Không ai là thánh nhân. Thật vậy, cuộc sống của con người là một chuỗi dài của lầm lỗi. Có ai mà không hơn một lần phạm tội. Thế nên, có ai mà không mong muốn được hưởng sự tha thứ, sau mỗi lần lầm lỗi, phạm tội.
Nói tới sự tha thứ, Mahatma Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.” Victor Hugo thì nói: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn Martin Luther ư! Ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.
Đúng vậy, Đức Giê-su khi còn tại thế, vào một ngày nọ, khi Thầy và trò bên nhau, tông đồ Phê-rô mon men đến và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”.
Phải là “bảy mươi lần bảy”, vì, như thế mới chứng tỏ: “Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao” và, “ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (x.Hc 17, 29).
Câu chuyện “Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, phác họa rõ nét lòng lân tuất của Thiên Chúa, qua Con Một Người là Đức Giê-su.
Vâng, chuyện được kể rằng: Một hôm, có người thuộc nhóm Phariseu, tên là Si-mon, ông ta mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su nhận lời, và Ngài đã đến nhà ông ta. Tại nhà ông ta, trong lúc mọi người chén tạc chén thù. Thì, bất ngờ thay! Có một vị khách không mời mà đến.
Ai vậy cà! Thưa, đó là một người phụ nữ. Bà ta cũng là một cư dân trong thành. Sự xuất hiện của bà ta làm cho ông chủ của bữa tiệc, khó chịu. Tại sao? Thưa, khó chịu là bởi, nàng “vốn là người tội lỗi trong thành”, và khó chịu hơn nữa, đó là, cử chỉ của nàng quá tự nhiên, quá lố bịch, (ít ra cũng là nơi suy nghĩ của chủ gia).
Vâng, tệ thật, không chút rụt rè, nàng đến bên Đức Giêsu, “mà khóc”. Thật không thể tưởng tượng được rằng, nàng khóc nhiều đến nỗi có thể “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người”, chưa dừng lại ở đó, nàng còn “lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người”, cuối cùng, nàng “lấy dầu thơm mà đổ lên”.
Nhìn cảnh tượng này, ông Simôn không còn bình tĩnh được nữa, tâm hồn ông nghĩ ngợi lung tung về Đức Giêsu. Ông nghi ngờ về vai trò của Ngài, vai trò của một ngôn sứ, như ông ta đã nghĩ như thế, rằng, ngôn sứ gì mà không biết “người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi”!!!
Đọc được những suy nghĩ của ông, Đức Giêsu phớt lờ về những ý nghĩ thiển cận đó. Ngược lại, Ngài đã biểu lộ lòng lân tuất của mình và sẵn sàng ban ơn tha thứ cho người phụ nữ đó. Hôm đó, trước đông đảo cử tọa nơi bữa tiệc, Đức Giêsu tuyên bố: “Tội của chị được tha rồi”.(x.Lc 7, 48)
Có thể nói rằng, Si-mon, cũng như tất cả những người hiện diện trong bữa tiệc, tuy “đồng bàn” với Đức Giêsu, nhưng họ đã không “đồng tâm” với Ngài. Chưa đồng tâm, có thể do họ chưa được nghe những gì Đức Giêsu đã giảng dạy, rằng: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).
Có thể, họ chưa nghe bài học về sự “xét đoán” của Đức Giê-su. Bài học rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy…. Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới”.
Hôm đó, để cho Simon, cũng như toàn thể quan khách, nhìn thấy “cái xà gồ nơi đôi mắt của mình”, Đức Giêsu đã kể câu chuyện về một ông chủ nợ, ông ta “thương tình tha cho cả hai” con nợ, một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm mươi, “vì họ không có gì để trả”. Sau đó, để cho vị chủ nhà đừng soi mói “cái rác trong con mắt người khác”, Ngài hỏi, “Trong hai người đó, ai mến chủ hơn”?
Vâng, thật dễ cho câu trả lời. Thì đây, hãy đem người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành”, và so sánh với ông kẹ Phariseu tên là Simon, về việc tiếp đón Đức Giê-su. Một bên là ông, là “chủ bữa tiệc”, thế mà “nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi”. Còn với chị ta ư! Kìa! Ông không thấy chị ta đã lấy “dầu thơm mà đổ lên chân tôi sao?”
Thật ra, với Đức Giê-su, có xá gì một “bình bạch ngọc dầu thơm”, có xá gì một bữa tiệc linh đình… Kinh Thánh, có lời Đức Chúa đã phán với ngôn sứ Edekien rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23).
Xưa, một David với lỗi lầm này tiếp lỗi lầm khác. Nhưng vì ông ta đã biết mình “đắc tội với Đức Chúa” nên “Đức Chúa – Người đã bỏ qua tội của (ông ta) và (ông ta) sẽ không phải chết” (2Sm 12,13). Nay, không phải Đức Giê-su dung dưỡng kẻ phạm tội. Ngài muốn mở lối cho kẻ ăn năn và hối cải trở về. Với một điều kiện duy nhất, đó là “Sự sám hối và lòng tin”.
Người phụ nữ, trong câu chuyện, đã biểu lộ lòng sám hối qua hành động “đứng sát chân Ngài mà khóc”, cùng với trọn vẹn lòng tin của mình, thì có gì phải xầm xì nhỏ to, khi Đức Giê-su tuyên bố “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”, hở ông Si-mon?
Thật ra, khi truyền dạy về sự tha thứ, Đức Giê-su còn đưa ra nhiều “dụ ngôn”, điển hình như dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, hầu cho mọi người có thể khám phá ra một Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” đối với tất cả mọi người.
“…Thiên Chúa, qua Con Một là Đức Giê-su, ‘đi tìm con chiên lạc’, tha thứ đứa con hư hỏng, nay biết hối cải trở về. Và cuối cùng, tại đồi Golgotha, là một cử chỉ đầy bao dung, Ngài đã cầu nguyện: ‘Lạy Cha xin tha cho họ’. Chưa hết, Người còn “bào chữa” cho những kẻ đóng đinh Người ‘vì họ không biết việc họ làm’. Đó là dung mạo, là bản tính của Thiên Chúa”. Vâng, Lm. Charles E.Miller, qua một bài giảng, đã chia sẻ với chúng ta, như thế.
Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết đến lời cầu nguyện do chính Đức Giê-su, đã dạy. Vâng, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
Thế nhưng, như lời Tổng Giám Mục José H. Gomez, trong một bài giảng, ngài nói rằng: “Nền văn hóa của chúng ta ngày nay đã trở nên một nền văn hóa càu nhàu và nóng giận, người ta mau chóng kết án và mau chóng chỉ trích. Chúng ta đang sống trong nền văn hóa thiếu vắng sự tha thứ.
Hằng ngày, chúng ta vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết tha thứ khi chúng ta đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’ Nhưng thật khó biết dường nào để chúng ta sống với những lời nguyện ấy! Ngược lại, chúng ta thấy dễ dàng biết bao khi chúng ta đi vào những phê bình chỉ trích tha nhân.”
Thì đây, hãy nhìn ở Việt Nam hôm nay. Chỉ cần một va quẹt nhẹ trong lúc lưu thông trên đường phố, thay vì xin lỗi và tha thứ, người ta lại xử sự với nhau bằng tiếng “Đan Mạch”, bằng cơ bắp, có khi lại bằng gươm giáo nữa.
Sống không có sự tha thứ, cuộc sống đó luôn chất chứa sự oán trách, tệ hơn nữa, đó là hận thù. Và, nếu điều này ngự trị trong gia đình, thì gia đình đó có còn là tổ ấm, hay sẽ trở thành ngục tù! Thưa, chắc chắn là ngục tù.
Trong chuyên mục “Quà tặng cuộc sống”, có một câu chuyện được kể, rằng: “Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên, rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.
Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng.
Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và chúng tôi không muốn mang nó trong người nữa.
Các bạn thấy không? sự bực tức giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng thêm cho bản thân mình, nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ, để tâm, nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa… Khi chúng ta lấy câu chuyện trên để nói về nó, chúng ta mới thấy được sự vướng víu khó chịu.
Các bạn hãy như những người bạn trong câu chuyện, vứt bỏ đi những sự khó chịu, sự bực tức vì chính nó làm kiềm hãm sự suy nghĩ và sự thăng tiến của mỗi chúng ta.
Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.” (nguồn: internet)
William Arthur Ward có nói: “Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ”.
Làm sao để có “chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay hận thù”?
Tạ ơn Chúa, thánh Phaolô, ngài đã chỉ dẫn cho ta một phương thế, đó là, hãy “cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá”, dĩ nhiên thánh nhân không “xúi dại” chúng ta đóng đinh thân xác mình, nhưng là “đóng đinh tội lỗi cùng bản ngã” của mình, bởi có như thế, chúng ta mới có thể trở thành một con-người-mới, một con người “sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
“Đức Kitô sống trong tôi”, hãy tin, với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta đủ sức “phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ”.
Một khi lòng ích kỷ không ngự trị trong tâm hồn ta, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, không cần đợi đến thánh Phan-xi-cô thành Assisi kêu gọi, mà tự chính chúng ta cũng ý thức đến việc phải nối dài cánh tay ngài: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Nói tắt một lời, đó là chúng ta đem hạnh phúc và bình an đến cho mọi người.
Nói cách khác, làm được như thế, chúng ta không chỉ tiếp tục thực hiện “lòng lân tuất và ơn tha thứ” của Thiên Chúa, đối với tha nhân, mà còn làm tròn mệnh lệnh của Chúa. Vì, tha thứ chính là “mệnh lệnh của Chúa”.
Petrus.tran