Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher bày tỏ quan tâm vì tình hình biển chuyển tại Thánh địa.
Trong cuộc phỏng vấn dài dành cho tạp chí America ở Mỹ, phổ biến phần thứ hai, hôm 19 tháng Bảy vừa qua, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng nhìn nhận rằng “tình hình tại Thánh địa rất tế nhị: bạo lực ngày càng trở thành một vấn đề. Có những nhược điểm về cơ chế từ cả hai phía, Israel và Palestine, như chúng ta thấy chính phủ của thủ tướng Bennett-Lapid sụp đổ. Cũng có nhiều vấn đề còn tồn đọng từ phía người Palestine. Hiển nhiên là có sự gia tăng thất vọng nơi những người trẻ ở cả hai phía.”
“Cái chết của nữ ký giả Công giáo Shireen Abu Akleh gây sốc cho mọi người. Nhưng đó chỉ là một ví dụ về các vấn đề tại Thánh địa. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần tái quyết tâm tìm kiếm hòa bình và đối thoại, cũng như cố gắng thăng tiến quyết tâm của Tòa Thánh đối với giải pháp hai quốc gia, một qui chế quốc tế cho thành Jerusalem, điều mà người ta có xu hướng loại bỏ trong những năm gần đây.”
Đức Tổng giám mục Gallagher cũng nhận xét rằng “chính phủ của Tổng thống Mỹ đã đưa ra một số đề nghị nhưng không được thăng tiến. Tôi nghĩ có một ước muốn từ phía Mỹ tái tập trung vào Trung Đông. Nhưng rất tiếc là trên thế giới và trong các phương tiện truyền thông, chúng ta có xu hướng chú tâm vào một vấn đề trong lúc này, và cuộc chiến tại Ucraina đang tiêu hao mọi sự. Nhưng cũng còn những tình trạng khác đòi chúng ta phải chú ý: như Siria, Liban, cuộc xung đột Israel và Palestine. Cũng có những tình trạng khác đáng được cộng đồng thế giới chú ý”.
Tòa Thánh và Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng trả lời những câu hỏi về hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc liên quan tới việc bổ nhiệm các giám mục.
Ngài cho biết trong bốn năm qua, từ sau khi ký hiệp định hồi tháng tám năm 2018, đã có sáu giám mục được bổ nhiệm, vì thế không thể nói là không có kết quả. Và có một số bổ nhiệm đang chờ theo sau. “Tôi muốn được thấy có thêm kết quả, và có nhiều điều phải làm. Nhưng hiệp định chỉ có mức độ nào đó. Lẽ ra hiệp định có thể mang lại nhiều hơn, nhưng chúng ta gặp đại dịch Covid-19 và các phái đoàn không thể gặp nhau trong những năm gần đây. Vì thế chúng tôi đang làm việc bây giờ, và cố gắng tiến bước, làm cho hiệp định hoạt động và hoạt động tốt hơn”.
Đức Tổng giám mục giải thích rằng hai bên Tòa Thánh và Trung Quốc quyết định không nhóm họp hoặc thương thảo dưới dạng trực tuyến trong thời đại dịch. “Dầu sao chúng tôi hy vọng có cuộc gặp gỡ nhau trong tương lai gần đây. Chúng ta còn phải chờ xem, họp ở Roma hay Bắc Kinh.”
Theo Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng, không có tiến bộ nào về những vấn đề không được đề ra trong hiệp định: hai phái đoàn chỉ thảo luận về những gì được nói đến trong hiệp định. “Tôi nghĩ hiệp định có chức năng là một biện pháp kiến tạo sự tin tưởng, tín nhiệm nhau. Nếu chúng tôi có thể làm việc thành công với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, thì hiển nhiên điều này cũng giúp cả hai bên bắt đầu cứu xét các vấn đề khác nữa”.
Được hỏi: tại sao Tòa Thánh và Trung Quốc không công bố văn bản hiệp định tạm thời đã ký kết? Nhiều hồng y và giám mục Á châu phê bình về điều này. Đức Tổng giám mục Gallagher đáp:
“Văn bản hiệp định này đã được soạn ra trước khi tôi nhận nhiệm vụ ngoại trưởng, [tức là cách đây bảy năm rưỡi], và hiệp định không thay đổi gì đáng kể từ đó đến nay. Tôi tin rằng ngay từ đầu, hai bên đã cùng đồng ý không công bố văn bản hiệp định, ít nhất là cho đến khi được hai bên ký chung kết. Ngoài ra, có một cố gắng cải tiến văn bản hiệp định. Khi chúng tôi thấy một số điều không diễn tiễn tốt, thì có thể đó là lúc cần thay đổi và cải tiến văn bản.”
(America 19-7-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA