Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Ai có thể dò thấu ý định Chúa?” (Kn 9:13). Câu hỏi này từ Sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất cho thấy rằng cuộc sống của chúng ta là một mầu nhiệm, và chúng ta không có chìa khóa để hiểu nó. Luôn có hai nhân vật chính trong lịch sử: Thiên Chúa và con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra tiếng Chúa gọi và sau đó làm theo thánh ý Ngài. Nhưng để làm theo thánh ý Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình, “Thánh ý của Thiên Chúa là gì trong cuộc sống của tôi?”
Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong cùng một đoạn văn của Sách Khôn Ngoan: “Con người được dạy những gì đẹp lòng Ngài” (Kn 9:18). Để khẳng định đâu là lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình và thấu hiểu những gì đẹp lòng Thiên Chúa. Trong nhiều trường hợp các tiên tri đã công bố những gì là đẹp lòng Thiên Chúa. Thông điệp của các ngài tìm thấy một tổng hợp tuyệt vời trong những lời này “Ta muốn lòng thương xót chứ không cần hy tế” (Hs 6: 6; Mt 09:13). Thiên Chúa hài lòng trước mỗi hành động của lòng thương xót, bởi vì nơi những anh chị em mà chúng ta nâng đỡ, chúng ta nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa mà không ai có thể nhìn thấy (xem Ga 1:18). Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của anh chị em chúng ta, chúng ta mang đến cho Đức Giêsu một cái gì đó để ăn và để uống; chúng ta ăn mặc cho, chúng ta giúp đỡ, và chúng ta ghé thăm Con Thiên Chúa (x Mt 25:40).
Vì thế, chúng ta được kêu gọi để chuyển dịch thành những hành động cụ thể những gì chúng ta kêu cầu trong kinh nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có gì có thể thay thế cho lòng bác ái: những ai cúi xuống phục vụ người khác, cho dù chưa hề quen biết, là những người yêu mến Thiên Chúa (x 1 Ga 3: 16-18; Gc 2: 14-18). Đời sống người Kitô hữu, tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là mở rộng bàn tay cho tha nhân trong lúc cần thiết. Nếu nó chỉ như thế thôi, chắc chắn, nó có thể là một biểu hiện đáng yêu của tình liên đới nhân loại trong đó trao ban những phúc lợi trước mắt, nhưng nó là không sinh sôi nẩy nở vì thiếu rễ. Trái lại, nghĩa vụ Chúa trao phó cho chúng ta, là ơn gọi thực thi bác ái trong đó mỗi người môn đệ Chúa Kitô đặt toàn bộ cuộc sống của mình phục vụ Người, để có thể thăng tiến mỗi ngày trong tình yêu.
Chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, “Đoàn lũ đông đảo cùng đi với Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Ngày hôm nay đây, “đoàn lũ đông đảo” này được nhìn thấy nơi đông đảo các thiện nguyện viên đã đến với nhau trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Anh chị em là đoàn lũ đông đảo đi theo Thầy, và là những người biến tình yêu cụ thể của Ngài thành hữu hình nơi mỗi người. Tôi lặp lại với anh chị em những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí mọi người trong dân thánh được phấn khởi.” (Philem 1: 7). Biết bao trái tim đã được an ủi bởi các thiện nguyện viên! Biết bao bàn tay đã được họ nắm lấy; bao nhiêu nước mắt họ đã lau khô; bao nhiêu tình yêu đã được đổ ra trong những việc phục vụ âm thầm, khiêm tốn và vị tha! Sự phục vụ đáng khen ngợi này mang lại tiếng nói cho đức tin và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha, là Đấng đến gần những người quẫn bách.
Theo Chúa Giêsu là một công việc nghiêm túc, và, đồng thời, tràn đầy niềm vui; nó đòi hỏi một sự can đảm và táo bạo nhất định để nhận ra Thầy chí thánh nơi những người nghèo nhất trong những người nghèo và trao ban chính mình trong việc phục vụ họ. Để làm như vậy, các thiện nguyện viên, những người vì lòng yêu mến Chúa Giêsu mà phục vụ người nghèo và những người thiếu thốn, không mong đợi bất kỳ lời tri ân hay sự hồi đáp nào; thay vào đó họ từ bỏ tất cả vì họ đã phát hiện ra tình yêu đích thực. Như Chúa đã đến gặp tôi và đã cúi xuống với thân phận tôi trong giờ phút quẫn bách, tôi cũng đi gặp Ngài, cúi xuống trước những người đã mất đức tin hoặc những người sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu; cúi xuống trước những người trẻ không còn lý tưởng cũng chẳng còn tin vào những giá trị nào, trước những gia đình đang trong cuộc khủng hoảng, trước những người bệnh tật và những ai chịu cảnh tù tội, trước những người tị nạn và di dân, trước những kẻ yếu đuối và vô phương tự vệ thể lý cũng như tinh thần, trước những trẻ em bị bỏ rơi, trước những người cao niên trơ trọi một mình. Bất cứ nơi nào có người cầu xin một bàn tay giúp đỡ để có thể đứng dậy được, chỗ đó phải có sự hiện diện của chúng ta – và sự hiện diện của Giáo Hội để nâng đỡ và trao ban hy vọng.
Mẹ Têrêsa, trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống mình, là một thiết bị phân phối quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa, trao ban chính mình cho tất cả mọi người thông qua sự chào đón và bảo vệ sự sống con người nơi những thai nhi chưa chào đời và nơi những người bị bỏ rơi và bị loại ra ngoài lề xã hội. Mẹ dấn thân bảo vệ sự sống, không ngừng tuyên bố rằng “những thai nhi chưa chào đời là những người yếu nhất, nhỏ nhất, dễ bị tổn thương nhất”. Mẹ cúi xuống trước những người không ai đoái hoài, bỏ mặc chết rũ trên lề đường, nhìn thấy nơi họ phẩm giá Thiên Chúa ban cho họ; Mẹ cất cao tiếng nói buộc các các cường quốc trên thế giới này phải lắng nghe, để họ có thể nhận ra lỗi lầm của mình vì cảnh bần cùng họ đã tạo ra. Đối với Mẹ Têrêsa, lòng thương xót là “muối” mang lại hương vị cho công việc của Mẹ, là “ánh sáng” chiếu tỏa trong bóng tối chập chùng trong đó rất nhiều người đã không còn nước mắt để đổ ra vì nghèo đói và đau khổ.
Nhiệm vụ của Mẹ nơi những vùng ngoại vi đô thị và hiện sinh ngày hôm nay vẫn còn là một chứng tá hùng hồn cho chúng ta về sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất trong những người nghèo. Hôm nay, tôi giao lại biểu tượng này của phái nữ và đời sống thánh hiến cho toàn thế giới của các thiện nguyện viên: cầu xin Mẹ là mô hình của sự thánh thiện cho anh chị em! Xin cho người lao động không biết mệt mỏi này của lòng thương xót giúp chúng ta ngày càng hiểu rằng tiêu chí duy nhất trong mọi hành động của chúng ta là tình yêu nhưng không, không vì ý thức hệ và hay nghĩa vụ nào, được trao ban miễn phí cho tất cả mọi người không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Teresa thích nói câu này: “Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể mỉm cười”. Chúng ta hãy mang theo nụ cười của Mẹ trong trái tim chúng ta và trao ban nó cho những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời, đặc biệt là những người đau khổ. Bằng cách này, chúng ta sẽ mở ra những cơ hội hân hoan và hy vọng cho nhiều anh chị em chúng ta những người đang chán nản và đang cần được cảm thông và xoa dịu.
Bản dịch của J.B. Đặng Minh An
(vietcatholic)
Nguyên văn bài giảng