Vấn Đề Kết Hợp Dân Sự của Hai Người Đồng Tính: Thực Tại, Truyền Thống và Mục Vụ

 

Khởi Đi từ Thực Tại

Vấn Đề Kết Hợp Dân Sự của Hai Người Đồng Tính: Thực Tại, Truyền Thống và Mục VụNgày nay, không ai lạ gì với những người đồng tính hay cộng đồng LGBT.[1] Đây là một vấn đề rất nhạy cảm trong mục vụ. Khi nói về những người đồng tính, có rất nhiều “định nghĩa,” và vì thế, chúng ta cần biết những dạng thức định nghĩa này.

  1. Người đồng tính là những người ham muốn tình dục thâm căn với những người đồng giới, hay những người có cùng giới tính với mình.
  2. Người đồng tính cảm thấy bị hấp dẫn tình dục với những người đồng giới.
  3. Người đồng tính là sự chọn lựa hành vi tình dục của chính đương sự với những người cùng giới.
  4. Người đồng tính là người cảm thấy hấp dẫn và đạt được khoái cảm khi giao hợp với người cùng giới với mình, trong khi với người khác giới, họ cảm giác dửng dưng, sợ sệt, hoặc ít có khoái cảm khi chuyện giao hợp xảy ra.
  5. Người đồng tính là người “có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn… khuynh hướng lệnh lạc (objectively disorder) ấy là một thử thách.” (GLHTCG, no. 2358)

Cả năm dạng thức định nghĩa này chắc hẳn gây ra những cái nhìn tiêu cực về người đồng tính. Ví dụ, định nghĩa thứ nhất và thứ năm cho thấy rằng đồng tính là một tình trạng mãn tính, thâm căn và vì thế nhất thiết chỉ quan hệ tình dục với người đồng giới mà thôi. Nói cách khác, tất cả cảm xúc, suy nghĩ, và hành vi liên quan đến tính dục chỉ xảy ra với người đồng giới. Hơn nữa, ở định nghĩa thứ năm xem ra, nhiều người đồng tính cho rằng Giáo hội đã dùng từ ngữ “hơi nặng,” khi nói người đồng giới là “objectively disorder.” Điều này đã từng đưa đến những phong trào (kể cả trong lĩnh vực thần học) đòi bỏ đi hai chữ này vì có nguy cơ tiềm ẩn sự kỳ thị (chúng ta sẽ trở lại điều này ở phần sau). Còn định nghĩa thứ hai và ba thì ngầm hiểu rằng người đồng giới họ “chọn” như vậy vì nó liên quan đến khuynh hướng của họ; với định nghĩa thứ tư, ra như nó ám chỉ người đồng tính lãnh cảm với những người khác giới.[2]

Từ những định nghĩa trên, ta có thể đưa ra một vài nhận định và phân biệt như sau: Mỗi người kinh nghiệm về đời sống tính dục với những phương diện nhất định, chủ yếu dựa trên bản chất của tính dục. Bản chất này gồm ba yếu tố sau đây: nhận dạng giới (gender identity), khuynh hướng tính dục (sexual orientation), và tình ý (sexual intention).

  • Yếu tố thứ nhất liên quan đến việc nhận dạng giới.[3] Nhận dạng giới tính là yếu tố căn bản về phái tính qua cấu trúc thể lý. Một đứa trẻ phát triển từ việc nhận biết mình là con trai hay con gái vào lúc hai tuổi. Nghĩa là, đang khi đứa bé được xác định giới tính (nam hoặc nữ), thì nó bắt đầu được “học” về giới tính của nó. Đứa trẻ được dạy hay hướng dẫn bởi gia đình. Chẳng hạn như, con trai cho chơi kiếm, chơi súng, mặc những trang phục con trai; con gái thì chơi búp bê; mặc trang phục nữ…. Nói khác đi, gia đình và văn hóa xã hội đã có những ý niệm truyền thống, hành xử thống nhất ứng với từng giới nam hay nữ. Từ chính hoàn cảnh sống ấy, con trẻ sẽ “chọn” giới tính của mình dựa trên những gì xã hội chấp thuận. Bên cạnh đó, các phương tiện khác, chẳng hạn như hệ thống giáo dục, truyền thông, hay những kinh nghiệm về văn hóa đặc thù của từng dân tộc, cũng tác động đến việc hình thành sự tiến triển của con trẻ về những hình ảnh riêng biệt về giới tính. Rõ ràng, khi một đứa bé sinh ra, người ta sẽ cho nó là nam hay nữ, nhưng “tính nam hay tính nữ” nơi đứa trẻ lại là được hấp thụ từ nhiều khía cạnh khác nhau.

 

  • Yếu tố thứ hai liên quan đến khuynh hướng tính dục. Khuynh hướng này ám chỉ đến đời sống tình dục của đương sự hay những hình ảnh ân ái khiến người đó cảm thấy bị kích thích dục tính nơi mình. Đứa trẻ dậy thì được xem là có khuynh hướng tính dục khác giới khi những hình ảnh, những khoái cảm, và sự hấp dẫn tính dục liên quan đến những người khác giới. Còn người có khuynh hướng luyến ái thì ngược lại. Tuy vậy, cũng có một khuynh hướng tính dục khác gọi là song tính, nghĩa là đạt khoái cảm ở cả hai giới. Tất cả các khuynh hướng này rất phức tạp và nó vừa cho thấy cả “tự nhiên” lẫn “biến thể” vì những trào lưu, quan niệm cũng như ảnh hưởng môi trường xung quanh.

 

  • Yếu tố cuối cùng là tình ý vốn ám chỉ điều một người thực sự muốn làm tình với đối tác của mình. Những tình ý thường bao gồm rất những hành vi như ôm hôn, chăm sóc, giao hợp, để có thể mang lại khoái cảm cho cả hai. Yếu tố này bao gồm việc “cho và nhận” để có được sự khoái cảm. Nó có thể còn thể hiện ở việc cưỡng bức khi đối tác không chịu đồng thuận (ví dụ sàm sỡ, hay hiếp dâm).[4]

Điều rút ra từ ba yếu tố trên là: mỗi yếu tố có thể được xem là một cấu trúc tâm sinh lý vốn được hình thành qua từng giai đoạn phát triển. Những cấu trúc này vẫn còn tự điều chỉnh trong suốt giai đoạn trưởng thành. Với trường hợp bán nam bán nữ (intersex), có thể điều chỉnh theo nghĩa khi một đứa bé sinh ra người ta không thể xác định được là nam hay nữ, thì cần có sự can thiệp của y khoa. Còn về trường hợp khuynh hướng tính dục, thì trường hợp này khó thay đổi hơn. Khuynh hướng tính dục còn liên quan đến nhu cầu thân mật, mối tương quan liên vị, chẳng hạn như sự đồng hành hay cùng nhau hỗ trợ.[5]

Điểm này dẫn đến một hệ luận thứ hai, đó là, khuynh hướng tính dục không đương nhiên dẫn đến hành vi tình dục, đúng hơn nó là một sự hấp dẫn tâm sinh lý hướng đến những đối tượng cụ thể. Vì thế, tự bản chất nó chưa phải là một tội.[6] Ở đây xin dừng lại để giải thích lý do vì sao Giáo hội dùng hạn từ “objectively disorder.” Khi nói người đồng tính có khuynh hướng lệch lạc, Giáo hội không ám chỉ một sự kỳ thị, nhưng đúng hơn muốn nói đến một khuynh hướng dẫn đến một điều không thiện hảo nơi chính đương sự. Người đồng tính không phải là người duy nhất cảm thấy những khuynh hướng lệch lạc này. Ngay cả những người “thẳng” cũng có những kinh nghiệm về sự lệch lạc này khi họ tìm những khoái cảm tình dục bên ngoài đời sống hôn nhân. Nói khác đi, từ ngữ “lệch lạc” muốn ám chỉ việc đương sự sử dụng tính dục không hợp với kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa dành cho con người.[7] Do đó, khuynh hướng tính dục, dù là đồng giới hay khác giới được xem là một tội khi cả hai cùng tìm khoái cảm tình dục cho nhau và sử dụng nó không đúng mục đích mà Thiên Chúa đã đặt để trong công trình sáng tạo.

Như vừa trình bày ở trên, vì khuynh hướng tính dục còn liên quan đến những nhu cầu thân mật khác, chẳng hạn như việc “góp gạo thổi cơm chung,” cho nên những người đồng giới mới đòi quyền kết hợp một cách hợp pháp về mặt dân sự (civil union) hay còn gọi đó là “hôn nhân đồng giới” (homosexual marriage). Ở đây có điểm lưu ý thêm là trong các bản văn của Giáo hội, Giáo hội không bao giờ nói dùng từ “homosexual marriage” vì Giáo hội không coi đây là một hình thức hôn nhân hợp pháp.

Từ đây vấn đề tranh cãi đã xảy ra cả ở nước Mỹ và các nước Tây Âu không phải về vấn đề đồng tính cho bằng về bản chất của hôn nhân. Hôn nhân đồng tính được hiểu như là một hôn nhân do pháp luật công nhận cho các cặp đồng tính; tức là, họ có quyền hưởng tất cả các quyền lợi giống như các cặp hôn nhân khác giới khác, chẳng hạn như quyền sở hữu tài sản, quyền bảo vệ sức khỏe, nhận con nuôi, thuế, và vấn đề di chú.

Cái nguy hiểm ở chỗ đó là những nhà cấp tiến thay đổi định nghĩa bản chất của hôn nhân như sau:

  1. Hôn nhân là quyền riêng tư, nên các tiểu bang không nên can thiệp;
  2. Hôn nhân có thể được ký kết theo luật bởi hai người mà không hề có sự phân biệt liên quan đến giới tính của họ. Nói khác đi, hôn nhân là sự kết hợp bởi hai người (two persons), thay vì là nam và nữ theo như định nghĩa truyền thống thông thường;
  3. Tình yêu làm nên gia đình, vì thế nếu bất kỳ hai người nào có thể đáp ứng được điều này, thì có thể sống chung và bổ trợ nhau.[8]

Những định nghĩa trên cho thấy những người cấp tiến chỉ chú trọng đến vấn đề cảm xúc, ước muốn của đương sự. Với một quan niệm cấp tiến như vậy, họ xem thân xác như là một phương tiện để thỏa mãn ước muốn mà thôi. Họ đồng hóa hành vi tình dục của người đồng giới cũng giống như những trường hợp hôn nhân khác giới, nghĩa là nhấn mạnh đến cảm xúc nhiều hơn chứ không đơn thuần là sự sống. Họ lập luận rằng nếu những cặp vô sinh, khi họ quan hệ tình dục, thì việc quan hệ đó cho họ cảm xúc yêu thương, chia sẻ điều gì đó tốt đẹp giữa tình yêu của hai người, thì điều này cũng “hoàn toàn giống” như những cặp đồng tính khi quan hệ với nhau.[9] Từ lập luận như vậy, các trường phái cấp tiến đã đi đến một thỏa hiệp là kêu gọi thay đổi định nghĩa hôn nhân và thông qua một đạo luật cho sự kết hợp giữa hai người đồng giới. Hệ quả là, vào năm 2015, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã sửa đổi định nghĩa của hôn nhân và cho thông qua một đạo luật ủng hộ việc kết hợp dân sự của hai người đồng giới.

Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo về Vấn Đề Này

Trong những tháng vừa qua, ai trong chúng ta cũng biết bộ phim tài liệu liên quan đến việc Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trả lời phỏng vấn về vấn đề kết hợp dân sự của người đồng tính. Ở đây, ngài muốn mở ra một con đường đối thoại với cộng đồng LBGT. Điều này cũng được ngài nói đến trong Tông Huấn Amoris Laetitia khi ngài gọi những người này là những người ở trong hoàn cảnh đặc biệt và mời gọi các cha sở đưa ra những hướng mục vụ để giúp đỡ họ.[10] Nhóm người này có thể xem là những người “bên lề.” Làm sao hướng dẫn mục vụ cho họ? Làm sao giúp họ hiểu được giáo huấn của Giáo hội? Làm sao ta có thể đối thoại với họ về vấn đề hôn nhân truyền thống và vấn đề kết hợp dân sự của họ? Thiết tưởng cần để ý đến bối cảnh của bộ phim tài liệu này. Những gì Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí đặt ra khi ngài còn đang làm tổng giám mục và với tư cách là một nhà thần học, chứ không phải với tư cách là một giáo hoàng. Ngài mời gọi hãy để ý đến các quyền của hai người đồng giới, như vấn đề di chú, quyền tài sản, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền được pháp luật bảo vệ. Cho nên, theo ngài, nếu hai người đồng giới đến với nhau, mà không có sự quan hệ tình dục và sống tình bạn nhân đức, thì những người này cần pháp luật để bảo vệ họ.[11]

Dù sao đi nữa, thì lập trường truyền thống của Giáo hội về vấn đề này rất rõ ràng. Sự kết hợp dân sự của hai người đồng tính không phải là hôn nhân. Giáo huấn Giáo hội không dựa trên những lập trường thần học đơn thuần mà là dựa trên một nền tảng vững chắc, trung tín từ lời chứng trong Kinh Thánh và Truyền Thống. Cộng đồng đức tin của chúng ta vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng, kiện cường bởi Thánh Kinh, Thần Khí Sự Thật, và Truyền Thống. Điều quan trọng cần nhận ra là Kinh Thánh sẽ bị hiểu sai khi nó được giải thích ngược với Truyền Thống sống động của Giáo hội. Nói cách khác, việc chú giải Kinh Thánh phải hòa hợp với Truyền Thống Giáo hội.[12]

Theo Kinh Thánh và Truyền Thống, sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân được diễn ta qua hai ý nghĩa này: sự kết hiệp nên mộtviệc truyền sinh. Theo như Đức Giao hoàng Phaolô VI, đây là mối dây liên kết không thể tách rời, và lập trường này được xây dựng trên giáo huấn của Giáo hội về ý nghĩa bản chất và luân lý của hành vi tính dục con người.[13] Hơn nữa, hành vi tính dục con người trong đời sống hôn nhân chính là sự thông dự và phản ánh tình yêu của Thiên Chúa.[14] Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là tiêu chuẩn tối thượng cho việc diễn tả luân lý tính dục của người nam và nữ; đó là, sự sung mãn nhất của hành vi tính dục trong đời sống hôn nhân không chỉ diễn tả đặc tính truyền sinh, giống như vì tình yêu mà Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người, mà còn là sự kết hợp trọn vẹn nên một, bất khả phân ly, điều mà cả hai đã cùng cam kết dấn thân trung thành cho đến trọn đời.[15]

Đặc tính này được tìm thấy trong những chương đầu của sách Sáng Thế. Ở chương đầu tiên của Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên con người là nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa. Sau khi được Thiên Chúa chúc phúc, họ sẽ đảm nhận một sứ mạng; đó là, “sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 1:27-28). Ở chương hai, Thiên Chúa thấy sự cô đơn của Adam, vì thế, ngài đã tạo nên người nữ để ở với người nam, và cả hai sẽ kết hợp với nhau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2:24). Lối diễn tả này cho thấy người chồng và vợ trở nên một đến độ cả hai bất khả phân ly.

Rõ ràng, chính tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa dành cho nhân loại giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa tính dục con người và điều đó chỉ có thể đạt được qua việc sinh sản con cái và lời cam kết chung thủy cho đến cùng. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa qua việc kết hợp giữa người nam và người nữ bằng bí tích của hôn nhân.[16] Chính đức Giêsu đã kiện toàn điều này khi ngài nói về sự chung thủy, bền vững của hôn nhân ở Tin Mừng Matthew (Mt 19:3-9). Thánh Phaolô cũng quả quyết điều đó khi ngài nói rằng sự kết hợp giữa người chồng và vợ trong hôn nhân là dấu chỉ sống động (sacramentum) của sự kết hợp luôn tồn tại giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Khi bắt chước Đức Kitô, bằng sự hy sinh, đôi bạn sẵn sàng dấn thân phục vụ nhau trong tình yêu và sự trung tín (Eph 5:21-33). Rõ ràng, một lần nữa phẩm giá và bản chất của hôn nhân Công Giáo được mặc khải rõ nét trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.[17]

Khi nhìn trong ánh sáng mặc khải như thế, thì ý nghĩa tính dục của con người là sự thánh thiêng khi nó được đặt trong khung cảnh của bí tích hôn nhân. Đó là phẩm giá và trách nhiệm của đôi bạn. Như vậy, một người tham gia vào hành vi đồng tính được xem là trái với ý nghĩa nguyên thủy của tính dục. Việc quan hệ với một người đồng tính tự nó hủy hoại ý nghĩa phong nhiêu của đời sống hôn nhân và ý nghĩa tính dục nơi người nam và nữ mà Thiên Chúa đã tác tạo. Hành vi đồng tính không phải là một sự kết hợp bổ túckhông thể dẫn đến sự sinh sản; bởi đó, nó trái với ơn gọi sự sống của tính dục mà chính Kinh Thánh đã mặc khải. Điều này không có nghĩa là những người đồng tính không quảng đại hay không hy sinh chính mình; nhưng khi họ cùng nhau thực hiện hành vi tình dục đó, thì họ đang tự cho thấy một khuynh hướng trái với trật tự nhiên và ý nghĩa nguyên thủy của tính dục. Vì thế, hành vi đồng tính cản trở sự thăng tiến và hạnh phúc của chính đương sự bởi vì đi ngược lại với ý định sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. Do đó, giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân Công giáo luôn luôn tinh tuyền với Kinh Thánh và Truyền Thống.[18]

Tuy nhiên, ngày nay xem ra rất nhiều người đang thúc đẩy để Giáo hội chấp nhận tình trạng đồng tính như thể nó là một vấn đề gì đó tự nhiên, không hề có sự lệch lạc về tính dục, để rồi hợp thức hóa việc kết hợp dân sự của hai người đồng tính. Nguyên nhân chính cho việc cổ võ này là người ta đề cao chủ thuyết duy vật vốn loại trừ bản chất thánh thiêng của con người và ơn gọi thánh thiêng nơi mỗi nhân vị.[19] Là người Công giáo, chúng ta sẽ đáp trả như thế nào về vấn đề này trong tinh thần đối thoại với những anh chị em đồng tính?

Đường Hướng Mục Vụ

Ngày nay, những người đồng tính Công giáo vẫn chịu nhiều sự ảnh hưởng của Giáo hội. Họ cũng là những người từng được lớn lên từ môi trường Công giáo, và họ vẫn khao khát tiếp tục được lãnh nhận các bí tích và dấn thân trong môi trường Công giáo. Do đó, cần có một ý hướng mục vụ để có thể đón nhận tất cả các anh chị em này với lòng thương xót, chăm sóc và cảm thông, bởi vì họ là con cái của Thiên Chúa và của Giáo hội.[20]

Tuy nhiên, những thách đố vẫn còn đó khi phải đối diện một vài yếu tố như sau:

  1. Giáo huấn Giáo hội, một mặt, cho rằng khuynh hướng đồng tính là một sự lệch lạc; nhưng mặc khác, lại khẳng định khuynh hướng này chưa phải là tội và cũng không phải do chính đương sự chọn. Dường như chúng ta chỉ nhấn mạnh đến việc giải thích hành vi đồng tính trái nghịch với trật tự tự nhiên mà quên mất đi một nền tảng cơ bản; đó là, họ là những người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và có phẩm giá con người vốn đòi hỏi một sự tôn trọng như bất kỳ ai.
  2. Giáo huấn của Giáo hội kêu gọi người đồng tính sống đời khiết tịnh, nhưng trong thực tế, điều này xem ra khó thực hiện!
  3. Vẫn còn có những xã hội mà ở nơi đó người ta thành kiến với người đồng tính, chẳng hạn như tức giận, căm ghét, lên án và bạo lực.
  4. Một bộ phận không nhỏ với cộng đồng LBGT bị người ta nhìn với ánh mắt kỳ thị, khinh bỉ và coi những người đồng tính như những người quái dị.[21]

Đó chỉ là một vài yếu tố trong rất nhiều yếu tố khác nữa vốn có thể cản trở tiến trình mục vụ chăm sóc cho những người này, và đôi khi trong thực tế, chúng ta cảm thấy bất lực và buông bỏ. Dù vậy, chúng ta không mất hy vọng và khẳng định một lập trường rõ ràng về mặt luân lý và mục vụ như sau:

Thứ nhất, chúng ta là những người tội lỗi được Đức Kitô mời gọi để sống một đời sống sung mãn. Không ai là hoàn hảo; dẫu một người cũng không. Tuy vậy, một nguyên tắc của tiến trình hoàn thiện này phải cần có thời gian và tiệm tiến. Ai cũng được mời gọi dần dần tiến đến sự thánh thiện và thành nhân một cách trọn vẹn.[22]

Thứ hai, những người đồng tính vẫn cần được chúng ta tôn trọng, thông cảm, và yêu thương. Các giáo xứ nên cổ võ điều này qua việc hướng dẫn lành mạnh và những gương sống lành mạnh. Có rất nhiều người đồng tính đã cổ võ lối sống Tin Mừng, và không ủng việc kết hôn dân sự của hai người đồng tính.[23] Họ vẫn kêu gọi diễn tả tình yêu bằng những hình thức phục vụ khác nhau chẳng hạn như phục vụ những người nghèo, làm việc thiện nguyện, và trên hết là cổ võ sống tình bạn trong nhân đức. Người đồng tính Công giáo có thể trở thành những chứng tá trong và cả ngoài Giáo hội. Bằng việc sống một đời sống sung mãn, sáng tạo, họ có thể cho thấy rằng việc cấm đoán hành vi tính dục trong trường hợp này không phải là bản án tử. Đời sống độc thân khiết tịnh có thể cho họ một sự dấn thân trọn vẹn để phục vụ tha nhân.[24]

Thứ ba, ngôn ngữ sử dụng cũng rất quan trọng. Chúng ta cần tránh dùng những lời lẽ gây tổn thương với những anh chị em đó. Người ta vẫn dùng những từ ngữ như bóng lộ, bóng kín, gay kín, Pê-đê, Ô-môi, thế giới thứ ba và vân vân, để ám chỉ những anh chị em này. Người Công giáo không nên dùng những lời lẽ đó, đồng thời chúng ta diễn tả một thái độ tôn trọng để giúp họ hiểu được Giáo huấn Giáo hội. Do đó, ngôn ngữ được xem là phương thế để giúp ta tôn trọng và cổ võ sự đồng cảm và lòng thương xót.

Cuối cùng, không ai trong chúng ta có thể tự cho mình miễn nhiễm với tội liên quan đến tình dục, nhưng không hẳn bất kỳ sức hấp dẫn tính dục nào cũng có thể dẫn đến hành động quan hệ. Việc Kinh Thánh cấm các tội loạn luân là để giúp gia đình có một không gian an toàn, nơi mà cha mẹ, con cái, anh chị em, có thể tin tưởng sống chung với nhau. Cũng thế, việc cấm ngoại tình là để giúp nuôi dưỡng sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Kinh Thánh và Truyền Thống giúp ta duy trì những chuẩn mực cho đời sống luân lý và đức tin. Chúng ta hiểu rằng tính dục con người diễn tả qua sự đồng hành, chia sẻ và tình bạn trong nhân đức. Chúng ta cũng hiểu rằng Giáo hội luôn luôn trung thành với kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa về ý nghĩa tính dục con người. Chúng ta không bao giờ được phép thỏa hiệp những giáo huấn của Giáo hội để đáp lại đòi hỏi của thế tục. Nếu làm như thế, chúng ta sẽ làm cho các anh chị em tín hữu Công giáo, người mà cố gắng sống trọn vẹn đức tin sẽ cảm thấy bị tổn thương, hoang mang và lung lay. Ai trong chúng ta cũng có vấn đề về cá nhân, nhưng cũng được mời gọi sống trưởng thành, lành mạnh, và cống hiến. Do đó, người Công giáo được mời gọi giúp đỡ những anh chị em đồng tính ở mọi cấp độ: hỗ trợ cá nhân để không bị mặc cảm, hướng dẫn đời sống tâm linh qua các bí tích; tình bạn trong nhân đức và sự chăm sóc; hy vọng và kiên trung trong ơn gọi làm Kitô hữu.[25]

Toàn Ninh, Op

[1] LGBT là tên viết tắt ám chỉ những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ai, và hoán tính hay còn gọi là chuyển giới.

[2] Gerald D. Coleman, Homosexuality: Catholic Teaching and Pastoral Practice (New York: Paulist Press, 1995), 15-17.

[3] Ngày nay phong trào bình đẳng giới đi đến chỗ quá khích. Mới đây, trong một buổi cầu nguyện tại Quốc Hội Mỹ, một dân biểu Mỹ Emanuel Cleaver đã kết thúc lời cầu nguyện bằng việc thưa lên: “Amen and Awomen.” Những người chủ trương này cho rằng tất cả những chữ nào có dính dáng đến từ “men” đều phải loại bỏ. Xc. Christine Rousselle, “‘Amen’ Is Not Gendered, and ‘Awomen’ is Nonsense, Hebrew Scolar Says,” https://www.catholicnewsagency.com/news/amen-is-not-gendered-and-a-woman-is-nonsense-hebrew-scholar-says-46995.

[4] Ibid., 17-19.

[5] Ibid., 20.

[6] U.S. Conference of Catholic Bishops, Ministry to Persons with A Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care (Washington, D.C.: USCCB, 2006), 5.

[7] U.S. Conference of Catholic Bishops, Ministry to Persons, no. 6.

[8] Robert P. George, “Same-Sex Marriage and Moral Neutrality” in Clash of Orthodoxies: Law Religion and Morality in Crisis (Wilmington, Delaware: ISI Books, 2001), 152.

[9] Stephen Macedo, “Homosexuality and the Conservative Mind,” Georgetown Law Journal 84 (1995): 278.

[10] Francis, Amoris Latetia, the Vatincan (March 19, 2016), no. 296, http://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20160319_amoris-laetitia.html.

[11] Cindy Wooden, “Questions Continue around Film’s Use of Pope’s Quote on Civil Unions,” https://www.catholicnews.com/questions-continue-around-films-use-of-popes-quote-on-civil-unions/

[12] Joshep Cardinal Ratzinger, Letter on the Pastoral Care of Homosexual Persons (1 October 1986) Congregation for the Doctrine of Faith, http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19861001_homosexual-persons_en.html

[13] Pope Paul VI, Humanae vitae 4-6, in Joseph Gremillion, The Gospel of Peace and Justice: Catholic Social Teaching Since Pope John (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1976) 429-30.

[14] Ibid., 8, 430-31.

[15] Vincent J. Genovesi, In Pursuit of Love: Catholic Moral and Human Sexuality, 2nd ed. (Collegeville, Min.: Liturgical Press, 1996), 158-59.

[16] Ratzinger, Letter on the Pastoral Care, no. 7.

[17] Genovesi, In Pursuit of Love, 162.

[18] Ratzinger, Letter on the Pastoral Care, no. 7.

[19] Ibid., no. 8.

[20] USCCB, Always Our Children: A Pastoral Message to Parents of Homosexual Children and Suggestions for Pastoral Ministers (10 September 1997), http://www.usccb.org/issues-and-action/human-life-and-dignity/homosexuality/upload/minstry-persons-homosexual-inclination-2006.pdf.

[21] Coleman, Homosexuality, 162.

[22] Francis, Amoris Latetia, no. 293.

[23] Eve Tushnet, “I’m Gay, but I’m Not Switching to a Church That Support Gay Marriage,” The Atlantic Daily (4/16/2018): 4-6.

[24] Ibid., 4.

[25] Congregation for the Doctrine of Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Pastoral Care of Homoesexual Persons, the Vatincan (1986), no. 16, http://www.vatican.va/roman_curia//congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19861001_homosexual-persons_en.html.

Để lại một bình luận