Cuộc sống của một đời người, là một chuỗi dài của những vui buồn lẫn lộn. Có những niềm vui, “vui mừng vui quá vui”. Lại có niềm vui, vui đến độ “nước mắt lại trào”. Tại sao vui mà nước-mắt-lại-trào? Thưa là bởi, niềm vui đó, lại đem đến “triệu nỗi buồn”. (Triệu nỗi buồn, vì lý do tế nhị, xin phép không giải thích tại đây). Rồi, nói về nỗi buồn ư! Có… có những nỗi buồn, “buồn vạn cổ”. Lại có nỗi buồn, theo kiểu buồn của Xuân Diệu, rằng: “Hôm nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.
Vâng, có những nỗi buồn, mà người ta không hiểu vì sao lại buồn… Mấy hôm vừa qua, có không ít người buồn…Buồn, không hiểu vì sao, có người lại nói: “bánh mì không phải là lương thực thiết yếu!”. Và sáng nay, khi “trời nhẹ lên cao”, có nhiều người buồn…buồn-không-hiểu-vì-sao… vì sao hôm nay số người (ở Việt Nam) nhiễm corona virus vượt hơn 80.000 người! Tám mươi ngàn người, khiến tôi nhớ đến trận dịch năm xưa, trận dịch năm xưa đã xảy ra tại quốc gia Israel, thời vua David trị vì.
“Có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết”, Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại như thế.(2Sm 24, …15) Cái chết của bảy mươi ngàn người là một nỗi buồn. Rất nhiều người buồn, trong đó có vua David. Ông ta biết, ông ta “biết vì sao tôi buồn!”. Vâng, ông biết, biết ông chính là thủ phạm của nỗi buồn đó. Ông đã ray rứt thú nhận với “thiên sứ” rằng: “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi”(2Sm 24, 17). (Ước chi hôm nay, cũng có người “can đảm” như vua David, nhận lỗi mình đã gây ra đại dịch Covid 19, nhỉ!)
Vì vua David đã biết, “biết vì sao tôi buồn”, nên ông ta đã “xây một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA và dâng những lễ toàn thiêu và dâng những lễ kỳ an. ĐỨC CHÚA đã thương đến xứ sở, và tai ương đã chấm dứt không làm hại Israel nữa.”(2Sm 24, 25) Nỗi buồn của Israel không còn bế tắc.
Xưa, Chúa đã thương đến xứ sở Israel. Nay, Chúa cũng sẽ thương đến xứ sở Việt Nam. Và, đó là lý do để nỗi buồn hơn tám mươi ngàn người Việt Nam nhiễm Covid 19, hôm nay, không rơi vào bế tắc. Sẽ không bế tắc, nếu chúng ta tin vào lời Đức Ki-tô Giê-su đã phán hứa, khi xưa. Xưa, Ngài phán rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi (vì nhiễm Covid 19) và gánh nặng (vì phong tỏa, cách ly) hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt 11, 28)
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến, Đức Giê-su không khỏi “chạnh lòng thương xót”, Ngài đã thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt” Và, Ngài đã khẳng định: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.
Rồi Ngài đã hành động, hành động như một người “Mục Tử nhân lành”, một người Mục Tử “quyền năng và giàu lòng thương xót”. Đã có nhiều người “tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người”. Người đàn bà bị bịnh băng huyết, như điển hình. Đã có rất nhiều người tìm đến với Ngài, và Ngài đã thể hiện lòng thương xót của mình. Câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” như một minh chứng.
Câu chuyện được kể rằng: Một ngày nọ, khi nghe tin Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cả một rừng người trùng trùng điệp điệp đi theo Người. Họ đi theo “bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6, 2). Lúc đó “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ”. Rồi bất ngờ: “Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”.
Không thấy thánh sử Gio-an diễn tả, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, ngọn núi như bị rung chuyển bởi làn sóng người tuôn đến. Có lẽ mười hai người môn đệ không thể không cảm thấy, “thấy run run trong chiều phai…” Có lẽ, có lẽ… một ai đó trong các ông đã phải cất lên hai tiếng “than ôi!”. Vâng, làm sao không thấy-run-run-trong-chiều-phai cho được khi Đức Giê-su “gợi ý” với ông Phi-lip-phê rằng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Với Đức Giê-su “bánh” là thực phẩm thiết yếu nha!)
Mua bánh ư! Chúa ơi! chúng ta đang “cách ly” trên núi mà! Trên núi có ai bán bánh đâu! Vả lại, vâng, ông Phi-lip-phê nhăn nhó trả lời: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.
Hai trăm quan! Xứ sở Do Thái cũng dùng đơn vị tiền tệ là “quan” sao? Ở Việt Nam “Một quan là sáu trăm đồng. Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”, đó là theo giá trị của tiền tệ xưa, rất lớn. Có phần chắc, hai trăm quan thời Do Thái xưa, cũng không phải là nhỏ.
Sau khi ông Phi-lip-phê nói như thế. Không thấy thánh sử Gioan cho biết phản ứng của các người môn đệ khác như thế nào, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, có lẽ trong số các môn đệ, có người sẽ lẩm bẩm rằng: Thầy sao vậy! Thầy từng chỉ thị cho chúng con “lên đường” không được mang gì, không mang bao bị, lương thực, tiền bạc v.v… nay lại bảo “mua bánh” tiền đâu chúng con mua! Và có lẽ cũng có người rất mong đợi một lệnh truyền mới của Thầy Giêsu, rằng Ngài sẽ truyền cho họ “hãy xuống thuyền đi nơi khác”. (Với tôi, đọc Kinh Thánh mà không có sự tưởng tượng mất… mất vui)
Thế nhưng, hôm ấy, Thầy Giêsu đã không nghĩ như thế. Bởi vì đó là “tư tưởng của loài người”. Tư tưởng của Thiên Chúa là lòng thương xót, là “Agape”, là tình yêu thương vô điều kiện. Hôm đó, với một tâm tình yêu thương, một tâm tình “Ta xót thương đoàn dân này”, Đức Giêsu truyền các môn đệ rằng: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6, 10)
“Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Vâng, đối với các môn đệ, quả thật, đây là một lệnh, “lệnh… lạc”. Lạc là bởi, trước đó ông An-rê đã thông báo cho Đức Giê-su biết, rằng “ở đây… có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6, 9). Thấm vào đâu! “Xin Thầy cho dân chúng về (đi)!” Vâng, đó là ý kiến của các môn đệ, đã được ba thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Luca ghi lại.
Thế nhưng, Thầy Giê-su đã không giải tán dân chúng, dù lúc đó chỉ có…“có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”. Thầy Giê-su đã không giải tán dân chúng, vì các môn đệ không biết: “Người nói như thế là để thử…”
Thử gì? Thánh sử Gio-an không cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng, Đức Giê-su thử đức tin và đức cậy của các môn đệ, xem các ông tin – cậy, tới mức độ nào.
Đã một lần, trong một bữa tiệc cưới tại Cana, Đức Giê-su đã làm một dấu lạ, dấu lạ “nước hóa thành rượu”, một trăm hai mươi lít nước lã, thành một trăm hai mươi lít rượu, lại là rượu ngon. Và hôm ấy, “các môn đệ đã tin vào Người”.
Vậy, hôm nay, cớ gì lại không tin, nhỉ! Cớ gì hôm nay không bảo “người ta ngồi xuống” nhỉ! Vâng, đám đông dân chúng đã “ngồi xuống” – một cử chỉ của lòng tin – tin và ngồi xuống. Thánh sử Gioan cho biết: “Nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.” Hôm ấy, năm ngàn người đàn ông đã chứng kiến Đức Giê-su: “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá… Người cũng phân phát như vậy…”
Năm ngàn người đàn ông “ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. Họ đã ăn “no nê”. Chưa hết, họ còn thấy các môn đệ “đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại và chất đầy mười hai thúng”. Đó là một “dấu lạ”, một dấu lạ dẫn đến một niềm tin. Họ đã tin Đức Giê-su là “Đấng phải đến thế gian”.
****
Đức Giê-su đã đến thế gian. Ngài đã đến từng mỗi con người chúng ta. Ngài tiếp tục truyền chúng ta: “bảo người ta ngồi xuống đi”. Ai là người chúng ta “bảo ngồi xuống?” Thưa, đó là những người “ngồi quanh ta trán in vết nhăn”.
Còn rất nhiều người nhăn vì đói. Đói cơm, đói gạo và đói bánh “Bánh Hằng Sống”. Còn rất nhiều người nhăn vì khát. Họ khát… khao khát được uống một thứ nước, nước “công bằng và bác ái”. Khao khát được uống một thứ nước – nước “Máu Thánh Chúa Ki-tô”. Ai sẽ làm cho họ hết đói? Ai sẽ làm cho họ hết khát? Thưa, có phần chắc Đức Giê-su sẽ nói: “Chính anh em!”.
Thật vậy, chính chúng ta, chúng ta phải là những nhà sản xuất, sản xuất ra những loại thức ăn, thức uống: “bác ái, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín, tiết độ”, là những thức ăn, thức uống đủ để thỏa mãn những cơn đói khát, nêu trên… Và, đó là cách chúng ta tiếp tục làm “dấu lạ” như Đức Giê-su đã làm.
Trở lại dấu lạ “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”. Dấu lạ này nói đến việc Đức Giê-su cho mọi người ăn no nê. Và để tiếp nối sứ vụ của Ngài, chúng ta hãy là cánh tay nối dài của Đức Giê-su. Cánh tay nối dài không chỉ mang những thức ăn nuôi dưỡng “thuộc thể”, nhưng còn mang thức ăn “thuộc linh”, đó là: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Vâng, hãy là cánh ta nối dài của Chúa: “Đem tin kính vào nơi nghi nan. Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng… Đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, của hôm nay, có thể nói rằng: “nghi nan, thất vọng, u sầu” hiện diện khắp nơi. Hiện diện trong gia đình. Hiện diện ngoài xã hội. Hiện diện nơi học đường. Hiện diện trong giáo đường. Thế nên, thật phải đạo, thật hợp lẽ, lẽ rằng: chúng ta “hãy là cánh tay ngối dài của Chúa”.
Petrus.tran