Chính Chúa Thánh Thần…

 

Chính Chúa Thánh Thần…Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Có ba mầu nhiệm chính trong đạo: Một là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Hai là mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm Người. Ba là mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.

Thật ra, niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh còn dẫn chúng ta đến với những “Mầu Nhiệm” khác nữa, đó là: Mầu Nhiệm Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô và rất đặc biệt “Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa”.

Nói về “Nước Thiên Chúa”, đây chính là “đỉnh điểm” của những thông điệp mà Đức Giê-su đã loan báo. Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Ngài đã lớn tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1, 15).

Vào thời đó, khi Đức Giê-su nói lên thông điệp này, đã có không ít người  băn khoăn và thắc mắc. Một số người, và đại diện cho họ là những người Phariseu đã từng chất vấn Đức Giêsu: “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?”

Câu hỏi này, xét cho cùng,  chỉ là một câu hỏi thường tình, bởi vì đối với người Do Thái thời ấy, khi nói đến Triều Đại hay Vương Quốc Thiên Chúa, họ nghĩ rằng đó là một Vương Quốc thật sự giữa trần gian này, với đầy đủ uy quyền của nó.

Dân tộc Israel đã được dạy dỗ rằng, sẽ có một Đấng Messia đầy quyền uy đến giải thoát họ khỏi gông cùm của đô hộ bởi ngoại bang và lập ra một Triều Đại mới. Thế nên, nay nghe Ngài nói về một “Triều Đại”, họ không khỏi nao lòng.

Thế nhưng, với Đức Giê-su thì khác. Khi nói đến Triều Đại hay Nước Thiên Chúa, Ngài đã không đưa ra bất cứ một lời giải thích cụ thể nào về nước này, ngoại trừ những dụ ngôn nói về hình ảnh Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Những dụ ngôn đó đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Thánh sử Mác-cô cho chúng ta biết, hôm ấy, Đức Giê-su đã nói rằng : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất”.

“Vãi hạt giống xuống đất”. Vâng, không là một nông gia, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra công việc này.

Rất giản dị như ta làm một bài toán cộng: hai cộng hai là bốn. Thì đây, ta hãy nghe Đức Giê-su nói tiếp: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên”.

Rồi, theo thánh sử Mác-cô, Đức Giê-su lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?”

Hỏi là vậy, nhưng rồi Đức Giê-su có lời giải thích, rằng: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Nói tới “hạt cải”, có lẽ trong chúng ta, ai cũng đã thấy hạt giống đó. Thế nhưng, chắc hẳn chúng ta chưa ai thấy cây cải lớn “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nhưng đó là sự thật. Cố linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh,  đã nhìn thấy cây cải đó ở Giêrusalem trong dịp ngài sang bên đó du học. Trong một lần giảng về đề tài này, ngài cho biết, cây cải đó cao khoảng hai mét.

Vâng, hai dụ ngôn, tuy nội dung khác nhau, nhưng tựu trung, Đức Giêsu muốn đưa  ra một thông điệp rằng: Nước Thiên Chúa không phải là một tổ chức xã hội ồn ào, náo nhiệt, không phải hiện hữu do bàn tay con người. Trái lại, Nước Thiên Chúa âm thầm lớn lên, âm thầm phát triển, âm thầm tồn tại, do chính ân sủng từ Thiên Chúa.

Nói theo suy nghĩ của một số nhà chú giải, Nước Thiên  Chúa (còn được hiểu đó là Hội Thánh Chúa ở trần gian) dù luôn phải đối mặt với “quyền lực tử thần”  nhưng vẫn không ngừng phát triển, sự phát triển này không do con người, nhưng là do Chúa Thánh Thần.

Trở lại dụ ngôn “hạt cải”, Lm. Charles E. Miller chia sẻ rằng: “Chúa Giê-su không định dạy chúng ta một bài học về nông nghiệp hay vật lý, mà thôi thúc ta chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu thẳm hơn, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội.

Lời chia sẻ của Lm. Charles E. Miller dẫn chúng ta đến một cái nhìn thực tế hơn, đó là đức tin trong cộng đồng dân Chúa. Nói tổng quát hơn, đó là:  “Đức tin của Giáo Hội”

Đức tin của Giáo Hội, có được là do kết quả trong đời sống đức tin của từng cá nhân. Và khi kết quả trong đời sống đức tin của  Giáo Hội nảy nở, một sự mầu nhiệm sẽ xảy ra, đó là “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội” sẽ lớn lên, lớn lên tương tự như sự ví von của Đức Giê-su, qua dụ ngôn hạt cải.

Sự ví von này, đã xảy ra đúng như thực tế trong lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội tiên khởi cho  chúng ta thấy, thoạt đầu mười hai người môn đệ chỉ là một nhúm nhỏ “hạt giống”. Thế mà, khi được gieo trồng tại Giê-ru-sa-lem, nhớ đức tin, nó lan tỏa lên phương bắc tới An-ti-ô-khi-a xứ Xyri, kế tiếp, vượt qua Địa Trung Hải để đến Rô-ma… Châu Âu và cuối cùng là “cho đến tận cùng trái đất”.

Và, cho đến hôm nay, Giáo Hội Công Giáo đã có tới một tỷ hai trăm năm mươi ba triệu tín hữu, họ đã đến để “làm tổ dưới bóng cây cải Vatican”.

Vâng, chắc hẳn, nếu có sống lại, “anh cả Phê-rô” cũng không thể tin được sự kỳ diệu của mười hai hạt cải đầu tiên, trong đó có ngài, được gieo ở Giê-ru-sa-lem năm xưa, nay đã mọc lên và tràn lan khắp thế giới trong đó có Việt Nam, một quốc gia đứng thứ năm ở Châu Á về số lượng tín hữu, với số lượng linh mục  và tu sĩ đông đảo, với hàng trăm ngôi thánh đường lớn nhỏ.

Ôi! đúng là một mầu nhiệm, mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”.

Tuy nhiên, đừng vội mừng… đừng vội mừng về những “kết quả” đó. Tại sao? Thưa, là bởi cần nhìn lại xem, những kết quả đó, có phải là những kết quả đến từ Thánh Thần, hay không!

Vâng, chính ngài Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã có lời khuyên dạy: “Ai làm cho hạt giống lớn lên, ai làm cho cây mọc lên? Đó là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta. Chúa Thánh Thần là thần khí của sự dịu hiền, của khiêm nhường, của tinh thần vâng phục, của sự đơn sơ giản dị. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho Nước Trời lớn lên từ bên trong. Chúa Thánh Thần là tác nhân, chứ không phải các kế hoạch mục vụ, không phải những điều to tát… Không, không phải những điều ấy, mà chính Chúa Thánh Thần âm thầm hoạt động. Ngài hoạt động làm cho hạt giống nảy mầm, cây mọc lên, và sinh hoa kết trái.

Ví dụ về anh trộm lành, ai là người đã gieo hạt giống Nước Trời trong lòng anh ta? Có thể là mẹ của anh, cũng có thể là bậc thầy nào đó trong hội đường. Có lẽ thế, và hạt giống ấy từng bị quên lãng. Thế nhưng, chính Thần Khí làm cho hạt giống ấy lớn lên. Thế đó, trong Nước Thiên Chúa luôn luôn có sự ngạc nhiên, bởi vì đó chính là quà tặng đến từ Thiên Chúa.”(nguồn: internet)

Thế nên, điều tốt nhất của hôm nay đối với chúng ta, đó là, hãy xác định, tôi có là một thành phần của “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”, và “tôi đã sinh hoa kết trái” và hoa trái đó có phải là “hoa trái của Thần Khí”?

Nói cách khác, tôi có sinh hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”? Tôi có “dịu hiền, khiêm nhường, tinh thần phục vụ”?

Nếu có, vâng, nếu có, có thể nói rằng, chúng ta chính là một Ki-tô hữu có Thần Khí Chúa.

Còn nếu chúng ta chưa có hoa trái Thần Khí Chúa, đừng chần chờ gì nữa, hãy mượn lời nguyện của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, để làm thành lời nguyện của chúng ta, mà nguyện rằng: “Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho mỗi người và cho Giáo Hội, để Ngài làm cho hạt giống Nước Trời trong lòng mỗi người và trong lòng Giáo Hội, được nảy sinh và phát triển thành cây lớn, đủ sức trú ẩn cho nhiều người và để nảy sinh những hoa trái thánh thiện” Amen.

Cuối cùng, để cho lời cầu nguyện thật sự đi vào cuộc sống của chúng ta, hãy ghi khắc trong con tim mình lời Giáo Hoàng Phan-xi-cô khuyên dạy: “Nước Thiên Chúa không phải là cuộc trình diễn, càng không phải là lễ hội, cũng chẳng thích hợp với những cuộc quảng cáo. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho Nước Trời phát triển, chứ không phải các kế hoạch mục vụ”.

Vâng, chúng ta hãy nhớ “Chính Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận