TH online 25: BTTS trong GH Đông & Tây Phương

Thần học online:

Bí tích Thêm Sức

Bài 3: BTTS trong truyền thống giáo hội
Đông Phương và Tây Phương

TH online 25: BTTS trong GH Đông & Tây PhươngTrước thế kỷ III, trong Kitô giáo chưa có bí tích Thêm Sức như một bí tích riêng biệt; và mãi đến sau thế kỷ V Thêm Sức mới được coi là một bí tích riêng biệt. Trong các lễ nghi gia nhập Kitô giáo thời các Giáo phụ, các giám mục thường xức dầu và đặt tay trên các ứng viên; mãi tới thời Trung cổ, nghi lễ này mới được tách ra khỏi việc gia nhập Kitô giáo, và được kể vào số 7 bí tích chính thức của Hội thánh, và mới được thần học giải thích như một bí tích riêng biệt. Nghi lễ mà nay ta gọi là Thêm Sức mỗi giai đoạn lịch sử đều có những ý nghĩa khác nhau, và các thần học gia ngày nay cũng lúng túng khi khẳng định đâu là ý nghĩa đích thật của bí tích Thêm Sức.

Vào khoảng năm 200, hầu hết các cộng đoàn Kitô hữu rải rác khắp đế quốc Rôma đã có một nghi lễ gia nhập đạo gồm cả việc Thánh Tẩy bằng nước tượng trưng cho sự tái sinh thiêng liêng, cộng thêm với một nghi thức khác tượng trưng cho việc đón nhận Thánh Thần.

[youtube]sjLA2CznCWI[/youtube]

Thường thường, nghi lễ đón nhận Chúa Thánh Thần được cử hành ngay sau việc Thánh Tẩy hoặc dìm vào nước, nhưng các tài liệu của Syria hồi thế kỷ III lại chỉ đề cập tới việc đặt tay và xức dầu trước khi Thánh Tẩy thôi, còn sau Thánh Tẩy không có gì cả. Rõ ràng là Hội thánh tại Antiôkia và tại những nơi khác, Đức giám mục đặt tay và xức dầu cho ứng viên, rồi sau đó các thầy trợ mục xức dầu cho đàn ông, còn các cô trợ mục xức dầu cho phụ nữ, xức cho toàn thân họ, rồi cả nam lẫn nữ đều được Thánh Tẩy bằng nước.

Một số tác phẩm thuộc thế kỷ IV cũng nhắc tới việc xức dầu sau Thánh Tẩy, nhưng một số tài liệu khác lại chẳng nói gì cả. Thánh Gioan Chrysostom, sinh trưởng tại Antiôkia và sau này làm giám mục tại Constantinôpôli, cũng mô tả nghi lễ gia nhập đạo chỉ gồm việc xức dầu trước Thánh Tẩy thôi. Đức cha Theodore và các Giáo phụ thuộc Hội thánh Đông phương đều tin rằng Chúa Thánh Thần đã xuống trên các ứng viên khi họ được Thánh Tẩy bằng nước. Như thế rõ ràng là mãi cho tới thế kỷ IV, một số Hội thánh tại Syria vẫn không có một nghi lễ nào khác ngoài nghi thức Thánh Tẩy bằng nước để trao ban Thánh Thần cho những người mới gia nhập đạo.

Suốt 4 thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ta chưa xác định được rõ ràng khi gia nhập Kitô giáo, thì đâu là thời điểm cụ thể con người được lãnh nhận Chúa Thánh Thần với tư cách là Kitô hữu. Tất cả các Giáo phụ đều đồng ý rằng các Kitô hữu được lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào lúc kết thúc nghi lễ gia nhập đạo; tuy nhiên khi bàn về thời điểm cụ thể thì một số Giáo phụ cho là người ta lãnh nhận Thánh Thần sau khi được Thánh Tẩy, còn một số vị khác thì không nói rõ lúc ấy là lúc nào mà chỉ nói về việc xức dầu hoặc đặt tay như dấu chỉ của việc trao ban Chúa Thánh Thần.

(Trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu tr 222- 224)

Để lại một bình luận