Bạn có bao giờ được đọc Sách Thánh? Đó… đó là một vinh dự, một vinh dự không phải ai cũng có được. Ai sẽ là người được đọc Sách Thánh? Thưa, tham khảo việc sinh hoạt của một vài giáo xứ, đa số người được đọc Sách Thánh đều là những quý ông trong Hội Đồng Giáo Xứ. Dường như, bây giờ được gọi là Ban Hành Giáo.
Ngoài quý ông được đọc Sách Thánh, quý bà và quý cô cũng có được vinh dự này. Quý cô có thể là ca viên trong ca đoàn. Quý bà có thể là thành viên trong hội đoàn, hội “các bà mẹ Công Giáo”, chẳng hạn.
Cũng có trường hợp người đọc sách Thánh là các em thiếu nhi. Các em này thường là các em trong hội đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hoặc Hùng Tâm Dũng Chí.
Do Thái giáo cũng có việc đọc Sách Thánh. Việc đọc Sách Thánh được cử hành vào những buổi nhóm họp ở Hội đường vào ngày Sabat. Hội đường có một người trưởng nhiệm, người trưởng nhiệm chỉ định người đọc Sách Thánh và mời người có khả năng lên giải thích Kinh Thánh.
Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng có vinh dự được mời đọc Sách Thánh. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.(Lc 4, 14-21)
**
Tin Mừng thánh Luca thuật lại, rằng: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê”. Về Ga-li-lê, “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Ngài sinh trưởng”
Về nơi-Ngài-sinh-trưởng, Đức Giê-su đã chứng tỏ rằng, mình vẫn không quên cội nguồn, mình vẫn không quên bà con hàng xóm, mình vẫn là một người con của làng quê Na-da-rét. Không quên bà con hàng xóm, Đức Giê-su cũng không quên bổn phận tôn giáo mà cha ông đã truyền dạy. Bổn phận tôn giáo được truyền dạy, đó là đến hội đường nhóm họp vào ngày Sabat. Vâng, Đức Giê-su đã đến nhóm họp. Thánh Luca kể rằng: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabat”.
Chẳng biết có phải vì nhờ “tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận… và được mọi người tôn vinh” hay không! Hôm ấy, Đức Giê-su được ông trưởng nhiệm hội đường mời “lên đọc Sách Thánh” (Lc 4, …16)
Tưởng chúng ta cũng nên biết, “Trong hội đường Do Thái xưa, người ta vẫn lần lượt đọc các sách Luật theo cách từ phần này sang phần khác (lectio continua), còn các sách Ngôn sứ được đọc theo kiểu chọn lọc (lectio selecta)”. (nguồn: internet)
Hôm ấy, sau khi ông trưởng nhiệm chọn lọc (chắc là vậy): “Họ trao cho Người cuốn sách Isaia”.
Đứng trên giảng đài, Đức Giê-su “mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18)
“Đó là Lời Chúa”. Vâng, với nghi thức đọc Sách Thánh ngày nay, sau khi đọc xong, chúng ta sẽ xướng lên như thế. Thời Đức Giê-su, thì không xướng gì cả.
Hôm ấy, đọc xong: “Đức Giê-su cuộn sách lại…” Ơ hay, sao lại “cuộn” mà không “gấp” như chúng ta vẫn làm, ngày nay! Vâng, muốn biết tại sao, chúng ta cùng đọc sơ qua tài liệu “việc phát hiện Các Cuộn Sách Biển Chết (The Dead Sea Scrolls)” “Các Cuộn sách” nha!
“Việc phát hiện Các Cuộn Sách Biển Chết (The Dead Sea Scrolls) lần đầu tiên vào năm 1947 ở Qumran, một ngôi làng nằm ở phía tây bắc Biển Chết, cách Giê-ru-sa-lem khoảng hai mươi dặm về phía đông. Một người chăn trẻ trong khi đi tìm con dê lạc, đã ném hòn đá vào một trong những hang động dọc theo vách đá bên bờ biển và nghe thấy một tiếng vỡ: hòn đá đã làm vỡ một bình gốm chứa các cuộn giấy da và giấy cói, mà sau này người ta đã xác định có niên đại gần hai mươi Thế kỷ. Mười năm tiếp theo và bởi nhiều người tìm kiếm tiếp nối, mười một hang động quanh Biển Chết đã được phát hiện có chứa hàng chục ngàn thủ bản” (nguồn: hockinhthanh.weebly.com)
“…Một bình gốm chứa các cuộn giấy da” vậy là đã rõ, sách được viết trên những mảnh da. Xem phim Tàu, chúng ta cũng thấy, mỗi khi vị hoạn quan đem chiếu chỉ của vua đến cho ai, vị hoạn quan mở “cuộn chiếu chỉ” ra công bố, công bố xong, vị hoạn quan “cuộn chiếu chỉ lại”.
Thế nên, việc Đức Giê-su cuộn-sách-lại không có gì phải ngạc nhiên. Điều ngạc nhiên, đó là khi Ngài “cuộn sách lại trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống” thì… thì sao nhỉ! Thưa, “ai nấy trong hội đường chăm chú nhìn Người” (Lc 4, …20)
Kể cũng lạ! Ngày nay, một ai đó đọc Sách Thánh, đọc xong về chỗ ngồi, có ai “chăm chú nhìn” đâu, phải không, thưa quý vị! Một suy luận có thể chấp nhận, có thể mọi người chăm chú nhìn Đức Giê-su như là để tự hỏi, tự hỏi rằng: cái anh chàng con-bác-thợ sẽ giải thích như thế nào về đoạn Kinh Thánh mà anh ta vừa mới đọc xong!
Đức Giê-su sẽ giải thích như thế nào ư! Thưa, hôm ấy, Ngài đã nói với mọi người, rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4, 21)
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Giải thích cho lời tuyên bố của Đức Giê-su, Lm Giu-se Đinh Tất Quý có lời chia sẻ, rằng: “Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày. Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do. Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này. Người thấy nó phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Ðây là một hướng đi mà Người phải theo đuổi, một chương trình hành động mà Người muốn hoàn thành.” (nguồn:
https://tgpsaigon.net/bai-viet/bai-giang-chua-nhat-3-tn-cvideo-53207)
Đúng, Đức Giê-su “đã hoàn thành”. Có rất nhiều nhân chứng, chứng thực Ngài đã hoàn thành điều mà ngôn sứ Isaia công bố.
Thánh Mát-thêu chính là nhân chứng thứ nhất. Ngài Mát-thêu cho biết: “Mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, Người đã chữa khỏi” (Mt 4, 24)
Nhân chứng thứ hai là ai? Thưa, thánh Mác-cô. Chúng ta cùng nghe ngài Mác-cô kể: “Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ.” (Mc 1, 3)
Chưa hết, còn một nhân chứng nữa, đó là thánh Luca. Ngài Luca ghi lại như sau: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu, mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay lên từng bệnh nhân và chữa họ.” (Lc 4, 40)
Đức Giê-su đã hoàn thành ơn gọi và sứ mạng của chính mình, với sức mạnh: “Thần Khí Chúa.” Vâng, sự thật là vậy. Không ai có thể phủ nhận, quả thật là lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm.
Lời ngôn sứ Isaia không chỉ ứng nghiệm vào thời điểm Đức Giê-su còn tại thế, mà còn ứng nghiệm vào thời đại của chúng ta, hôm nay.
Lourdes (Lộ Đức – Pháp). Fatima (Bồ Đào Nha)… Hãy đến những nơi đó mà xem. Xem và sẽ thấy những chứng tích, những chứng tích khiến không ít người đã phải “thán phục”, thán phục về những phép lạ chữa lành do quyền năng Thiên Chúa. La-vang, Trà Kiệu, Fatima (Bình Triệu)… Hãy đến những nơi đó mà xem. Xem để thấy,
“Hồng Ân của Thiên Chúa” đã tỏ hiện trên đất nước Việt Nam, như thế nào.
Hãy đến những địa danh nêu trên mà xem. Xem để thấy, thấy rằng : Hôm nay (vẫn) ứng nghiệm lời Kinh Thánh, lời Kinh Thánh trích trong sách ngôn sứ Isaia.
Lời Kinh Thánh trích trong sách ngôn sứ Isaia, vào thời Đức Giê-su còn tại thế, đã ứng nghiệm. Lời Kinh Thánh trích trong sách ngôn sứ Isaia, vào đầu thế kỷ 20, cũng đã ứng nghiệm. Lời Kinh Thánh trích trong sách ngôn sứ Isaia, vào ngày mai, ngày mốt, vào những ngày tháng trong tương lai, thì sao nhỉ ! VẪN ứng nghiệm chăng ?
Với nan đề này, Lm. Giuse Đinh Tất Quý có lời suy tư : “Còn chúng ta, khi nghe Chúa Giêsu nói: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’ hỏi chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Ðức Giêsu hay không?” Ngài Lm. Quý, trong nỗi ưu tư, nói tiếp: “Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ vì thiếu sự cộng tác của bản thân tôi. ”
Đúng vậy. Để lời ngôn sứ Isaia hay Lời Chúa, hôm-nay-có-được-ứng-nghiệm hay không, là tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Tùy thuộc chúng ta có trở thành “cánh tay nối dài của Chúa”, hay không ?
Để trở thành cánh tay nối dài của Chúa, điều này không khó đâu. Không khó, nếu chúng ta chăm-chú-nhìn-Đức-Giêsu. Không khó, nếu chúng ta chăm chú nghe những gì Ngài đã truyền dạy và đem ra thực hành. Nói, theo cách nói của Đức Maria: “Người bảo gì, (chúng ta) cứ việc làm theo.”
Mà, Đức Giê-su đã bảo gì nhỉ ! Chẳng phải Ngài đã bảo: : Hãy “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”, đó sao !
Đừng quên, những điều Đức Giê-su “bảo”, chính là những điều Ngài sẽ chất vấn chúng ta vào ngày phán xét, đấy! Đừng để vào ngày đó, chúng ta phải nghe Ngài khiển trách : “Xưa, Ta đói, các ngươi đã không cho ăn. Ta khát, các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi chẳng viếng thăm.”
Hãy nhớ, Đức Giê-su còn nói : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chinh Ta vậy.” (x.Mt 25, 40)
Mỗi lần chúng ta làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Chúa, chẳng phải chính là lúc chúng ta trở thành cánh-tay-nối-dài-của-Ngài, đó sao!
Xưa, ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Đức Giê-su. Chăm chú nhìn và họ đã nghe được “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.”
Nay, nếu chúng ta cũng chăm chú nhìn Đức Giê-su. Nói, theo cách nói mạnh mẽ hơn của Lm. Charles E.Miller, nếu chúng ta : “Chiêm ngắm thân thể Đức Ki-tô”, chiêm ngắm với niềm tín thác vào một Đức Ki-tô “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…”, có phần chắc, chúng ta sẽ có được nguồn cảm hứng “dấn thân”, một sự dấn thân như Đức Giê-su đã dấn thân: “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chưa hết, chúng ta sẽ có một động lực, một động lực : “đến… là để phục vụ.”
Dấn thân để phục vụ, dấn thân để mọi người được sống dồi dào, chẳng phải là cách thế làm cho cánh tay của chúng ta, trở thành cánh tay nối dài của Chúa, sao !
Dấn thân để phục vụ, dấn thân để mọi người được sống dồi dào, chính việc dấn thân này, sẽ nói cho cả thế giới biết rằng : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Riêng, cá nhân mỗi chúng ta, chúng ta đủ mạnh mẽ, để tuyên bố: “Lời Chúa truyền dạy, hôm nay VẪN ứng nghiệm.”
Petrus.tran