Đừng phạm tội nữa…

 

Đừng phạm tội nữa…Vào những dịp đọc kinh cầu cho linh hồn qua đời, chúng ta thường đọc Kinh Vực Sâu. Trong bài kinh này, có một lời cầu xin, khi đọc lên chúng ta không thể không nghẹn ngào. Vâng, thật nghẹn ngào khi chúng ta khấn nguyện: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”. Lời khẩn nguyện này trích  trong Thánh Vịnh  130: “Ôi Lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được không?”

Thiên Chúa có chấp tội? Thưa, không. Thiên Chúa ghét tội nhưng không ghét kẻ phạm tội. Đức Giê-su, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã nhiều lần và nhiều cách làm “sáng tỏ” nan đề này. Có khi Đức Giê-su dùng dụ ngôn, lại có khi Ngài dùng sự kiện người thật việc thật, là những sự kiện thật xảy ra ngay giữa đời thường.

Về dụ ngôn, chúng ta được biết đó là dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Về sự kiện người thật việc thật, đó là câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình”.

Câu chuyện này được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: Hôm  ấy, “vừa tảng sáng”, và đúng lúc “Đức Giê-su trở lại Đền Thờ”. Trở lại Đền Thờ, Đức Giê-su tiếp tục sứ vụ giảng dạy cho dân chúng. Đang giảng dạy, thì bất ngờ  “các ông kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.” (Ga 8, 3)

Người phụ nữ bị đẩy ra “đứng ở giữa” trước mặt mọi người. Và rồi, các ông kinh sư và Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Thầy nghĩ sao ư! Vâng, đây là một tình huống rất gay go cho Đức Giê-su. Gay go thứ nhất, đó là, nếu Đức Giê-su lên án theo đúng luật Mô-se, Ngài sẽ bị cho là qua mặt chính quyền Roma. Israel vào thời của Đức Giêsu thuộc quyền bảo hộ của đế quốc La Mã. Phán quyết về mạng sống của một người, không thuộc thẩm quyền của bất cứ một người công dân nào trong xã hội thuộc địa Do Thái. Thẩm quyền đó, thuộc về nhà nước bảo hộ La Mã.

Gay go thứ hai, nếu đồng ý lên án, Đức Giêsu sẽ tự tạo ra những mâu thuẫn, mâu thuẫn về những gì Ngài đã giảng dạy, như Ngài đã từng dạy, rằng: “anh em đừng xét đoán nhau… anh em hãy tha thứ” v.v…

Còn nếu không lên án, thì sao! Trong trường hợp này, Đức Giê-su sẽ bị cho là dám chống lại bộ luật của Mô-se, bộ luật đã được lưu hành trong xã hội Do Thái từ khoảng năm 1250 trước Công Nguyên. Nói tắt một lời, một câu hỏi như thế, quả đúng là họ đã tạo ra một thế cờ bí hiểm.  Thì đây, thánh sử Gio-an cho biết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6). Khôn thật! Nhưng các vị kinh sư và Pha-ri-sêu không “ngoan” tí nào cả.

Vâng, cứ thử tưởng tượng, nếu Đức Giê-su đặt ra một câu hỏi ngược, một câu hỏi ngược, với họ rằng: “đồng phạm đâu?” Này quý ông kinh sư, quý ông Phariseu, không có đồng phạm liệu có đủ lý lẽ để kết tội người phụ nữ này!

Hoặc nếu Đức Giê-su tách riêng các ông kinh sư và Pha-ri-sêu, mỗi người một nơi rồi thẩm vấn họ rằng, cô này phạm tội ở đâu, biết đâu mấy “ông kẹ” này lại chẳng ấm ớ như hai cụ kỳ lão thời tiên tri Daniel!

Chuyện hai cụ kỳ lão là thế này. Hai cụ say mê bà Susana, lợi dụng lúc bà ta đang ở một mình, bèn ập đến, tỏ tình với bà, rằng: “Chúng tôi thèm muốn bà, hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”! (x.Dn 13, 20-21).

Tất nhiên, bà Susana không đồng ý. Thế là hai cụ kỳ lão liền thực hiện ý định xấu xa của mình. Một “tòa án nhân dân” được hai cụ lập ra. Hai cụ tố cáo bà Susana  đã “ăn nằm với một gã thanh niên”. Hai cụ tỏ ra tiếc nuối vì đã “không tóm được gã thanh niên vì hắn khỏe hơn chúng tôi, và đã chạy mất.” Cuộc xử án rất nhanh, nhanh vì “cộng đồng tin hai cụ, vì (hai cụ) là những kỳ mục trong dân, và là những thẩm phán.” Thế rồi, “người ta kết án tử hình bà Susana” (Dn 13, …41)

Thế nhưng, thật “xui xẻo” cho hai cụ. Có một thiếu niên tên là Daniel. Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của anh ta. Và anh ta, khi nhìn thấy cuộc xử án quá vội vàng nên nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao? Các người đã lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này.” Vậy là hai cụ kỳ lão tiêu rồi… Mà đúng là tiêu thật.

Vâng, trở lại nơi xét xử, Daniel nói: “Hãy tách riêng (hai kỳ lão) ra, rồi tôi sẽ xét xử.” Đó là một hành động rất khôn ngoan, sự khôn ngoan được Thiên Chúa ban.  Và rồi chàng thanh niên Daniel, sau một cuộc thẩm vấn ngắn gọn với riêng từng vị kỳ lão: “Hãy nói, ông đã thấy họ thông gian với nhau dưới cây nào?” Hai kỳ lão ú ớ, ông này nói “dưới cây trắc”, ông kia nói “dưới cây dẻ”. Xong…  Daniel ‘gõ búa’ và nói “các ông đã làm chứng gian.”

Trở lại phiên xử người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Hôm ấy, Đức Giê-su không trả lời. Không thẩm vấn ai hết. Ngài “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.”

Chắc hẳn những gì Đức Giêsu viết ra “rõ mồn một” trước mắt họ cũng như những kẻ hiếu kỳ vây quanh. Chỉ là, thánh sử Gio-an không ghi lại, mà thôi.

Và sau khi vì bị họ “cứ hỏi mãi”, nên Đức Giêsu đưa ra một phán quyết: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất.” (x.Ga 8, 7-8)

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Vâng, chỉ một lời tuyên bố, Đức Giê-su đã làm cho nhóm “nguyên đơn” chưng hửng. Nói rõ hơn, qua lời tuyên bố này, Ngài đã kéo các ông kinh sư và Phariseu, từ “tòa án đời thường”, đến một tòa án khác, “tòa án lương tâm”.

Tiêu chuẩn để nói đến tội ngoại tình mà Đức Giêsu đưa ra còn cao hơn gấp bội tiêu chuẩn của ông Môsê. “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt 5, 27-28).

Nơi “tòa án lương tâm”, rất có thể, những người tố cáo người phụ nữ đó, (và hôm nay, có thể là chính chúng ta) đã có lần cũng phạm tội ngoại tình, ngoại tình bằng “tư tưởng”, ngoại tình bằng “ánh mắt”, ngoại tình bằng “lời nói”… thế nên, phải chăng vì thế nhóm “nguyên đơn” đã chột dạ vì câu hỏi của Đức Giê-su? Chắc… chắc hẳn là thế. Chúng ta cùng nghe, chuyện kể tiếp rằng: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”.

Hôm ấy, tất cả mọi người bỏ đi hết. “Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ đứng ở giữa.” Người phụ nữ vẫn đứng ở đó… đứng ở đó trong thinh lặng và đợi chờ… đợi chờ một “cục đá” ném vào người mình.

Thế nhưng, không có cục đá nào ném về người phụ nữ. “Không ai lên án chị sao? – Thưa ông, không có ai cả.” Vâng, bên “công tố viên” bỏ đi hết rồi.  Còn Đức Giê-su, Ngài cũng không ném đá người phụ nữ đó.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã đưa người phụ nữ đến một tòa án khác, “tòa án của Thiên Chúa”, nơi tòa án này,  Thiên Chúa có lời tuyên phán, rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (x.Ed 18, 23).

Và, như một vị thẩm phán, một vị thẩm phán đầy lòng bao dung, Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).

Câu chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm, thế nhưng, phải chăng, đó cũng là chuyện của mỗi chúng ta, hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Rất có thể, một khoảnh khắc nào đó, chúng ta trở thành những kinh sư và biệt phái. Rất có thể, vào một lúc nào đó, chỉ vì ganh tỵ, chúng ta sẵn sàng “ném đá” một ai đó bằng lời nói thâm độc, bằng cử chỉ tẩy chay, bằng sự gây chia rẽ, bè phái v.v…

Đừng quên, Đức Giê-su có dạy rằng: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”

Thế còn tội ngoại tình? Cũng vậy, rất có thể, chỉ vì một bất an nào đó trong cuộc đời, ta tìm đến bói toán,  bùa ngải, phù phép v.v… đó chẳng phải là ta đã để cho niềm tin của mình ngoại tình, đó sao!

Hôm nay, Đức Giê-su cũng không ném đá chúng ta. Không ném đá chúng ta, không phải là do chúng ta “không phạm tội”, nhưng là bởi Ngài muốn “biến đổi bóng tối thành ánh sáng… và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng”(Isaia) để chúng ta dễ dàng đi đến tòa án, không phải loại tòa-án-nhân-dân, nơi chỉ xứ án bằng họng súng, nhưng là “tòa hòa giải”, một loại tòa án được nâng thành Bí Tích, “Bí Tích Hòa Giải”

Tại tòa-hòa-giải, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, Người  nói với chúng ta, rằng: “Tội con, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng sẽ trắng như bông.” (x.Is 1, 18). Tại tòa-hòa-giải, Đức Giê-su, qua vị linh mục đại diện, Ngài sẽ nói với chúng ta, nói rằng: “Thôi… cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Vâng, nếu muốn Chúa không chấp tội, thì “Từ nay đừng phạm tội nữa.”

Petrus.tran