Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu…

Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu… 

Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu…“Thà như mây trắng. Tôi bay về trời. Bay về thiên cung. Tới đỉnh thiên đình. Thà như mây trắng. Bay lên núi cao. Biển trời mênh mang. Thế giới yên hàn.

Thà như mây trắng. Tôi bay về rừng. Thu gom lá khô. Làm thảm cỏ vàng. Để tôi nằm nghỉ. Trong mùa hoạn nạn. Thà như hạt sương. Bay về quê cũ. Có mái nhà xưa. Rơi trên mái hiên. Lan tỏa khắp nhà. Hơi ấm đường xa…

Thà như tất cả. Còn hơn làm người. Trong thời Covid. Trái tim hóa đá. Ở đất nước tôi…”(Khải Triều)

Trên đây là đôi lời tâm tình ray rứt của một nhà thơ và cũng là một người anh em trong Chúa, khi phải chứng kiến những “hoạn nạn” của biết bao con người “trong thời Covid”, hôm nay.

Những hoạn nạn đó, là sự ngăn cách, là sự phong tỏa, là thảm cảnh “Khi người thân mất. Ở gần như xa. Nhìn chiếc xe tang. Đi trong âm thầm. Xa dần mái ấm”.

Vâng, bài thơ còn dài lắm, nhưng với chỉ một phần trích đoạn ngắn này,  cũng đủ làm cho chúng ta phải thổn thức, thổn thức không chỉ vì “khi lìa trần có mấy người đưa”, nhưng còn vì, ở đất nước chúng ta hôm nay, quả thật, có rất nhiều “trái tim hóa đá”.

Có dẫn chứng không? Thưa, câu hỏi này đã được trả lời nhan nhản trên truyền thông mạng, trên internet, trên you tube, rồi. Điều chúng ta cần hỏi và tự hỏi: con người khi sinh ra có một trái tim bằng thịt, nhưng tại sao hôm nay, đất nước tôi lại có nhiều trái tim hóa đá!

Câu trả lời giản dị thôi. Nhiều trái tim bị hóa đá là bởi, không ít con người ngày nay  “chẳng  kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.

Chưa… còn nữa. Cái “còn nữa” này mới thật là bi đát. Ngoài những con người chẳng-kính-sợ-Thiên-Chúa,  còn có không ít người Ki-tô hữu, dù đã được Thiên Chúa hứa “ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta”, thế nhưng số người này lại không muốn Thiên Chúa “lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá”. (x.Ed 11, 17-20). Họ muốn mình không bị xóa tên trong hàng ngũ những kẻ có “trái tim hóa đá”, chăng!

Vâng, đó là điều đáng thất vọng. Thất vọng vì, nói mà không sợ sai, những người  Ki-tô hữu này, “chưa” yêu mến Thiên Chúa một cách hết lòng.

Đã tin và yêu mến Thiên Chúa, “phải” yêu mến hết lòng. Điều này đã được ghi trong Kinh Thánh, và là  một trong “mười điều răn” của Đức Chúa Trời. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã gọi điều răn này là “Điều răn đứng đầu”.

Đức Giê-su đã khẳng định như thế, trong dịp “có một người trong nhóm kinh sư” tìm đến gặp Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”

Trong-mọi-điều-răn! Vâng, một câu hỏi thật khó trả lời, đấy.  Gọi là khó trả lời, vì không biết ông kinh sư này nói tới “mười điều răn” được Thiên Chúa ban cho ông Mô-se ở núi Sinai, hay 613 điều răn trong sách Torah của Do Thái giáo!

Tưởng chúng ta cũng nên biết, trong 613 điều răn đó, có 365 điều răn tiêu cực và 248 điều răn tích cực. “Các điều răn tiêu cực được áp dụng theo nguyên tắc hy sinh yehareg ve’al ya’avor, nghĩa là “thà chết chứ không vi phạm”, thuộc về ba thể loại là giết người, thờ ngẫu tượng, và các hành vi tình dục bị cấm.” (nguồn:internet).

Vậy thì phải trả lời như thế nào đây! Quả là một câu hỏi đầy thách thức. Tuy nhiên, với Đức Giê-su, Ngài không xem đó như là một sự thách thức. Trái lại, Ngài có một câu trả lời, một câu trả lời, không một ông kinh sư nào, khi nghe, lại không biết đến.

Hôm  ấy, Đức Giê-su trả lời, rằng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.

“Nghe đây, hỡi Israel…” với âm giọng rất truyền cảm, Đức Giê-su nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và, cuối cùng, Ngài khẳng định: “Chẳng có điều răn nào khác  lớn hơn các điều răn đó.” (x.Mc 12, 31)

Ông kinh sư, tất nhiên, biết điều luật này. Thế nên, hôm ấy, ông ta đáp lời rằng: “Thưa Thầy hay lắm. Thầy nói rất đúng”.

Vâng, câu trả lời của ông kinh sư, không phải là một câu trả lời “nói theo”, mà, đó là do ông đã được giáo huấn bởi một nền giáo huấn Đền Thờ. Hôm ấy, ông có lời tiếp rằng: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.  Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”

Không thấy thánh Mác-cô cho biết hôm ấy, có bao nhiêu người cùng ở đó nghe Đức Giê-su và ông kinh sư đối đáp. Nhưng, chúng ta có thể cho rằng, chí ít cũng có vài anh “thuộc nhóm Sa-đốc” là những người cũng đã cùng tranh luận với Đức Giê-su, trước đó.

Vâng, nếu đúng là vậy, chắc hẳn quý ông Sa-đốc này ganh  tỵ khi nghe Đức Giê-su nói với ông kinh sư rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”.

Câu trả lời của ông kinh sư cách đây đã hơn hai ngàn năm. Ước gì, đây cũng là câu trả lời của chúng ta hôm nay. Hôm nay, rất cần nhiều người trong chúng ta “tái xác tín” câu trả lời của ông kinh sư. Bởi, chỉ có như thế, chúng ta mới có thể làm cho “ở đất nước tôi”, bớt đi những con người có “trái tim hóa đá”.

Mà, có gì ngăn cản chúng ta trả lời như thế! Ngay từ thuở chúng ta mới chỉ là chú bé chuẩn bị “Rước Lễ lần đầu”, chẳng phải là chúng ta đã được dạy rằng: “Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều Răn… (và) Mười Điều Răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”, đó sao!

Hôm nay, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su,  Mười Điều Răn đã được tóm lại thành “hai điều”, đó là “Mến Chúa và Yêu người”.

Và, nếu được… nếu được tuân giữ  với một tâm tình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, thì kể như người ấy “không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.

Những yêu cầu mà lề luật nhấn mạnh “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” không là điều nhằm gây khó dễ cho người tuân giữ. Chúng ta có thể ví những yêu cầu đó như những tấm bảng chỉ dẫn làm thế nào để đi trọn vẹn con đường “đức mến”.

Nói cách khác, những yêu cầu mà lề luật nhấn mạnh, “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, có thể ví như là chòm sao bắc đẩu dẫn dắt chúng ta trên cuộc hành trình về Nước Trời.

Vâng, hôm ấy, sau cuộc đối đáp giữa Đức Giê-su và ông kinh sư, thánh sử Mác-cô cho biết: “không ai chất vấn Người nữa”.

Hồi ấy, không ai chất vấn Đức Giê-su về điều răn “mến Chúa – yêu người”. Nhưng, sau này có người chất vấn. Lm. Charles cho biết: “Theo truyền thuyết, thánh Gio-an, lúc ấy tuổi đã rất cao, không hề đổi thay chủ đề thuyết giảng duy nhất của mình, đó là chủ đề ‘mến Chúa, yêu người’. Nghe mãi phần nào phát chán, có vài môn đệ hỏi vì sao ông cứ lải nhải chỉ một sứ điệp yêu thương như vậy, thánh nhân đáp: Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu cũng đủ.”

“Mến Chúa, yêu người”, ông kinh sư, chúng ta nghe thêm một lẫn nữa nhé! Ông ta nói: “Là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Còn chúng ta, chúng ta nói gì về điều răn này, điều răn mà Đức Giê-su nói: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn điều răn đó”?

Phải chăng, chúng ta sẽ nói, tuân giữ điều răn “mến Chúa, yêu người”, những ai có trái-tim-hóa-đá, sẽ trở thành “một trái tim bằng thịt”,  một trái tim biết “đem yêu thương vào nơi oán thù,  đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Chúng ta muốn có câu trả lời? Đây, thánh Gio-an trả lời thay cho chúng ta, ngài nói: “Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu là đủ”.  Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu, chúng ta có thể làm được. Vâng, chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu.

Petrus.tran