Sau khi cử hành Đại lễ Chúa Kitô Vua, bên trong Đền thờ thánh Phêrô, lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 21 tháng Mười Một, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng trong dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin kính Đức Mẹ, với 30.000 tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Đứng hai bên ngài có hai người trẻ, một nam một nữ, đại diện cho toàn thể giới trẻ của giáo phận Roma, vì Chúa nhật 21 tháng Mười Một cũng là Ngày Quốc tế giới trẻ cấp giáo phận.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Gioan của lễ Chúa Kitô Vua.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng phụng vụ hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của mùa thường niên, có điểm nổi bật là lời khẳng định của Chúa Giêsu, Ngài nói: “Tôi là vua” (Ga 18,36). Chúa tuyên bố những lời này trước quan Philatô, giữa lúc đám đông kêu gào đòi kết án tử hình cho Ngài. Đã đến giờ quyết liệt. Trước đó, Chúa Giêsu không muốn dân chúng tung hô Ngài là Vua: chúng ta nhớ lần ấy, sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa rút lui để cầu nguyện một mình (Xc Ga 6,14-15).
Vương quyền của Chúa khác biệt
Thực tế là vương quyền của Chúa Giêsu rất khác với vương quyền trần thế. Chúa nói với Philatô: “Nước của tôi không thuộc trần thế này” (Ga 18,36). Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Chúa không đến với những dấu hiệu quyền bính, nhưng với sức mạnh của các dấu hiệu. Ngài không mang những phù hiệu quí giá, nhưng chịu trần trụi trên thập giá. Và chính nơi tấm bảng treo trên đầu thập giá mà Chúa Giêsu được gọi là “vua” (Xc Ga 19,19). Vương quyền của Ngài thực sự là vượt qua những khuôn khổ của loài người! Chúng ta có thể nói rằng Ngài không là vua như những người khác, nhưng là Vua cho những người khác. Chúng ta hãy nghĩ lại điều này: Chúa Kitô, đứng trước quan Philatô, nói mình là vua, trong lúc đám đông chống lại Ngài. Nhưng trong lúc đám đông đi theo và tung hô Ngài, thì Ngài lại xa tránh. Nghĩa là Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài hoàn toàn tự do đối với ước muốn danh tiếng và vinh quang trần thế. Và chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta có biết noi gương Chúa trong điều ấy hay không? Chúng ta có biết xử lý xu hướng của chúng ta luôn muốn được người ta tìm kiếm và ủng hộ hoặc chúng ta làm tất cả để được người ta quí chuộng? Trong điều mà chúng ta làm, đặc biệt trong sự dấn thân Kitô của chúng ta, những lời vỗ tay hoặc việc phục vụ có quan trọng, đáng kể hay không?
Chúa làm cho chúng ta tự do
Chúa Giêsu không những xa tránh mọi sự tìm kiếm những gì là cao cả trần thế, nhưng Ngài còn làm cho tâm hồn những người theo Ngài được tự do, và tự chủ. Anh chị em thân mến, Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tùng phục sự ác. Nước của Chúa có đặc tính giải thoát, không có gì là đè nén. Chúa đối xử với mỗi môn đệ như bạn hữu, chứ không phải như thần dân. Chúa Kitô, tuy ở trên mọi vua chúa, nhưng không hề vạch đường ranh giữa Ngài và người khác; trái lại, Chúa muốn có những anh em để chia sẻ với họ niềm vui (Xc Ga 15,11). Khi theo Chúa, chúng ta không bị lạc mất, nhưng đạt được phẩm giá. Vì Chúa Kitô không muốn những người nô lệ quanh Ngài, nhưng muốn những người tự do. Và giờ đây chúng ta hãy tự hỏi: từ đâu nảy sinh tự do của Chúa Giêsu? Chúng ta khám phá thấy điều đó khi trở lại lời khẳng định của Chúa trước quan Philatô: “Tôi là vua. Vì điều này tôi đã sinh ra và đến trần thế: để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37).
Đặc tính tự do của Chúa
Tự do của Chúa Giêsu đến từ sự thật. Chính sự thật giải thoát chúng ta (Ga 8,32). Nhưng sự thật của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một cái gì trừu tượng: đó là một thực tại, chính Chúa làm nên sự thật trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những giả bộ và giả dối mà chúng ta có trong tâm hồn. Khi ở với Chúa Giêsu, chúng ta trở nên những người chân thực. Đời sống Kitô không phải là một vở kịch, trong đó ta có thể đeo mặt nạ nào thích hợp nhất. Vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn, Ngài giải thoát con tim khỏi sự giả hình, những hành động ngầm, những thái độ hai mặt. Bằng chứng tốt nhất cho thấy rõ Chúa Kitô là vua của chúng ta, là sự không dính bén những gì làm cho cuộc sống bị ô nhiễm, khiến nó trở nên mơ hồ, đen tối, sầu muộn. Chắc chắn là với những giới hạn và khiếm khuyết, chúng ta phải luôn đối đầu với chúng: Tất cả chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng khi ta sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không bị hư hỏng, không giả dối, không có xu hướng che đậy sự thật, ta sẽ không sống hai mặt.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, là Vua Vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi những nô lệ trần tục và dạy chúng ta chế ngự những tật xấu của chúng ta”.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nói rằng đây là lần đầu tiên Ngày Quốc tế giới trẻ cấp giáo phận được cử hành vào Lễ Chúa Kitô. Vì thế, trong buổi đọc kinh này có hai người trẻ đại diện toàn thể giới trẻ Roma. Ngài để hai người trẻ chào thăm mọi người.
Đức Thánh cha cũng chào thăm tất cả các ngư phủ, những người sống bằng nghề đánh cá. Ngài nhắc đến lễ phong chân phước, sáng thứ Bảy, ngày 20 tháng Mười Một vừa qua, tại Ba Lan cho Jan Macha, vị linh mục trẻ, chết vì sự oán ghét đức tin từ Đức quốc xã.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương. Ngài cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA