Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ giáo sĩ và giáo dân tại Nhà thờ “Đức Bà ơn cứu độ” (Sayidat al-Nejat) ở Baghdad, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gieo hạt giống hòa giải và chung sống huynh đệ có thể dẫn đến sự tái sinh hy vọng cho tất cả mọi người.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha Phanxicô với các giới chức chính quyền và dân sự kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ, và tổng thống Irak tiễn Đức Thánh cha ra cổng chính của Phủ tổng thống. Liền đó, Đức Thánh cha dùng xe đi thêm tám cây số rưỡi, tới Nhà thờ chính tòa “Đức Bà ơn cứu độ” (Sayidat al-Nejat), cũng là trụ sở của Giáo hội Công giáo Siriac ở Baghdad. Đây là một trong những thánh đường lớn ở thủ đô, và trong lịch sử gần đây, đã bị hai cuộc khủng bố: đau thương nhất là vụ ngày 31/10/2010, nhóm khủng bố thuộc cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo IS” đã sát hại 48 tín hữu trong thánh đường, trong đó có hai linh mục, và làm cho 70 người khác bị thương. Sau vụ này, thánh đường đã được tu bổ lại và một bia kỷ niệm các nạn nhân đã được dựng lên. Hai linh mục bị giết được an táng nơi tầm hầm nhà thờ.
Trước chiến tranh, có 5.000 gia đình đến viếng đều đặn và dự lễ tại thánh đường này, nhưng từ năm 2018, cả ba thánh đường Công giáo Siriac ở Baghdad chỉ được khoảng 1.000 gia đình, chứng tỏ số tín hữu suy giảm rất nhiều.
Đến nhà thờ chính tòa “Đức Mẹ ơn cứu độ” lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh cha đã được Đức Thượng phụ Youssif III Younan, Giáo chủ Công giáo Siriac đón tiếp và Đức Tổng giám mục Yousif Abba của tổng giáo phận sở tại đón tiếp. Ngài cũng đặc biệt chào thăm 12 người khuyết tật ngồi trên xe lăn và những người tháp tùng ở sân trước nhà thờ.
Trong thánh đường to lớn này, vì biện pháp tránh lan lây Covid-19, chỉ có 100 người được hiện diện, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh, giáo lý viên.
Đức Thánh cha tiến vào bên trong nhà thờ giữa tiếng hát mừng của các tín hữu, và khi đến gần gian cung thánh, ngài được một thiếu nữ tặng bó hoa để đặt trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa.
Chào mừng của Đức Thượng phụ và Đức Hồng y Sako
Trong lời chào mừng Đức Thánh cha, Đức Thượng phụ Younan bày tỏ vui mừng và hãnh diện của cộng đoàn tín hữu tại đây được gặp ngài tại đây trong ngày đầu tiên của chuyến tông du và nhắc lại “chính tại nhà thờ này 48 vị tử đạo đã bị sát hại cách đây 10 năm trong thánh lễ. Họ đã hòa máu mình với máu của Chiên Con, để làm chứng cho các anh chị em bị áp bức, giết hại, bứng khỏi gốc tễ, tại Irak, và Trung Đông, rằng chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ, sẽ tiếp tục sống giữa họ như Chúa đã hứa. Và chúng con, được đức tin ấy củng cố, cũng muốn can đảm làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh”.
48 tín hữu tử đạo đang được Giáo hội cứu xét án phong chân phước
Đức Hồng y Louis Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Irak, tiếp lời Đức Thượng phụ Younan và nói đến những đau khổ của các tín hữu Kitô tại Irak, đặc biệt là hồi tháng Tám năm 2014, Nhà nước Hồi giáo IS đã làm cho 120.000 tín hữu Kitô phải trốn chạy khỏi vùng bình nguyên Ninive và thành Mossoul. Đức Hồng y nói: “Chúng con cảm tạ Chúa vì những vùng này đã được giải phóng năm 2017 và 50% dân chúng đã hồi hương”.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Tưởng niệm các nạn nhân
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha chào thăm và cám ơn tất cả mọi người, bắt đầu từ Đức Thượng phụ Younan, cho đến Đức Hồng y Louis Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta họp nhau tại thánh đường Đức Mẹ ơn cứu độ này, đã được chúc phúc vì máu của những anh chị em chúng ta đã trả giá tột cùng vì trung thành với Chúa và Giáo hội của Người. Ước gì sự tưởng niệm hy sinh của họ soi sáng cho chúng ta canh tân lòng tín thác nơi sức mạnh của Thập Giá và sứ điệp cứu độ của Thập Giá là tha thứ, hòa giải và tái sinh. Thực vậy, Kitô hữu được kêu gọi làm chứng về tình thương của Chúa Kitô ở nọi nơi và mọi thời” …
Đừng nản chí thất vọng trước khó khăn
Đức Thánh cha nói thêm rằng “Trong tư cách là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và huynh trưởng giáo dân, tất cả anh chị em chia sẻ vui buồn và đau khổ, hy vọng và lo âu của các tín hữu Chúa Kitô. Những nhu cầu của dân Chúa và những thách đố cam go về mục vụ anh chị em đương đầu mỗi ngày càng trở nên nặng nề hơn trong thời kỳ đại dịch này. Tuy nhiên, điều ấy không bao giờ được ngăn chặn hoặc thu hẹp lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta, lòng nhiệt thành mà anh chị em kín múc từ những căn cội rất cổ kính, từ sự hiện diện liên tục của Giáo hội tại những phần đất này từ thời kỳ đầu tiên. Chúng ta biết rằng thật là dễ bị lây nhiễm virus nản chí thất vọng, nhiều khi dường như đang lan tràn quanh chúng ta. Dầu vậy, Chúa đã ban cho chúng ta một vắcxin hữu hiệu chống thứ virus xấu xa này, đó là niềm hy vọng nảy sinh từ kinh nguyện kiên trì và từ lòng trung thành hằng ngày với việc tông đồ của chúng ta. Với thứ vắcxin ấy, chúng ta có thể tiến bước nhờ nghị lực luôn mới mẻ, để chia sẻ niềm vui của Tin mừng, như các môn đệ thừa sai và những dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Nước Chúa, nước thánh thiện, công lý và hòa bình.
Làm chứng tá trước tiên bằng cuộc sống
Đức Thánh cha cũng nhắc nhở mọi người đừng quên rằng Chúa Kitô được loan báo trước tiên bằng cuộc sống chứng tá, được niềm vui Phúc âm biến đổi. Ngài nói đến những hậu quả chiến tranh và bách hại, sự mong manh của các cơ cấu hạ tầng, và cuộc chiến đấu liên tục cho an ninh kinh tế và bản thân, nhiều khi đưa tới các cuộc di tản nội địa và các cuộc xuất cư của nhiều người, kể cả nơi các Kitô hữu, tới các miền khác trên thế giới. Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha cám ơn các giám mục, linh mục gần gũi với dân, nâng đỡ và cố gắng đáp ứng các nhu cầu của dân chúng, giúp mỗi người thi hành phần của mình để phục vụ công ích.
Hiệp nhất và cộng tác với nhau
Đặc biệt, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Tình yêu Chúa Kitô đòi chúng ta phải gạt bỏ mọi thái độ coi mình là trung tâm và mọi cạnh tranh; tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta tiến đến sự hiệp thông với mọi người và kêu gọi chúng ta họp thành một cộng đồng anh chị em đón nhận và săn sóc nhau”.
Ngài nói: “Tôi nghĩ đến hình ảnh quen thuộc là một tấm thảm. Nhiều Giáo hội khác nhau hiện diện tại Irak, mỗi Giáo hội, với gia sản lịch sử ngàn đời về phụng vụ và linh đạo, cũng giống như bao nhiêu sợi chỉ màu, được bện với nhau, họp thành một tấm thảm rất đẹp, không những nó chứng tỏ tình huynh đệ của chúng ta, nhưng còn gợi lên nguồn mạch của tình huynh đệ ấy. Vì chính Thiên Chúa là nghệ nhân sáng nghĩ ra tấm thảm này, chính Chúa kiên nhẫn dệt nó và cẩn thận sửa chữa, muốn cho thảm ấy luôn được kết nối tốt đẹp giữa chúng ta, như những người con của Chúa. Ước gì lời khuyên của thánh Ignatio thành Antiokia luôn ở trong tâm hồn anh chị em: “Không để điều gì giữa anh chị em có thể phân rẽ… Nhưng hãy có một kinh nguyện duy nhất, một tinh thần, một niềm hy vọng duy nhất trong tình yêu thương và vui mừng” (Ad Magnesius, 6-7, PL 5,667). Chứng tá ấy về tình hiệp nhất huynh đệ thật là quan trọng trong một thế giới thường bị phân hóa và xâu xé vì chia rẽ! Mỗi cố gắng để kiến tạo những cây cầu giữa các cộng đoàn và tổ chức Giáo hội, giáo xứ, giáo phận đều là một cử chỉ ngôn sứ của Giáo hội tại Irak và như lời đáp trả phong phú đối với lời nguyện của Chúa Giêsu “để tất cả chúng được nên một” (Xc Ga 17,21).
Nhắn nhủ các thành phần
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh cha lần lượt nhắn nhủ các thành phần dân Chúa ở Irak:
– Với các giám mục, Đức Thánh cha nhắc nhở các vị hãy ở lại với Chúa trong kinh nguyện, ở cạnh các tín hữu và các linh mục. “Ước gì các linh mục không nhìn anh em như những người quản trị, nhưng như những người cha lo lắng cho con cái được tốt đẹp, và hãy sẵn sàng nâng đỡ, khích lệ họ với con tim cởi mở.”
– Và với các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, chủng sinh, Đức Thánh cha nhận xét rằng “chúng ta biết công việc phục vụ của chúng ta cũng có cả việc hành chánh, quản trị, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải trải qua suốt thời gian trong những buổi hội họp hay ở bàn giấy. Điều quan trọng là ra đi, giữa đoàn chiên của chúng ta, và cống hiến sự hiện diện, sự đồng hành của chúng ta với các tín hữu tại thành thị cũng như tại các làng quê. Tôi nghĩ đến bao nhiêu người có nguy cơ bị thụt lùi đằng sau: người trẻ, người già, các bệnh nhân và người nghèo. Khi chúng ta tận tụy phục vụ tha nhân, như anh chị em đang làm, trong tinh thần thông cảm, khiêm tốn, nhã nhặn, yêu thương, đó là lúc chúng thực sự phục vụ Thiên Chúa, như chính Chúa đã nói” (Mt 25,40).
Sau bài huấn dụ, có phần trao đổi quà tặng: Đức Thánh cha tặng cho nhà thờ chính tòa một chén lễ quí giá. Rồi mọi người đọc kinh Lạy Cha, trước khi Đức Thánh cha ban phép lành cho tất cả. Và trong khi ca đoàn hát kết thúc, Đức Thánh cha đã chào thăm 17 giám mục và chụp hình lưu niệm chung với các vị.
Sau một giờ gặp gỡ, Đức Thánh cha đã về Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở khu vực Karrada, cách đó hơn ba cây số để dùng bữa tối và qua đêm. Cùng với Dora, đây là hai khu vực chính của cộng đoàn Kitô tại thủ đô Baghdad, nơi có nhiều thánh đường Kitô thuộc các hệ phái khác nhau.
* Chương trình của Đức Thánh cha ngày 6/3/2021 tại Irak
Thứ Bảy 6/3, ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Irak, Đức Thánh cha có ba hoạt động chính là: trước tiên, ngài sẽ bay 45 phút đến thành thánh Najaf để viếng thăm Đại Ayatollah Al-Sistani, 91 tuổi, thủ lãnh Hồi giáo Shiite tại Irak.
Tiếp đến, Đức Thánh cha bay 50 phút đến thành Nassiriya, cũng ở miền nam Baghdad để từ đây dùng xe đi thêm hơn 5 cây số đến cổ thành Ur, quê hương của tổ phụ Abraham để tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn vào lúc quá 12 giờ trưa.
Sau cùng, Đức Thánh cha bay 50 phút để trở về thủ đô Baghdad để chủ sự thánh lễ theo nghi thức Canđê, lúc 5 giờ 30 chiều tại Nhà thờ chính tòa thánh Giuse của Giáo hội Công giáo Canđê.
G. Trần Đức Anh, O.P.