Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình

 

 

Hãy về nhà và yêu thương gia đình mìnhBạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Vâng, Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã có lời khuyên rằng: “Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình”.

“Gia Đình”… trong  cái nhìn toàn diện, gia đình chính là nền tảng của xã hội và cũng là của Giáo Hội. Và, đi vào thực tế  của mỗi người, gia đình luôn là điểm tựa cho chính mình. Trong  suốt cuộc đời này,  chẳng bao giờ có bất kỳ ai sẽ quan tâm tới mình, hơn những người thân yêu trong gia đình.

Gia đình quan trọng là vậy. Thế nhưng, đáng buồn thay! Ngày nay, không ít người đã không còn quan tâm đến hai chữ gia đình. Người ta đã không còn coi gia đình như là một tổ ấm.

Người ta đổ lỗi do những biến động xã hội trên thế giới, hoặc do những chủ thuyết lệch lạc gây ra. Để rồi, khi nói tới gia đình,  người ta đã nghi ngờ và tự hỏi: gia đình “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac)

Vâng, đổ lỗi thì rất dễ. Nhưng, nếu chỉ dựa vào những sự kiện đó (nêu trên) và cho rằng nó là tác nhân chính gây ra những cuộc khủng hoảng, những sự đổ vỡ trong gia đình thì e rằng chưa đúng lắm.

Sự đổ vỡ hay khủng hoảng trong gia đình, nguyên nhân chính đó là: sự thiếu vắng Thiên Chúa, không tuân giữ lề luật Chúa, (nặng hơn) đó là sự chối bỏ Thiên Chúa.

Kinh Thánh đã ghi lại nhiều bài học cay đắng khi một gia đình nào đó từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng đã ghi lại nhiều trường hợp gia đình đổ vỡ chỉ vì gia đình đó không tuân giữ lề luật Thiên Chúa. Gia đình nguyên tổ Adam và Eva như một ví dụ điển hình.

Thiên Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện. Gia đình đầu tiên đó gồm có Adam và Eva. Người đã đặt gia đình Adam-Eva vào một nơi gọi là vườn Eden.

Tại đây, Thiên Chúa đã ban cho họ quyền làm bá chủ “cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Chỉ một điều duy nhất, đó là: “trái của cây cho biết điều thiện  điều ác, thì… không được ăn” (Stk 2, 16)

Nhưng than ôi! Gia đình Adam và Eva đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, hai ông bà nghe lời dụ dỗ của satan và đã ăn. Để rồi, từ khi phạm tội bất tuân, sự khủng hoảng bắt đầu xảy ra trong gia đình nguyên tổ.

Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, hai ông bà “trốn… để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”. Không giáp mặt Thiên Chúa, kể như gia đình họ không còn sự hiện diện của Thiên Chúa.

Không còn sự hiện diện của Thiên Chúa, gia đình Adam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của mình. Mất đi sự gắn bó, gia đình Adam-Eva mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, gia đình Adam-Eva trở thành “bãi chiến trường”.  Tại bãi chiến trường đó, hai người con là Cain và Abel trở thành thù nghịch. Kết quả người anh Cain giết em mình là Abel.

Phải  “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”, thì gia đình đó mới có sự bình an và hạnh phúc. Tấm gương gia đình Nazareth, một gia đình đã được Kinh Thánh ghi lại: người cha là Giu-se, người mẹ là Maria và người con là Giê-su đã minh chứng rõ nét cho lời nhận định nêu trên. Vâng, đó là một Gia-Thất-Thánh.

Gia Thất này không “thánh” bởi những “vầng hào quang” mà các vị họa sĩ, khi vẽ, thường tô điểm trên khuôn mặt các Ngài. Gia Thất này không “thánh” do những lời đồn đãi bởi những “ngụy thư” mang tính chất “huyền thoại”.

Gia thất này được gọi là “gia thất thánh” do bởi, đây là một gia thất mà mọi người trong gia đình đều “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”.

Thật vậy, chúng ta hãy trở về làng Nazareth cổ kính năm xưa mà xem, có gia đình nào “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”, như gia đình Giuse-Maria-Giêsu!

Vâng, gia đình họ đã  “tuân giữ lề luật Người” một cách tuyệt đối. Dù đã được thiên sứ Chúa cho biết con mình “… nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, nhưng không vì thế mà ông bà Giuse-Maria lại có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Trái lại, các Ngài vẫn trung thành với lề luật do “Đấng Tối Cao” ban hành, qua Mosê, công bố.

Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng “mọi đàn ông con trai… sẽ phải chịu cắt bì”, thế là Hài Nhi Giêsu khi đủ tám ngày, đã “làm lễ cắt bì” (Lc 2, 21).

Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, thế là ông bà Giuse-Maria đã giữ đúng luật “đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa”

Thế nhưng, chính hôm cả gia đình Giuse-Maria-Giêsu “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” người ta mới có thể thấy, đây thật sự là một gia đình “Có Chúa”.

Câu chuyện đã được ghi lại, rằng: “(Năm đó), khi Đức Giê-su được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”.  Và, sau khi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về”. Riêng Đức Giê-su, Ngài đã “ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (x.Lc 2, 43).

Ôi! Phải chăng cha mẹ Đức Giêsu vô tâm, thiếu trách nhiệm với người con của mình? Thưa, không phải thế.

Chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích.

Vì thế, chuyện các ngài “cứ tưởng là (Đức Giê-su) về chung với đoàn lữ hành” là điều không có gì đáng trách.

Vâng, có gì phải đáng trách khi các ngài đâu có quên trách nhiệm của mình với người con! Đây, chúng ta hãy nhìn xem, “sau một ngày đường (ông bà) mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc… (và khi) không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2, 45).

Sau ba ngày tìm kiếm, thật không tin được khi thánh Giu-se và Đức Maria thấy con mình “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”. Đúng, đúng là khó tin được, khó tin nhưng vẫn là sự thật, sự thật là “Ai nghe (Đức Giê-su) nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của (Ngài)”.

Hôm ấy, trong một vài phút “sửng sốt”, Đức Maria nói với con mình: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Và, Đức Giê-su trả lời rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Qua câu trả lời của Đức Giê-su, thánh sử Luca cho biết: “Ông bà không hiểu lời Người nói”.

Đúng… đúng là Đức Maria và thánh Giu-se đã “không hiểu lời Người vừa nói”, nhưng, liệu điều đó có tác động xấu đến mối liên hệ gia đình giữa các ngài và Đức Giê-su?

Thưa không, Đức Maria và Thánh Giuse tuy không hiểu, nhưng các Ngài vẫn đặt niềm tin vào lời “Con Đấng Tối Cao”. Bởi nếu không tin, làm sao khi trở về Nazareth, Đức Maria vẫn “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, …51).

Còn Đức Giê-su ư! Thưa, thánh sử Luca ghi lại rằng, Đức Giêsu đã “cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài”. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”…

Vâng, một gia đình như thế, quả là một gia-thất-thánh, một gia đình mọi người đều “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”. Là một Kitô hữu, một người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta đã nhìn, đã lấy gia đình Giuse-Maria-Giêsu như là mẫu mực cho cuộc sống gia đình của chúng ta?

Hay chúng ta cho rằng, mô hình “gia đình Giuse-Maria-Giêsu” thật khó thích hợp trong một  xã hội đang cổ xúy cho một nền văn hóa sự chết, cổ xúy phá thai, cổ xúy bạo lực, mạnh vì gạo bạo vì tiền, mà chúng ta đang sống?

Là một Ki-tô hữu, một  người tin vào Đức Giê-su, gia đình chúng ta có sống một cuộc sống luôn “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”? Hay chúng ta cho rằng một gia đình sống “có Chúa và tuân giữ lề luật Người” sẽ mang lại nhiều rắc rối, rắc rối vì không được dối trá, dù rằng cả một số đông người trong xã hội đang dối trá chúng ta?

Hay chúng ta cho rằng một gia đình sống “có Chúa và tuân giữ lề luật Người” sẽ mang lại nhiều trở ngại, trở ngại vì không được năm thê bảy thiếp, trở ngại vì không được làm giàu… làm giàu bất chính, như người ta?

Ngày 25/12/2018 vừa qua, chúng ta có một đại lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh. Chúa Giáng Sinh, nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, thì, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Qua một gia đình, Đức Giê-su đã cư ngụ giữa chúng ta. Tại sao lại phải qua một gia đình? Thưa, là bởi, Thiên Chúa muốn phục hồi giá trị của gia đình bằng một gia đình mới, gia đình thánh, gồm có: Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh Tử Giêsu.

Chúng ta vui mừng về điều này? Và, chúng ta đón nhận? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Kinh Thánh dạy rằng: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (x.Ga 1, 12)

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong một bài giảng về gia đình Nazareth, ngài đã chia sẻ rằng: “Có một niềm vui lớn lao của gia đình, đó là sự lớn mạnh trưởng thành của các con: tất cả chúng ta đều biết điều ấy. Hài Nhi Giêsu lớn lên, thêm vững mạnh, thêm khôn ngoan, được ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa.

Những điều ấy diễn ra cho những người con, cho Hài Nhi Giêsu. Chúa Giêsu thực sự là một con người giữa loài người chúng ta. Con Thiên Chúa trở thành một trẻ thơ, để từng ngày lớn lên, để thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, để ơn phúc Thiên Chúa đổ xuống trên Người. Mẹ Maria và Thánh Giuse rất vui khi nhìn thấy tất cả những điều ấy đến với người con Giêsu.

Và đó cũng là nhiệm vụ của một gia đình, nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đầy đủ và hài hòa của trẻ thơ, để trẻ thơ có thể có một cuộc sống tốt đẹp như Thiên Chúa muốn và để xây dựng thế giới.” (nguồn: đài Vatican)

“Có một cuộc sống tốt đẹp như Thiên Chúa muốn và để xây dựng thế giới”… Làm sao đây? Thưa, hãy làm cho gia đình mình là một gia đình “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”. Một cách cụ thể, “Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình” (Mẹ Tê-rê-sa)

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận