Trong cuộc sống, sự lựa chọn có lẽ là một công việc mà ai trong chúng ta cũng phải hơn một lần trải qua. Mà, thật vậy, chỉ là một ngày với hai mươi bốn tiếng đồng hồ, đã có biết bao điều ta phải lựa chọn: Sáng nay, ta sẽ điểm tâm món gì? Trưa nay ta sẽ ăn gì? Ta sẽ mặc gì cho buổi đi làm hôm nay? Ngày cuối tuần, ta sẽ đi chơi ở đâu v.v…
Chưa hết, với những chuyện cho tương lai, có biết bao điều ta cũng phân vân lựa chọn. Chọn trường học, chọn môn học, chọn việc làm, chọn chỗ ở, chọn ý trung nhân v.v…
Về mặt “thuộc thể” là vậy. Có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không chọn lựa điều tốt nhất cho cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, là một con người, lại là một người Ki-tô hữu, chúng ta còn một cuộc sống khác, đó là cuộc sống tâm linh. Thế nên về phần “thuộc linh”, ta sẽ làm gì cho phần tâm linh của mình, hôm nay? Giữa một chân lý đem đến sự sống đời đời với những thú vui trần gian chóng qua, ta sẽ lựa chọn bên nào?
Theo Chúa, chúng ta phải lựa chọn. Hoặc bỏ hết mọi sự và theo, hoặc không. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã lớn tiếng kêu gọi ngay chính những người môn đệ của mình phải có một lập trường (chọn lựa) rõ rệt khi theo Ngài, nhất là khi mặc khải về Ngài.
Bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống” được Đức Giê-su công bố tại Ca-pha-na-um như một điển hình cho lời kêu gọi của Ngài.
Vâng, câu chuyện đã được kể lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đến Ca-phác-na-um. Tại đây, Ngài đã có một bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống”. Trước đám đông cử tọa, Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Đối với chúng ta hôm nay, lời tuyên bố này, không có gì phải tranh cãi. Nhưng, với người Do Thái thời đó, họ đã tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.
Bất chấp những lời tranh luận, Đức Giê-su tiếp tục quả quyết, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55)
Có thể nói, lời tuyên bố này đã làm cho tất cả cử tọa hôm đó, rất khó khăn trong việc đưa ra một sự lựa chọn. Chấp nhận hay không chấp nhận. Tin hay không tin…
Tại sao vậy? Thưa, là bởi, đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lêvi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).
Chính vì thế, nhiều người môn đệ của Đức Giê-su đã lên tiếng đả kích, rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”.
Thế nhưng, dù bị phản đối, Đức Giêsu vẫn không đính chính hay giải thích rằng thì-là-mà lời Ta nói phải hiểu như thế này, như thế nọ v.v… và v.v… Ngược lại, Ngài khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và sự sống.” (Ga 6, 63).
Là Thần Khí và sự sống, thế nên, hôm ấy, dù có “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người”, Đức Giê-su vẫn để mặc họ tự do lựa chọn.
Riêng, với nhóm Mười Hai, là những người đã được chính Đức Giê-su tuyển chọn, hôm ấy Ngài đã gửi đến các ông một câu hỏi, một câu hỏi để xác quyết niềm tin của các ông, trước mặc khải về chính Ngài.
Đức Giê-su đã hỏi các ông rằng: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”
Trước câu hỏi của Thầy mình, người môn đệ tên là Phê-rô, đã cất tiếng trả lời, rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nhận định cho lời tuyên xưng của Phê-rô, Lm Charles E. Miller viết: “Không ai áp đặt lời tuyên xưng đức tin này lên miệng Phê-rô. Ông đã lãnh nhận một ơn (đặc biệt), và tự nguyện đáp lại. Ông đã quyết định liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô đến độ luôn một lòng một trí với Người, tuy về sau có đôi lúc nhất thời vấp ngã.”
Nói tắt một lời, tông đồ Phê-rô đã có một lựa chọn cho mình. Ông ta, đã tin vào lời Đức Giê-su tuyên phán.
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Phải chăng, hôm nay, câu hỏi quan trọng này cũng là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta? Thưa, đúng vậy.
Hôm nay, Đức Giê-su vẫn gửi đến chúng ta những lời mời gọi, những lời mời gọi, để thẩm định lại đức tin của chúng ta.
Hôm nay, qua Kinh Thánh, Ngài tiếp tục mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Và rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta sẽ “rút lui”, rút lui vì lời này nghe chói tai quá? Chúng ta sẽ rút lui, rút lui bởi những tiếng mời gọi đầy quyến rũ của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực, nghe “êm tai” hơn?
Câu trả lời, tất nhiên, là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, Kinh Thánh có lời dạy rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì”. Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta phải đưa ra một quyết định. Chúng ta phải có một lựa chọn.
Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: dựa vào các bí tích đã lãnh nhận, “các gia đình Kitô hữu có một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân có giá trị như một lời tiên tri đích thực và can đảm trong xã hội hôm nay” (Học thuyết Xã Hội Công Giáo số 231)
Qua lời nhắc nhở của Giáo Hội (nêu trên), hôm nay, khi chúng ta tuyên xưng không “bỏ Thầy – bỏ Chúa” không nhất thiết phải dựa vào lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô đã tuyên xưng khi xưa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”, nhưng lời tuyên xưng rõ ràng nhất, đó là hãy trở thành “chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống”.
Vâng, phải sống, sống một đời sống “chứng nhân”, chứng nhân cho một một nền văn hóa sự sống, một nền văn-hóa-sống: “Không giết người. Không làm sự dâm dục. Không lấy của người. Không làm chứng dối. Không muốn vợ chồng người. Không tham của người”.
Tiếp đến, đó là “làm người loan báo Tin Mừng sự sống”. Loan báo Tin Mừng sự sống không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm. Nói rõ hơn, đó chính là “cách sống” của mình, của một người Ki-tô hữu: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi”.
Để “Đức Ki-tô sống trong tôi”!… Vâng, rất giản dị. Hãy đến Bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta sẽ được Đức Giê-su sống trong ta, qua việc “Ăn Bánh Hằng Sống”, một thứ bánh mà Ngài đã phán hứa: “Ai ăn… thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x.Ga 6, …56)
Đức Giê-su đã tuyên phán như thế. Vấn đề của chúng ta, hôm nay, đó là, hãy thắp lên ngọn lửa đức tin trong tâm hồn mình, và đừng quên xin Chúa giữ cho ngọn lửa đó luôn bừng cháy, để chúng ta, nhờ đó, có được một đời sống trung kiên trước lời phán dạy của Thầy Chí Thánh Giê-su.
Giờ đây, chúng ta hãy dành một phút, một phút để nghe lại lời tông đồ Phêrô đã nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
“Chúng con biết đến với ai”… phải chăng “chúng con” cũng có “chúng ta”, hôm nay? Nếu có “chúng ta”! Nếu có, thưa bạn, bạn và tôi đã có một sự lựa chọn sáng suốt cho cả cuộc đời mình.
Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, chúng ta hãy nhìn lên thánh giá Chúa Ki-tô, thánh giá ban ơn cứu độ, mượn lời thánh Phê-rô làm thành lời cầu nguyện của chúng ta, cất lên nguyện với Ngài rằng: Lạy Chúa, phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x.Ga 6, 69).
Vâng, ngay hôm nay, hãy lấy lời thánh Phê-rô, làm thành lời nguyện của chúng ta: Lạy Chúa, “phần chúng con, chúng con đã tin…”
Petrus.tran