Thần học online:
Bí tích chuyên biệt
Bài 12: Thừa tác viên và thụ nhân của BTRT
– Thừa tác viên thông thường: thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tẩy là giáo sĩ (giám mục, linh mục và phó tế). Khi thừa tác viên thông thường vắng mặt hoặc bị ngăn trở thì giáo lý viên hay người khác, được vị thường quyền sở tại ủy thác thi hành nhiệm vụ này.[1]
– Thừa tác viên ngoại thường: trong trường hợp khẩn thiết, bất kỳ người nào cũng có thể ban bí tích Thánh Tẩy, kể cả những người không phải là Kitô hữu, miễn là làm theo đúng nghi thức và ý muốn của Hội thánh.
[youtube]HHLSFHqkcBY[/youtube]
+ Những điều liên quan
– Đặt tên thánh: cha mẹ chọn tên thánh đặt cho con; có thể lấy tên thánh của cha mẹ, tên thánh của người đỡ đầu, tên của vị thánh Hội thánh kính nhớ trong ngày sinh của trẻ mà đặt cho trẻ… Không nên đặt tên thánh nghịch với Kitô giáo (GL 855).
– Người đỡ đầu: Giáo luật điều 872 buộc phải có người đỡ đầu (người này cùng với cha mẹ hướng dẫn đức tin cho trẻ và xác nhận bí tích đã cử hành), nên cha mẹ chọn người đỡ đầu cho trẻ, có thể chọn người khác giới, nhưng nên chọn người đỡ đầu cùng giới với trẻ cho tiện. Giáo luật điều 874 cũng quy định: người đỡ đầu phải là người Công giáo, trọn 16 tuổi, đã lãnh các bí tích khai tâm Kitô giáo, có đời sống đức tin tốt, đạo đức, có ý muốn chu toàn nhiệm vụ đỡ đầu, còn đang hiệp thông với Hội thánh.
– Chứng thư Rửa tội: theo Giáo luật điều 877, §1 thì sau khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, linh mục hay người phụ trách phải viết thông tin đầy đủ vào sổ Rửa tội: tên thụ nhân, ngày tháng năm sinh, cha mẹ, người đỡ đầu, thừa tác viên cử hành, nơi cử hành bí tích… Giáo luật điều 877, §2 & 3 còn nói rõ nếu là con nuôi thì viết tên cha mẹ đẻ, người nuôi dưỡng; con không có hôn thú thì viết tên người mẹ. Giáo luật điều 878 lưu ý rằng bất cứ ai ban bí tích Thánh Tẩy cũng phải báo cho linh mục chính xứ nơi ban bí tích Thánh Tẩy, để ngài ghi vào sổ Rửa tội của giáo xứ.
+ Nghi thức Thánh Tẩy cho trẻ nhỏ
– Nghi thức đón tiếp: Chủ tế quy tụ, đón tiếp, hướng ý, làm dấu thánh giá, thẩm vấn cha mẹ và người đỡ đầu.
– Cử hành phụng vụ Lời Chúa: công bố Lời Chúa; sau đó tùy nghi chia sẻ vắn tắt cho cộng đoàn.
– Chuẩn bị Thánh Tẩy: Chủ tế đọc lời nguyện chung, lời nguyện trừ tà sau đó xức dầu dự tòng (OC: Oleum catechumenorum).
– Thánh Tẩy: làm phép nước (nếu cần), từ bỏ tà thần, tuyên xưng đức tin, đổ nước và đọc công thức Thánh Tẩy.
– Xức dầu: đọc lời nguyện và xức dầu thánh (SC Sanctum chrisma)
– Nghi thức diễn nghĩa: trao áo trắng, trao nến sáng thắp từ nến phục sinh.
– Kết thúc: đọc kinh Lạy Cha, phép lành của chủ tế và giải tán cộng đoàn.
(trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, tr 189 -191)