Hãy ký thác đường đời cho Chúa…

 

Hãy ký thác đường đời cho Chúa…Thời chiến quốc, có một nhân vật tên là Ngũ Tử Tư, là con thứ của Ngũ Xa, đại thần nước Sở. Ngũ Xa vì chỉ trích Sở Bình Vương mà cả nhà bị sát hại. Trong cơn đại nạn đó, chỉ một mình ông ta trốn thoát.

Ông đã trốn sang nước Trịnh, rồi sau đó chuẩn bị sang nước Ngô. Muốn sang Ngô, phải đi qua ải Chiêu quan mới có thể đến đường thủy thông. Nhưng, tại cửa ải này, nước Sở phái trọng binh canh giữ rất nghiêm ngặt. Trên cửa ải, lại còn treo bức họa  chân dung Ngũ Tử Tư. Biết được chuyện này, Ngũ Tử Tư lo lắng, thức trắng đêm, hậu quả là, sáng hôm sau, đầu tóc ông bạc trắng. Thật đúng như lời người xưa nói: “Nghĩ mọc râu, sầu bạc tóc”.

Lo sầu, hay lo lắng, đó là căn bệnh trầm kha của con người. Thật vậy, suốt một đời người, có ai trong chúng ta không hơn một lần  lo sầu, lo lắng. Còn nhỏ lo chuyện nhỏ. Lớn lên lo chuyện lớn, chuyện “cơm áo gạo tiền”, chẳng hạn.

Thì đây, trong tình trạng nền kinh tế xuống dốc như hôm nay, lạm phát, xăng lên giá, thực phẩm lên giá, tiền học phí tăng, tiền thuê nhà tăng, nói chung là nhiều thứ tăng, nhưng thu nhập không tăng, chưa kể nguy cơ nhiều công ty  làm ăn thua lỗ dẫn tới tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt v.v… có lẽ không ai trong chúng ta lại không mang tâm trạng ưu tư và lo lắng.

Thế nhưng, chẳng lẽ ta lại cứ mệt mỏi vì một “Cuộc đời bon chen giữa muôn con người. Cùng nhiều lo lắng, áo cơm bạc tiền”, ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm nọ, hoài sao?

Dale Carnegie, tác giả cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, có nói: “Our fatigue is often caused not by work, but by worry, frustration and resentment – Sự mệt mỏi thường không xuất phát từ công việc, mà từ lo lắng, thất vọng và oán trách”.

Nói về sự lo lắng, khi còn tại thế, Đức Giê-su cũng đã để lại cho nhân loại nhiều lời khuyên thiết thực. Một trong những lời khuyên đó được ghi lại như sau: “Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x.Mt 6, 34).

Vâng, rất sát thực với đời thường, Đức Giê-su còn đưa ra nhiều hình ảnh minh họa sống động, để  xua tan đi những sầu lo, những phiền muộn về một cuộc sống còn lắm gian nan.

Hôm đó, mở đầu cho việc minh họa, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”. (x.Mt 6, 25)

Và đây, hình ảnh những chú chim trời đơn sơ, nhưng  thật đầy ý nghĩa, qua lời Ngài truyền dạy: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng phải quí trọng hơn chúng sao?”

Rồi đến hình ảnh những bông hoa, Đức Giê-su nói: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học; chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà, Thầy bảo cho anh  em biết, ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng những bông hoa ấy”.

Khép lại lời khuyên dạy, Đức Giê-su đã tuyên bố một cách mạnh mẽ với các môn đệ, rằng “Hỏi ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Và sau đó, Ngài kết luận: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 31-32).

Vâng, chúng ta nghĩ sao về những điều Đức Giê-su đã dạy? Rất cao đẹp, nhưng phải chăng có gì đó không thực tế chút nào! Phải chăng, những lời giáo huấn này chỉ thích hợp cho những vị “ẩn tu”, không thích hợp với chúng ta?

Đừng lo lắng ư! Vậy thì cứ nằm đó chờ sung rụng sao đây? Thưa, suy nghĩ như thế, có vẻ hơi nông cạn. Đức Giê-su nói “đừng lo lắng” không có nghĩa là Ngài nói “đừng lo liệu”.

Về điều này, Lm. Charles E. Milller có lời chia sẻ, rằng: “có một sự khác biết giữa ‘lo lắng và quan tâm’. Chúa Giê-su không nói là ta đừng quan tâm, mà chỉ nói ta không nên lo lắng. Quan tâm là phản ứng chín chắn của những ai biết nhận lãnh trách nhiệm của mình đối với người khác, cũng như đối với bản thân. Lo lắng là tâm trạng bồn chổn, xao xuyến của những ai cảm thấy cuộc sống bấp bênh. Lo lắng gây đau khổ, còn quan tâm có thể mang lại hạnh phúc”.

Giữa quan tâm và lo lắng,  Lm. Miller  còn có lời nhận định đáng cho chúng ta phải suy nghĩ, ngài nhận định rằng:  “Quan tâm là hoa trổ sinh trên cây trách nhiệm, trong khi lo lắng là quả hư thối của sự biến loạn”.

Vâng, thực tế trong cuộc sống, quả đúng là như vậy. Ngày nay, không ít  bậc phụ huynh chỉ vì mải mê “lo lắng” kiếm tiền,  không “quan tâm” đến con cái, thiếu “trách nhiệm” giáo dục con cái, cuối cùng chỉ gặt hái “quả hư thối” cùng “sự biến loạn” nơi con cái mình.

Về điều này, có lẽ không cần nêu điển hình nơi đây, bởi vì, nó xảy ra nhan nhản khắp nơi, truyền thông báo chí đăng tải hằng ngày, có khi lại đang xảy ra trong chính gia đình chúng ta.

Như vậy, “đừng lo lắng” không có nghĩa là đừng lo liệu tính toán. Đừng lo lắng, theo lời dạy của Đức Giê-su, có nghĩa là đừng để nhu cầu vật chất chiếm trọn cuộc sống của chúng ta, đừng để nhu cầu cơm áo gạo tiền như là cứu cánh của đời mình. Lệ thuộc vào nó, chúng ta sẽ lệ thuộc vào tiền bạc. Lệ thuộc vào tiền bạc, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi kiếp nộ lệ cho tiền bạc, nô lệ cho tiền bạc, chính là lúc chúng ta làm tôi cho tiền bạc.

Làm tôi cho tiền bạc… đừng quên Chúa Giê-su đã có lời cảnh cáo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Cuối cùng, Ngài truyền dạy:  “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Hôm đó, để cho các môn đệ vững tin, Đức Giê-su khẳng định rằng: “Nếu hoa quả ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh  em, ôi những kẻ kém tin”.

Có lẽ không ai trong chúng ta là “những kẻ kém tin”. Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: Tôi đối diện với cuộc sống mỗi ngày như thế nào? Với lòng tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa  hay với nhiều lo âu, phiền muộn?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ, Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, Người đã phán: “Có phụ nữ nào quên đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau. Cho dù người ấy có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta cũng không được quên Người. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn chuyển  đổi từ tâm trạng “lo lắng”  qua tâm tình “ký thác”.  Vâng, chỉ cần theo gương vua David xưa, mà  “Ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng nơi Người, Người sẽ ra tay” (x.Tv 36, 5)

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận