Shalom – Shalom. Vâng, đây là tiếng chào được người Do Thái dùng để chào hỏi mỗi khi gặp nhau, và nó có nghĩa là bình an. Chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không muốn có được sự bình an trong cuộc sống của mình.
Trong Kinh Thánh có nhắc đến chữ shalom và nó được hiểu với ý nghĩa là hòa bình, là mong muốn hạnh phúc giữa mọi người, giữa các quốc gia, giữa Thiên Chúa và con người.
“Shalom aleichem” là lời chào đã được Đức Giê-su sử dụng, và nó có ý nghĩa là “bình an cho bạn – bình an cho anh em”. Đức Giê-su từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh. Ngài đã phục sinh và đã hiện ra với các môn đệ của mình. Đến với các môn đệ của mình, lời đầu tiên Đức Giê-su nói với họ, đó là: “Bình An Cho Anh Em”.
Sự kiện này có thể được ví như “một tia sáng ấm áp trong bóng tối tiêu điều” và nó đã đem đến cho các môn đệ “niềm vui mừng vì được thấy Thầy”. Thánh Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su thương mến, đã ghi lại sự kiện này rất chi tiết.
**
Theo thánh sử Gio-an kể lại, thì, sự kiện này xảy ra vào “chiều ngày thứ nhất trong tuần”. Chiều hôm đó, các môn đệ của Đức Giêsu tụ họp trong một ngôi nhà. Các ông vẫn chưa thoát khỏi sự bàng hoàng về cái chết của Thầy mình. Các ông vẫn chìm trong sự sợ hãi và hoang mang…
Rất sợ hãi khi nhóm thượng tế và các kỳ mục đã nham hiểm cho lính một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13). Theo luật pháp thời đó, lấy trộm xác là một tội rất nặng. Cho nên, hôm đó, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”.
Còn hoang mang ư! Vâng, hãy nghĩ mà xem, nếu được tính từ hôm “thứ sáu sầu thảm”, là ngày Đức Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự tại núi Sọ, nay đã quá bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Sắp hết ba ngày rồi… Thế mà, lời phán hứa của Thầy rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” Ôi! Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm!
Trong sự tĩnh lặng với nỗi sợ hãi và hoang mang, thì… không ai có thể tin được, “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.
Thầy Giêsu ư! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao! Thưa, đúng vậy. Chính Đức Giêsu, chứ không là ai khác, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Sự hoang mang và ngờ vực, sự sợ hãi và lo lắng của các ông được nhường chỗ cho: “niềm vui mừng vì được thấy Chúa”.
Chiều hôm đó, đáng tiếc thay! thiếu vắng tông đồ Tôma. Chính sự vắng mặt của ông đã khiến ông không tin sự kiện Đức Giêsu hiện đến với các bạn đồng môn của mình. Dù đã được các bạn đồng môn quả quyết “Chúng tôi đã được thấy Chúa”, ông vẫn không tin. Ông Tô-ma quan niệm, rằng: “Bách văn bất như nhất kiến – Trăm nghe không bằng một thấy”. Thế nên, ông lớn tiếng nói rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25)
Tám ngày sau, “các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.” Vẫn chưa hết sợ hãi sao đó, nơi các ông tụ họp “các cửa đều đóng kín”.
Và rồi, Đức Giêsu đến, “đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”. Rồi Ngài bảo với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27).
Nghe thế, Tôma đứng sững như hình hài pho tượng, nghĩ đến những chữ “nếu… nếu tôi… nếu tôi…”, có lẽ lúc đó ông ta lẩm bẩm “nếu tuần trước mình đừng không tin, thì hôm nay có đâu buồn đau, có đâu buồn đau”!
Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của ông, hình ảnh một Đức Giê-su Phục Sinh rõ mồn một trước đôi mắt ông.
Không còn gì để nghi ngờ nữa, Tôma nghẹn ngào cất tiếng nói: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Đáp lại, Đức Giêsu phán rằng “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Phải chăng đây là lời Đức Giêsu trách ông Tô-ma? Thưa không. Mà, nếu đúng thì đâu chỉ mình ông Tô-ma “cứng lòng tin”! Còn đó là cả nhóm mười người trong họ, dù đã nghe bà Maria Mác-đa-la nói “(Chúa) đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin”(x.Mc 16, 11)
Vâng, nếu trách thì trách cả “Nhóm Mười Một”. Đức Giê-su, trong một lần tỏ mình ra cho các ông, khi các ông đang dùng bữa, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người trỗi dậy” (x.Mc 16, 14)
Dẫu sao, sự cứng lòng tin của Tô-ma, sự chậm tin của những môn đệ khác, đã chứng minh rằng: họ không hề là những người có một đức tin “mù quáng, tin đại”, trái lại, họ là những người có một niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, đích thực. Nói cách khác, các vị tông đồ đã thật sự gặp được Đức Giê-su Phục Sinh.
Đức Giê-su thật sự đã Phục Sinh. Điều này không cần tranh luận. Điều cần tranh luận đó là: Tôi đã thật sự gặp Đức Giê-su Phục Sinh?
Nếu ta chưa gặp, phải chăng là vì ta tìm “người sống ở giữa kẻ chết”? Nói cách khác, phải chăng là vì ta lo mải mê tìm những thú vui trần gian, tìm những hư danh chóng qua, là những thứ nay còn mai mất v.v…!
Nếu ta chưa gặp, phải chăng là vì ta không lắng nghe tiếng Chúa Phục Sinh gọi tên mình, như xưa kia Chúa Phục Sinh đã gọi tên bà Maria Mác-đa-la rằng: “Maria”! Nói rõ hơn, phải chăng là vì ta để đôi tai của mình nghe những tiếng gọi của quyền lực, của danh vọng, của tiền bạc, là những thứ “chỉ đưa ta tới cõi thung lũng âm u, nghi ngờ, chết chóc”! Nếu ta chưa gặp Đức Giê-su Phục Sinh, ngay hôm nay hãy tìm đến Người. Không quá khó để chúng ta có thể gặp được Đức Giê-su Phục Sinh.
Vâng, nơi gặp đó chính là ngôi nhà thờ. Đó chính là trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, qua vị linh mục, Đức Giê-su Phục Sinh tiếp tục chúc bình an cho chúng ta, như xưa Ngài đã chúc cho các vị tông đồ. Lời chúc rằng: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em.”
Trong Thánh Lễ, qua vị linh mục, Đức Giê-su tiếp tục nói với chúng ta như xưa Ngài đã nói với Tô-ma. Vâng, hôm nay Ngài sẽ nói rằng: “Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin – Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Xưa, tại ngôi nhà “tiệc ly” Đức Giê-su Phục Sinh đã ban cho các vị tông đồ “đức tin và sự bình an”. Nay, trong ngôi thánh đường, tại bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su Phục Sinh ban cho chúng ta “sự bình an và sự sống đời đời”.
Vâng, xưa kia chính Ngài đã phán hứa rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” và rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (x.Ga14, 27). Đức Giê-su đã hứa ban. Thế thì, cớ gì chúng ta không đón nhận, nhỉ!
Tại sao chúng ta không đón nhận khi mà thế giới của hôm nay, là một thế giới mỗi ngày một bất an, tràn lan những bất ổn, lộn xộn bởi những bất mãn, bất bình, nhan nhản những sự bất công, bất nhân, bất nghĩa!
Thế giới hôm nay là thế đó, là một màu xám, là một màu đen. Là con người đã “cất đi” niềm tin vào một Giê-su Phục Sinh. Là con người đã “vất đi” sự bình an mà Đức Giê-su Phục Sinh đã ban cho.
Đó là sự thật. Và, sự thật này phải là tiếng chuông cảnh báo cho mỗi chúng ta. Cảnh báo chúng ta đừng trở thành một Cain… một Cain “mất niềm tin vào một Thiên Chúa là tình yêu”. Sự thật này phải là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta. Cảnh tỉnh chúng ta đừng trở thành một Cain… một Cain cướp đi “sự bình an” của Abel, người em của mình.
Vâng, thật mỉa mai khi vụ án Cain và Abel xưa, ngày nay lại tái diễn. Nó tái diễn với một Cain-Russia vs Abel-Ukraine.
Đức Giê-su Phục Sinh, có phần chắc, Ngài không muốn thảm cảnh Cain và Abel tái diễn một lần nữa. Đức Giê-su Phục Sinh, có phần chắc, Ngài vẫn hiện diện ở Russia, ở Ukraine, ở khắp nơi trên thế giới và chờ… chờ tất cả những ai đang đóng vai “Cain”, mở rộng tâm hồn mình, đón nhận “Bình An của Ngài”, đón nhận để trở thành “khí cụ bình an của Ngài”.
Đức Giê-su Phục Sinh, có phần chắc, Ngài vẫn chờ… chờ chúng ta trong nhà thờ, nơi thánh lễ, để tiếp tục ban Bình An cho chúng ta. Vâng, chỉ cần làm một điều thôi, đó là chúng ta “đừng vắng mặt” như Tô-ma đã (lỡ) vắng mặt. Đừng … đừng bao giờ vắng mặt “ngày thứ nhất trong tuần”. Nói, theo cách nói ngày nay, đừng vắng mặt Thánh Lễ Chúa Nhật, mỗi tuần.
Petrus.tran