Này con xin đến…

Này con xin đến…

“Hứa” nghĩa là gì? Thưa, theo tự điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa : hứa là nói với ai đó, với ý thức tự ràng buộc mình, sẽ làm điều gì đó theo yều cầu mà người đó đang quan tâm. Như vậy, ta có thể nói: hứa hay hứa hẹn là một hành động biểu lộ tình cảm, một thứ tình cảm đem đến cho một ai đó niềm tin và hy vọng.

Lời hứa đẹp là vậy. Và người thời xưa, họ rất coi trọng lời hứa, thế nên mới có câu “Quân tử nhất ngôn”. Còn ngày nay ư! Vâng, ngày nay, khi nói tới lời hứa, không ít người “cười ruồi” và nói: “Quân tử nhất ngôn, quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại, quân tử khôn”.

Chẳng biết ai là kẻ dại, ai là kẻ khôn! Thế nhưng, theo lời dạy của Kinh Thánh, những kẻ “nói đi nói lại”… vâng,  họ “chẳng khác nào có mây có gió mà chẳng có mưa” (x.Cn 25, 14)

Đức Giê-su, khi nói về loại người này, những loại người  “hứa cho nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”, Ngài gọi những người ấy là những “kẻ giả hình”.

Người hứa mà không làm, và người không hứa mà làm… ai là người tốt, ai là kẻ xấu? Thưa, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời, qua “dụ ngôn hai người con”, được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (x.21, 28-32)

Vâng, không như những dụ ngôn khác, khó hiểu và cần lời giải thích, dụ ngôn này ngắn và rất dễ hiểu. Chuyện được kể rằng: “Một người kia có hai con trai”. Một hôm, “ông ta đến nói với người con thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (x.Mt 21, 28)

Với người con này “Nó đáp: Con không muốn đâu!”. Rồi khi “Ông đến gặp đứa thứ hai và cũng bảo như vậy”. Nó đáp, rất trịnh trọng, rằng : “Thưa ngài. Con đây!”.

Nếu câu chuyện dừng tại đây, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng nhận xét rằng, người con thứ hai, có phần chắc “sẽ đi làm vườn nho”.

Thế nhưng, sự thật thì ngược lại. Người con thứ nhất, không “hứa” nhưng sau đó, lại đi.  Tại sao anh ta lại đi? Thưa, là bởi,  khi anh ta  “nghĩ lại” lời nói của mình  với người cha, anh ta “hối hận” (Mt 21, …29).

Thật xúc động khi anh ta  hối tiếc về lời nói quá phũ phàng với người cha. Cuối cùng, anh ta vâng lời người cha “nên lại đi” làm vườn nho.

Còn người con thứ hai thì sao! Thưa, trước hết, ta nên đặt cho anh ta một cái tên. Tên gì nhỉ? Tên là “Tư lèo” được chăng!

Vâng, cứ tưởng rằng,  với lời nói trịnh trọng “Thưa Ngài”, anh-tư-lèo, một cách nào đó, đã  hứa với người cha của anh ta qua hai tiếng “thưa vâng”. Cứ tưởng rằng, khi anh-tư-lèo nói: “con đây” có nghĩa là cha bảo gì, con sẽ tuân lệnh!

Than ôi! người con thứ hai, đúng như lời Lão Tử nói: “Ai mà vâng liều, hứa liều, tất nhiên ít khi giữ được đúng”, hôm ấy anh ta “không đi”…

Sau khi cho mọi người biết thái độ của hai người con, Đức Giê-su đã đưa ra một câu hỏi, hỏi rằng “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Vâng, hôm ấy, không đợi tới ba mươi giây, họ đáp: “Người thứ nhất”.

Tới đây, tưởng chừng như Đức Giê-su sẽ nói một vài câu khen ngợi sự nhận định đúng của những người được Ngài hỏi.

Trái lại, ngay lập tức, Ngài đã cất lên những lời cảnh báo, cảnh báo rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

Ơ hay! Sao Đức Giê-su lại nặng lời với “quý ông” ấy như thế! Thưa, vì quý ông ở đây chính là những “ông kẹ” biệt phái và kinh sư, những thượng tế và kỳ mục, là những kẻ trước đó đã vây quanh Đức Giê-su và bắt bẻ Ngài “lấy quyền nào để làm các điều ấy” (x.Mt 21, 23)

Đức Giê-su nói gì về những vị này? Thưa, Ngài bảo “họ nói mà không làm”. (Mt 23,…3). Họ có bà con với chú “cuội”.

Còn những người thu thuế và những cô gái điếm ư! Tại sao Đức Giê-su lại nói họ “vào Nước Thiên Chúa trước”! Thưa, vì những vị này nhận ra đâu là “đường công chính”.

Thì đây, tông đồ Mát-thêu, như là điển hình. Ông ta đang là “cán bộ thu thuế”, một công việc béo bở đến thế, nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi “hãy theo tôi”, ông nhận ra ngay đây chính là một lời mời gọi, mời gọi đi vào “con đường công chính”, thế là, ông bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.

Và làm sao quên được “cán gộc” Dakêu, một con người đã dám đem “phân nửa tài sản … cho người nghèo, và sẽ đền gấp bốn” cho những ai đã bị ông ta chiếm đoạt tài sản.

Họ đã “tin”. Họ đã “hối hận” như người thứ nhất trong dụ ngôn đã hối hận. Có thể nói rằng, họ đã vâng nghe lời mời gọi “hãy đi làm vườn nho”. Vâng, họ nói là làm.

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi được Đức Giêsu gọi “những người thu thuế và những cô gái điếm…” là những người đã “tin” vào con đường “công chính”.

Trở lại những ông  biệt phái và kinh sư, những thượng tế và kỳ mục. Họ tự hào là những nhà lãnh đạo tôn giáo, họ chính là “dân riêng”, là đội quân ưu tú của Đức Chúa Trời, thừa sự nhiệt thành và sự tận hiến. Họ “không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như (những) tên thu thuế…”. Thế nhưng! Khi Thiên Chúa phán, qua miệng lưỡi Gioan Tẩy giả, rằng  “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết… Ngài chính là Chiên Thiên Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 26…29). Họ nghe và hiểu nhưng “vẫn không chịu hối hận và tin” (Mt 21, …32).

Cho nên, Đức Giê-su đã có sự phân chia giữa quý vị này và những ông thu thuế cùng các cô gái điếm, ai sẽ là “người vào Nước Thiên Chúa trước”.

Khi Đức Giêsu nói, “người vào Nước Thiên Chúa trước”, thì đừng nghĩ rằng sẽ có “người vào Nước Thiên Chúa sau” !

Đừng có mơ ! Theo ngôn ngữ sêmit chữ “trước” không được hiểu theo nghĩa “trước – sau”. Nó được hiểu theo nghĩa “được – mất”.

Hiểu như thế, mới thấy sự nguy hiểm của việc “nói mà không làm”. Thế nên, một khi chúng ta “Hứa” thì lời hứa đó phải đi đôi với việc làm. Bởi đó là lời Thiên Chúa đã truyền dạy : “lời con phải trước sau như một” (Hc 5, …10)

Có lẽ mọi người trong chúng ta, sau khi đọc qua dụ ngôn đều có thể nhận ra  thông điệp mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho những người thời đó (và nay là cho chúng ta) đó là: hứa phải làm. Thêm vào đó, là việc “nhận ra đâu là đường công chính”.

Nói rõ hơn, hứa phải làm và có làm (thực hiện lời hứa), thì phải làm theo đúng “đường công chính của Chúa”.

Phải là vậy. Vì sao! Thưa, vì nếu chúng ta thực hiện lời hứa, mà việc thực hiện đó không theo đúng đường công chính của Chúa, thì việc thực hiện đó chẳng sinh ích lợi gì.

Câu chuyện vua Hêrôđê vì không muốn “thất hứa” với con gái bà Hêrôdia một lời hứa “con muốn xin gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”,  dẫn đến sự kiện ông Gioan Tẩy giả đã bị trảm quyết, như một minh chứng điển hình.

Vâng, rất thảm hại cho những ai thực hiện lời thề hứa kiểu như ông vua Hê-rô-đê. Thì đây, ngày nay đã có bạn trẻ, lên facebook, hứa rằng, nếu tôi nhận được bao nhiêu chục ngàn “like” gì gì đó, tôi “hứa” sẽ châm xăng lên người và đốt cháy tôi. Và chàng thanh niên này đã thực hiện lời hứa này, khi anh ta nhận được bốn chục ngàn like. Ôi! một lời hứa không đúng đường công chính của Chúa…

Cuối cùng, và là điều quan trọng nhất mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho chúng ta, qua dụ ngôn, đó là: chúng ta có “sẵn lòng” bước vào vườn nho, sẵn lòng đáp lời mời gọi, một lời mời gọi “phục vụ”, hay không?

Hãy nhớ rằng: “Sẵn lòng phục vụ” đó chính là sự minh chứng chúng ta đã  làm theo đúng “đường công chính của Chúa”, như có lần Ngài đã truyền dạy: “Con Người đến không phải là được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ”.

Vâng, chỉ cần có một tâm tình “sẵn lòng phục vụ”, và  bước vào “vườn nho cuộc đời”, nơi ta sẽ là cánh tay nối dài của Chúa, nơi ta sẽ là chứng nhân cho tình yêu Ki-tô, nơi ta sẽ chứng minh cho thiên hạ biết rằng, Thiên Chúa là tình yêu…. còn mọi lo lắng, thiếu hụt, sợ hãi v.v… hãy phó thác như chính Thầy Giê-su đã phó thác “Lạy Cha, con xin phó thác”.

Thưa quý bạn, bạn có tin Chúa vẫn mời gọi ta “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”? Nếu tin, đừng chần chờ gì nữa, hãy đáp lời mời gọi của Chúa.

Đừng… đừng bao giờ lớn tiếng trình diện “Thưa Ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi”,  mà hãy một lòng phó thác và thưa với Ngài, rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”.

 

Petrus.tran

Để lại một bình luận