Thánh Giêrônimô có nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Đúng vậy, là một Ki-tô hữu, chúng ta phải biết Kinh Thánh. Biết Kinh Thánh (Cựu Ước), chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người đã tạo dựng vũ trụ, muôn loài, muôn vật và con người.
Biết Kinh Thánh (Tân Ước), chúng ta biết được sự sinh ra của Đức Giê-su. Chúng ta biết được Ngài đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân loại.
Phải biết Kinh Thánh, vì Kinh Thánh chính là Lời Thiên Chúa. Vâng, rất cần biết Lời Chúa, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”. Qua đó, Kinh Thánh giúp chúng ta nhận biết đâu là lẽ thật Thiên Chúa truyền dạy và đâu là sự dối trá, lừa bịp của Satan, của ác thần.
Thật vậy, câu chuyện “Đức Giê-su chịu cám dỗ”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, cho chúng ta thấy sức mạnh của Kinh Thánh: đó là sự chiến thắng Satan, ác thần.
Câu chuyện được ghi lại rằng: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-dan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (x.Lc 4, 2) Trong những ngày đó, Đức Giê-su “không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói”.
Như chúng ta được biết, với bản tính con người, có thể nói rằng, khi trong tình trạng đói khát, đó chính là lúc yếu đuối nhất, dễ nghe lời cám dỗ nhất. Thế nên, hôm ấy, khi biết Đức Giê-su “thấy đói”, Satan đã không bỏ lỡ cơ hội. Một mê hồn trận đầy tinh xảo đã được y sử dụng nhằm cám dỗ Ngài. Và đây, sử dụng chiêu “khích tướng”, Satan nói với Đức Giê-su: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”
Quá hay! Một lời chiêu dụ quá hợp lý. Hợp lý là bởi, đói thì phải tìm cái ăn. Đang ở trong sa mạc kiếm đâu ra thức ăn! Chi bằng dùng “quyền phép” làm ra thức ăn, quá tiện đi chứ! Truyền cho hòn đá này hóa bánh ư! Quá dễ. Chẳng những Đức Giê-su không chỉ “cho hòn đá này hóa bánh” mà Ngài còn có thể “cho những hòn đá này trở nên con cháu Apraham”.
Đúng vậy, không phải Đức Giêsu non-tay-ấn không thể dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh”. Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.
Về lời chiêu dụ này, Lm. Charles E. Miller, trong một bài giảng, đã chia sẻ, rằng: “Trong sa mạc, có thể nói Chúa Giê-su vứt bỏ hành lý của Người: đó là những chước cám dỗ mà Người luôn phải chống chọi khi mang lấy thân phận con người. Trước hết, Người vất bỏ thói ‘ích kỷ’. Quỷ xúi giục Đức Giê-su dùng ‘quyền năng’ Thiên Chúa phục vụ cho tiện ích cá nhân, bằng cách hóa đá ra thành bánh để ăn. Song Đức Giê-su kiên nhẫn đợi đến ngày Người sẽ biến tấm bánh nên Mình Thánh và chén rượu nên Máu Thánh Người, để tưởng niệm cách sống động hy tế của Người trên thập giá vì lợi ích của chúng ta”.
Hôm đó, sử dụng một lời Kinh Thánh, Đức Giêsu lớn tiếng nói với Sa-tan rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.
Với lời chiêu dụ thứ hai. Hôm đó, Sa-tan đã “đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý”.
“Quyền hành ấy đã được trao cho tôi”… Ơ hay! Ai trao… trao hồi nào! Ôi! đúng như người xưa có nói “của người phúc ta”… “lấy xôi làng đãi ăn mày”. Và hôm ấy, điều này đã được Satan đem ra áp dụng. Sa-tan, sau lời “chào hàng” đầy quyến rũ, y nói với Đức Giê-su: “Vậy, nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”.
Không… không hoa mắt trước “vinh hoa lợi lộc”, Đức Giê-su (lại sử dụng một câu Kinh Thánh), trả lời Satan, rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Lời chiêu dụ thứ ba, rất quỷ quyệt, trước tiên, Satan làm “lóa” mắt Đức Giê-su, từ hoang địa, chỉ một chớp mắt, Satan đã “đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đến Thờ”.
Và rồi, như ông bầu của một gánh xiếc, sa tan gợi ý Đức Giêsu biểu diễn một màn “nhào lộn trên không”. Hôm ấy, y nói với Đức Giê-su rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”. Có thể nói, lời chiêu dụ này nặng ký nhất, nặng ký là bởi đây là lần thứ hai Satan đánh trúng huyệt của Đức Giêsu, “Nếu ông là Con Thiên Chúa”…
Là Con Thiên Chúa thì sao đây? Phải chăng, là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa phải đáp ứng đúng nhu cầu con đòi hỏi! Hỗn… như thế là hỗn! Phải chăng, là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa phải cho “thiên sứ đến” để “tay đỡ tay nâng”! Lại càng bậy nữa…
Hôm ấy, rất nhẹ nhàng, Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Vâng, ba lời chiêu dụ không đem lại hiệu quả trước một Giê-su “tràn đầy Thánh Thần”, trước một Giê-su thấm nhuần Kinh Thánh (Lời Thiên Chúa).
Vết chàm từ chối Thiên Chúa làm chủ đời mình của nguyên tổ Adam và Eva không dễ gì xảy ra nơi Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”.
Con là Con của Cha có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Satan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn thuộc loại “mãi võ sơn đông”.
Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời ‘khích tướng” của Satan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.
Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là sự thật và là sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn” có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!
Vâng, qua câu chuyện này, chúng ta đã nhận được từ Đức Giê-su một bài giáo huấn sâu sắc rằng, Kinh Thánh (Lời Chúa) chính sức mạnh, để con người có được “sự chiến thắng”, chiến thắng trước những dối trá, lừa bịp của Satan, và con cái của chúng.
Cuối câu chuyện, thánh Luca có ghi một chi tiết: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (x.Lc 4, 13).
Vâng, Satan có quay trở lại. Tại vườn Cây Dầu, khi Đức Giê-su “bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến”, cũng như tại đồi Golgotha, khi Ngài cất tiếng nói “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con”, tuy Kinh Thánh không nói tới, nhưng chúng ta có thể tin Satan đã lởn vởn ở đó, chờ đợi thời cơ để cám dỗ Đức Giê-su từ bỏ sứ mạng, sứ mạng “Con Người cũng sẽ phải được gương cao… để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Tuy nhiên, nó lại thất bại. Vì sao? Thưa, bởi vì Đức Giê-su, trước sau như một, Ngài vẫn một lòng “Xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Ngài vẫn luôn cất tiếng nguyện cầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 37-39)
Hôm nay, Satan vẫn tiếp tục lởn vởn quanh cuộc đời chúng ta. Satan vẫn tiếp tục chiêu dụ chúng ta qua “miếng ăn”, qua “quyền lực”, qua sự “vinh hoa phú quý”.
Chỉ mỗi “cái ăn”, Satan đã có rất nhiều cách chiêu dụ chúng ta. Satan làm đủ mọi chiêu thức dụ dỗ chúng ta: “ăn gian nói dối, ăn tục nói phét, ăn trên ngồi trốc, ăn cắp của công, ăn hối lộ, ăn chặn, ăn quỵt, ăn chơi trác táng. Nguy hiểm nhất, và cũng không ít người rơi vào lời chiêu dụ này, đó là: “ông ăn chả, bà ăn nem”.
Vì miếng ăn, đã có muôn vàn bất công trong những hãng xưởng, và ngay cả những nơi gọi là “làm giáo dục”, đó là: nói hành nói xấu nhau để lấy điểm với cấp trên. Vì miếng ăn (lợi nhuận), đã không thiếu những ông bà chủ “tư bản mới”, đày đọa nhân viên mình.
Vâng, tất cả tội lỗi hầu hết đều do “cái ăn”. Satan, (từ thời tạo thiên lập địa, cho đến ngày nay), đều chiêu dụ con người qua miếng ăn. Câu chuyện Adam và Eva “rớt đài” cũng chỉ vì miếng ăn, hẳn chúng ta còn nhớ.
Và, đó là lý do cứ hễ vào đầu Mùa Chay (thứ tư lễ tro), Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta “ăn chay, cầu nguyện, bố thí”. Vâng, hôm nay, chúng ta đã vào Mùa Chay. Chúng ta đã lập ra một chương trình cho việc thực thi lời mời gọi (nêu trên) của Giáo Hội?
Có một điều rất nghịch lý, đó là, cứ vào ngày “ăn chay kiêng thịt”, không ít người lại quên “kiêng”. Tại sao vậy? Ăn chay kiêng thịt khó lắm sao?
Nếu khó, hãy nghe lời khuyên của Kinh Thánh, khuyên rằng: nhờ ăn chay, ăn chừng mực, chúng ta “…Sẽ ngủ thoải mái, thức dậy sớm, tâm hồn được thảnh thơi, kẻ ăn uống quá độ thì mất ngủ đã đành, mà còn bị thượng thổ hạ tả”(x.Hc 31, 20). Thế nên, chúng ta đừng ngại: “Kiêng bớt chớ mê ăn uống”.
Về cầu nguyện. Vâng, đừng nghĩ rằng chỉ chuyên cần “đọc kinh” hằng ngày, là đủ. Còn… còn phải tham dự thánh lễ. Bởi vì, tham dự thánh lễ, chúng ta được “bồi dưỡng” bởi chính Thánh Thể (Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô), chúng ta được “no đủ” bằng chính Thánh Kinh (phần phụng vụ Lời Chúa). Nhờ đó, chẳng có lời chiêu dụ nào của Satan có thể dụ dỗ chúng ta, được cả.
Về bố thí, đó là việc nên làm, vì thánh Phao-lô đã có lời khuyên dạy: “Cho thì có phúc hơn nhận”. Hơn nữa, qua việc bố thí (cho người nghèo, người cơ nhỡ, trẻ mồ côi) chúng ta có được tấm chiếu khán để vào Nước Trời, như lời ĐTC Phanxicô giảng trong thánh lễ Ngày quốc tế cho người nghèo, rằng: “Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta…. Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mứu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất”.
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su chịu cám dỗ”. Vâng, hôm đó, Ngài đã chiến thắng những lời chiêu dụ của Satan bằng ba câu Kinh Thánh.
Thưa quý bạn, bạn có nhớ ba câu Chúa Giê-su đã trích dẫn không? Nếu chưa, hãy đọc lại một lần nữa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” – “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” – “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Nếu bạn đã nhớ, vâng, thánh Phaolô có lời khuyên rằng, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Tại sao? Thưa, bởi nhờ đó, chúng ta không bao giờ rơi vào thảm họa “đói khát được nghe lời ĐỨC CHÚA”.
Như lời Đức Giê-su đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”, thế nên, chúng ta đừng bao giờ để mình “Đói Lời Thiên Chúa”.
Vâng, đừng để mình “Đói Lời Thiên Chúa”.
Petrus.tran