Sống ở đời này, chắc hẳn không ai trong chúng lại không mong muốn mình có được một chút tiếng tăm, một địa vị tương đối. Chuyện phải được nổi danh, phải khác người, phải có một chỗ đứng trong xã hội, nó như một quy luật tự nhiên trong cuộc sống con người.
Mà cũng đúng thôi. Bởi, như người xưa có nói: “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”. Cụ Nguyễn Công Trứ cũng từng nói: “Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể…”
Vâng, đó là những mong muốn, quá đẹp. Đẹp vì nó cho ta có tiếng tăm. Có tiếng tăm rồi thì có một chỗ đứng, có được địa vị trong xã hội là lẽ tất nhiên.
Tiếc rằng, khi những mong muốn “đẹp” đã được toại nguyện, thì ít nhiều nó bị méo mó. Không ít người, khi có chút danh phận, khi có một chỗ đứng trong xã hội (đôi khi có được là nhờ mua quan bán tước), thì vênh vang, tự đắc, cứ ra điều mình là “dân chi phụ mẫu”.
(Thật đấy! mấy ngày nay, lướt trên you tube, thấy đầy nhóc những tay “Chỉ là tổ trưởng lằng nhằng… Thế mà hắn lại tưởng rằng quan to!”
Đức tin Ki-tô giáo không hoan nghênh lối hành xử như thế. Phải có chút danh tiếng ư! Phải hơn người khác ư! Tốt. Thế nhưng, người Ki-tô hữu khi có chút danh, chút phận, chút quyền hành, thì chớ coi mình như thể là “cha thiên hạ”. Trái lại, phải sử dụng nó để “phục vụ mọi người”. Phải phục vụ mọi người, bởi đó là điều Đức Giê-su truyền dạy. Xưa, vào những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã truyền dạy điều này cho các môn đệ của mình. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.
Chuyện được kể, rằng: vào một ngày nọ, “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um”. Thật ra, phải nói là “về” thành Ca-phác-na-um. Vì, theo những nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho biết, thì nơi đây (nói theo kiểu nhà binh) như là “hậu cứ” của Thầy trò Đức Giê-su, sau những ngày “dong duổi đường gió bụi” loan báo Tin Mừng.
Thì đây, thánh sử Mác-cô đã kể tiếp: “khi về tới nhà”… Vâng, về tới hậu cứ, Đức Giê-su tập họp “đội kiểu mẫu” (mười hai người) và hỏi: “Dọc đường, anh em bàn tán điều gì vậy?” Chà! Căng nha! Căng là bởi quý ông “đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Cãi nhau… nói ra, mất mặt KBC quá! Và thế là “các ông làm thinh”.
Các ông làm thinh không nói gì, nhưng Đức Giê-su “đi guốc trong bụng” các ông. Ngài thấu hiểu những ý nghĩ thầm kín của các ông. Thấu hiểu, thế nên, Ngài “gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết…” Chưa… chưa dừng ở đó, Đức Giê-su nhấn mạnh: “…Và làm người phục vụ mọi người”. (x.Mc 9, 35)
Làm-người-rốt-hết và làm-người-phục-vụ-mọi-người… Nhớ chưa! Nếu… nếu hôm nay, đột nhiên Chúa Giê-su hiện ra và hỏi chúng ta, chúng ta sẽ trả lời: Dạ, con nhớ, chứ! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Của mỗi chúng ta.
Đưa ra lời truyền dạy: “Ai muốn làm người đứng dầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”, Đức Giê-su chính là người lãnh ấn tiên phong thực thi lời mình dạy. Đức Giê-su đã thực thi và tông đồ Phao-lô đã cho chúng ta thấy Ngài thực thi hơn cả những gì Ngài truyền dạy.
Thật vậy, Đức Giê-su không chỉ làm người phục vụ qua việc hạ mình “rửa chân cho các môn đệ”, Ngài còn “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Chưa… còn nữa. Đức Giê-su “còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 2, 6-8)
Vâng, trong cuộc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su cũng đã nói điều này với các người môn đệ của mình, rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người…” Tiếc thay! Lúc đó “các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người”. (x.Mc 9, 32)
Trở lại lời truyền dạy của Đức Giê-su. Đừng nghĩ Ngài “làm khó” khi yêu cầu các môn đệ (xưa) và (nay là chúng ta) phải “làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.
Đưa ra lời truyền dạy này, Đức Giê-su còn đưa ra phương cách để chúng ta có thể thực thi. Phương cách đó chính là: “từ bỏ chính mình”. Vâng, trước đó, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy với các môn đệ, rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Đây chính là phương cách để chúng ta có thể trở thành “người rốt hết”. Mà, thật vậy, nếu chúng ta từ-bỏ-chính-mình thì những gì gọi là “tham sân si” sẽ không thể tồn tại trong con người chúng ta. Nếu chúng ta không “tham”: tham danh vọng, tham quyền lực, tham tiếng tăm, tham-đủ-thứ v.v… chẳng phải là lúc đó chúng ta chấp nhận mình là người-rốt-hết, đó sao!
Nếu chúng ta không bị “sân-si” chi phối, không bất mãn về những gì chúng ta đang có, không mê muội trước cám dỗ của quyền hành, của chức tước v.v… chẳng phải là chúng ta không ngại đứng trong hàng ngũ những người-rốt-hết, đó sao!
Hãy từ bỏ chính mình, đó chính là điều kiện “ắt có và đủ” để chúng ta thực thi lời Đức Giê-su truyền dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Suy đi nghĩ lại về lời truyền dạy (nêu trên), có thể nói, Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng, cách mạng về vai trò của một người lãnh đạo.
Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng đôi tay để phục vụ, không phải là người đứng “chỉ tay năm ngón”. Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng con tim để hành động, có nghĩa là phải có tình yêu thương.
Phục vụ bằng “đôi tay cộng với con tim mình” nó sẽ làm cho chúng ta trở thành “người lớn hơn cả”. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều này. Lịch sử Giáo Hội đã cho chúng ta biết rất nhiều tấm gương mẫu mực về những con người tuy nhỏ bé về thể xác, nhưng lại là “người lớn hơn cả”, lớn do cung cách sống-phục-vụ. Điển hình là Mẹ Tê-rê-sa Calcutta.
Chỉ là một con người “rất nhỏ bé”, cao 1m50, cân nặng 32kg. Đã có người nói đùa rằng, Mẹ nên đeo thêm vài cục đá nữa kẻo bị gió thổi bay như hạt bụi.
Vâng, một con người nhỏ bé như thế, nhưng nhờ cung cách sống, sống-phục-vụ, cuối cùng, khi qua đời, mẹ Te-rê-sa Calcutta lại được nhiều người coi là “người lớn hơn cả”.
Còn… còn rất nhiều tấm gương đã và đang “sống phục vụ”, trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, nếu kể ra đây, e rằng phải đọc cả tháng mới hết. Đây! Mấy tuần vừa qua, hàng chục, hàng chục quý Sœur đã thực thi lời Thầy Giê-su truyền dạy, rằng: “các chị phải làm-người-phục-vụ mọi người”. Và, các chị đã xung phong lên đường “phục vụ” bệnh nhân Covid, thấy mà thương. Thương và chỉ biết: “Xin CHÚA TRỜI yêu thương. Cho quý Sœur bình yên.”
Muốn sống, sống-phục-vụ như Mẹ Tê-rê-sa có quá khó? Thưa khó, nhưng không phải là không thực hiện được. Muốn thực hiện được, thứ nhất, chớ nuôi dưỡng trong , tâm hồn mình “sự ghen tương, chua chát và tranh chấp”. Thứ hai, chớ có “tự cao tự đại”.
Bởi, nếu tâm hồn ta luôn nuôi dưỡng những thói xấu (nêu trên), điều tất yếu sẽ xảy ra, vâng, thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Ở đâu có ghen tuông và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa”. (x.Gc 3, 16)
Sự ghen tuông và tranh chấp chính là nguyên nhân làm cho chúng ta không thể sống một đời sống-phục-vụ, phục vụ hết lòng, hết sức cho một cộng đoàn hay hội đoàn trong giáo xứ. Và, chẳng chóng thì chầy, cộng đoàn hay hội đoàn đó sẽ tan rã. Đó là kinh nghiệm.
Muốn sống một đời sống-phục-vụ tốt, thánh Gia-cô-bê có lời khuyên, khuyên rằng: “(hãy) hiếu hòa, khoan dung, mền dẻo, đầy từ bi… không thiên vị cũng đừng giả hình”. Chúng ta cũng đừng quên lời khuyên dạy của thánh Phao-lô, lời khuyên rằng: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3)
Chẳng có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên này. Bởi vì, “ăn ở khiêm tốn” chính là căn bản cho một lối sống khiêm nhường. Có một đời sống khiêm nhường, chúng ta sẽ không quan tâm đến việc mình phải là “người lớn hơn cả”.
Có một đời sống khiêm nhường, dù là “Giám Mục hay Linh Mục”, chúng ta sẽ không ngại đón tiếp, phục vụ một ai đó, dù ai đó chỉ là một giáo dân vô danh tiểu tốt, hoặc ai đó chỉ là một “chú bé giúp lễ” bình thường.
Vâng, tưởng là bình thường. Thế nhưng, với Đức Giê-su thì, không bình thường đâu. Xưa Ngài có phán: “Ai tiếp đón một em nhỏ… vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng sai Thầy” (x.Mc 9, 37)
Lm.Charles E.Miller khi suy tư về những lời Đức Giê-su truyền dạy (nêu trên), ngài gọi đó là những “chuẩn mực giá trị của Thiên Chúa”. Đúng vậy, lời Đức Giê-su truyền dạy, chính là chuẩn mực cho tất cả những ai là môn đệ của Ngài.
Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy thực thi lời Đức Giê-su đã truyền dạy, dạy rằng: Hãy “làm người phục vụ mọi người”.
Petrus.tran