Khoảng cuối tháng 02 cho đến tháng 04 năm 2022 vừa qua, nhiều giáo xứ thuộc Tổng Giáo Phận Saigon đã mời Đức Tổng Giám Mục đến ban Bí Tích Thêm Sức cho một số em thiếu nhi của giáo xứ mình.
Có thể nói rằng, sau hơn một năm dịch bệnh Covid 19 cùng với việc giãn cách xã hội, nay mọi sinh hoạt cộng đồng đã trở lại bình thường, thế nên việc tổ chức cho các em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức năm nay là một niềm vui lớn. Đối với ngài Tổng Giám Mục, đây là những ngày tháng rất bận rộn. Bận rộn với lịch trình dày đặc cho việc đến từng giáo xứ.
Còn với các vị linh mục chánh xứ ư! Vâng, với linh mục chánh xứ, quý ngài không chỉ bận rộn cho việc tổ chức những buổi tĩnh tâm cho các em, mà còn lo lắng, lo lắng với lịch trình dày đặc, không biết “Đức Tổng” có sắp xếp được ngày tháng để đến giáo xứ mình.
Về chuyện này, lên trang mạng, chúng ta có thể biết, cha sở giáo xứ Tân Chí Linh đã không còn lo lắng khi mời được “ĐGM Giuse Đỗ Quang Khang – Giám mục phó Giáo phận Bắc Ninh chủ tế thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức cho 49 em thiếu nhi, lúc 18g thứ Năm ngày 24-2-2022 tại thánh đường giáo xứ Tân Chí Linh- hạt Chí Hòa.” (nguồn: tgpsaigon.net)
Còn với các em thiếu nhi thì sao! Thưa, có rất nhiều điều để nói về các em. Tuy nhiên, ở đây, người viết chỉ nói một điều duy nhất. Đó là các em rất “hồi hộp” Hồi hộp cái gì? Thưa, làm một cuộc điều tra “bỏ túi”, các em cho biết, các em hồi hộp liệu mình có thoát khỏi “virus omicron”, không!
Vâng, sau khi các trường học đồng loạt mở cửa, đã có rất nhiều em thiếu nhi nhiễm virus omicron. Mà, nhiễm con vi-rút này thì sao, nhỉ! Cách ly thôi! Ít nhất bảy ngày. Trong bảy ngày đó, nhằm vào ngày cử hành thánh lễ ban Bí Tích Thêm Sức thì coi như… chờ sang năm.
Đã có em bị nhiễm. Cũng may, em này bị nhiễm trong những ngày chuẩn bị tĩnh tâm. Sau đó khỏi bệnh. Và, tất nhiên, em này có mặt trong thánh lễ ban Bí Tích Thêm Sức, năm nay.
Virus omicron là chuyện của các em, thời nay. Còn chuyện của chúng ta thời xưa, thì sao! Thời xưa, khi bước lên nhận Bí Tích Thêm Sức, chúng ta có “hồi hộp” không? Riêng người viết, rất hồi hộp. Hồi hộp không biết lát nữa đây, khi Đức Giám Mục xức dầu, đặt tay và đọc lời nguyện, liệu có “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” không đây!
Hơn hai ngàn năm trước, điều này có xảy ra. Xảy ra trên từng-người-một. Từng-người-một này chính là Nhóm Mười Một. Họ là các môn đệ của Đức Giê-su. Sự kiện này được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Vâng, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ cho biết: Sự kiện này xảy ra đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Tưởng chúng ta cũng nên biết, Ngũ Tuần không có nghĩa là “ngủ cả tuần”. “Ngũ Tuần có nghĩa là năm mươi. Gọi như vậy vì lễ này nhằm ngày thứ năm mươi, bảy tuần lễ sau ngày lễ Vượt Qua. Với ý nghĩa lịch sử, đây là ngày kỷ niệm việc ông Mô-sê nhận Mười Điều Răn của Chúa trên núi Si-nai. Với ý nghĩa nông nghiệp, trong ngày lễ này, người ta làm hai ổ bánh dâng lên Chúa để tỏ lòng biết ơn vì đã thu hoạch xong vụ mùa. Luật Pháp qui định, vào ngày lễ này, người ta không được phép làm bất cứ việc gì. Đó là ngày nghỉ, một ngày lễ mà mọi người thường tụ tập bên nhau, trong nhà cũng như ngoài phố.” (nguồn: internet)
Trở lại chuyện Nhóm Mười Một, nhóm các người môn đệ của Đức Giê-su. Hôm ấy, khi các ông “đang tề tựu” bên nhau, không ai có thể tưởng tượng được, “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Và rồi tiếp đó, các môn đệ đã nhìn thấy “xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Câu chuyện được kể tiếp rằng: các ông “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,2).
Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ nhiều lần về “Thánh Thần Chúa”, một Thánh Thần Chúa như là “Đấng bảo Trợ” và rằng, Ngài sẽ “sai Đấng ấy đến với anh em.”
“Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử…”. Đó là những điều Đức Giê-su đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc mừng Lễ Vượt Qua.
Và, cũng trong ngày hôm ấy, Đức Giê-su nói tiếp, rằng: “Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (x.Ga 16, 8…13)
Thánh Gio-an, một người trong nhóm Mười Hai, đã nghe những gì Thầy Giê-su phán hứa. Và, ngài là người đã nhận được lời phán hứa của Thầy Giê-su. Nhận được lời phán hứa của Thầy mình, ngài Gio-an đã chia sẻ sự kiện trọng đại này, như sau:
Hôm ấy, vào chiều “ngày thứ nhất trong tuần.” Đây là ngày Đức Giê-su “trỗi dậy từ cõi chết”. Và, Ngài đã “đến, đứng giữa các ông.” Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 21). Các người môn đệ của Đức Giê-su đã “nhận lấy Thánh Thần… và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”.
Ơn đầu tiên, đó là: các ông “bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (x.Cv 2, …4)
Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2, 6). Dù là “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập” tất cả mọi người đều được nghe các môn đệ “dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
Hôm nay, cũng không thể tin được, khi có một số người nói rằng: họ được Chúa-Thánh-Linh ban ơn nói-tiếng-lạ. Nhưng thật đáng tiếc, những “tiếng lạ” họ nói “chẳng ai hiểu được”. Không hiểu cũng đúng thôi. Bởi vì, những vị đó, dùng tiếng lạ của họ, không phải để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa, mà là truyền bá những điều “kỳ cục” do chính họ tự bày vẽ ra.
Ơn tiếp đến, đó là sự nhát đảm của các ông được “biến đổi” bằng sự can đảm. Các ông không còn đóng kín cửa vì sợ người Do Thái nữa. Niên trưởng Phêrô đã hiên ngang “đứng chung với nhóm mười một… chứng thực sứ mạng của (Đức Giêsu)” cho mọi người nghe.
Một ơn nữa, tạm gọi là “ơn cáo trách” mà các môn đệ nhận được, và chính ơn này đã gợi cho chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã nói trong bữa Tiệc ly: “Khi (Đấng Bảo Trợ) đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (x.Ga 16, 8).
Thì đây, hôm đó, Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”. Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”.
Vâng, Thánh Thần Chúa, qua môi miệng các tông đồ, đã cáo trách “khoảng ba ngàn người”. Những lời cáo trách đó đã biến đổi họ, từ con người sinh bởi xác thịt, thành con người sinh bởi Thần Khí. Nói theo cách nói của tác giả sách Công Vụ, ba ngàn người ấy được biến đổi, từ người chưa tin Chúa Giê-su trở thành “người tin” (Cv 2,…41)
Xưa kia, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em…”
Đấng ấy đã đến. Và, chúng ta là những người đang được sống cùng Người. Nói, theo cách nói của những nhà thần học, đó là chúng ta đang sống trong thời kỳ “Ân điển Chúa Thánh Thần”.
Mà, ân điển của Chúa, chúng ta biết rồi, được ban “nhưng không”. Chúa ban, đúng như lời Đức Giê-su đã nói năm xưa, rằng: “Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” Vâng, thật quan trọng để tự hỏi mình, rằng: tôi đã nhận lấy Chúa Thánh Thần? Tôi đã nhận ân điển của Chúa Thánh Thần?
Sao! Có nhận rồi ư! Nếu nhận rồi, đó là một ơn phước Chúa ban. Nếu chưa, quả là một sự tệ hại cho đời sống Ki-tô hữu của chúng ta.
Có ân điển Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có “Ơn khôn ngoan – ơn hiểu biết”. Có được ơn khôn ngoan, chúng ta mới có thể phân biệt đâu là lẽ thật, đâu là điều giả dối. Đừng quên rằng, nhận ra lẽ thật của Chúa, chúng ta mới được hưởng sự sống đời đời. Còn ơn hiểu biết ư! Có ơn hiểu biết, chúng ta sẽ nhận biết rằng: phá thai là giết người.
Nói về phá thai, những người ủng hộ “ngụy biện” cho rằng: đó là quyền của người phụ nữ. Họ có quyền “yes or no”. Những người không ủng hộ phá thai, “phản biện” nói rằng: Vậy, đứa bé trong bụng tại sao không cho nó quyền nói: đừng…đừng phá?
Trong một giây phút nào đó của cuộc đời, ơn-hiểu-biết sẽ giúp chúng ta có sự chọn lựa đúng cho trường hợp của chính mình.
Chưa hết… còn nữa. Ân điển Chúa Thánh Thần còn ban cho chúng ta “Ơn sức mạnh – Ơn thông minh” để vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy tràn lan trong một xã hội duy vật vô thần như hôm nay. Với “Ơn đạo đức – Ơn kính sợ Thiên Chúa”, những ơn này sẽ giúp chúng ta tôn kính sự công bằng và quyền phép của Người.
Quan trọng là vậy. Thế nên, đã là một Ki-tô hữu, rất cần có ân điển Chúa Thánh Thần, nếu không có, thánh Phao-lô nói, có khác nào là: “những trẻ nhỏ trong Đức Kitô”.
Đừng lầm lẫn hai chữ “trẻ nhỏ” thánh Phao-lô sử dụng, đồng nghĩa với hai chữ “trẻ nhỏ” Đức Giê-su đã sử dụng, khi Ngài còn tại thế. Nói ngược lại, để không trở thành trẻ nhỏ, theo cách nói của thánh Phao-lô, hãy đón nhận ân điển Chúa Thánh Thần.
Lãnh nhận bí tích Thêm Sức hồi còn là “trẻ nhỏ” chưa đủ đâu! Điều này đã được thánh Phao-lô nhắc nhở, nhắc nhở rằng: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (x.1Cr 13, 11).
Bỏ-tất-cả-những-gì-là-trẻ-con, phải chăng là hãy đón nhận ân điển Chúa Thánh Thần theo cung cách người đã “trưởng thành”? Thưa, đúng vậy. Thế nào là đón nhận ân điển Chúa Thánh Thần, theo cung cách người trưởng thành! Thưa, đó là hãy xây dựng cho Người một ngôi “Đền Thờ”. Vâng, sẽ là sai lầm khi xây dựng cho Người một ngôi Đền Thờ bằng gỗ đá, những loại gỗ đá mua tận Paris, London v.v…
Ngôi Đền Thờ Chúa Thánh Thần cư ngụ, thánh Phao-lô cho biết, “Chính là anh em” Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Corinto, nói rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa cư ngụ trong anh em sao?”. Ngài khẳng định: “Đền Thờ ấy chính là anh em” (x.1Cor 3, 16-17)
“Đền Thờ ấy chính là anh em” và ngôi đền này cần phải được xây dựng bằng những viên gạch của “lò nung” mang tên “Hoa quả của Thần Khí”.
Những viên gạch của lò gạch này, khi được xếp bên nhau, sẽ đem lại cho “Ngôi Đền của Chúa Thánh Thần” tỏa ra những tia sáng của “hoan lạc và bình an”, và tràn ngập tâm tình “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (x.Gl 5, 22). Một ngôi đền thờ như thế, chẳng phải là Chúa Thánh Thần sẽ “ngự đến”, sao!
Charles Spurgeon, một nhà truyền giáo Hoa Kỳ, đã nói: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ” (nguồn: 5/phút cho Lời Chúa)
Thưa quý bạn, quý bạn có cảm nghiệm được lời chia sẻ của ngài Charles Spurgeon! Riêng người viết, người viết thưa có. Vâng, xin vắn tắt kể lại cảm nghiệm của mình nhé.
Có một ngôi nhà thờ tại Saigon, (xin không nói tên nhà thờ này), anh em Tin Lành rất nể trọng. Họ không chỉ nể trọng các vị linh mục ở đây, mà nể cả những ai thường tham dự thánh lễ ở nhà thờ này.
Hỏi tại sao lại nể trọng. Anh em Tin Lành nói: Linh Mục ở đây và cả “tín đồ” (người Tin Lành gọi giáo dân là tín đồ) am hiểu Kinh Thánh và sống Kinh Thánh.
(Nói nhỏ điều này ra, có thể sẽ có người biết đến ngôi nhà thờ này. Đó là: vị linh mục chánh xứ của ngôi nhà thờ này đã cho một số anh em Tin Lành mượn để họ nhóm họp vào ngày Chúa Nhật, mỗi tuần. Và, chính việc liên hệ với nhau hằng tuần, họ đã có nhận xét nêu trên.)
Am hiểu Kinh Thánh và sống Kinh Thánh chẳng phải là đã lãnh nhận được “Ân điển Chúa Thánh Thần” sao! Có cần gì nói được tiếng lạ, nhỉ! Biết đâu chừng, quý linh mục và tín đồ ở ngôi nhà thờ đó nói được tiếng lạ, anh em Tin Lành nghe được tiếng lạ đó, thay vì nể trọng lại chạy “mất dép”, thì sao!
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội kính trọng thể Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và, chúng ta, chắc chắn cũng sẽ đến nhà thờ “tề tựu ở đây”. Vâng, chúng ta sẽ tề tựu và chúng ta sẽ nghe lại biến cố Chúa Thánh Thần hiên xuống qua phần Phụng Vụ Lời Chúa.
Riêng phần nhập lễ, chúng ta sẽ được nghe lời nguyện của vị chủ tế, nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin…”
“Tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới” chẳng phải là có cả chúng ta, sao! Vâng, có chúng ta. Thế nên, đừng quên, khi linh mục chủ tế đọc lời nguyện (nêu trên), chúng ta hãy hợp lời cầu nguyện của mình, nguyện rằng: “Hồn con đang mong chờ Ngài.”
Petrus.tran