Có lẽ 104 năm qua biến cố Fatima vẫn chưa bao giờ phai nhạt, chưa bao giờ bị quên lãng, không một người Công Giáo nào khắp nơi trên thế giới và cách riêng con dân Việt Nam lại không sống tâm tình sùng kính Đức Mẹ Maria một cách sâu đậm, nơi đâu có Mẹ nơi đó đều có sự hiện diện của rất nhiều thành phần dân Chúa quy tụ. Bởi thế, từ nhiều năm nay, để tưởng nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào ngày 13 hàng tháng và đặc biệt vào tháng Năm – tháng hoa kính Đức Mẹ và tháng Mười – tháng Mân Côi hầu hết các nhà thờ, giáo xứ trong và ngoài Tổng Giáo Phận Sài Gòn đều tổ chức thánh lễ và rước kiệu kính nhớ Đức Mẹ Maria.
Hôm nay trong ngày kính nhớ đến Người Mẹ rất kính yêu, toàn thể nhân loại đang hướng về Fatima để tôn vinh Mẹ và xin Mẹ giang rộng vòng tay yêu thương chữa lành và cứu thoát nhân loại khỏi đại dịch coronavirus đã và đang gây quá nhiều hệ lụy đau thương cho thế giới. Trong tâm tình con thảo kính nhớ Mẹ hiền, cũng là một truyền thống tốt đẹp đã được duy trì trong nhiều năm qua, giáo xứ Đaminh Bachuông tổ chức trọng thể thánh lễ đồng tế và cử hành nghi thức tôn kính Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vào lúc 19g30.
Thánh lễ do Cha Bề trên chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh.OP chủ tế, trong phần mở đầu thánh lễ , cha Bề trên tâm tình với cộng đoàn về ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ đã hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, cộng đoàn quy tụ nơi đây để tôn vinh Mẹ, tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một người Mẹ luôn bảo trợ gìn giữ con cái Mẹ nơi trần gian, Cha mời gọi cộng đoàn hãy luôn kêu xin để cùng Mẹ sống và thực hiện các mệnh lệnh Fatima nhằm hướng về cùng đích của mỗi chúng ta là Quê Trời.
Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Cha GB.Lê Hoàng Huynh.OP khởi đi từ Bài đọc I, Cha dẫn cộng đoàn đến khung cảnh những lời ngợi khen diễn ra khi người nữ của Đức Chúa: Bà đã cứu chúng ta thoát hoạ diệt vong, đó là lời ca ngợi của dân thành Bêtulia dành cho người phụ nữ được mệnh danh là: sống ngay thẳng trước nhan Đức Chúa. Người phụ nữ ấy là Giuđitha, bà mang được đầu của tướng giặc Hô-lô-phéc-nê từ trong chính doanh trại của hắn, trở về. Hôm nay, chúng dường như nghe lời vang vọng của toàn thể dân thành Bêtulia: Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên đất trời; Người đã hướng dẫn bà chặt đầu tướng giặc. Người nữ chiến thắng tướng giặc. Những lời trên không phải là muốn hướng chúng ta đến với lời hứa cứu độ ban đầu, ngay khi Nguyên tổ phạm tội :Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, dòng dõi mi và dòng dõi người ấy, và dòng dõi người ấy sẽ đạp nát dầu mi. Câu truyện của bà Giuđitha có ý nghĩa tiên trưng và thật sự đạt đến ý nghĩa viên mãn nơi Đức Maria.
Thật vậy, Giuđitha trong tiếng Hipri nghĩa là “người nữ Sion”. Người nữ ấy đã cứu dân mình khỏi hoạ diệt vong của ngoại bang, một cuộc giải cứu đi vào lịch sử, nhưng biến cố ấy chỉ mang tính tạm thời, bởi Kinh thánh ghi lại sự sụp đổ của thành Giêrusalem dưới gót chân quân Canđê năm 586 TCN. Như vậy, chúng ta cần một Đấng có sức đưa hết thảy nhân loại thoát khỏi cảnh diệt vong, liên kết với Bài đọc II, Cha thuyết giảng nhắc lại tác giả thư Hipri giới thiệu cho chúng ta: Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Người con yêu dấu của Đức Maria. Không như thượng tế hàng năm phải tiến vào cung thánh để dâng hiến lễ, Đức Giêsu đã dâng chính mình, một lần là mang lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai tin, nơi Đức Giêsu – dòng dõi của Mẹ đã có thể nghiền nát đầu con rắn cổ đại là Satan, là kẻ lừa dối cả thế giới. Và đó cũng là ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, khi chúng ta cùng nhau quy tụ nơi đây để tôn vinh Mẹ Thiên Đàng dưới tước hiệu Mẹ Fatima. Khi hiện ra tại Fatima, Mẹ đã dạy chúng ta lòng trông cậy, chiến thắng của Mẹ là đã rõ nhưng Kinh thánh cũng nói tới việc Satan tức giận với người nữ đã sinh con, và gây chiến với những đứa con còn lại của bà, là những người giữ các điều răn của Thiên Chúa. Những con người ấy là chính chúng ta. Thật vậy, vì quan tâm đến những thử thách của con cái mình, nên Mẹ đã nhiều lần hiện đến mang theo sứ điệp an ủi và hy vọng: “Cuối cùng, Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng”. Đó là một lời mời gọi tin tưởng rằng tình yêu sẽ chiến thắng, bởi một lẽ lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của ma quỷ. Những gì dường như không thể đối với con người đều là có thể đối với Thiên Chúa.
Ông Út-di-gia nói với bà Giu-đi-tha: Cho đến muôn đời muôn thuở, những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy của bà. Những lời ấy một lần nữa được xướng lên trong bài ca Manificat mà Mẹ hát khen Đức Chúa: Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Cả hai người nữ của Kinh thánh hôm nay đã làm sáng lên số phận của những người bé nhỏ luôn biết cậy trông vào quyền năng Thiên Chúa, rằng, họ sẽ được Người cứu thoát. Tại Fatima, Mẹ cũng yêu cầu chúng ta tham gia vào trận chiến của Con Thiên Chúa bằng lòng tín thác như thế.
Bà đã cứu chúng tôi thoát hoạ diệt vong, vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa. Có một sự trùng hợp khá thú vị trong ngày lễ hôm nay khi chúng ta cử hành để tôn vinh Mẹ, thì cũng là ngày, mà truyền thống Giáo hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên, đúng 40 ngày sau lễ Phục sinh. Biến cố Thăng Thiên nói với chúng ta rằng, Chúa về trời không phải là lúc Người vắng bóng khỏi chúng ta, cho bằng là lúc Người hiện diện cách gần gũi chúng ta hơn hết, và nơi Mẹ Maria, đoàn chúng tử chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi ấy cách chân thật nhất, khi nhiều lần và nhiều cách Mẹ mời gọi nhân loại quay trở lại với tình thương Thiên Chúa ngang qua việc sám hối, ăn năn đền tội và tôn sùng Mẫu Tâm.
Ngay từ đầu, các Giáo Phụ cho biết rằng Đức Maria đã cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa, trước hết trong đức tin và sau đó là trong xác thịt, khi Mẹ nói tiếng “Xin Vâng” với thần sứ Chúa. Nhưng những gì diễn ra một cách đặc biệt nơi Mẹ Đồng Trinh cũng diễn ra một cách thiêng liêng trong chúng ta bất cứ khi nào chúng ta nghe Lời Chúa và đưa Lời Người vào thực hành, như Tin mừng đã nói với chúng ta: Phúc cho những ai lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Khi bắt chước sự quảng đại và can đảm của Mẹ, chúng ta hãy dâng thân xác của mình để Chúa tiếp tục sống giữa chúng ta. Hãy dâng đôi tay để Người chăm sóc cho những ai sống trong cảnh bần cùng thiếu thốn. Hãy dâng đôi chân để mang Chúa đến với những tâm hồn thống khổ, và trên tất cả hãy dâng cho Chúa con tim để yêu mến và đưa ra các quyết định theo thánh ý Người. Đó là ước muốn của Mẹ và đó cũng là phương thế mà Fatima vạch ra để thế giới được bình an và hạnh phúc.
Sống trong một thế giới đầy bất ổn bởi bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, dịch dã,… sứ điệp Fatima mời gọi chúng ta bền đỗ trong việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ, bởi sau cùng, Trái Tim từ mẫu của Mẹ sẽ thắng. Khi dừng chân nơi đây để tôn vinh Mẹ, xin cho tất cả chúng ta đều có được niềm xác tín rằng dưới bàn tay của Mẹ, chúng ta được che chở, được kiện cường để không bị lạc mất và để khi đó, chúng ta có thể ngỏ lời cùng Mẹ yêu: Mẹ Maria ơi, mẹ Maria ơi. Con vâng nghe mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối. Mẹ Maria ơi, xin mẹ đoái thương nhậm lời: cho nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.
Sau Thánh lễ là nghi thức tôn vinh Đức Mẹ Fatima, do tình hình dịch bệnh phức tạp cần phải bảo đảm giãn cách tối thiểu và giới hạn số lượng người tham dự mục vụ, nghi thức tôn vinh biệt kính Đức Mẹ tối nay đã được tổ chức trong nhà thờ. Dù nơi đâu con cái Mẹ cũng không vì thế ngơi đi lòng yêu mến, tôn kính … Mẹ, với một lòng sốt sắng cộng đoàn cùng quý Cha đồng tế quy tụ bên kiệu Đức Mẹ trên tay cầm một bông hoa và cây nến thắp sáng, cùng với ca đoàn hát những lời ca tụng Đức Mẹ và không ngớt cất lên lời kinh “Kinh mừng Maria…”. Dù tiết trời vô cùng oi bức, nhưng bầu khí trang nghiêm hòa cùng những lời kinh và tiếng hát vẫn mạnh hơn tất cả trong ngôi giáo đường.
Giờ đây, chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi Fatima để thay đổi đời sống của chính mình và đó cũng là tiếng gọi của Giáo hội mời gọi tất cả con cái của Mẹ sống tâm tình với chuỗi Mân Côi mỗi ngày, bởi lẽ chuỗi Mân Côi chính là vũ khí bảo vệ cho chúng ta trước mọi sự dữ đang vây hãm chúng ta. “Ôi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội! Xin giúp chúng con chiến thắng sự đe dọa của sự dữ là thứ rất dễ bén rễ trong trái tim của con người ngày nay, và những tác động khôn lường của chúng đã đè nặng lên thế giới hiện đại của chúng con và dường như còn chặn đứng cả tương lai của chúng con nữa… Một lần nữa xin hãy để cho tình yêu vô biên của Mẹ được tỏ hiện trong thế giới hôm nay. Nguyện cho tình yêu ấy chặn đứng mọi sự dữ và hoán cải lương tâm chúng con.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)
Lạy Mẹ Fatima, Mẹ chính là dấu chỉ hy vọng vững chắc và an ủi cho dân Chúa trong cuộc lữ hành. Trong đêm tối của cuộc lữ hành trần thế mỗi người chúng con luôn hướng về Mẹ như những người lữ hành trong đêm nương nhờ vào ánh Sao. Xin Mẹ nâng đỡ, phù hộ và chuyển cầu lên Thiên Chúa cứu vớt nhân loại này đang oằn mình giữa tai ương, dịch bệnh, sự dữ … và đánh thức trái tim nhân loại bằng niềm đau mà Mẹ đã thông hiệp với Chúa trong công trình cứu chuộc. Xin giúp chúng con biết đón nhận những đau khổ trong cuộc đời như một cơ hội để làm sáng Danh Chúa. Amen
Maria PTH – Ban Truyền Thông