Đừng lôi Chúa ra khỏi cuộc đời mình

 

Đừng lôi Chúa ra khỏi cuộc đời mìnhKỳ thị là gì? Thưa: “Kỳ thị là sự phân biệt đối xử đối với một người hay một nhóm người, một vùng miền hay một quốc gia có thể xác định được.” (nguồn: internet)

Nói tới sự kỳ thị, quả thật đây là căn bệnh trầm kha trong suốt chiều dài lịch sử con người. Ở đâu có con người sinh sống, ở đó có sự kỳ thị. Người ta kỳ thị chủng tộc. Người ta kỳ thị tôn giáo. Người ta kỳ thị ngôn ngữ, vùng miền v.v…

Gần đây, do dịch bệnh Covid 19, chúng ta có thêm một  ‘kiểu” kỳ thị mới. Đó là, người ở “vùng đỏ” là nơi dịch bệnh hoành hành, đi về “vùng xanh” là nơi dịch bệnh đã được khống chế, bị kỳ thị.

Đây là một kiểu kỳ thị  làm cho người bị kỳ thị không khỏi “buồn hiu hắt buồn”. Làm sao không hiu-hắt-buồn cho được, khi ngay cả chính người thân trong gia đình cũng có những lời lẽ đầy tính chất kỳ thị, với nhau.

Thì đây, mấy  ngày hôm nay, Việt Nam chuẩn bị đón Tết (âm lịch). Nhiều người dân ở nông thôn lên những thành phố lớn như: Saigon, Hà Nội, Đà Nẵng v.v.. để mưu sinh, nay trở về quê thì  bị kỳ thị. Kỳ thị vì đã sinh sống ở những thành phố nhất nhì về sự hoành hành dịch bệnh Covid 19.

Nhiều tin nhắn trên Zalo, trên SMS với lời lẽ rất kỳ thị, rất bạc bẽo, đại loại như: “Năm nay đừng về ăn tết nha. Kẻo lại mang cô-vi về nhà”. Hoặc là “năm nay ở ‘trển’ đi, về lại lây lan cho gia đình, cha mẹ, anh em, bà con hàng xóm” v.v…và v.v… (Thế là năm nay “mình ên” ở lại sè-goòng ăn tết!)

Buồn chứ! Bị những người thân thuộc như cha mẹ, anh em, bạn hữu nói những lời lẽ như thế với mình, cớ sao không buồn!

Vâng, chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận thấm thía những lời lẽ đầy kỳ thị như thế. Đức Giê-su, cũng đã có lần là “người trong cuộc”. Một lần nọ, Ngài về thăm “quê nhà”, và cũng  bị “kỳ thị, bạc bẽo”.

Hồi đó, Đức Giê-su không bị kỳ thị, bạc bẽo vì Covid 19, nhưng vì bà con hàng xóm của Ngài “không chấp nhận đứa con quê hương này làm Đấng Messia của họ”. “Con bác thợ” mà đòi làm Đấng Messia sao!  Hôm ấy, họ đã định giết Ngài. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Luca. (Lc 4, 21-30)

Câu chuyện bắt đầu bởi những ước mong và khao khát. Vâng, như chúng ta được biết, ước mong và khao khát về một Đấng Messia sẽ đến, đó là ước mong và khao khát của dân tộc Israel, xưa. Đấng Messia đó sẽ là ai? Với chúng ta hôm nay, câu  trả lời chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Thế nhưng, với người Do Thái sống cùng thời Đức Giê-su, dẫu cho đã được Ngài khẳng định, rằng người đó chính là tôi, họ cũng không tin, không chấp nhận. Thật vậy, điều đó đã xảy ra trong một lần Ngài trở về Nazareth, quê hương của mình.

Tại sao dân Do Thái sống cùng thời với Ngài nói chung, và người cùng quê hương Ngài nói riêng, không tin, không chấp nhận?

Thưa, chuyện là thế này: Sau bao nhiêu ngày rong duỗi đường gió bụi, “đi khắp miền Galile… giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh”, Đức Giê-su trở về Galile. Về Galile, “…Đức Giê-su đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng”.

Hôm đó, trùng dịp là ngày sa-bát, và theo truyền thống cha ông đã truyền dạy: “…ngày thứ bảy là ngày sabat kính ĐỨC CHÚA”, Đức Giê-su đã vâng lời: “Người vào hội đường”. Hội đường là nơi người Do Thái nhóm họp vào ngày sabat.

Buổi nhóm họp hôm ấy, người ta đã “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.

Đức Giê-su đã nói gì khiến cho mọi người phải trầm trồ lên như thế! Xin thưa, khi được mời lên đọc Sách Thánh, Ngài đã đọc một đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Lời ngôn sứ Isaia như một bản “tình ca”, một bản tình ca nói lên lòng thương xót của một Thiên Chúa là tình yêu. Bản tình ca đã được chàng nghệ sĩ Giê-su hát vang lên trong hội đường và đã khiến cử tọa ngất ngây niềm hạnh phúc: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Vâng, thánh Luca không nói gì cả, nhưng chúng ta có thể tin, tin rằng  toàn thể cộng đồng dân Chúa hiện diện trong hội đường hôm ấy rất ngất-ngây-hạnh-phúc khi Đức Giê-su tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Lời tuyên bố của Đức Giê-su “chắc như đinh đóng cột”. Cử tọa, như đã nói ở trên “tán thành và thán phục”.

Nhưng buồn thay! Những lời tán thành và thán phục đó, không đầy ba mươi giây, ngay lập tức vỡ tan… vỡ tan như bọt sóng. Vì sao ư! Thưa, thánh Luca cho biết: “Họ bảo nhau: Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”  Một câu hỏi nhuốm hơi hám sự kỳ thị.

“Ông Giu-se” là ai! Thưa, là cha Đức Giê-su… và là “bác thợ”. Đức Giê-su là con-bác-thợ. Một ông Giuse là bác thợ, sao lại có thể sinh ra một ông Giêsu, được “Thiên Chúa xức dầu tấn phong” như chính ông ta đã nói “Hôm nay đã ứng nghiệm”!

Thế là, toàn thể cử tọa trong hội đường hôm đó, kỳ thị Đức Giê-su ra mặt. Họ kỳ thị về gia thế của Đức Giê-su. Kỳ thị về gia thế, nhưng có vẻ như, họ vẫn kỳ vọng  rằng, những gì Ngài đã làm tại Caphacnaum, Ngài cũng sẽ làm tại quê nhà.

Đức Giê-su “đi guốc trong bụng” họ. Và, Ngài đã không đáp ứng. Tại sao? Thưa, thánh Luca không nói rõ lý do, nhưng thánh Mác-cô cho biết:  “vì họ không tin”.

Quả là thật đáng tiếc, đáng tiếc là bởi, bản tình ca yêu thương của Đức Giê-su đã bị  biến thành  bản “hận ca”. Mà, quả thật là vậy. Không đáp ứng kỳ vọng cho họ, họ đã nhìn Ngài với đôi mắt hận thù. Vâng, rất căm thù khi Đức Giê-su nói : “Tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-ma, người xứ Si-ry thôi.”(x.Lc 4, 25-27)

Lời Đức Giê-su nói để lại một kết thúc buồn. Vâng, rất buồn, sau khi nghe Đức Giê-su nói:  “…mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (x.Lc 4, 28-29)

Thế nhưng, đâu có “dễ ăn”. Hôm đó, Đức Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”. Hành động của họ, quả đúng như lời Ngài nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4, 24).

Thật đáng tiếc cho cư dân thành Nadarét. Tiếc là bởi họ đã không ý thức đúng về cái gì là giá trị, cái gì là quan trọng trong đoạn Kinh Thánh mà Đức Giêsu đã đọc cho họ nghe.

Cái giá trị và quan trọng đó không nằm ở những phép lạ, không nằm ở những lời thách thức xấc xược rằng, “những gì ông đã làm tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”.

Cái giá trị và quan trọng đó chính là “Tin Mừng”, một Tin Mừng cho-kẻ-nghèo-hèn,  và rằng : Con Một của Người là Đức Giê-su chính là người khai mở cho “năm hồng ân của Chúa”.

Vâng, đó là chuyện năm xưa. Một câu chuyện của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Và, chuyện hôm nay… chuyện hôm nay là chuyện gì? Thưa, Đức Giê-su vẫn tiếp tục “vào nhà thờ” trong ngày Chúa Nhật.

Đức Giê-su, qua chúng ta, Ngài vẫn đọc Sách Thánh. (Thánh Thư). Đức Giê-su, qua các linh mục, Ngài vẫn đọc Sách Thánh (Phúc Âm).

Chúng ta được nghe và được đọc. Chúng ta được đọc và được nghe. Được nghe Đức Giê-su, qua các vị linh mục, giảng dạy.

Thế nhưng, liệu chúng ta có như cư dân Nadaret, xưa!

Chúng ta có đón nhận những lời truyền dạy của Ngài, do các vị linh mục giảng dạy trong thánh lễ! Hay chúng ta phớt lờ!

Chúng ta có tán-thành-và-thán-phục về những lời Kinh Thánh truyền dạy! Và  đón nhận xem như là  “ngọn đèn soi ta bước”, như là “ánh sáng chỉ đường ta đi”! Hay chúng ta quăng “cục lơ”!

Về điều này, nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 là A. Einstein thú nhận: “Khi còn bé, tôi đã học cả Kinh Thánh và sách Talmud. Là người Do Thái, nhưng tôi đã bị khuôn mặt sáng ngời của Đức Giê-su Na-da-rét mê hoặc… Chưa ai đọc các sách Tin Mừng mà không cảm thấy sự hiện diện thật sự của Đức Giê-su. Tính cách của Ngài rung lên trong mỗi từ ngữ. Một đời sống như vậy không huyền thoại nào chứa hết được.” (nguồn: 5/phút cho Lời Chúa).

Thật đúng vậy, đã có nhiều người, tâm hồn họ bị “rung lên trong mỗi từ ngữ”, mỗi-từ-ngữ mà Thiên Chúa đã phán, qua Kinh Thánh. Đơn cử một người như điển hình, đó chính là thánh Augustino.

Tâm hồn ngài Augustino đã bị rung lên, rung lên khi đọc đoạn thư của Thánh Phaolô: “Ðừng sống theo dục vọng và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (x.Rm13,14). Và, đó chính là điều mà Augustino đang thao thức. Từ lúc đó trở đi, Augustino bắt đầu sống một đời sống mới.

Thưa quý bạn, quý bạn khi nghe Lời Chúa hay khi đọc Lời Chúa, có bao giờ tâm hồn mình  “cũng bị rung lên trong mỗi từ ngữ”! Hãy ao ước đi! Ao ước trong lời cầu nguyện, sẽ có ngày… sẽ có ngày tâm hồn quý bạn cũng-sẽ-bị-rung-lên. Thật đấy!

Thế nên, đã là một Ki-tô hữu, hãy “đón nhận Lời Chúa”, xem đó như là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của chúng ta.

Và, nếu chúng ta đã đón nhận “những lời hay ý đẹp” của Chúa, đừng bao giờ  thách thức Người qua việc “tán thành” luật hôn nhân đồng tính. Đừng “thán phục” những nhà lập pháp đã thông qua luật tự do phá thai, cũng như những đạo luật trái nghịch với luật Chúa.

Tán thành và thán phục những điều “tồi tệ” nêu trên, có khác nào chúng ta đem Mười Điều Răn Đức Chúa Trời ném vào xọt rác! Tán thành và thán phục những điều tồi tệ nêu trên, có phần chắc, Đức Giê-su cũng sẽ “băng qua” giữa cuộc đời của chúng ta, mà đi.

Ngày nay, trong nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, Đức Giê-su vẫn hiện diện với chúng ta, như Ngài đã hiện diện với cư dân Nadaret xưa, vào ngày sabat.

Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta biết… biết rằng; đây là nơi chúng ta có thể tiếp cận  “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Chúa.”, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa (Thánh Kinh) Chưa hết… còn nữa. Chúng ta còn được tiếp nhận chính thân thể Ngài, qua Bí Tích Thánh Thể.

Tiếp cận Lời Chúa, tiếp nhận chính thân thể Ngài, chính là chúng ta đã tiếp nhận được Hồng-Ân-Của-Chúa. Hồng ân được Chúa, nói theo cách nói của ngôn sứ Geremi, đó là: được Chúa “ở với (ta) để giải thoát (ta)” (Gr 1…19)

Chúa đã ở với chúng ta để giải thoát chúng ta. Đừng dại dột, vì một lý do vớ vẩn nào đó, chúng ta lại hành động như cư dân Nadaret xưa đã hành động: “lôi Người ra khỏi thành”.

Chúng ta đừng-lôi-Chúa-ra-khỏi-ngôi-làng-tâm-hồn-chúng-ta. Đừng lôi Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Petrus.tran