Đấng Ki-tô – hôm nay đã sinh ra…

 

Đấng Ki-tô – hôm nay đã sinh ra…Như chúng ta được biết, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã tuyển chọn mười hai vị môn đệ. Phúc Âm thánh Mác-cô cho biết: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người…” (x.Mc 3, 13-14)

Các môn đệ bắt đầu ở với Đức Giê-su khi nào, chúng ta không biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết rằng, các ông đã ở với Đức Giê-su cho tới khi Ngài “được cất lên trời”

Ở với Đức Giê-su, các ông biết được gia thế của Ngài. Ở với Đức Giê-su, các ông được nghe rất nhiều lời dạy dỗ của Ngài. Ở với Đức Giê-su, các ông đã nhận ra, qua những lời tuyên bố của Thầy mình, rằng Ngài chính là Con của Thiên Chúa.

Con của Thiên Chúa “(đã) đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 17) Đây là một trong nhiều thông điệp Đức Giê-su công bố, người môn đệ tên là Gio-an đã nghe được thông điệp này, và đã ghi lại.

Người môn đệ này còn có lời tuyên bố rằng: Đức Giê-su “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy  vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14)

Nói đến chuyện Đức Giê-su đã-trở-nên-người-phàm, thánh sử Mát-thêu, qua câu chuyện “Truyền tin cho ông Giu-se”, đã ghi nhận rằng: “(Đức Maria) sinh một con trai, và ông (Giu-se) đặt tên con trẻ là Giê-su” (Mt 1, …25)

Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Sự kiện này cũng đã được một người môn đệ không thuộc Nhóm Mười Hai do Đức Giê-su tuyển chọn, ghi lại. Người môn đệ này chính là thánh sử Luca.

Thánh sử Luca là ai? Thưa, trong bài viết “Hình ảnh thánh sử Luca, tác giả phúc âm Chúa Giêsu” Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Xưa nay theo truyền thống thánh sử Luca được cho là học trò, hay người cùng đồng hành với  tông đồ Phao-lô trên bước đường truyền giáo.

Thánh sử Luca viết hai tác phẩm, một về những biến cố đời Chúa Giêsu: sách phúc âm, và một về lịch sử của Giáo hội thời lúc ban đầu sau khi Chúa Giêsu Kitô trở về trời: Công vụ các tông đồ.

Thánh sử Luca viết thuật lại lịch sử đời Chúa Giêsu theo khung dạng kiểu tường thuật kể chuyện, nên thấm mầu sắc sinh động. Ông tường thuật lịch sử đời Chúa Giêsu như lịch sử cứu độ chữa lành cho con người: Chúa Giêsu mạc khải mình là Thiên Chúa mang ơn cứu độ.” (nguồn: internet)

Mà, thật vậy. Câu chuyện lịch sử đời Chúa Giê-su đã được ngài Luca kể lại rất sinh động trong một cuốn sách, cuốn sách mà hôm nay chúng ta gọi là Phúc Âm thánh Luca. Đức Giê-su đã sinh ra tại Belem. Và câu chuyện này đã được thánh sử Luca ghi lại trong sách Phúc âm của ngài với tiêu đề: “Những người chăn chiên đến viếng thăm” (Lc 2, 15-20)

 

Vâng, chuyện về “những người chăn chiên đến viếng thăm” được thánh sử Luca ghi như sau: Đó là: vào một đêm nọ. Khi những người chăn chiên “sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”

Bất ngờ một biến cố thần hiện đã xảy ra.  Sứ thần Chúa hiện đến “đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh.”  Sự hiện đến của sứ thần đã khiến “họ kinh khiếp hãi hùng.”

Trong nỗi hãi hùng, những người chăn chiên nghe tiếng sứ thần Chúa bảo họ, rằng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David. Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2,10-12).

Lời sứ thần vừa dứt,  “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. (Lc 2, 13-14)

Rồi, “khi các sứ thần từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người chăn chiên bảo nhau: Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”.

Họ đã nói như thế và họ đã “hối hả ra đi”. Những người chăn chiên đã đi đến Belem. Khi đến nơi, quả thật: “họ gặp bà Maria, ông Giu-se cùng với  Hài Nhi được đặt trong máng cỏ” đúng như lời sứ thần đã loan báo cho họ.

Trước sự thật mười mươi, những người chăn chiên đã không thể không “kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.” Và, đó là điều đã làm cho “ai cũng ngạc nhiên”. Riêng Đức Maria, thánh sử Luca cho biết: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Các người chăn chiên rồi cũng ra về. Trên đường về, họ  “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”. (Lc 2, 20).

“Chúa đã giáng trần! Allêluia! Đến mặc xác phàm. Allêluia! Chúa đã sinh ra. Allêluia! Chúa đã sinh ra. Allêluia!” (trích nhạc phẩm: Chúa đã sinh ra. Tác giả: Lm.Thành Tâm)

Vâng. Chúa đã sinh ra hơn hai ngàn năm có lẻ. Và, hôm nay, qua trích thuật Tin Mừng thánh Luca, chúng ta có được một cuộc hành trình trở về “Belem xưa”.

Trở về Belem xưa, không phải để chiêm ngắm lại một di tích lịch sử, nhưng là để nhìn lại… nhìn lại những gì đã diễn ra vào cái đêm “lịch sử” hồi ấy. Vâng, rất cần  nhìn lại những gì  “mấy người chăn chiên” đã thực hiện.

Nhìn lại những gì mấy-người-chăn-chiên đã thực hiện để làm gì? Thưa, để chúng ta tự hỏi lòng mình rằng: chúng ta có “hối hả” đến Belem, như mấy vị chăn chiên đã hối hả “sang Belem”!

Chúng ta có “hối hả ra đi” đi đến Belem để gặp “bà Maria, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”?

Vâng, về chuyện này, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều hối hả. Hối hả làm hang đá Belem. Hối hả mua những trang thiết bị như đèn chớp, cây thông, trái châu v.v… để trang trí hang Belem.

Hối hả cho  việc thiết kế hang Belem là một truyền thống đẹp. Viếng hang Belem trong Mùa Giáng Sinh lại là việc chúng ta cần hối hả hơn nữa.

Khi viếng hang Belem, thật đẹp thay, nếu chúng ta  cất tiếng ca, ca nguyện rằng: “Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la. Tấu khúc nhạc lên xin Ơn Trên ban cho nhà (con).”

Khi viếng hang Belem, thật đẹp thay, nếu chúng ta cất tiếng ca, ca nguyện, rằng: “Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn. Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.”

Vâng, hơn bao giờ hết, nước Việt Nam của chúng ta,  rất cần mọi  người “càng thương nhau hơn”.  Thật nản lòng, khi đất nước chúng ta, dù không còn cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn, thế nhưng, sự kỳ thị… kỳ thị giữa… giữa gì gì đó… không tiện nói ra ở đây, vẫn là “chuyện thường xảy ra ở huyện.”

Chưa hết… Còn nữa. Còn chuyện này nữa, nói ra thật đáng xấu hổ. Vâng, có đáng xấu hổ không, khi mà trong đời sống tu trì, vẫn không ít người bị kỳ thị! Về chuyện kỳ thị trong đời sống tu trì, một vị linh mục, trong một  bài  thuyết  trình (nếu người viết nhớ không lầm, đó là Lm. Đức Thông DCCT), đã dí dỏm nói: “Thân con là thân tu sĩ, đi vào nhà dòng và mục nát với bề trên”

Rất…rất cần mọi người càng thương nhau hơn. Vì thế, để giải quyết nan đề này, không gì tốt cho bằng chúng ta hãy thực hiện một chiến dịch, một chiến dịch “hãy yêu thương nhau”.

Nói cách khác, hãy thực hiện lời Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy  đã yêu thương anh em.” (x.Ga 15, 9-17)

Phải thực hiện chiến dịch này. Và, chính chúng ta là những người lãnh ấn tiên phong. Bởi vì, khi lãnh ấn tiên phong, đó là cơ hội chúng ta làm “sáng (ngời) đức tin Chúa” trên thế gian này.

Cuối cùng, với việc hoàn thành sứ vụ lãnh ấn tiên phong cho chiến dịch hãy-yêu-thương-nhau, có thể khẳng định, đó cũng là cách, chúng ta nói với bàn dân thiên hạ rằng: Đấng Ki-tô – Hơn hai ngàn năm xa trước đó, đã sinh ra cho mọi người. Nói ngắn gọn: “Đấng Ki-tô – hôm nay đã sinh ra”

Petrus.tran