, khỏi chờ lâu, “mạng đền mạng”.
Đạo Công Giáo thì sao? Thưa, Giáo Hội Công Giáo không khuyến khích người tín hữu trả thù. Trái lại phải biết tha thứ và nhẫn nhịn. Qua bài kinh “thương người có mười bốn mối”, Giáo hội khuyên người tín hữu hãy “tha kẻ dể ta (và) nhịn kẻ mất lòng ta”.
Với Đức Giê-su thì sao? Thưa, Ngài không hoan nghênh cách xử sự “ăn miếng trả miếng”. Đức Giê-su từng truyền dạy “Chớ trả thù”. Có rất… rất nhiều lời truyền dạy. Và, khi nghe qua, ai cũng phải nhìn nhận rằng, quả là những lời truyền dạy đầy lòng bao dung. Những lời truyền dạy này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 5, 38-48)
**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu, một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán truyền, rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
Đấy! Luật rất bao dung. Một sự bao dung đến độ chấp nhận thua thiệt nơi chính bản thân mình.
So với Luật Do Thái xưa, thường được gọi là “bộ Luật Giao Ước”, thì một chiếc răng đổi một chiếc răng, một con mắt đổi một con mắt, là lẽ công bằng. Thế nhưng, Đức Giê-su muốn người môn đệ của Ngài phải có “tính cách đạo đức cao hơn” so với người đời.
Vâng, đó là lý do Đức Giê-su có thêm lời truyền dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại, và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy. Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
Và, rất là hữu lý khi Ngài thêm lời cảnh báo, rằng: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
Cuối cùng, Đức Giê-su có lời mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
***
Đức Giê-su đã có lời mời gọi. Vậy, chúng ta sẽ “nên hoàn thiện” đúng như lòng Ngài mong ước! Câu trả lời là của mỗi chúng ta.
Thế nhưng, đừng…đừng nghĩ rằng, khi hoàn thiện những điều luật Đức Giê-su truyền dạy, chúng ta sẽ trở thành những kẻ nhát đảm, sợ hãi, yếu nhược. Trái lại, khi thực thi, chúng ta lại là những người can đảm, là những kẻ chiến thắng, trước hết là chiến thắng chính bản thân mình. Và sau là chiến thắng “thói đời”, nơi luôn tạo ra sự gây thù chuốc oán.
Do vậy, đừng ngần ngại khi mình phải tha và nhịn. Hãy nhớ rằng: tha ở đây, là tha thứ. Còn nhịn ư! Vâng, “nhịn” đừng nghĩ như người đời thường nghĩ “nhịn là nhục”. Nhịn, theo ý nghĩa của bài kinh, có nghĩa là: chịu đựng, nhẫn nại, dung thứ (rộng lượng tha thứ).
Mà, khi chúng ta chịu đựng, nhẫn nại, dung thứ, rộng lượng tha thứ, thì… thì sao nhỉ! Thưa, không có lý do gì chúng ta cứ chăm chăm vào chuyện gây thù chuốc oán.
Vâng, không gây thù chuốc oán, thì lấy gì chúng ta có kẻ thù! Không gây thù chuốc oán chúng ta đã hoàn thiện luật yêu thương mà Đức Giê-su đã công bố “chớ trả thù”..
Một khi không-trả-thù, chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được “mắt đền mắt, răng đền răng”, và cũng không còn cần thiết để đòi “mạng đền mạng”.
Vâng, “giết người đi thì ta ở với ai!” Thế nên, cớ gì ta không vui mừng thực thi lời truyền dạy của Thầy Giê-su: “Chớ trả thù – Phải yêu kẻ thù”.
Không được trả thù và phải yêu kẻ thù, không có nghĩa là ta “dung dưỡng” tội ác mà kẻ thù đã gây ra, ta “phớt lờ” trước bất công do kẻ thù gây ra, ta khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù.
Đức Giê-su đã không phớt lờ, không khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù. Trước dinh thượng hội đồng, khi bị “một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài”, Đức Giê-su đã không đưa tiếp má bên kia, như Ngài từng dạy bảo. Ngược lại, Ngài đã đáp trả lại bạo lực bằng một câu hỏi khiến cho cả thượng hội đồng phải câm lặng. Câu hỏi rằng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (x.Ga 18, 23).
Không được trả thù là vì Kinh Thánh có dạy rằng: “Anh em… đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả.” (Rm 12, 20)
****
Khi nói tới việc Chớ trả thù – Phải yêu kẻ thù, thánh Phao-lô cũng đã có lời khuyên: “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống, làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó.”
Vâng, khó thực hiện đấy. Nhưng, có người đã làm được. Cô Maria Goretti, như một điển hình.
Chuyện kể rằng: “khi cô 11 tuổi, người hàng xóm của cô, Alessandro Serenelli, trở nên ám ảnh tình dục đối với cô, và tiếp cận cô vài lần với đề nghị tình dục. Ngày 5/07/1902, Alessandro tấn công Maria và đe doạ cô bằng dao; khi cô không khuất phục và phản đối rằng ‘đó là tội lỗi’ và ‘Thiên Chúa không muốn điều này’, Serenelli đâm cô 14 nhát. Vào ngày hôm sau, sau khi bày tỏ sự tha thứ đối với kẻ giết mình, Goretti nói rằng, cô muốn anh ta cùng lên thiên đàng với cô, Maria Goretti chết vì thương tích”.
Nếu câu chuyện dừng ở đây thì không có gì đáng nói. Vâng, “Alessandro Serenelli bị tuyên phạt tù. Anh ta vẫn không ăn năn. Một đêm nọ, anh ta mơ thấy Maria đưa cho anh ta 14 đoá hoa huệ cho 14 lần cô bị đâm. Sau giấc mơ, anh ta trở nên hối hận sâu sắc. Sau khi ra khỏi tù, anh đến nhà mẹ của Maria, bà Assunta, và khẩn cầu cho sự tha thứ của bà. Bà đã tha thứ anh ta, và họ cùng dự thánh lễ vào ngày hôm sau, rước Mình Thánh bên cạnh nhau. Alessandro Serenelli trở thành phần tử dòng ba của dòng Capuchin”.(nguồn: internet)
Gọi cô Maria Goretti – bà Assunta, như là mẫu mực cho việc thực thi lời Đức Giê-su truyền dạy và chúng ta nên noi theo, có gì là không đúng, nhỉ!
Còn… còn rất nhiều người chỉ là phàm nhân như chúng ta, thế mà họ đã thực thi trọn vẹn lời truyền dạy của Đức Giê-su. Đó là vị cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đáng kính. Khi còn ở trong ngục tù, ngài đã nói với những người giam giữ mình rằng: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Chưa hết, ông Herry Charrière với biệt danh “Papillon”, cũng là người chúng ta cần suy nghĩ. Chuyện kể rằng: Ông ta đã phải lãnh một bản án khổ sai chung thân vì tội giết người, căn cứ vào lời khai của một nhân chứng đã được cảnh sát “mớm” cung.
Ngay từ khi bị tống giam, ông quyết tìm mọi cách thoát ra khỏi trại khổ sai để trả thù. Ông đã vẽ trong trí tưởng tượng của mình những hình thức trả thù, chậm chạp nhưng hoàn hảo, để khiến cho những kẻ hại ông phải đau đớn gấp vạn lần nỗi đau, mà ông đã hứng chịu.
Ý chí trả thù của ông rất mãnh liệt. Thế nhưng, sau khi đào thoát tới đảo Curacao. Papillon đã gặp vị Giám Mục Iréné de Bruyne và nhận được lời khuyên: ‘Con phải là một vị cứu tinh cho những người khác, chứ không phải là một người sống để làm hại người khác. Dù con có đủ lý do để làm điều ác (trả thù) một cách công bằng’.
Trước đó, khi còn bị giam ở nhà tù Conciergerie. Và, sau khi kể lại nỗi oan ức và ý định trả thù cho vị linh mục tuyên úy của nhà giam nghe. Vị linh mục này đã nói với Papillon: “Con hãy tha thứ cho những kẻ đã làm con đau khổ đến như vậy… Rồi sau này, con sẽ từ bỏ ý định trừng phạt và trả thù”.
Herry Charrièe đã thú nhận trong cuốn tự truyện của ông: “Ba mươi bốn năm sau, tôi đã nghĩ đúng như ông linh mục nói”. Papillon đã thứ tha và quên đi việc trả thù.
Thánh Phanxico Assisi cũng đã nói: “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Với Đức Giê-su, đừng quên, mặc dù đã phải lãnh chịu sự đánh đập tàn bạo, một mão gai trên đầu, với những lời phỉ báng, bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha, Ngài vẫn “yêu kẻ thù” với lời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ”.
Mỗi ngày, chúng ta đều cầu nguyện: “Xin Cha… tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Vâng, một khi chúng ta cầu nguyện như thế, thì chớ nghĩ đến chuyện trả thù.
Chớ trả thù và phải yêu kẻ thù.
Petrus.tran