Tôi mù hay sáng…

 

 

Tôi mù hay sáng…Tông đồ Gio-an nói: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta… cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”(1Ga 4, 8-10).

Thật vậy, Đức Giê-su khi còn tại thế, Ngài cũng đã nói rất nhiều về một Thiên Chúa là tình yêu, Người luôn đi bước trước, Người chính là vị mục tử nhân lành, một người mục tử sẵn sàng “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”.

Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, không ít lần, Đức Giê-su đã thể hiện mình chính là người mục tử đó, đi bước trước để chữa lành, để thứ tha. Câu chuyện “Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở bẩm sinh” như một điển hình. (Ga 9, 1-41)

Hôm ấy, chuyện xảy ra tại Đền Thờ, lúc Đức Giê-su lánh mặt một số người. Tại sao lại có chuyện như thế! Thưa, là bởi đả xảy ra một cuộc tranh luận giữa người Do Thái và Đức Giê-su. Nội dung cuộc tranh luận liên quan tính “Hằng Hữu” của Ngài.

Hôm đó, sau khi Đức Giê-su khẳng định  “Tôi Hằng Hữu”, lập tức  người  Do Thái cho rằng những lời đó như một sự phạm thượng, vì thế họ  phẩn  nộ  và “lượm đá để ném Người”, thấy vậy, Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Thế rồi, đang khi đi “Đức Giê-su nhìn thấy một người mù”(Ga 9, 1). Người mù này, bất hạnh thay,  bị “mù từ thuở mới sinh”. Để kiếm sống, anh ta đã phải  “ăn xin”, anh ta ngồi đó cầu xin sự thương xót của những người qua lại.

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng nhìn thấy. Nhưng thay vì nhìn anh mù với một tấm lòng thương xót, các ông đã nhìn tên “đệ tử cái bang” này với một cái nhìn cứ tưởng như là “ý Trời”.

Theo tập tục  Do Thái giáo (ý Trời), với những ai bị tật nguyền như đui mù què quặt, họ cho rằng, kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt. Thế nên, thay vì kêu thủ quỹ Giu-đa xuất quỹ bố thí cho anh mù vài xu, các môn đệ xúm xít quanh Thầy Giê-su “thí” cho anh ta những lời lẽ hết sức nặng nề.

Hôm ấy, các ông đã hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (x.Ga 9, 2). Ô hay! Lời Thầy giảng dạy các ông quên rồi sao! “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Chẳng lẽ anh mù này không đáng xót thương!!!

Không để cho các môn đệ luẩn quẩn trong một mớ tập tục phản nhân bản như thế, Đức Giê-su tuyên bố: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình  của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

Anh mù bẩm sinh là ai? Há chẳng là công trình mà Thiên Chúa đã tác tạo! Làm sao Đức Giê-su có thể làm ngơ trước một công-trình-của-Thiên-Chúa. Và như là một Thiên Chúa của tình yêu, một tình yêu “đi bước trước”, Đức Giê-su “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù”. Sau đó, Ngài bảo anh ta “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Thật  kỳ diệu, “Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được”.

Theo bạn, anh mù bẩm sinh  có vui mừng sau khi được nhìn thấy?  Theo J.Z Young, một chuyên gia trong ngành chức năng não bộ mô tả như sau: “Khi được mở mắt, bệnh nhân chỉ rất ít hoặc hoàn toàn không vui thú gì, thật vậy, họ đối diện với cảm nghiệm đầu tiên này trong đau đớn. Trước mắt họ chỉ là một đống hỗn độn ánh sáng và màu sắc quay vòng vòng. Rõ ràng là với thị giác, họ gần như không thể cầm nắm đồ vật, nhận diện và gọi tên chúng. Họ không có khái niệm về không gian và vật thể, cho dù họ đã biết và xác định được tất cả mọi vật này bằng xúc giác”. (nguồn: internet)

Thế nên, để trả lời cho câu hỏi trên, có phần chắc,  anh mù bẩm sinh, khi nhìn thấy được, cũng trải qua một phần nào của sự đau đớn. Và, quả thật, anh ta đã phải trải qua những đau đớn (ít nhất) là về tinh thần.

Cái đau đớn thứ nhất, đó là:  từ Si-lô-ác trở về, anh ta bị bủa vây bởi những luồng dư luận đầy ác ý. Dư luận nói rằng: người được chữa lành không phải là anh, “nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”.

Rồi, thật đau đớn làm sao khi ngay cả cha mẹ anh ta cũng đã khéo léo từ chối xác nhận rằng thì-là-mà; “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đó mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay.”

Và, đây là cái đau đớn nhất cho anh ta. Khi biết được người chữa lành anh là một “Người tên là Giê-su”. Những ông kẹ Phariseu đã ra sức gây cho anh sự hoang mang. Họ nói: “Ông ta không thể là người củaThiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabat”. Có người lại nói: “Một người tội lỗi sao có thể làm những dấu lạ như vậy?”.

Cái đau đớn cuối cùng, đó là vạ “tuyệt thông” của thần quyền Do Thái. Hôm ấy, sau những lời làm chứng về Đức Giê-su, rằng “Người là một vị ngôn sứ”, cùng với những lý lẽ thuyết phục để minh chứng Ngài chính là “người bởi Thiên Chúa mà đến”, những người Phariseu “trục xuất anh”.

Vâng, quả là một cảm nghiệm trong đau đớn, giống như sự đau đớn của Đức Giê-su trên Thập giá:  “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Không, hôm đó Đức Giê-su không bỏ rơi anh ta. Nghe người ta trục xuất anh, Đức Giê-su tìm gặp lại anh và hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”. Trước mặt Đức Giê-su, anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”.

Mỗi một phép lạ Đức Giêsu thực hiện, Ngài đều muốn gửi đến một thông điệp hoặc dẫn đến một chân lý nào đó. Qua phép lạ chữa lành anh mù bẩm sinh, phải chăng Đức Giêsu muốn gửi đến chúng ta thông điệp rằng “mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt?”.

Đúng vậy, cái sợ của thế giới hôm nay không phải là cái sợ mù-thể-lý. Y học ngày nay cho biết, những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là : bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

Ngày nay, có sợ, chúng ta hãy sợ mình rơi vào căn bệnh “mù quáng”. Người mù quáng thấy rõ những “cái rác trong đôi mắt của người anh em”, nhưng lại không nhìn thấy “cái xà trong con mắt của mình”. Thật đúng với  câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.” Mù thế lý là một mất mát lớn, nhưng không làm hại ai. Còn người bị bệnh “mù quáng”, họ có thể gây ra vô số  điều tai hại cho mình cũng như cho tha nhân.

Trường hợp Vua David như một điển hình. Tuy đã có nhiều thê thiếp, nhưng David lại say mê bà Bát-sa-bê là vợ của Uria. Sự say mê đó đã làm cho nhà vua trở nên “mù quáng”. Bất chấp đạo lý, ông ta tìm cách chiếm đoạt Bát-sa-bê.

Một âm mưu thâm độc được ông ta vạch ra. Đó là mượn tay quân thù giết chết Uria ngoài mặt trận.  Uria chết, ông công khai lấy bà Bát-sa-bê. Thế là cùng một lúc David phạm hai tội ác: tội ngoại tình và tội giết người. Thế mà, nhà  vua vẫn bình thản như không thấy gì.  Nhờ Ngôn Sứ Na-ta-an đến cảnh tỉnh,  David mới nhận ra căn bệnh “mù quáng” của mình, ông ăn năn thống hối. (II Sm 11,1-12,12).

Tưởng chúng ta cũng nên nhắc đến một ông vua nữa, ông Hê-rô-đê. Trước “một điệu vũ làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích” của con gái bà Hê-rô-đi-a,  Hê-rô-đê trở nên “mù quáng” chém đầu Gio-an Tẩy Giả, để đáp ứng lời yêu cầu của nàng vũ nữ.

Căn bệnh “mù quáng” rất đáng sợ. Nó làm cho ta sơ cứng tâm hồn. Sơ cứng tâm hồn làm cho ta mù nhân đức. Mù nhân đức… vâng, những con virus-ích-kỷ, virus-vô-cảm, virus-thành-kiến, virus-tự-cao-tự-đại v.v… tha hồ tung hoành ngang dọc trong tâm hồn ta. Điều hiển nhiên, tiếp đến, đó là chúng ta “mù bác ái, mù nhân hậu, mù từ tâm, mù nhẫn nhục, mù-sự-thật, mù-niềm-tin, mù-khiêm-nhường v.v…

Thế nên, hãy xem lại đôi mắt tâm hồn của ta và tự hỏi: tôi có đang rơi vào tình trạng mù quáng? Nếu có, hãy đến,  không phải là đến hồ Si-lô-ác năm xưa, nhưng là  “hồ Thánh Kinh”, nơi đây đôi mắt tâm linh của  ta sẽ được chữa lành, nơi đây chúng ta sẽ được nhìn thấy đâu chính là “Đường, là Sự Thật và là sự sống” cho cuộc sống của mình.

Tại “hồ Thánh Kinh”, chúng ta còn nhận được “ánh sáng soi đường ta đi”, một thứ ánh sáng “lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 9). Ánh sáng “Lương thiện, công chính và chân thật”… Vâng, đó chính là liều thuốc công hiệu nhất để ta đánh bật  căn bệnh mù quáng, trong ta.

Sống lương thiện, công chính và chân thật…  không cần nói, thiên hạ cũng có thể nhận ra chúng ta “mù hay sáng”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận