Đức Thánh cha tham dự Gặp gỡ quốc tế cầu nguyện cho hòa bình

 

Đức Thánh cha tham dự Gặp gỡ quốc tế cầu nguyện cho hòa bìnhChiều ngày 20/10/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tham dự cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo quốc tế lần thứ 34 cầu nguyện cho hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Roma, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, với chủ đề: “Không ai được cứu thoát một mình – Hòa bình và tình Huynh đệ”.

Sinh hoạt này được cử hành theo tinh thần cuộc gặp gỡ hòa bình do thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng triệu tập, lần đầu tiên tại Assisi hồi tháng Mười năm 1986.

Vì đại dịch, việc di chuyển khó khăn, nên số tham dự viên cuộc gặp gỡ hòa bình năm nay bị thu hẹp, nhưng cũng có sự hiện diện của Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, Đức Tổng giám mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức giám mục Heinrich, Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Tin lành Đức, cùng với các đại diện của Do Thái, Phật giáo, Hồi giáo và các tôn giáo đông phương.

Trong phần thứ I của cuộc gặp gỡ, mỗi khối tôn giáo cầu nguyện tại các địa điểm khác nhau, theo nghi thức riêng từ lúc 4 giờ chiều. Kitô giáo tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ tại Aracoeli do dòng Phanxicô coi sóc, cạnh tòa thị chính Roma, Do Thái tại Đền thờ lớn tại Roma, Hồi giáo tại một sảnh đường trong Bảo tàng viện, gần Đài chiến sĩ vô danh cạnh tòa thị chính Roma; Phật giáo tại nhà thờ thánh Rita, trong khi các tín hữu đạo Sikh và Ấn giáo tại tu viện Phanxicô.

Cầu nguyện cho hòa bình

Đức Thánh cha đã đến Vương cung thánh đường Aracoeli lúc quá 4 giờ chiều để cùng với các vị lãnh đạo và tín hữu Kitô cầu nguyện. Hiện diện trong thánh đường nguy nga và to lớn, này có khoảng 150 người đều đeo khẩu trang, kể cả Đức Thánh cha, và giữ sự giãn cách. Trong số các vị hiện diện, có hơn 10 Hồng y và Giám mục, nhiều nữ tu và tín hữu.

Đức Thánh cha và khoảng 10 vị lãnh đạo Kitô ngồi trước bàn thờ. Mọi người đã lắng nghe bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia (Is 58,6-12) và Tin mừng theo thánh Marco (15,25-32), xen lẫn các bài thánh ca.

Một độc viên đã xướng lên 29 ý nguyện, đặc biệt là tên của hơn 20 quốc gia đang bị xung đột và chiến tranh hoành hành trên thế giới và mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại các nơi ấy, cho các tù nhân, những người bị bắt cóc, cho các chính phủ và mọi quốc gia. Mỗi ý nguyện được tượng trưng bằng một cây nến sáng cắm trước bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng tại buổi cầu nguyện, Đức Thánh cha đã quảng diễn câu “Hãy cứu mình đi!” (Mc 15-30), mà nhiều người qua đường nói với Chúa Giêsu đang bị treo trên thập giá, và ngài nhận xét rằng: “Đó là một cám dỗ quyết liệt, lừa đảo tất cả mọi người, cả các Kitô hữu chúng ta nữa. Đó là cám dỗ chỉ nghĩ đến việc cứu thoát bản thân hoặc phe nhóm của mình, chỉ nghĩ đến các vấn đề và tư lợi, chẳng quan tâm gì đến những gì khác… Cám dỗ đó dẫn tới sự tôn thờ cái tôi, thay vì Thiên Chúa. Thứ tôn thờ này gia tăng và nuôi dưỡng sự dửng dưng đối với người khác”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến sự việc các thủ lãnh tư tế và luật sĩ kết án Chúa Giêsu, vì họ coi Ngài là một nguy hiểm cho họ. Đức Thánh cha nhận xét: “Cả chúng ta cũng là những người chuyên treo những người khác trên thập giá, miễn là cứu thoát được bản thân. Trái lại, Chúa Giêsu để cho mình bị đóng đanh để dạy chúng ta đừng chất sự ác trên tha nhân.. Thật là dễ phê bình, nói ngược lại, nhìn thấy điều ác nơi người khác mà không thấy nơi mình, đến độ đổ lỗi trên những người yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề!”

Và Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Anh chị em thân mến, trên đồi Canvê, đã xảy ra cuộc song đấu lớn giữa Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta và con người muốn cứu thoát chính mình; cuộc song đấu giữa niềm tin nơi Thiên Chúa và sự tôn thờ cái tôi của mình; giữa con người cáo buộc và Thiên Chúa tha thứ. Và chiến thắng của Thiên Chúa đã tới. Từ thập giá đã trào dâng ơn tha thứ, đã tái sinh tình huynh đệ: “Thánh giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau” (Biển Đức 16, kết thúc đàng Thánh Giá 21-3-2008). Chúng ta hãy cầu xin Chúa chịu đóng đanh ơn được hiệp nhất và huynh đệ với nhau hơn. Và khi chúng ta bị cám dỗ chạy theo tiêu chuẩn trần thế, chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Công bố tuyên ngôn và kêu gọi hòa bình

Buổi cầu nguyện của các vị lãnh đạo và tín hữu Kitô kết thúc lúc 5 giờ và sau đó lúc 5 giờ 15, mọi người tụ tập tại khu vực trước tòa thị chính Roma. Trong số hơn 500 người hiện diện tại đây đặc biệt có tổng thống Sergio Mattarella và một số quan chức chính quyền Italia.

Sau lời chào mừng của giáo sư Andrea, người sáng lập cộng đồng thánh Egidio, tổng thống Italia đã chào mừng mọi người và nói lên ý nghĩa tinh thần Assisi được tiếp diễn tại Roma này. Ông cũng đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình.

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ này lần lượt có Đức Thượng phụ Bartolomaios, Rabbi trưởng cộng đoàn Do Thái Roma, ông Abdellatif thuộc Hồi giáo Ai Cập, Tổng thư ký Ủy ban cấp cao về Tình Huynh Đệ nhân loại, Thiền sư Minegishi của Phật giáo Thiền Nhật Bản “Tào Đổng Tông” (Soto Zen), tiến sĩ Dillon thuộc Ủy ban quốc gia của đạo Sikh.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Về phần Đức Thánh cha Phanxicô, lên tiếng trong dịp này, ngài nhìn nhận rằng các cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức, theo tinh thần cuộc gặp gỡ tại Assisi năm 1986 trong viễn tượng hòa bình, “đã có một hạt giống ngôn sứ, từng bước một, nhờ ơn Chúa, đã trưởng thành, với những cuộc gặp gỡ chưa từng có, các hoạt động bình định, các tư tưởng mới về tình huynh đệ. Thực vậy, nhìn lại những năm qua, rất tiếc chúng ta vẫn còn thấy những biến cố đau thương như xung đột, khủng bố hoặc trào lưu cực đoan, nhiều khi nhân danh tôn giáo, nhưng chúng ta phải nhìn nhận có những bước đường thành quả trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Đó là một dấu chỉ hy vọng khích lệ chúng ta cùng nhau hoạt động như anh chị em với nhau.

“Thực vậy, “giới răn hòa bình được ghi khắc trong thẳm sâu của các truyền thống tôn giáo (FT, 284). Các tín hữu đã hiểu rằng sự khác biệt tôn giáo không biện minh cho sự dửng dưng hoặc thù nghịch. Trái lại, từ niềm tin tôn giáo, ta có thể trở thành những người xây dựng hòa bình và không còn là những khán giả bất động, đứng trước sự ác của chiến tranh và oán ghét. Các tôn giáo phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Vì thế, cả cuộc gặp gỡ này cũng thúc đẩy các vị lãnh đạo tôn giáo và các tín hữu kiên trì cầu nguyện cho hòa bình, và không bao giờ cam chịu chiến tranh, trái lại hoạt động với sức mạnh dịu dàng của tín ngưỡng để chấm dứt các cuộc xung đột”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Trong khi đó, các cuộc xung đột tiếp diễn, kéo theo đau thương và chết chóc. Chấm dứt chiến tranh là nghĩa vụ không thể trì hoãn của tất cả các vị lãnh đạo chính trị trước mặt Thiên Chúa. Hòa bình là ưu tiên của mọi nền chính trị…”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng; “Chúng ta cùng nhau ở đây chiều tối hôm nay, như những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, để công bố một sứ điệp hòa bình. Sứ điệp này cho thấy rõ các tôn giáo không muốn chiến tranh, đúng hơn các tôn giáo bác bỏ những người thần thánh hóa bạo lực, và kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện cho hòa giải và hoạt động để tình huynh đệ mở ra những con đường hy vọng mới. Thực vậy, với ơn phù trợ của Thiên Chúa, có thể xây dựng một thế giới hòa bình và như thế, chúng ta được cùng nhau cứu thoát”.

Mọi người dành một phút thinh lặng để tưởng niệm các nạn nhân đại dịch và các cuộc chiến tranh. Sau cùng là phần công bố Lời Kêu gọi hòa bình 2020.

Lời kêu gọi hòa bình

Trong lời kêu gọi hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo, có đoạn khẳng định rằng:

“Ngày hôm nay, trong thời điểm mất phương hướng này, do hậu quả của đại dịch Covid-19, đe dọa hòa bình, gia tăng những chênh lệch và sợ hãi, chúng ta hãy mạnh mẽ nói rằng: không ai có thể tự cứu thoát một mình, không dân tộc nào, không một ai!

“Chiến tranh và hòa bình, đại dịch và sự săn sóc sức khỏe, đói khát và việc kiếm được lương thực, sự hâm nóng trái đất và sự phát triển lâu bền, những di chuyển của dân chúng, sự loại trừ nguy cơ hạt nhân và giảm bớt những chênh lệch không phải chỉ liên hệ tới các nước riêng rẽ. Ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn, trong một thế giới đầy những nối kết với nhau, nhưng nhiều khi bị lạc mất cảm thức về tình huynh đệ. Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau! Chúng ta hãy cầu khẩn Đấng Tối Cao, để sau thời kỳ thử thách này, chúng ta không còn là “những kẻ khác”, nhưng là một đại tập thể chung, đầy những khác biệt. Đây là thời kỳ tái mơ ước táo bạo, mơ rằng hòa bình là điều có thể, là điều cần thiết, và một thế giới không còn chiến tranh chẳng phải là điều ảo tưởng. Vì thế, một lần nữa chúng tôi muốn nói: “Không bao giờ chiến tranh nữa!”

Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng nhận định rằng:

“Đáng tiếc là nhiều người dường như lại coi chiến tranh như một con đường có thể giải quyết những tranh chấp quốc tế. Nhưng không phải vậy. Trước khi quá trễ, chúng tôi muốn nhắc nhớ tất cả mọi người rằng chiến tranh luôn để lại một thế giới tệ hơn trước. Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và của nhân loại”

“Chúng tôi kêu gọi các nhà cầm quyền hãy từ bỏ ngôn ngữ chia rẽ, sự chia rẽ này thường được hỗ trợ bằng những tâm tình sợ hãi và bất tín nhiệm, và xin đừng đi vào những con đường không hồi lại được. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn đến các nạn nhân. Có bao nhiêu cuộc xung đột, quá nhiều cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn.

“Với các vị lãnh đạo các quốc gia, chúng tôi nói: chúng ta hãy cùng nhau đạt tới công trình mới kiến tạo hòa bình. Chúng ta hãy hiệp sức phục vụ sự sống, sức khỏe, giáo dục, hòa bình. Đã đến lúc sử dụng những tài nguyên, vốn đang được dùng để chế tạo võ khí ngày càng có sức tàn phá, gieo chết chóc nhiều hơn, để chọn sự sống, chăm sóc nhân loại và căn nhà chung của chúng ta. Chúng ta đừng mất thời giờ! Chúng ta hãy bắt đầu từ những mục tiêu có thể đạt tới được: ngày hôm nay chúng ta đã hiệp sức để ngăn chặn sự lan tràn của virus để có một vắc-xin thích hợp và có thể dành cho mọi người. Đại dịch này đang nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là anh chị em ruột thịt với nhau.

“Với tất cả những người có tín ngưỡng, những người nam nữ thiện chí, chúng tôi nói: với tinh thần sáng tạo, chúng ta hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình, xây dựng tình thân hữu xã hội, chấp nhận nền văn hóa đối thoại. Đối thoại chân thành, kiên trì và can đảm chính là thuốc chữa trị bệnh bất tín nhiệm, chia rẽ và bạo lực. Đối thoại chữa trị tận căn những lý lẽ chiến tranh, chúng phá hủy dự phóng huynh đệ được ghi khắc trong ơn gọi của gia đình nhân loại.

“Không một ai có thể cảm thấy mình được kêu gọi ở ngoài cuộc. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều cần tha thứ và được tha thứ. Những bất công của thế giới và lịch sử được chữa lành, không phải bằng oán ghét và trả thù, nhưng bằng đối thoại và tha thứ.

Xin Thiên Chúa gợi lên những lý tưởng này cho tất cả chúng ta và hành trình chúng ta cùng nhau tiến bước, uốn nắn con tim mỗi người và làm cho chúng ta trở thành những sứ giả hòa bình.

Các trẻ em đón nhận bản Kêu gọi Hòa bình từ các vị Lãnh đạo tôn giáo và trao cho các vị đại sứ và đại diện các giới chính trị quốc gia và quốc tế. Sau cùng, Đức Thánh cha và các vị lãnh đạo tôn giáo đã thắp sáng cây nến hòa bình nhiều ngọn, trước khi ký vào Lời Kêu gọi Hòa Bình, ở Roma 2020 và trao dấu hiệu bình an cho nhau.

(Rei 20-10-2020)

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

Để lại một bình luận