Trong buổi tiếp kiến sáng 25-2-2019, dành cho 300 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, ĐTC luôn đặt trí thông minh nhân tạo phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung.
Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống nhóm tại Vatican trong hai ngày 25 và 26-2-2019 về chủ đề: ”Luân lý đạo đức người máy (Robot). Con người, máy móc và sức khỏe”.
Con người có thể bị lu mờ
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng ”một đàng sự phát triển kỹ thuật giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề không thể vượt qua được cho đến ít năm gần đây và chúng ta biết ơn các nhà nghiên cứu đã đạt được những kết quả ấy; nhưng đàng khác, lại nảy sinh những khó khăn và đe dọa nhiều khi nguy hiểm hơn những đe dọa trước kia. Khả năng làm được có nguy cơ làm lu mờ người làm và vấn đề làm cho ai”. Trong chiều hướng đó, ĐTC cảnh giác rằng ”máy móc không phải chỉ giới hạn vào việc tự lái, nhưng rốt cuộc nó lái người”.
Con người có nguy cơ phục vụ cho máy móc
”Sự biến chuyển ngày nay của khả năng kỹ thuật tạo nên một sự mê hoặc nguy hiểm: thay vì giao cho cuộc sống con người những dụng cụ cải tiến sự chăm sóc con người, thì người ta lại gặp nguy cơ giao nạp sự sống cho lý lẽ của các máy móc quyết định về giá trị của sự sống”.
Và ĐTC tái nhắc nhở rằng: ”Trí khôn nhân tạo, kỹ thuật người máy, và những canh tân khác về kỹ thuật phải được sử dụng để góp phần vào việc phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thay vì ngược lại, như một số thẩm định đã báo trước”.
Máy móc không thể thay cho tương quan giữa con người với nhau
Tuyên bố với giới báo ”Corriere della sera” số ra ngày 25-2-2019, Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, cũng khẳng định rằng ”Không có máy móc nào có thể thay thế cho các quan hệ giữa con người với nhau, như giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngày nay chúng ta cần một khế ước mới giữa con người và kỹ thuật” (Rei 25-2-2019)
G. Trần Đức Anh OP – Vatican