Các anh hãy theo Ta…

 

Các anh hãy theo Ta…Như chúng ta được biết, Đức Giê-su khi còn tại thế, ngoài việc ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài còn thu nạp mười hai vị tông đồ lưu danh sử sách.

Bắt đầu tại Ga-li-lê, chuyện kể rằng: một ngày nọ, khi Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Phê-rô và ông An-rê. Họ là hai anh em, và là những ngư phủ .

Hình ảnh Phê-rô và An-rê với cơ bắp, với sức mạnh và sự cần cù “đang quăng chài xuống biển”, đã đập vào đôi mắt của Đức Giê-su.

Hôm đó, Đức Giê-su chính là vị khán giả đứng nhìn hai chàng ngư phủ Phê-rô và An-rê. Thế nhưng, vị khán giả Giê-su không chiêm ngưỡng hai chàng ngư phủ với đôi mắt của phàm nhân, mà là với nhãn giới của một Đấng Cứu Thế.

Vâng, với nhãn giới của Đấng “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ (Ngài), mà được cứu độ”, hôm ấy, nhìn sự cần mẫn của hai chàng ngư phủ trước công việc liên quan đến cuộc sống thuộc thể, Đức Giê-su liên tưởng đến công việc liên quan đến cuộc sống thuộc linh. Và, thế là một lời mời đầy chân tình đã được Ngài gửi đến hai ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x.Mt 4, 19)

Ơ hay! Đang là những người “lưới cá” này biến thành kẻ “lưới người”, thế này là thế nào! Các ông có hiểu được lời mời gọi này! Vâng, không thấy thánh sử Mát-thêu nói đến. Chỉ biết rằng: “Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

Chưa… chưa hết đâu! “Đi một quãng nữa, (Đức Giê-su) thấy hai anh em con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Hai người này không quăng chài, nhưng họ đã cùng người cha của mình “vá lưới ở trong thuyền”. Và, “Người gọi hai ông”. Không thấy thánh sử Mát-thêu nói Đức Giê-su gọi như thế nào, chỉ biết rằng: “Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

***

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

“Lưới người” có giàu hơn “lưới cá” không?  Không biết… có phần chắc các ông không biết. Ấy thế mà các ông Simon, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an đã “bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

Phải chăng, các ông  “mù quáng” khi đi theo Đức Giêsu? Thưa không, hãy nhớ rằng, trước khi là môn đệ của Đức Giêsu, các ông cũng đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, các ông đã được Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu. Hơn nữa, An-rê, một trong bốn người, đã đến xem chỗ Đức Giêsu ở và đã ở lại với Người. (x.Ga 1, 35-38)

Chính vì thế, hôm đó, khi Đức Giêsu gọi, không có gì phải ngỡ ngàng, các ông sẵn sàng đáp lời mời gọi, sẵn sàng bỏ hết mọi sự đi theo Đức Giêsu. Đó là một hành động có suy xét, không thể xem là “mù quáng” mà phải nói rằng, các ông sẵn sàng cho một tương lai, tương lai mình sẽ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”.

Thưa bạn, bạn có điều gì để bình luận về bốn vị ngư phủ nêu trên? Nên chăng, lời bình luận của chúng ta với với bốn vị tông đồ này là: các ông quả là những tấm gương mạnh mẽ về việc: “Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài”!

Thì đấy! các ông đã thật sự bỏ hết mọi sự và đi theo Đức Giê-su. Các ông đã trở thành “những kẻ lưới người”. Mẻ “lưới người”đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, đã được các ông “cất” gọn trong ngày lễ Ngũ Tuần, mẻ lưới đó được ghi nhận là “ba ngàn người”.

****

Chúng ta vừa mới nghe câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Và, hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta. Khi chúng ta chịu phép Rửa, Lm. Charles E. Miller chia sẻ: “đó chính là lúc Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ sự, gọi đích danh ta.”

Chúng ta cũng sẽ như các môn đệ xưa, “bỏ hết mọi sự” và đi theo Ngài? Khó quá chăng! Bỏ hết mọi sự như bốn vị tông đố này khó quá chăng!

Đừng quá sợ hãi mà nghĩ rằng, “bỏ hết mọi sự” đồng nghĩa với việc ta phải bỏ sự nghiệp, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa, như các ông Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện, năm xưa.

Chúa không quá nghiệt ngã với chúng ta như thế. Vấn đề là chúng ta cần hiểu thế nào là “bỏ hết mọi sự”.

“Bỏ hết mọi sự”… vâng, đó là chúng ta dám sống một cuộc sống hy sinh, ngay cả bản thân của mình, cho chân lý mà chúng ta tin theo.

“Bỏ hết mọi sự”, đó là chúng ta dám sống một đời sống phục vụ, cho một lý tưởng, mà chúng ta đã chọn lựa.

“Bỏ hết mọi sự”, chính là bỏ “cái tôi” của mình, cái tôi của ích kỷ, của nóng giận, của bất hòa, của ghen tuông, của ganh tỵ, của tranh chấp, của bè phái v.v…

“Bỏ hết mọi sự”… mọi sự ở đây là “mọi sự của thế gian” một thế gian đầy gian dối, một thế gian đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa hỗn độn đại loại là: văn hóa phá thai, văn hóa hôn nhân đồng tính,  giá trị con người chỉ được công nhận qua tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v…

Bỏ hết mọi sự là bỏ những thứ hỗn độn nêu trên, những thứ hỗn độn dẫn con người đến “thung lũng âm u của sự nghi ngờ và chết chóc”.

Cuối cùng, “Bỏ hết mọi sự” trong một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là cách ta cất lên tiếng nói, một tiếng nói quyết định, quyết định cho sự lựa chọn của mình.

Cho nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình, rằng: bao năm qua, tôi đã tin Chúa, nhưng tôi có thật sự “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”!…

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đứng quên, một ngày nọ khi tông đồ Phê-rô hỏi Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ hết mọi sự và theo Thầy!…”.

Phê-rô mới nói thế thôi, Đức Giê-su trả lời sao nhỉ! Thưa, Ngài phán rằng: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (x.Mc 10, 28-30).

*****

Vâng, trong niềm tin, chúng ta tin rằng, Chúa vẫn luôn gọi đích danh chúng ta. Ngài không chỉ gọi ta qua phép Rửa mà còn gọi chúng ta nơi bàn tiệc Thánh Thể.  Qua vị linh mục chủ sự, Đức Giê-su chúc phúc: “Phúc cho những ai đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Điều này thật rất cần thiết, cần thiết là bởi, nhờ tham dự bữa tiệc Thánh này, chúng ta mới được cấp một tấm thiệp mời, mời vào dự “Bữa Tiệc Chiên Con” trên Thiên Quốc.

Cũng đừng quên rằng, vào ngày sau hết, ngày Đức Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang. Ngày mà mọi đầu gối trên mặt đất này sẽ phải quỳ, mọi môi miệng sẽ phải thốt lên rằng: Ngài là Đấng Ki-tô. Vào ngày vinh quang đó, Chúa Giê-su sẽ gọi đích danh ta… từng tên… từng tên một.

Lúc đó, Ngài không cần chúng ta trả lời. Ngài không nghe câu trả lời của chúng ta.Thưa bạn, bạn có sợ lúc đó Đức Giê-su gọi bạn và nói rằng: này B “đứng bên trái”, này C “ta không biết ngươi”? Bạn có biết rằng, những người “đứng bên trái” chính là những người bị “nguyền rủa”, phải gánh chịu “lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”? (x.Mt 25, 41)

Hay bạn mong rằng, Đức Giê-su sẽ gọi đích danh mình, rằng: này con, sang bên phải mà đứng, là bên được Chúa “chúc phúc” và được “thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho (ta) ngay từ thuở tạo thiên lập địa”?

Đã là một Ki-tô hữu, có phần chắc tôi và bạn, chúng ta không ai muốn “đứng bên trái”. Muốn đứng-bên-phải ư! Dễ thôi! Ngay hôm nay, chúng ta hãy cất tiếng đáp lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”.

Vâng, ý mà Đức Giê-su muốn chúng ta thực hiện, đó là “Các anh hãy theo Ta”

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận