Thủ tướng Irak kêu gọi các tín hữu Kitô hồi hương

 

Thủ tướng Irak kêu gọi các tín hữu Kitô hồi hươngThủ tướng Irak, ông Mustafa al-Kahimi kêu gọi các tín hữu Kitô hồi hương.

Ông đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong cuộc tiếp kiến hôm 14/8/2021 vừa qua, dành cho Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Canđê, cùng với một phái đoàn các giám mục Công giáo Canđê ở Irak và nhiều nơi khác trên thế giới, tham dự Công nghị của Giáo hội này trong những ngày qua.

Thông cáo của Phủ thủ tướng cho biết Thủ tướng Al-Kadhimi kêu gọi các Kitô hữu Irak và các tín đồ các tôn giáo khác, đã tản cư hoặc tị nạn ra nước ngoài, hãy hồi hương và ông hứa giúp các phương tiện để việc hồi hương an toàn và ổn định.

Vụ quân đội Mỹ và đồng minh chiếm Irak hồi năm 2003, tiếp đến là các cuộc tấn công của lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS hồi năm 2014, đã làm cho nhiều Kitô hữu Irak và các nhóm dân thiểu số rời bỏ Irak tị nạn ra nước ngoài. Đức Tổng giám mục Bashar Warda, của giáo phận Erbil, thuộc Công Giáo Canđê, cho biết trước chiến tranh 2003, có hơn một triệu tín hữu Kitô tại Irak, nhưng nay chỉ còn lại hơn 300.000 Kitô hữu, tức là giảm mất hai phần ba. Nhiều Kitô hữu tị nạn lên miền Kurdistan, mạn bắc Irak, nói với hãng tin Rudaw Anh ngữ, tại miền này rằng giải pháp tốt nhất đối với họ là rời khỏi Irak.

Đức Tổng giám mục Warda cũng hiện diện trong buổi tiếp kiến của Thủ tướng Al-Kadhimi. Ngài nói với hãng tin Rudaw rằng tuy lời kêu gọi của Thủ tướng là chân thành, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm. “Lời kêu gọi của Thủ tướng là thành thực, và ông hứa giúp các gia đình, cho vay mượn tiền không tính tiền lời để kinh doanh, nhưng dĩ nhiên là bạn cần có nhiều điều khác nữa. Hàng ngàn gia đình đã rời bỏ thủ đô Baghdad từ năm 2003 vì bạo lực, và nhiều người khác rời Irak cũng vì lý do đó. Nhiều người khác ở lại miền Kurdistan vì họ cảm thấy tại đó họ được an ninh. Chính phủ và dân chúng cần cộng tác với nhau để kiến tạo và mang lại cảm thức an ninh cho các Kitô hữu có thể ở lại”.

Đức Tổng giám mục Warda giải thích rằng: “Nhiều người rời Irak từ năm 2003 là vì những vụ đánh bom, bắt cóc, giết hại, đe dọa tài sản, bách hại tôn giáo. Toàn vùng bình nguyên Nivive nơi mà nhiều tín hữu Kitô phải rời bỏ hồi tháng Tám năm 2014 để tránh nhà nước Hồi giáo IS, nay vẫn chưa được ổn định về an ninh. Đây cũng là vùng tranh chấp giữa nhiều lực lượng, nhiều nhóm dân quân kiểm soát vùng này, và thiếu chương trình gây sinh kế. Tôi muốn nói rằng có lẽ cần phải đợi cho đến khi toàn bộ vấn đề bầu cử và thành lập chính phủ mới của Irak được ổn định, thì mới có thể biến sự việc đang đi về đâu”.

(Rudau 14-8-2021)

G. Trần Đức Anh, O.P.