Chỉ cần tin thôi…

 

Chỉ cần tin thôi…Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Lời tuyên xưng này không do Giáo Hội tự đặt ra, nhưng được dựa vào từ những điều các tông đồ xưa đã truyền dạy cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, ngày nay chúng ta gọi là niềm tin “tông truyền”.

Mà thật vậy, quyền năng của Thiên Chúa đã được Người thể hiện ngay từ thuở tạo thiên lập địa, rồi đến thời Cựu Ước và rõ nét nhất là thời Chúa Giê-su tại thế.

Vào thời Cựu Ước, Israel luôn xác tín Thiên Chúa thực sự là Đấng toàn năng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên”, thế nên con dân của Chúa đã đồng thanh lớn tiếng tuyên xưng: “Nhà Israel, hãy tin cậy CHÚA, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che”.

Vào thời Tân Ước thì sao nhỉ! Thưa, rất rõ nét. Quyền năng của Thiên Chúa  được thể hiện qua những dấu lạ, hoặc phép lạ đã được Đức Giê-su thực hiện. Phép lạ “dẹp sóng gió” trong một chuyến Đức Giê-su cùng với các môn đệ có một chuyến hải hành băng qua Biển Hồ, như nói cho mọi người biết Thiên Chúa có quyền năng trên thiên nhiên.

Phép lạ trục xuất quỷ ra một người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa cho mọi người thấy  Thiên Chúa có quyền năng trên ma quỷ. Và phép lạ “chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại” cho mọi người thấy, Thiên Chúa có quyền năng trên cuộc sống của con người.

Phép lạ này như một thông điệp của Thiên Chúa, gửi đến mọi người rằng, quả thật “Thiên Chúa là Cha toàn năng”. Thánh Mác-cô  xác tín và ngài đã ghi lại rất chi tiết sự kiện này. (Mc 5, 21-43)

Câu chuyện được ghi lại như sau: Hôm ấy, khi Đức Giêsu đang ở trên bờ Biển Hồ, và có một số đông người “tụ lại quanh Người”. Bất ngờ “có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới”.

Nói tới hội đường… Vâng, tưởng chúng ta nên biết, đây là một nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Do Thái giáo. Hội đường thường là một căn nhà lớn hình chữ nhật, quay về hướng của Đền thờ Jerusalem. Sinh hoạt tôn giáo tại hội đường là vào ngày Sabbat, gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hebrew, sau đó là bằng tiếng Aramaic, cuối cùng là bài giảng cho đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Hội đường có một người trưởng nhiệm, người này có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt tôn giáo, chỉ định người đọc Kinh Thánh và mời những người có khả năng lên giải thích Kinh Thánh. (Một lần nọ, Đức Giê-su cũng đã được mời lên đọc Kinh Thánh).

Trở lại với ông Gia-ia. Hôm ấy, khi “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người”. Ô hay! Là một “trưởng nhiệm” đầy quyền uy, chỉ cần đứng và nói, cớ sao lại sụp-xuống-dưới-chân Đức Giê-su? Vâng, hỏi chỉ là để hỏi, mà thôi. Chứ, với những gì ông ta thực hiện, chúng ta có thể tin rằng, ông ta đã nghe được quyền năng của Đức Giê-su, một thứ quyền năng đã khiến “gió và biển cũng phải tuân lệnh”, và đến cả “đạo binh”quỷ cũng phải khuất phục.

Thế nên, sau khi quỳ sụp xuống, ông ta cất tiếng khẩn khoản nài xin Đức Giê-su, rằng: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.

“Gần chết rồi…”. Một mạng người, với cái nhìn của con người, quả thực đây là chuyện không nhỏ. Phản ứng của Đức Giê-su thì sao nhỉ! Vâng, theo lời tường thuật của thánh sử Mác-cô, thì: “Người liền ra đi với ông”. Ra đi với ông Gia-ia, Đức Giê-su đã thực hiện đúng những gì Ngài đã truyền dạy: “Anh em hãy xin thì sẽ được”.

Đáng tiếc thay! Khi vẫn còn trên đường đi. Khi mà Đức Giê-su chưa kịp thể hiện quyền năng của mình, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”

“Làm phiền Thầy chi nữa ư!” Phải chăng, đây là một lời trách móc! Hay đây là phản ứng của người “kém lòng tin”! Đức Giê-su đã chẳng từng  dạy “ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì sẽ mở ra cho”, đó sao!

Đức Giê-su, rất yêu mến trẻ thơ. Trong những ngày còn tại thế, Ngài đã chẳng từng nói “Hãy để con trẻ đến cùng ta” đó sao! Sau này, Ngài cũng đã chẳng từng cứu con trai của một bà góa tại thành Naim, đã chết nay được sống lại, đó sao? Đã có người “tìm” Ngài và được thấy quyền năng của Ngài. Người đó là một người đàn bà “bị băng huyết đã mười hai năm”.

Hôm đó, khi trên đường đến nhà ông Gia-ia, có một người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm, bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”.

Bà ta “Được nghe đồn về Đức Giê-su”. Đồn về chuyện gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô ghi chép ở đây, nhưng, có phần chắc, bà ta nghe đồn về một ông Giê-su “giàu lòng thương xót”, một ông Giê-su có thể chữa trị “mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền” v.v… Cho nên, bà ta “lách qua đám đông tiến về phía sau Người, và sờ vào áo của Người”.

Tại sao lại “sờ vào áo của Người” mà không nói với Đức Giê-su, như mọi người khác vẫn thường nói “Xin Ngài cứu con”? Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt.

Thật vậy, sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, với tất cả niềm tin, bà ta nhủ thầm: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu”. Và, quả đúng như bà ta nghĩ. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (x.Mc 5, 29).

Chưa, chuyện chưa hết đâu! Chuyện kể tiếp rằng: sau cái chạm của bà ta, “Đức Giê-su thấy một năng lực tự nơi  mình phát ra”. Và đó là lý do khiến Ngài: “quay lại giữa đám đông mà hỏi: Ai đã sờ vào áo tôi?”.

Ai đã sờ! Lạ thật… các môn đệ đều ngạc nhiên vì điều Thầy mình hỏi,  và các ông lên tiếng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”

Thế nhưng, người đàn bà bị bệnh băng huyết thì không, bà ta “sợ phát run lên” vì sự thắc mắc của Đức Giê-su. Trước một sự thật “vì biết cái gì đã xảy ra cho mình”, bà ta đã “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”.

Trước lời thú nhận của bà ta, Đức Giê-su nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Nếu… nếu được phép, có thể nói, người đàn bà này đúng là một con người mẫu mực của niềm tin.

Vâng, chỉ là một đám đông xô đẩy, chỉ là một cái chạm và đôi ba lời chất vấn xảy ra rất nhanh, chẳng có gì ảnh hưởng đến “thời gian tính” cho việc Đức Giê-su đến nhà ông Gia-ia.

“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Mấy người này nói với ai nhỉ! Với ông Gia-ia chắc? Đúng, họ nói với ông ta. Và, Đức Giê-su “nghe được câu nói đó”.

Nghe, nhưng Ngài không lấy đó “làm phiền”. Có “phiền” đó là phiền trước việc “Họ chế nhạo Người”, sau  khi Người hiện diện trong nhà ông Gia-ia. (x.Mc 5, 40).

Có lẽ họ chưa nghe nhiều về quyền phép của Đức Giêsu, chưa chứng kiến người đàn bà băng huyết chỉ một động tác “sờ vào áo của Người” thế mà đã được “khỏi hẳn bệnh”. Chính vì thế, Đức Giêsu lịch sự mời họ ra ngoài, sau khi Ngài nói “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, … 39).

Đứa bé ngủ ư! Thì nhìn đấy, nếu đứa bé chết, Đức Giêsu cần gì bảo với họ “cho con bé ăn”. Và hãy nhìn kìa, biết bao người đang ở đó, họ đã phải “kinh ngạc sững sờ” khi thấy Đức Giêsu cầm tay đứa bé và nói: “Talithakum… Này bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy đi”.

Vâng, thật kinh ngạc “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”.  Câu chuyện cho biết: cô bé “đã mười hai tuổi”. Đã-mười-hai-tuổi, vâng nó gợi cho ta nhớ đến “cậu bé Giê-su” vào năm cậu lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Hồi đó, hồi Đức Giê-su “mười hai tuổi”, Ngài đã có một cuộc tranh luận, một cuộc tranh luận  mà “ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”, với các thầy dạy trong Đền Thờ.

Ông Gia-ia, một trưởng hội đường, biết đâu cũng đã biết về cậu bé mười hai tuổi tên là Giê-su, năm xưa. Để rồi hôm nay, vừa thấy, ông ta liền “sụp xuống chân Người… Xin Người đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”, nhỉ!

Vâng, chỉ là một chút tưởng tượng. Tuy nhiên, đây không phải là một chút tưởng tượng cho vui, nhưng là để tự hỏi lòng mình rằng: hôm nay, chúng ta đã biết đến “cậu bé Giê-su”, hôm nay chúng ta đã biết một Giê-su đầy quyền năng và lòng thương xót. Vậy, chúng ta cũng tìm đến gặp Ngài, để được Ngài “cứu thoát và được sống”?

Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với người đàn bà bị băng huyết cũng như với ông trưởng hội đường Gia-ia điều gì nhỉ! Chẳng phải là Ngài đã nói “lòng tin của con đã cứu chữa con”, đó sao! Chẳng phải là Ngài đã nói “chỉ cần tin thôi” đó sao!

ĐHY Christoph Schönborn, trong một bài giáo lý, dạy rằng: “Đức tin là cửa ngõ dẫn vào sự sống thần linh. ‘Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa’ (Dt 11, 6), vì đức tin kết hợp linh hồn với Thiên Chúa, tạo tình thông hiệp với Ngài. Người tin là người ‘chạm đến’ Thiên Chúa. Vì chúng ta không thể sống và đạt đến sự sống đời đời mà không có Chúa, nên đức tin cần thiết để được ơn cứu độ, nghĩa là được sống” (nguồn: internet).  Người đàn bà bị băng huyết đã “chạm vào Chúa Giê-su” và bà ta đã được “cứu chữa”.

Với thánh Augustinô, nói về đức tin, ngài chia sẻ: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”. Ông trưởng hội đường đã tin vào điều ông ta chưa thấy, và ông ta đã thấy điều ông ta tin.

Vâng, qua hai phép lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Chúng ta có thể nghiệm ra rằng: Ngài luôn nhìn thấy nhu cầu của mỗi người. Dù là người có địa vị chức tước như ông Gia-ia, hay như người phụ nữ “không tên” mắc bệnh băng huyết. Tất cả đều nhận được những phước lành của Ngài.

Thế nên, hôm nay, nan đề của chúng ta là gì! Là những căn bệnh “thuộc thế xác” đang tàn phá cơ thể chúng ta ư! Là một khối ung thư ư! Là căn bệnh cao huyết áp hay tiểu đường ư! Là corona virus “đã hai năm rồi” khiến chúng ta “bao phen khổ sở” ư! Là những căn bệnh không tên ư! v.v…

Không ai cấm chúng ta tìm đến bác sĩ, lương y. Và, cũng chẳng ai cấm chúng ta đến  Thầy lương y mang tên Giê-su. Hãy đến với Ngài và “Chỉ cần tin thôi”.

Vâng, cũng đừng quên những căn bệnh ảnh hưởng đến phần thuộc linh của chúng ta. Đó là những căn bệnh: kiêu căng, ngạo mạn, tà dâm, hận thù, chia rẽ, bè phái v.v… là những căn bệnh dễ làm cho chúng ta “băng huyết tâm hồn”. Quan trọng hơn nữa, nó làm cho chúng ta mất “sự sống đời đời”.

Xưa, ông Gia-ia đã xin Đức Giê-su điều gì nhỉ! Chẳng phải ông xin Ngài “đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” đó sao!

Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay, (nếu chúng ta mắc phải những căn bệnh thuộc linh nêu trên), hãy đến Thầy thuốc Giê-su, qua các linh mục,  thông qua bí tích giao hòa, Ngài cũng sẽ “đặt tay lên chúng ta, để chúng ta được cứu thoát và được sống”.

Chúa Giê-su luôn quan tâm đến chúng ta. Chỉ cần chúng ta đến. Và, “chỉ cần tin thôi”.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận