Chúa nhật, ngày 06 tháng Mười Một năm 2022, ngày chót trong trong bốn ngày viếng thăm tại Bahrain, Đức Thánh cha Phanxicô chỉ còn một hoạt động cuối cùng là buổi gặp gỡ và cầu nguyện với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain. Sau đó lúc 12 giờ 30 trưa, có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Sakhir, trước khi ngài rời Bahrain để trở về Roma.
Lúc 6 giờ 30 sáng, Đức Thánh cha dâng thánh lễ riêng, rồi lúc gần 8 giờ 30, ngài giã từ các nhân viên tại nhà khách, thuộc khu vực hoàng cung ở thị trấn Awali, để tiến về thủ đô Manama, cách đó 27 cây số, tới nhà thờ Thánh Tâm, cũng là thánh đường Công giáo đầu tiên trong toàn Vùng Vịnh.
Nhà thờ Thánh Tâm
Chính Quốc vương Sheik Haman Bin Isa Al Khalifa của Bahrain, vào cuối thập niên 1930, đã tặng khu đất cho các tín hữu Công giáo để xây cất một thánh đường. Công trình được thực hiện với sự giúp đỡ của cha Luigi Magliano, người Ý thuộc dòng Capuchino, cũng là một chuyên gia kiến thiết thánh đường. Chỉ trong vòng 9 tháng, nhà thờ được hoàn thành cùng với nhà xứ và trường Thánh Tâm, được chính thức khánh thành ngày 03 tháng Ba năm 1940. Với thời gian, cộng đoàn tín hữu gia tăng, nên nhà thờ cũng được nới rộng, có thêm tháp chuông vào năm 1949 và một trung tâm đa dụng vào năm 1990.
Thánh đường tọa lạc ở Manama, thủ đô của Bahrain với 200.000 dân cư, và hầu như không bao giờ có mưa.
Đến thánh đường lúc gần 9 giờ 30, Đức Thánh cha được ba em bé, dưới sự hướng dẫn của một nữ tu, tặng hoa cho ngài và được Đức cha Hinder, Giám quản Tông tòa Bắc Arabia cùng với cha sở đón tiếp, cùng lên gần gian cung thánh giữa tiếng hát của cộng đoàn.
Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa. Đức cha Paul Hinder, trong lời chào mừng Đức Thánh cha, đã giới thiệu lai lịch nhà thờ Thánh Tâm, và cho biết hiện diện tại buổi gặp gỡ cầu nguyện này cũng có các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên, và nhân viên mục vụ đến từ bốn nước thuộc giáo phận đại diện Tông tòa Bắc Arabia, là Bahrain, Qatar, Kuwait và Arập Saudi. Trong địa phận này có khoảng 60 linh mục phục vụ khoảng hai triệu tín hữu Công giáo rải rác tại bốn nước. Khoảng 1.300 giáo lý viên, giảng dạy cho hơn 16.000 trẻ em, tất cả làm việc như người thiện nguyện nhiều khi trong những hoàn cảnh rất khó khăn, vì những hạn chế tại vài nước đối với tự do tôn giáo.
Tiếp đến là phần trình bày chứng từ. Trước tiên là của bà Cris Noronha, một nhân viên mục vụ, sinh trưởng tại Bahrain trong giáo xứ này. Bà cho biết khi còn nhỏ đã “cảm thấy bị Giáo hội Công giáo thu hút vì lòng sùng mộ chung của tất cả các tín hữu, bất luận họ thuộc màu da, gốc gác từ đâu, và nói ngôn ngữ nào. Tất cả đều liên kết trong một gia đình duy nhất, tất cả đều hát những bài ca chúc tụng Thiên Chúa”.
Tiếp đến là chứng từ của nữ tu Rose Celine người Philippines, thuộc dòng Cát Minh Tông Đồ, kể lại hoạt động tông đồ của chị nơi các nữ tù nhân, trong các nhà tù. Chị dành thời gian cho họ, chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện với họ.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Về phần Đức Thánh cha, trong bài huấn dụ, ngài quảng diễn đoạn Tin mừng theo thánh Gioan (7,37-39) đọc trong buổi cầu nguyện, thuật lại lời Chúa Giêsu mời gọi những người đang khát hãy đến uống nơi Người, và thánh sử nhắc lại lời Kinh thánh: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38).
Bối cảnh đoạn Tin mừng
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Bối cảnh đoạn Tin mừng này là Chúa Giêsu đang ở đền thờ Jerusalem, vào dịp một trong những ngày lễ quan trọng nhất, trong đó dân chúng chúc tụng Chúa vì hồng ân đất đai và mùa gặt, nhớ lại Giao ước. Trong ngày lễ ấy, vị thượng tế cử hành một nghi thức quan trọng, đó là đến giếng Siloe kín nước và trong lúc dân chúng ca mừng, vị thượng tế đổ nước ra ngoài tường thành để nói lên rằng từ Jerusalem sẽ tuôn đổ đại phúc cho mọi người.”
Đức Thánh cha nói: “Với tiền đề đó, chúng ta hiểu rõ điều mà Tin mừng theo thánh Gioan muốn nói với chúng ta qua cảnh tượng ấy: chúng ta đang ở ngày cuối cùng của dịp lễ, Chúa Giêsu đứng lên, và tuyên bố: “Ai khát hãy đến cùng tôi!” (Ga 7,27), vì “dòng nước hằng sống” sẽ chảy ra từ lòng Người (v.38). Và thánh sử Tin mừng giải thích rằng: “Điều này Người nói về Thánh Linh mà các tín hữu của Người sẽ nhận lãnh: thực vậy, lúc ấy chưa có Thánh Linh, vì Đức Giêsu chưa được vinh hiển” (b. 39). Lời nhắc nhở gợi lại giờ Chúa Giêsu chết trên thập giá: trong lúc ấy, nước hằng sống cho đời sống mới, nước của Thánh Linh ban sự sống, không còn chảy từ đền thờ gạch đá nữa, nhưng từ cạnh sườn của Đức Giêsu, nước này nhắm làm cho toàn nhân loại được tái sinh, giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết”.
Sứ mạng Giáo hội
Từ tiền đề trên đây, Đức Thánh cha nói đến Giáo hội và tình trạng mỗi tín hữu đã được chịu phép rửa tái sinh trong Thánh Linh, được ban nước hằng sống, trở thành những thụ tạo mới. Ngài trình bày ba hồng ân mà Thánh Linh ban và yêu cầu chúng ta đón nhận và sống, đó là niềm vui, hiệp nhất và ngôn sứ.
Trước tiên Thánh Linh là nguồn mạch vui mừng. “Nước hằng sống mà Chúa muốn nó chảy trong sa mạc nhân loại chúng ta, được nhào nặn bằng đất và sự mong manh, đó là xác tín chúng ta không bao giờ lẻ loi trong cuộc sống. Thánh Linh là Đấng không để chúng ta cô độc, Người là Đấng An Ủi, củng cố chúng ta bằng sự hiện diện kín đáo và mang lại phúc lành, đồng hành với chúng ta trong tình yêu thương, nâng đỡ chúng ta trong những cuộc chiến đấu và khó khăn, khuyến khích những mơ ước đẹp nhất và những mong ước lớn nhất của chúng ta. Vì thế, niềm vui do Thánh Linh không phải là một trạng thái nhất thời hoặc một cảm xúc trong lúc này, và càng không phải là thứ niềm vui duy tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa rất thịnh hành trong một số kinh nghiệm văn hóa ngày nay (Gaudete et exsultate, 128). Trái lại đó là niềm vui phát sinh từ tương quan với Thiên Chúa, vì biết rằng dù giữa cơ cực và trong đêm tăm tối chúng ta trải qua, không bao giờ chúng ta lẻ loi, lạc mất hoặc bị chiến bại, vì Chúa ở cùng chúng ta”.
Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em đã khám phá niềm vui ấy và sống trong cộng đoàn, tôi muốn nói: hãy bảo tồn, hay đúng hơn, hãy gia tăng niềm vui ấy, bằng cách trao ban, thông truyền cho người khác. “Điều thiết yếu là trong các cộng đoàn Kitô, niềm vui không bị thiếu, và được chia sẻ; niềm vui không phải chỉ thu hẹp vào sự lặp lại những cử chỉ theo tập quán, không hứng khởi, không có tinh thần sáng tạo. Điều quan trọng là ngoài phụng vụ và thánh lễ, chúng ta hãy phổ biến niềm vui Tin mừng, cả trong những hoạt động mục vụ sinh động, đặc biệt cho giới trẻ, các gia đình và cho ơn gọi đời sống linh mục và đời sống tu trì”.
– Sang đến hồng ân thứ hai: Thánh Linh là nguồn mạch hiệp nhất. Đức Thánh cha nói: “Những người đón nhận hồng ân này nhận được tình thương của Chúa Cha và trở thành con cái Chúa (Xc Rm 8,15-16), và nếu là con cái Chúa, thì cũng là anh chị em với nhau. Không thể có chỗ cho những công việc của xác thịt, nghĩa là lòng ích kỷ: chia rẽ, cãi nhau, nói xấu nói hành. Những chia rẽ của thế gian, và cả những khác biệt chủng tộc, văn hóa, nghi lễ, không thể làm thương tổn hoặc gây thiệt hại cho tình hiệp nhất của Thánh Linh. Trái lại lửa của Thánh Linh thiêu hủy những ước muốn trần tục và thắp sáng đời sống chúng ta bằng tình đón tiếp và cảm thương, qua đó Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, để cả chúng ta cũng có thể yêu thương nhau.
– “Sau cùng, Thánh Linh là nguồn mạch ngôn sứ. Như chúng ta đã biết, lịch sử cứu độ có bao nhiêu ngôn sứ được Thiên Chúa kêu gọi, thánh hiến và sai đến giữa dân để họ nói nhân danh Ngài. Các ngôn sứ lãnh nhận từ Thánh Linh ánh sáng nội tâm làm cho họ trở thành những người quan tâm giải thích thực tại, có khả năng đón nhận, trong những diễn biến lịch sử, nhiều khi tối tăm, sự hiện diện của Thiên Chúa và chỉ dẫn cho dân…
“Cả chúng ta cũng được ơn gọi ngôn sứ: tất cả những người đã chịu phép rửa nhận được Thánh Linh và là ngôn sứ. Và trong tư cách ấy, chúng ta không thể giả bộ không nhìn thấy những việc gian ác mà vẫn yên hàn, để khỏi phải bẩn tay. Trái lại, chúng ta đã nhận được tinh thần ngôn sứ để mang Tin mừng ra ánh sáng, bằng chứng tá cuộc sống của chúng ta…. Sứ mạng ngôn sứ làm cho chúng ta có khả năng thi hành các Mối Phúc trong những hoàn cảnh ngày nay, nghĩa là kiên quyết xây dựng Nước Chúa, trong đó tình thương, công lý và an bình chống lại mọi hình thức ích kỷ, bạo lực và sa đọa.”
Trong phần kết luận, Đức Thánh cha cám ơn tất cả những người hiện diện vì những ngày đã cùng nhau trải qua, và đặc biệt ngài cám ơn tất cả những người đã cộng tác vào cuộc tông du này. Đức Thánh cha không quên bày tỏ lòng biết ơn đối với Quốc vương và chính quyền Bahrain vì lòng hiếu khách tuyệt vời.
Ngài nói: “Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục kiên trì và vui tươi trong hành trình tinh thần và hành trình Giáo hội của anh chị em. Và giờ đây chúng ta khẩn xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria mà tôi vui mừng tôn kính dưới tước hiệu Đức Bà Arabia. Xin Mẹ giúp cúng ta luôn để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn và gìn giữ chúng ta vui tươi, hiệp nhất trong tình yêu thương và cầu nguyện. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.”
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha còn ký tên vào Sổ Vàng lưu niệm của nhà xứ và viếng thăm khu nguyên thủy của nhà thờ Thánh Tâm cạnh đó.
Khoảng 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đi xe tới phi trường Sakhir ở thị trấn Awali cách đó 27 cây số. Tại đây, Quốc vương Hamad, cùng với Thái tử, Thủ tướng và ba hoàng tử đã chờ sẵn để tiễn biệt ngài.
Máy bay Boeing B787 thuộc hãng hàng không Gulf Air của Bahrain cất cánh lúc quá 1 giờ trưa, chở Đức Thánh cha, đoàn tùy tùng và 70 ký giả cùng đi về đến Roma, kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 39 của ngài tại nước ngoài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA