Kể từ khi con người “bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA”, sự thờ phượng Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện trong đời sống con người. Sự thờ phượng Thiên Chúa của người xưa, rất giản dị. Người ta chỉ cần “dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA”. Người ta chỉ cần “lấy một số trong các gia súc thanh sạch… các loại chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ” (x.St 8, 20). Chính tổ phụ Ap-ra-ham cũng đã “dựng bàn thờ” để thực hiện việc “dâng I-xa-ác làm lể tế toàn thiêu” (x.St 22, 1-9).
“Ngày xưa, Do Thái là dân du mục, họ ở trong các lều bằng vải, đi đến đâu họ luôn luôn mang theo Hòm Bia Giao Ước, đặt trong căn lều, gọi là “Trướng Tao Phùng”. Sự hiện diện của Khám Giao Ước là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân. Khám Giao Ước là một cái hòm dùng để đặt bia đá khắc Mười Giới Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân tại núi Sinai.
Vào năm 1.000 TCN, khi vua Đavít lên làm vua cả hai miền Nam – Bắc, Vua cùng toàn dân đi rước Hòm Bia Thiên Chúa vào thành Giêrusalem. Dân chúng đi rước Hòm Bia với các loại nhạc cụ : đàn cầm, đàn sắt, não bạt, phèng la … Còn vua Đavít đi trước Hòm Bia mà nhảy múa, tung hô, ngợi khen Thiên Chúa”. (nguồn: internet)
Đó là những nghi thức phụng vụ thờ phượng Thiên Chúa thời vua David.
Cuối cùng, đến thời vua Salomon, một Đền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa đã được xây dựng, được xây dựng “tại Giê-ru-sa-lem trên núi Mô-ri-gia, nơi ĐỨC CHÚA đã hiện ra với vua David”.
Và, khi Đền Thờ hoàn tất, ĐỨC CHÚA đã hiện ra và phán: “Ta đã chọn nơi này làm nhà dâng hy lễ cho Ta… Từ nay, Ta sẽ ghé mắt nhìn và lắng tai nghe lời cầu nguyện dâng lên ở đây, vì Ta đã chọn và thánh hóa nhà này, để muôn đời Danh Ta ngự tại đây, Ta sẽ để mắt nhìn và để lòng ưa thích nơi này mãi mãi”. (2Sb 7,12-16).
Đáng tiếc thay, vào thời Đức Giê-su, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đã bị trần tục hóa. Và, đó là lý do Đức Giê-su đã phải làm một cuộc “tẩy uế Đền Thờ”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.
Chuyện được kể rằng: Hôm ấy, “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Và, cũng như mọi thành phần dân Chúa, “Đức Giêsu lên thành Giêrusalem”. Lên Giê-ru-sa-lem. Vâng, Do Thái giáo có ba ngày lễ quan trọng buộc người tín hữu phải lên Giê-ru-sa-lem. Đó là: lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Tạm và lễ Vượt Qua.
Hôm đó là lễ Vượt Qua, và không phải lần đầu tiên Đức Giêsu lên Đền Thờ dự lễ Vượt Qua. Hồi năm mười hai tuổi, Đức Giêsu cũng đã cùng với cha mẹ của Ngài “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua… như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2, 41-42). Lần trẩy hội, hồi đó, Đức Giê-su đã làm cho mọi người kinh ngạc “về trí thông minh và những lời đối đáp” của mình.
Còn lần này thì sao, nhỉ! Thưa, lần này mọi người đã phải “kinh sợ”. Tại sao Đức Giê-su làm cho mọi người kinh sợ? Thưa, chỉ vì “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền”.
Thưa bạn, nếu một buổi sáng nào đó, mở cửa ra, bạn thấy một nhóm người tụ tập trước nhà của bạn, họ bày bán đủ mọi thứ: tôm, cá, gà, vịt v.v… tạo ra một ngôi chợ chồm hổm, với những tiếng rao, tiếng mời chào, tiếng trả giá, tiếng cãi cọ vì cân đo đong đếm, tiếng gà vịt kêu… Chưa hết, còn những mùi xú uế của tôm, cá, gà, vịt bài tiết ra… Bạn và những người hàng xóm của bạn có để yên không? Chắc là không rồi. Chắc chắn bạn và cư dân ở dãy phố đó sẽ có biện pháp để những người bày bán ở đó kinh sợ, dọn ngay lập tức…
Trước cửa tư gia còn không chấp nhận, vậy trước cửa Đền Thờ sao chấp nhận được, phải không thưa quý vị! Cứ thử đi một vòng Saigon, đến những ngôi nhà thờ hay chùa chiền, xem thử, chắc chắn chúng ta sẽ thấy có những tấm bảng gắn trên tường với câu “nơi tôn nghiêm, xin đừng buôn bán và phóng uế”.
Vâng, hôm đó, nhìn Đền Thờ, nơi được cho là Đức Chúa Trời ngự và đã được Người thánh hóa, lại đang bị tục hóa, Đức Giê-su “liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”. Diện đối diện với những người bán bồ câu, Đức Giê-su nói: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Hành động của Đức Giê-su, đã làm cho các môn đệ nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc cho Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Đúng là thế, hôm đó, nhiều người Do Thái đã đụng chạm đến “thân phận” của Đức Giê-su bằng một câu chất vấn, rằng: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”
Muốn nhìn thấy “dấu lạ” ư! Thì đây, bữa tiệc cưới tại Cana với “dấu lạ” nước hóa thành rượu còn sờ sờ ra đó, nay còn thắc mắc mà chi! Đức Giê-su sẽ làm “dấu lạ”, và nó sẽ được thực hiện trên thập giá tại đồi Golgotha, dấu lạ đó chính là những “dấu đinh” trên tay, trên chân, trên thân thể “Đấng Kitô bị đóng đinh”, một Đức Ki-tô “phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Những người Do Thái hồi đó, đã không thể hiểu nổi “dấu lạ bị đóng đinh”. Và, đó là lý do họ nuốt không trôi lời Đức Giê-su công bố: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày , tôi sẽ xây dựng lại”. Họ… những người Do Thái xưa, đã nuốt không trôi, vì thực tế, như lời họ nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong…”.
Chúng ta hôm nay, chắc hẳn cũng không thể hiểu nổi lời công bố của Đức Giê-su, nếu thánh sử Gio-an không có lời giải thích, rằng: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”. (x.Ga 2, 21)
“Các ông cứ phá hủy đi… nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Vâng, suy niệm về lời công bố này, Lm.Charles E.Miller có lời chia sẻ, rằng: “Khi nói sẽ xây dựng lại Đền Thờ, Đức Giê-su ngụ ý Người sẽ sống lại. Từ cái chết của Người, sẽ tuôn trào một mạch sống sung mãn, không những sẽ nâng Người trỗi dậy, mà còn bốc chúng ta ra khỏi nấm mồ tội lỗi”.
“Ra khỏi nấm mồ tội lỗi”, ngài Charles chia sẻ tiếp, rằng: “Sự sống bắt nguồn từ cây thập giá tuôn trào lên chúng ta trong nước rửa tội và ban cho sự sống mới trong Đức Ki-tô, ngõ hầu chúng ta nên thân thể (trong) ‘Nhiệm Thể của Người’ là Giáo Hội”.
Đây… đây là lẽ thật. Và, chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình. Phải ghi khắc, vì kể từ đây, chúng ta cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Giáo Hội. Phải ghi khắc, vì chúng ta sẽ phải “trả lời” với Chúa Giê-su trong ngày phán xét, rất nhiều câu hỏi.
Rất… rất có thể Ngài sẽ hỏi chúng ta, rằng: ngươi… ngươi có “biến những nơi hành hương thành nơi buôn thần bán thánh!” Ngươi… ngươi có “biến cung thánh thành sân khấu ca nhạc!”.Ngươi… ngươi có “biến sân giáo đường thành nơi tập gym!” Ngươi… ngươi có “biến sân nhà thờ làm bãi đậu xe, được cho thuê hàng tháng!”.
Vâng, chúng ta đôi lúc rất coi trọng ngôi thánh đường. Chúng ta không ngại qua tận Châu Âu mua sắm những vật liệu xây dựng để trùng tu ngôi thánh đường của chúng ta.
Thế mà… thế mà chúng ta lại phớt lờ ngôi “Đền Thờ của Thánh Thần”, một ngôi Đền Thờ rất cần phải “trùng tu”, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm!
Hôm nay, nếu chúng ta xây dựng được một ngôi thánh đường uy nghi lộng lẫy, tiêu tốn vài trăm, vài ngàn tỷ… có lẽ, vâng có lẽ Chúa Giê-su sẽ không nói “phá hủy” đi!
Ngài sẽ nói: “Này con, bớt lại vài chục tỷ, mua Kinh Thánh, (một thứ vật liệu xây dựng không thể thiếu), cho việc trùng tu, cho việc xây dựng những ngôi Đền Thờ của Thánh Thần, phát tặng giáo dân , nha!”
Thật đáng mừng khi có một vài vị mục tử đã thực hiện, thực hiện qua việc phát tặng giáo dân cuốn “5 phút cho Lời Chúa”, mỗi tháng. Vâng, chỉ là một hành động nhỏ, nhưng sẽ là một thành tựu lớn. Thành tựu lớn, đó là nhiều thành phần dân Chúa, nhờ được xây dựng trên Lời Chúa, sẽ trở thành “Đền Thờ của Thánh Thần”.
“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Vâng, lời cảnh cáo của Đức Giê-su quá rõ. Là một Ki-tô hữu, có phần chắc, không ai trong chúng ta muốn làm điều này.
Không muốn làm điều này, thế thì, hãy làm điều kia. Điều kia, đó là: Hãy biến chúng ta thành Đền Thờ của Thánh Thần. Vâng, Hãy biến mình là Đền Thờ của Chúa.
Petrus.tran