“Mến Chúa và Yêu người” như hai mặt của đồng tiền, và luôn phải song hành trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu. Thánh Gio-an, trong thư thứ nhất đã viết, rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy” (x.1Ga 4, 20)
Còn với Đức Giê-su ư! Với Ngài, cũng vậy. Để chứng tỏ là một con người hoàn thiện, người ấy không chỉ “tuân giữ” các điều răn (mến Chúa), mà còn phải “bán tài sản… và đem cho người nghèo” (yêu người). Vâng, đây là điều Đức Giê-su đã công bố trước một người thanh niên giàu có, khi anh ta đến gặp Ngài, xin bí quyết, “phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời” (x. Mt 19, 16-22).
Có thể nói rằng; “Yêu người”, hay nói rõ hơn, tình yêu thương giữa con người với con người, luôn là điều được Đức Giê-su coi trọng, coi trọng như là một “điều răn mới”.
Tại sao? Thưa, thứ nhất là bởi, thời đó, trước một “rừng” luật lệ, và, riêng về luật yêu thương, Đức Giê-su đã thấy có một sự “ích kỷ” nào đó qua việc thực thi. Thế nên, trong một lần giảng dạy về tình yêu thương, Ngài đã có những lời dạy dỗ rất mạnh mẽ; “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Tiếp đến là bởi, Ngài cũng đã phải chứng kiến chính những người môn đệ của mình rơi vào vòng xoáy của sự ganh tị và vị kỷ. Các ông, tuy là những người môn đệ cùng một Thầy, nhưng lại không có được tình yêu thương của kẻ đồng môn.
Không ai có thể hiểu được vì sao các môn đệ lại tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả và tại sao hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan lại “muốn Thầy thực hiện cho hai anh em một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”!
Đứng trước thực trạng này, ngoài những lời dậy dỗ về tình yêu thương (nêu trên), Đức Giê-su có thêm một lời dạy dỗ bằng hành động. Hôm đó, trong bối cảnh của một buổi tiệc mừng lễ Vượt Qua, và trong lúc các môn đệ còn đang băn khoăn về một kẻ trong nhóm họ phản bội, Đức Giêsu lên tiếng “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy…”.
Vâng, có thể nói, những lời Đức Giêsu gọi các môn đệ như thế, đã nói lên cái nhìn thấu suốt của Ngài về các ông. Là những tập hợp của nhiều cá tính, họ cần phải được học cách yêu thương. Cách yêu thương họ cần học đã được Đức Giêsu thể hiện qua cử chỉ rửa chân cho họ, trước đó.
Hôm đó, nhìn những người môn đệ của mình, Ngài đã nói với họ bằng những lời đầy tha thiết, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau.” Mới ở chỗ nào? Thưa, mới ở chỗ “phẩm chất”, mới ở chỗ mang tính tích cực, của điều luật.
Thì đây, chúng ta hãy xem. Người xưa dạy rằng, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, nhưng luật Chúa Giêsu, thì “tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta..”(x.Mt 12,12).
Vâng, đó chỉ là một ví dụ điển hình, cái “mới” của điều luật, tuyệt vời nhất, chính là người làm ra điều luật, là người đã dám thực thi điều luật một cách tuyệt đối.
Hãy nhìn xem, trên đồi Golgotha, cái chết của Đức Giêsu đã chứng minh cho điều Ngài đã giảng dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.
Hôm đó, kết thúc lời truyền dạy, Đức Giêsu nhấn mạnh, rằng, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Vâng, với các môn đệ xưa cùng với những tín hữu tiên khởi, thiên hạ đã không nhận ra họ là môn đệ của Đức Giê-su, qua biểu tượng thánh giá đeo trên cổ.
Nhưng, họ đã làm cho mọi người nhận biết họ là môn đệ của Chúa Giêsu qua việc: “Hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung… đồng tâm nhất trí. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 44-46).
Với chúng ta hôm nay, hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta sẽ làm gì để “mọi người nhận biết (mình) là môn đệ của Chúa Giêsu”? Phải chăng là đi nhà thờ, là siêng năng tham dự Tiệc Thánh, v.v…?
Thưa, rất tốt. Nhưng, sẽ là tốt hơn, nếu trong cuộc sống thực tế hàng ngày, chúng ta chính là “nhân tố” làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”.
Thực hiện điều này có quá khó? Thưa, sẽ rất khó, nếu chúng ta không dẹp bỏ được những thói xấu như: nóng giận, ganh tỵ, say sưa, chè chèn v.v… Thế nhưng, sẽ rất dễ dàng, nếu chúng ta luôn có được một tâm hồn nhân hậu, bác ái, một đức tính hiền hòa, nhẫn nhục v..v..
Vâng, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình, rằng, chúng ta đã hội đủ những đức tính này chưa! Và chúng đã sẵn sàng “tiến lên hy sinh vì tình yêu”!
Hay chúng ta cho rằng: Ôi! sống trong một xã hội tràn ngập những con người “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi… lương tâm không bằng lương tháng” v.v… khó quá! Khó thực hiện quá!
Câu trả lời sẽ là do mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng: đã là người môn đệ của Đức Giê-su, dù ở không gian hay thời gian nào, dù có sống trong một thể chế nào, biểu lộ tình yêu thương bằng cách trở thành “nhân tố” làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”, chính là điều, như lời Kinh Thánh nói: làm “đẹp lòng Chúa và người ta” (x. Hc 25, 1)
Mà… “Làm-đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta”, hãy tin, thiên hạ sẽ nghĩ về chúng ta, rằng: “Ồ! Ông (bà) này là người Công Giáo chắc!” Vâng, có phần chắc, “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”.
Petrus.tran