Nhân ngày Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 56, cử hành vào ngày 01 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi thăng tiến tình huynh đệ nhân loại như một phương dược chống lại những hậu quả của đại dịch Covid-19 và thảm trạng chiến tranh.
Ngày Hòa bình thế giới năm nay có đề tài là: “Không ai có thể tự cứu thoát một mình. Tái khởi hành từ Covid-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình”.
Trong Sứ điệp công bố ngày 16 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha nhắc đến những hậu quả đau thương và dư âm của đại dịch Covid-19 và nay “sau ba năm, đây là lúc dành thời gian để tự hỏi, học hỏi, tăng trưởng và để cho mình được biến đổi, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn… Ngày hôm nay, chúng ta được kêu gọi tự hỏi: chúng ta đã học được gì từ tình trạng đại dịch? Đâu là những con đường mới chúng ta phải đi theo để từ bỏ những xiềng xích do các tập quán cũ của chúng ta tạo nên, để được chuẩn bị tốt đẹp hơn, để dám thực hiện những điều mới mẻ?” (n.3)
Đức Thánh cha cũng nói đến thách đố mới đang được đề ra cho nhân loại là chiến tranh tại Ucraina và tất cả các cuộc xung đột khác rải rác trên thế giới, tượng trưng sự thất bại cho toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ liên hệ đến những phe trực tiếp can dự. Tuy người ta đã tìm được vắc-xin chống Covid-19, nhưng vẫn chưa tìm được những giải pháp thích đáng cho chiến tranh”. (n.4)
Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh cha nhấn mạnh tinh thần chung và viết rằng: “Chúng ta không còn có thể chỉ nghĩ đến không gian những lợi lộc cá nhân hoặc quốc gia, nhưng phải suy nghĩ dưới ánh sáng công ích, với một ý thức cộng đồng, một tập thể chúng ta cởi mở đối với tình huynh đệ đại đồng”.
“Chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách đố của thế giới chúng ta với tinh thần trách nhiệm và cảm thương. Chúng ta phải duyệt lại vấn đề bảo đảm sức khỏe công cộng cho mọi người; thăng tiến những hoạt động hòa bình để chấm dứt các xung đột và chiến tranh đang tiếp tục gây chết chóc và nghèo đói; chăm sóc một cách có phối hợp căn nhà chung của chúng ta và thực thi những biện pháp rõ ràng và hiệu quả, để đương đầu với sự thay đổi khí hậu; để bài trừ virus là sự chênh lệch và bảo đảm lương thực, công ăn việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ những người không được đồng lương tối thiểu và đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Sự kiện có những dân tộc đang chịu đói là điều làm thương tổn chúng ta. Chúng ta cần phát triển, với những chính sách thích hợp, việc tiếp đón và hội nhập, đặc biệt đối với những người di cư và những người sống như bị gạt bỏ trong các xã hội chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta xả thân trong những tình trạng như thế, với ước muốn vị tha, được tình thương vô biên và lòng thương xót của Thiên Chúa soi sáng, thì chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa là Nước tình thương, công chính và hòa bình”. (n.5)
(Sala Stampa 16-12-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA